Đại Kỷ Nguyên

Tào Tháo, trang sử thất lạc của một anh hùng (Kỳ 6): Vì sao Tào Tháo đánh bại Viên Thiệu dù quân ít hơn 10 lần?

Lời toà soạn: Lịch sử 5.000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Á Đông gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.  

Tào Tháo (155 – 220) là một ngôi sao sáng trên vũ đài lịch sử Trung Hoa, mưu trí hơn người, toàn tài văn võ, một tay chống giữ triều cương, bình định phản loạn, gây nền thái bình, đặt định thống nhất giang sơn.

Suốt hàng nghìn năm qua, đã có biết bao câu chuyện xung quanh Tào Tháo, người gọi ông là quân tử, kẻ cho ông là tiểu nhân, người hâm mộ, kẻ khinh ghét, thực là trăm nhà đua tiếng. Chuyện cũ nghìn năm phủ bụi, thật giả đôi khi khó tường, loạt bài về Tào Tháo sẽ phần nào giúp quý độc giả có được cái nhìn toàn diện, chân thực và công bằng nhất về nhân vật từng tiêu tốn biết bao giấy mực này.

Xem thêm:  Kỳ 1,  Kỳ 2,  Kỳ 3,  Kỳ 4,  Kỳ 5

***

Tháo có 10 điều thắng, Thiệu có 10 điều thua

Năm 199 (tức Kiến An năm thứ 4), Viên Thiệu đánh bại Công Tôn Toản, men theo sông Hoàng Hà mà chiếm giữ mấy châu: U, Ký, Thanh, Tinh, lại phong tước, phủ dụ người Ô Hoàn để giải mối lo phía bắc sau này. Viên Thiệu giao cho con trưởng Viên Đàm, con thứ Viên Hy và cháu trai trấn thủ 3 châu Thanh, U, Tinh, nắm trong tay 10 vạn tinh binh, 1 vạn kỵ binh, muốn đem quân nam chinh giành lấy thiên hạ.

Khi ấy Tào Tháo tuy làm chủ 2 châu Dự, Duyện nhưng thế lực còn mỏng, binh không quá 2 vạn. Phía bắc có đại quân Viên Thiệu áp sát biên giới, phía nam có Trương Tú, Lưu Biểu cứng đầu không hàng, phía đông Lưu Bị cũng liên thủ với Viên Thiệu, mạn đông nam có Tôn Sách luôn rục rịch, có thể động binh bất cứ lúc nào.

Khi ấy, Khổng Dung giữ chức Thiếu phó trong triều bi quan nhận xét rằng, Viên Thiệu đất rộng binh nhiều, mưu sĩ có Điền Phong, Hứa Du, dũng tướng lại có bọn Nhan Lương, Văn Xú, e rằng khó mà thắng được. Nhưng mưu sĩ của Tào Tháo là Tuân Úc và Quách Gia thì nghĩ khác, đánh giá Tào Tháo cao hơn Viên Thiệu. Quách Gia cho rằng Tào Tháo có 10 điều thắng, Viên Thiệu có 10 điều bại.

Tào Tháo có 10 điều thắng. Ảnh dẫn theo vothuat.vn

Một là thắng về đạo, Thiệu đa lễ rườm rà, Tháo đơn giản tự nhiên.

Hai là thắng về nghĩa, Thiệu dấy binh phản nghịch, Tháo thuận theo lẽ phải mà chỉ huy thiên hạ.

Ba là thắng về trị, thời Hán mạt chính sự trễ nải vì quá khoan nhu, Thiệu khoan hòa, nhu nhược nên chẳng thay đổi được gì, Tháo cương quyết, nghiêm ngặt đưa người ta vào khuôn phép.

Bốn là thắng về độ, Thiệu bề ngoài khoan hòa song bên trong thì nghi kỵ, dùng người mà lòng đầy ngờ vực, chỉ tin dùng con em thân thích, Tháo bề ngoài giản dị, dễ gần nhưng bên trong sáng suốt, khéo léo, dùng người không chút ngờ vực, chỉ cần có tài là được trọng dụng, chẳng kể thân sơ.

Năm là thắng về mưu, Thiệu nhiều mưu kế mà thiếu quyết đoán, về sau thường mắc sai lầm, Tháo cứ có kế hay là thi hành ngay, ứng biến vô cùng.

Sáu là thắng về đức, Thiệu cậy gia thế nhiều đời, bàn chuyện lễ nghĩa cao siêu để lấy tiếng khen, những kẻ xu nịnh theo đầy dưới trướng, Tháo lấy thành thực đãi người, theo lẽ mà làm, không vì tiếng khen hão, với người có công thì không hề bủn xỉn, kẻ sĩ trung chính có thực tài đều nguyện chịu sai khiến.

Bảy là thắng về nhân, Thiệu thấy người khác đói rét thì thương xót lộ rõ ra nét mặt nhưng chỉ là lòng nhân của đàn bà, Tháo bỏ qua chuyện nhỏ trước mắt, lo liệu đại sự chu toàn, ân huệ ban ra quá cả kỳ vọng, dẫu là việc không nhìn thấy cũng vẫn suy tính đầy đủ, chẳng hề thiếu sót. 

Tám là thắng về minh, đại thần của Thiệu tranh đoạt quyền bính, sàm nịnh mê loạn, Tháo dùng đạo lý mà quản thuộc hạ, chẳng chịu nghe lời gièm pha ton hót.

Chín là thắng về văn, Thiệu không phân biệt phải trái, Tháo gặp việc đúng đắn thì dùng lễ đối đãi, thấy chuyện sai trái thì dùng phép để trị.

Mười là thắng về võ, Thiệu thích phô trương thanh thế, không hiểu cốt yếu của binh cơ, Tháo lấy ít địch nhiều, dụng binh như thần, khiến cho quân lính được nhờ, kẻ địch sợ hãi.

Viên Thiệu có 10 điều thua. Ảnh dẫn theo youtube.com

Ba sứ quân hùng mạnh nhất lúc bấy giờ là Viên Thiệu, Lưu Biểu, Tào Tháo. Đặt lên bàn cân mà phân tích mạnh yếu thì thấy rằng, Viên Thiệu không thể dùng người, Lưu Biểu có người tài nhưng không biết dùng ra sao còn Tào Tháo thì tận thu hết cả anh hùng thiên hạ về dưới trướng.

Viên Thiệu tuy binh đông nhưng chẳng qua chỉ là hạng ô hợp, “có đầy hiền tài dưới trướng mà chẳng dùng được, kẻ sĩ tài giỏi lũ lượt bỏ đi. Lưu Biểu giữ Kinh Sở, ung dung ngồi nhìn thiên hạ tranh nhau. Kẻ sĩ chạy loạn đến Kinh Châu đều là hạng anh tuấn trong thiên hạ cả. Nhưng Biểu cũng không biết dùng, cho nên nước nhà nghiêng đổ mà không ai giúp được. Minh công từ ngày bình định Ký Châu, xuống xe lập tức chỉnh đốn sĩ tốt, thu dùng hào kiệt, nhờ vậy mà tung hoành thiên hạ. Lúc bình định Giang Hán, lại trọng dụng hào kiệt xứ ấy, theo thứ bậc trao ngôi vị, khiến cho cả thiên hạ đều hướng về mà ngóng trông, văn võ đều cố công, anh hùng đều dốc sức. Đó là nghĩa cử của Tam vương vậy” (Vương Xán truyện – Tam Quốc Chí). Tam vương ở đây là ba vị vua khai sáng ra các triều Hạ, Thương, Chu là: Hạ Vũ, Thương Thang và Chu Văn Vương. 

Quả thực, Tào Tháo có tấm lòng bác đại, khí độ khoáng đạt. Ông đã sớm nhìn ra Lưu Bị là kẻ anh hùng: “Anh hùng thiên hạ, duy chỉ có sứ quân và Tháo này mà thôi“. Tháo đối với Lưu Bị hết sức kính trọng, “đi thì cùng xe, ngồi thì cùng chiếu“. Mưu sĩ của Tào Tháo là Trình Dục, Quách Gia mấy lần khuyên ông nên nhân cơ hội giết Lưu Bị, phòng mối họa sau này. Nhưng Tào Tháo trả lời rằng: “Bây giờ là lúc thu dụng anh hùng, không thể vì giết một người mà mất lòng cả thiên hạ“.

Tào Tháo sớm đã nhìn ra Lưu Bị là một anh hùng. Ảnh dẫn theo ent.sina.com.cn

Kiến An năm thứ 3, Tào Tháo ở Duyện Châu, trọng dụng Tất Kham, người ở Đông Bình, làm Biệt giá. Khi Tháo viễn chinh đánh Từ Châu, Trương Mạc ở lại làm phản, theo về Lã Bố, bắt lấy mẹ già, anh em, vợ con của Kham. Tháo nói với Kham rằng: “Mẹ già ở chỗ Trương Mạc, ông nên sang đó thì hơn“. Kham dập đầu, quỳ gối, thề không rời đi. Tháo cảm động rơi lệ.

Nhưng khi Tháo đi rồi, Kham lại trốn sang chỗ Trương Mạc, không lời từ biệt. Đến khi Lã Bố bị diệt, Kham bị bắt sống. Ai cũng nghĩ rằng phen này Tất Kham chết chắc. Không ngờ Tào Tháo chỉ nói một câu: “Người có hiếu với cha mẹ như thế, há lại chẳng trung với vua hay sao?“, bèn tha chết cho Kham, lại còn phong làm Lỗ tướng.

Ngụy Chủng vốn là Hiếu liêm được Tào Tháo đề cử. Khi Trương Mạc công hãm Duyện Châu, Tào Tháo nói với chư tướng rằng: “Ngụy Chủng tất không bán đứng ta“. Nào ngờ, Ngụy Chủng lại mau chóng đầu hàng. Đến khi đánh bại Trương Mạc, Ngụy Chủng bị bắt, Tào Tháo cũng không giết ông ta, chỉ nói: “Hắn cũng là một bậc kỳ tài, hãy cởi trói để sau này dùng đến“. 

Dương Phụ, người huyện Ký, quận Thiên Thủy, Lương Châu. Phụ sớm nổi danh, được làm Lương Châu tòng sự. Châu mục Lương Châu là Vi Đoan chọn Phụ làm sứ giả đến Hứa Đô. Phụ trở về, chư tướng Quan Hữu hỏi tình hình tương quan lực lượng giữa Viên Thiệu và Tào Tháo. Phụ nhận định rằng Tào Tháo hùng tài dũng lược hơn người, có thể thành đại sự. Viên Thiệu bấy giờ tuy mạnh nhưng ắt bại. Nghe Phụ nói vậy, chư tướng Quan Hữu quyết định đứng ở thế trung lập, không can thiệp vào cuộc chiến Viên – Tào.

Đại chiến khai màn

Tháng 8 năm 199 (tức Kiến An năm thứ 4), Tào Tháo tiến quân đến Lê Dương. Thái thú Đông Quận là Lưu Diên đóng quân ở Bạch Mã, chuẩn bị chống lại quân Viên Thiệu. Tháng 9, Tháo về Hứa Đô, chia binh giữ Quan Độ. Bấy giờ, Viên Thiệu từng phái sứ giả đến Nhưỡng Thành thuyết phục Trương Tú cùng dấy binh giáp công Tào Tháo.

Mưu sĩ của Trương Tú là Giả Hủ căn ngăn, khuyên Tú nên hàng Tào. Trương Tú sợ Tào Tháo vẫn nhớ mối thù giết con mà không dung mình nên dùng dằng chưa quyết. Giả Hủ cho rằng Tào Tháo có chí bá vương, sẽ gạt bỏ oán thù riêng mà tỏ rõ uy đức với bốn biển. Tháng 11, Tú đem quân bản bộ đến hàng Tào. Tào Tháo rất vui mừng, bèn mở yến tiệc, còn bái Tú làm Dương Vũ tướng quân, tước Liệt hầu.

Tháng Giêng năm 200 (tức Kiến An năm thứ 5), Xa kỵ tướng quân Đổng Thừa liên thủ với Lưu Bị mưu ám sát Tào Tháo. Nhưng chuyện mau chóng bại lộ, Đổng Thừa bị Tháo giết. Lưu Bị vội vã trốn khỏi Hứa Đô, sau lừa mưu giết Thứ sử Từ Châu Xa Trụ, liên thủ cùng Viên Thiệu kháng Tào. Tào Tháo đột ngột phát một đạo kỳ binh tinh nhuệ tiến sang phía đông công phá Từ Châu, đánh bại Lưu Bị. Bị lại chạy sang nương nhờ Viên Thiệu. Tào Tháo lại đánh Hạ Bi, Quan Vũ xin hàng. Tháo đãi Quan Vũ vào hàng thượng khách, ban tặng bạc vàng, châu báu, mỹ nữ, ngựa quý, rất là hậu hĩnh. Sau đó, Tào Tháo rút quân về Quan Độ, gấp rút chuẩn bị đánh Viên Thiệu.

Tào Tháo rút quân về Quan Độ chuẩn bị đánh Viên Thiệu. Ảnh dẫn theo ancientchinese.net

Tháng 2, Viên Thiệu sai Trần Lâm viết hịch văn thảo phạt Tào Tháo, bố cáo khắp thiên hạ, lại phái Nhan Lương vây đánh Bạch Mã, còn tự mình thống suất đại quân đến Lê Dương chuẩn bị vượt sông. Tháng 4, mưu sĩ của Tào Tháo là Tuân Du bày kế: “Nay ta binh ít, chưa nên trực diện đối đầu, phải dùng kế chia bớt lực lượng của Thiệu mới được. Minh công dẫn quân đến Diên Tân làm nghi binh rồi quay trở lại đánh úp Bạch Mã mới là thượng sách“.

Tháo nghe lời Tuân Du, dẫn binh đến Diên Tân giả bộ định vượt sông đánh vào mặt sau Viên Thiệu. Thiệu thấy vậy liền vội vã chia binh ra giữ Diên Tân. Lúc ấy, Tháo bất ngờ tiến thẳng đến Bạch Mã tập kích. Nhan Lương bị Quan Vũ chém chết. Tào Tháo chỉ huy đại quân liều chết xung phong, quân Thiệu thua chạy tán loạn. Bạch Mã nhờ đó được giải vây.

Tào Tháo lại dời hết dân ở đó, men sông đi về phía tây. Thiệu dẫn quân vượt sông truy kích. Tới phía nam Diên Tân, Tháo cho quân sĩ hạ trại, lại lệnh kỵ binh cởi yên thả ngựa, đem quân nhu vứt đầy mặt đất, một mặt gấp rút vận chuyển xe truy trọng từ Bạch Mã đến. Các tướng đều ngơ ngác không hiểu gì, khuyên Tháo nên lui binh về cố thủ giữ trại. Chỉ có Tuân Du hiểu ý Tháo, nói: “Đấy là kế nhử địch, hà cớ gì lại phải lui về?“.

Văn Xú và Lưu Bị dẫn 5000 kỵ binh đuổi gấp tới. Quân Viên Thiệu thấy khí giới, quân nhu la liệt mặt đất bèn tranh nhau xuống nhặt, đội hình hỗn loạn không còn thế trận gì. Bấy giờ Tào Tháo mới điểm 500 quân kỵ mã thừa cơ đột kích đánh úp. Quân Viên Thiệu thua chạy tán loạn, Văn Xú chết trong đám loạn quân. Tào Tháo lại về giữ Quan Độ. Viên Thiệu tiến quân đến Dương Vũ.

Lại nói, Quan Vũ lập công được Tào Tháo xin Hán đế phong làm Hán Thọ Đình hầu, trọng thưởng rất hậu. Nhưng khi ấy, Vũ nghe được tin Lưu Bị đang nương nhờ Viên Thiệu thì lập tức lạy tạ Tào Tháo, rũ áo ra đi. Tả hữu đều xin đuổi theo bắt Quan Vũ, Tháo gạt đi nói rằng: “Ai thờ chủ nấy, khỏi phải đuổi theo làm gì!“.

Tào Tháo khoan dung, độ lượng như vậy, thực đã diễn một chữ “Nghĩa” đầy cảm khái. Chỉ cần Tào Tháo hạ lệnh, tất cả quan ải đất Ngụy đều sẽ khóa kín, Quan Vũ có mọc cánh cũng khó đi qua, càng không nói đến chuyện qua 5 ải, chém 6 tướng, hộ tống 2 chị dâu vượt nghìn dặm về với Lưu Bị. Nhưng Tháo đã không làm, chấp nhận mất đi một nghĩa sĩ mà mình hết lòng ái mộ, chấp nhận vì nghĩa thả Quan Vũ.

Mà Quan Vũ về đâu? Chính là về dưới trướng Viên Thiệu, địch thủ số một của Tào Tháo. Nhưng vì nghĩa, Tháo sẵn sàng bỏ qua tất cả, cùng Quan Vũ diễn nên một màn kịch lưu danh thiên cổ. Nếu không có tấm lòng đại nghĩa của Tào Tháo thì ba anh em Lưu, Quan, Trương làm sao có thể diễn trọn vẹn mối tình kết nghĩa vườn đào được hậu thế nghìn đời ca tụng đây?

Tháng 8, Viên Thiệu tiến quân sát Quan Độ lập trại nối nhau liên tiếp, dựa vào gò đất làm doanh, đông tây kéo dài đến mấy chục dặm. Tào Tháo cũng chia quân dựng trại đối địch. Quân Viên đắp núi đất, đứng trên đó mà bắn tên vào trại Tào. Quân Tào lại chế ra xe bắn đá, nhằm vào các cao điểm của quân Viên mà bắn phá. Quân Viên đào địa đạo, hầm ngầm vào định đánh úp. Quân Tào bên trong lại đào hào lớn mà chống đỡ. Hai bên cứ giằng co bất phân thắng bại như thế.

Nhưng Tào Tháo binh yếu lương thiếu, tình cảnh ngày càng nguy nan, quân sĩ bị thương có đến hai, ba phần mười. Bấy giờ, Tháo viết thư gửi mưu sĩ Tuân Úc, nói rằng muốn rút về Hứa Đô. Nhưng Tuân Úc nhất mực can ngăn, nói: “Tất cả quân Thiệu đều ở Quan Độ, quyết sống mái với minh công. Minh công lấy ít địch nhiều, dựa vào thế hiểm, chẹn ở yết hầu khiến Thiệu không tài nào tiến được, nay đã nửa năm. Tình thế đến cùng cực ắt là có biến, đây là lúc dùng binh, không thể thoái lui“. Tháo bèn nghe theo, quyết chống giữ với Thiệu, không rút về nữa.

Bấy giờ, Tôn Sách ở phía nam ra sức bình định chư hầu, thế mạnh như gió thổi cỏ rạp, xưng bá khắp cả một vùng Giang Đông. Khi Tào Tháo cùng Viên Thiệu chống giữ nhau ở Quan Độ, Sách muốn đem quân tập kích Hứa Đô. Trong trại quân Tào, ai nấy nghe tin đều vô cùng hoảng sợ. Duy chỉ có Quách Gia vẫn thản nhiên như thường, cho rằng Tôn Sách tính khí nóng nảy, tự phụ, bất cẩn, rồi sẽ chết về tay thích khách. Quả nhiên sau này Tôn Sách bị môn khách của Hứa Cống báo thù, trúng phải tên độc, chẳng bao lâu thì chết. Hứa Đô lại được bình yên vô sự.

Tháng 10, Viên Thiệu sai Đại tướng Thuần Vu Quỳnh dẫn 1 vạn quân tải lương về trữ ở kho Ô Sào, cách đại doanh quân Viên 40 dặm về phía bắc. Mưu sĩ là Thư Thụ khuyên Viên Thiệu nên gia tăng binh mã phòng thủ Ô Sào cẩn mật. Thiệu nghe nói chỉ ừ hữ cho qua chuyện. Một mưu sĩ khác là Hứa Du lại khuyên Thiệu nên thừa dịp quân Tào hậu phương trống trải mà tiến thẳng đến đánh úp Hứa Đô. Nhưng Thiệu không đồng ý, cho là kế mọn.

Hứa Du giận, bèn hàng Tào. Tào Tháo nghe Hứa Du đến thì “chân không chạy ra đón, thấy Du từ xa, vỗ tay cười lớn“. Tào Tháo theo kế của Hứa Du, tự mình dẫn 5000 tinh binh ban đêm đánh úp kho Ô Sào, bốn mặt phóng hỏa. Trương Cáp muốn xuất quân cứu Ô Sào. Viên Thiệu gạt đi, cho rằng thượng sách lúc này phải là công phá trại Tào vì Tào Tháo đã xuất trại rời đi. Thiệu bèn sai Trương Cáp, Cao Lãm dẫn trọng binh đến thẳng Tào doanh đánh úp. Nhưng quân Tào đã sớm có phòng bị, trên dưới thủ vững, không sao hạ nổi.

Tào Tháo khích lệ quân sĩ tử chiến, đại phá kho Ô Sào, giết Thuần Vu Quỳnh, đốt cháy toàn bộ lương thực của Viên Thiệu. Nghe tin Ô Sào thất thủ, quân Viên mất hết ý chí chiến đấu, Trương Cáp, Cao Lãm chạy sang hàng Tào. Đại quân Viên Thiệu phút chốc tan vỡ. Thiệu cùng con là Đàm dẫn 800 kỵ binh vượt sông rút chạy về Hà Bắc. Bảy vạn quân sĩ đều bị tiêu diệt sạch. Nhiều quận ở Ký Châu tới tấp hàng Tào. Cuộc chiến Quan Độ lấy ít địch mạnh của Tào Tháo đã đi vào kinh điển của binh gia, lưu danh muôn đời.

Cuộc chiến Quan Độ lấy ít địch mạnh của Tào Tháo đã đi vào kinh điển của binh gia, lưu danh muôn đời. Ảnh dẫn theo mubi.com

Tấm lòng nghĩa khí ít người sánh kịp

Lúc Tào Tháo gặp nguy khốn, rơi vào cảnh hiểm nghèo ở Quan Độ, thủ hạ dưới trướng không ít người dao động, có thư từ qua lại với Viên Thiệu, ngỏ ý muốn bỏ Tào hàng Viên. Sau Tháo thắng trận, tất cả thư từ ấy đều thu được. Có người khuyên Tháo nên lập ra danh sách những người từng giao du với Thiệu để trị tội. Tháo cười mà nói: “Khi thế Thiệu mạnh, bản thân ta cũng còn nghi hoặc không biết có thể chống đỡ được không huống chi là chư khanh dưới trướng“.

Đoạn, Tháo bèn lệnh cho quân sĩ cầm đuốc thiêu hết đống thư từ ấy đi ngay trước mặt bá quan văn võ. Chẳng kể hiềm khích, tư thù, oán hận, Tào Tháo là như vậy, luôn lấy đại nghĩa quốc gia làm trọng. Tấm lòng ấy của bậc anh hùng đúng là không thể dùng đạo lý bình thường mà đo lường được, khiến cho cả kẻ thù lẫn thuộc hạ của Tháo đều vô cùng kinh ngạc, tâm phục khẩu phục.

Khi trước, thời vua Hoàn đế thấy có sao Hoàng xuất hiện ở địa phận biên giới đất Sở – Tống. Người ở Liêu Đông là Ân Quỳ giỏi nghề thiên văn, xem thiên tượng đoán rằng sau 50 năm nữa sẽ có bậc chân nhân nổi lên ở khoảng giữa đất Lương, đất Bái, khí thế không thể ngăn nổi. Đúng 50 năm sau, Tào Tháo phá Viên Thiệu ở Quan Độ, thiên hạ chẳng ai địch nổi, vừa hợp với điềm báo khi trước vậy.

Tháng 9, Tào Tháo về Hứa Đô. Viên Thiệu quay về Hà Bắc thu thập sĩ tốt ly tán, sai Lưu Bị đánh Nhữ Nam. Khi ấy có lũ giặc cỏ ở Nhữ Nam là Cung Đô cũng theo Lưu Bị đánh phá. Tháo sai Sái Dương đến cự lại nhưng thất thế, bị Cung Đô phá tan. Tào Tháo lập tức lên đường xuống phía nam chinh phạt Lưu Bị. Bị nghe tin Tháo đích thân dẫn quân đến liền chạy sang nương nhờ Lưu Biểu, bọn Cung Đô đều bị Tháo dẹp tan cả. Lưu Biểu khi ấy ngồi giữ Kinh Châu, nghe tin Lưu Bị đến, tự mình xuất thành nghênh đón, lấy lễ của thượng khách mà đãi, cấp cho quân đội, sai ra trấn thủ ở Tân Dã.

Tào Tháo lập tức lên đường xuống phía nam chinh phạt Lưu Bị. Ảnh dẫn theo youtube.com

Tháng Giêng năm 202 (tức Kiến An năm thứ 7), Tào Tháo dẫn quân đến đất Tiêu, vốn là quê cũ, thấy trăm họ khổ cực, sinh linh đồ thán, ruộng đất hoang phế, trăm nghề đình đốn, bèn lệnh rằng: “Ta khởi nghĩa binh, vì thiên hạ trừ bạo loạn. Nhưng bách tính quê nhà phải chịu cảnh chết chóc, xiêu tán. Đi lại cả ngày, chẳng gặp người quen, lòng ta sầu thảm vô cùng. Từ khi ta cất nghĩa binh đến nay, tướng sĩ có người tuyệt đường kế tự, phải tìm lấy kẻ thân thích mà làm người nối dõi. Nay ta cấp cho ruộng đất, trâu cày, đặt ra trường học để dạy dỗ họ. Lại cho lập đền miếu, để họ được tế tự bậc tiền nhân, hồn thiêng có linh, trăm năm sau ta cũng không còn phải oán hận gì nữa“.

Tào Tháo lại đến huyện Tuấn (Hà Nam ngày nay) bày sửa lễ nghi, khai một con kênh ở phía bắc sông Tuy. Tháo bất giác nhớ lại chuyện cũ về Thái úy Kiều Huyền năm đó. Kiều Huyền vốn là bạn vong niên với Tháo, có tài nhìn ra anh hùng, thường nói: “Thiên hạ tất loạn, không có cái tài cái thế thì không trị được. Người dẹp yên thiên hạ tất là anh vậy“. Kiều Huyền còn nhắn nhủ, giao lại vợ con cho Tháo trông nom sau này.

Tháo sai làm cỗ thái lao để tế Kiều Huyền, tự tay viết văn tế: “Nhớ Thái uý Kiều công, chí đức rạng ngời, rộng rãi với người, có bụng bao dung. Người trong nước nhớ lời minh huấn, kẻ sĩ ngẫm chính lệnh mưu sâu. Dù thân thể không còn, anh linh vẫn phảng phất. Bao la thay, rạng rỡ thay! Ta còn nhỏ tuổi, kịp được ngài dạy dỗ chu toàn. Ta thiên bẩm tăm tối ương gàn, nhờ được bậc quân tử thu nạp bao dung. Mỗi khi ta tiến bộ, đều được ngài ngợi khen, như Trọng Ni thẹn mình không bằng được Nhan Uyên, hay Giả Phục từng xưng tụng Lý Sinh ngày trước. Kẻ sĩ chết vì người tri kỷ, ta nhớ mãi lời ấy không quên.

Lại nhớ lời ngài thong dong ước hẹn rằng: ‘Sau khi ta chết, về lại lối xưa, không có con gà, chén rượu tưới đất để tế lễ ta, xe qua ba bước, đau bụng chớ trách!’. Dẫu lúc bấy giờ là lời nói đùa, nếu chẳng phải tình chí thân ai lại dùng lời ấy với nhau? Nếu chẳng có lời ngài dặn dò, làm sao ta có thể sửa mình? Tấm lòng thê thảm, nhớ lại việc xưa. Nay phụng mệnh đông chinh, đóng quân nơi làng cũ, ngoảnh nhìn về mảnh đất cũ phương bắc, tâm tưởng hướng về lăng mộ của ngài. Sắm sửa lễ bạc, mong ngài hưởng dụng!”.

Bài văn tế này tình chân, ý thật, lại có vẻ hài hước, tự trào, càng nổi bật lên cái nghĩa của tình bằng hữu, quả thực là một danh tác của Tào Tháo vậy. 

Sau khi đánh bại Viên Thiệu ở Quan Độ, Tào Tháo đã cơ bản loại bỏ được đối thủ nguy hiểm nhất của mình ở miền bắc, tiến gần hơn tới công cuộc thống nhất miền Hoa Bắc. Thiệu sau khi thua trận, trong lòng uất hận, trở về Nghiệp Thành, thổ huyết mà chết. Cầm trong tay trăm vạn giáp binh nhưng không có cái chí bá vương, Thiệu thua là phải lắm! Còn Tào Tháo bụng ôm chí lớn, mắt nhìn bốn biển, có khí chất của bậc bá vương, lấy ít địch nhiều, thắng bại ngay từ đầu đã rõ vậy!

Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Hữu Bằng biên dịch

Xem thêm: 

 

Exit mobile version