Đại Kỷ Nguyên

Ông lão lạc vào tiên cảnh nhưng một niệm nổi lên liền rơi trở về trần gian

(Ảnh minh họa: Shutter stock).

Lý Thanh là người gốc Bắc Hải, Thanh Châu, Trung Quốc. Gia đình ông qua nhiều thế hệ lấy nhuộm vải lập nghiệp. Từ nhỏ ông đã yêu thích Đạo thuật, khi lớn lên, ông thường cung kính hướng các đạo sĩ thỉnh giáo. Điều này khiến ý chí cầu Đạo của ông càng thêm kiên định.

Lý Thanh gia đình giàu có. Con cháu cùng người thân thích trong ngoài có tới gần 100 hộ gia đình, tất cả đều là những người giàu có trong vùng. Mỗi lần sinh nhật Lý Thanh, người thân lại rục rịch gửi quà cho ông. Ông là người nhân hậu, kiệm phác, không muốn từ chối lòng tốt của thân nhân. Nhận được quà cáp liền cất giữ đi, qua nhiều năm tài sản đã chất đống cao như núi.

Trước sinh nhật lần thứ 69, ông bất ngờ bày tiệc rượu, mời các thành viên trong gia tộc rồi giãi bày: Các con cháu luôn lo cho ông cuộc sống rất tốt, nhưng ông mặc áo vải, ăn rau đã hơn 30 năm, cũng chẳng thiết cuộc sống xa xỉ. Sắp tới sinh nhật, ông không muốn các con cháu lại đưa lễ nên triệu tập mọi người đến bảo đừng làm vậy nữa.

Con cháu nghe vậy đều nói: “Lễ chúc thọ có từ thời xa xưa, không làm như vậy làm sao biểu đạt tấm lòng chúng con chứ? Xin đừng ngăn cản khiến chúng con lòng bất an!”.

Lý Thanh nói: “Nếu các con không muốn thay đổi cách làm, vậy làm theo tâm nguyện của ta được không?” Mọi người nói: “Xin hãy nói ra tâm nguyện của ngài!”.

… Lý Thanh cười nói: “Được rồi, ta sẽ cho các con biết. Ta tuy thân ở trần gian, nhưng một lòng hướng Đạo, hao tâm tìm kiếm, học tập… thấm thoắt đã 60 năm nhưng không có thành quả gì. Ta giờ gần đất xa trời, nghĩ cũng bất quá còn 2-3 năm tinh lực, cho nên muốn nhân dịp hôm nay, tai còn thính, mắt còn sáng, đi đứng còn thuận tiện, đi thực hiện chí hướng của mình. Hy vọng các con giúp ta”.

Hóa ra, cách Thanh Châu 10 dặm về phía nam có một ngọn núi cao, giữa đỉnh núi có khe nứt, tạo thành vách đá. “Đồ quyển kinh” gọi ngọn núi này tên là “Núi Vân Môn”, người dân địa phương cũng gọi đó là “Núi Phách” (Phách là bổ hoặc chẻ).

Lý Thanh nói với người thân: “Núi Vân Môn là động phủ Thần tiên, ta muốn lên đó tu Đạo. Ngày sinh nhật, ta sẽ ngồi vào giỏ trúc, các con dùng ròng rọc thả ta xuống vách núi. Ta xuống rồi sẽ dùng sợi dây đưa tin. Nếu như không có đường xuống, ta sẽ kéo sợi dây thừng, các con hãy kéo ta lên. Nếu như có thể gặp Thần tiên, hoàn kết nguyện của ta, vậy ta cũng có thể trở lại”.

Ảnh minh họa: Pixabay.

Nghe thấy lời này, con cái khóc khuyên nhủ: “Nơi đó sâu thẳm khó lường, huống chi còn có sơn tinh thụ quái, độc trùng mãnh thú. Làm sao có thể lấy thân thể quý giá một mình dấn thân nơi nguy hiểm? Đây đâu phải phương pháp trường thọ gì chứ”.

Lý Thanh lòng đã quyết, nói: “Đây là chí hướng của ta. Nếu như các con nhất định ngăn trở, ta không thể làm gì khác ngoài tự mình ra đi. Nhưng so ra, dùng giỏ trúc và dây ròng rọc cũng tương đối an toàn”. Thân nhân không còn cách nào khác đành cùng nhau chuẩn bị cho chuyện này.

Vào sinh nhật của Lý Thanh, hàng trăm người thân và bạn bè đã mang cơm rượu tới. Lúc tờ mờ sáng, mọi người tụ tập ở đỉnh núi Vân Môn, Lý Thanh hành lễ cáo từ rồi ngồi vào giỏ trúc.

Mọi người từ từ hạ giỏ trúc xuống động. Giỏ trúc rất lâu mới xuống được đến mặt đất, chung quanh đen kịt. Ông ngẩng lên nhìn bầu trời, thấy ánh sáng rọi vào chỉ lớn bằng cỡ lòng bàn tay. Lý Thanh đập vào vách núi, đoán rằng nơi này chiều rộng có lẽ chỉ đủ 2 người đi qua. Hướng Đông Nam có một hang động, có thể khom người đi vào.

Lý Thanh ném giỏ trúc, cúi người vào hang. Mới đầu hang rất hẹp, đi chừng 30 dặm, bỗng nhiên sáng tỏ thông suốt, rất nhanh đã tới cửa hang. Trước mắt ông là cảnh núi mây cây cỏ, cũng không giống nhân gian. Lý Thanh dõi mắt về phía xa, ở hướng Đông Nam mười mấy dặm có những ngôi nhà mờ ảo. Đi về phía trước, ông thấy một tòa đài cao bất ngờ, nấc thang hiểm trở. Lý Thanh lòng đầy thành kính bước từng bước lên. Sau khi lên tới nơi, ông thấy một tòa lầu gác trang nghiêm, hướng mắt nhìn quanh lại thấy 4, 5 đạo nhân. Lý Thanh gõ cửa, có đồng tử đáp lại hỏi. Ông tự giới thiệu: “Tôi là Lý Thanh, thợ nhuộm ở đất Thanh Châu”.

Đồng tử thuật lại lời nói của ông thì bỗng có người nói “Lý Thanh tới à?” Nói xong liền triệu ông ta vào. Lý Thanh trong lòng sợ sệt tiến đến bái kiến, thì nghe được bên cửa sổ có giọng nói: “Ông không nên tới đây, làm sao vội vàng đã tới rồi?” Vừa nói vừa để ông bái kiến các Tiên nhân.

Lúc giữa trưa, một tiên ông tóc trắng bước vào mời các tiên nhân đi dự hội, vậy là các tiên nhân đứng dậy lên đường. Có người nói với Lý Thanh: “Ông tạm thời ở lại chỗ này.” Trước khi đi lại dặn dò ông: “Nhất quyết không nên mở ra cửa phía Bắc.”

Sau khi các tiên nhân rời đi, Lý Thanh đi dò xét viện vũ, bất giác trôi dạt như tiên, tự cho là sẽ vĩnh viễn ở lại trong tiên cảnh. Ông đi về hướng phía Bắc, thấy cửa phía Bắc được che lại, bỗng quên lời tiên nhân dặn dò, tự mình đi ra ngoài nhìn quanh. Thật bất ngờ, Thanh Châu ở ngay phía dưới. Lý Thanh nhìn thấy quê hương, tâm tư ly biệt, tình cảm nổi lên, hồi lâu mới lắng xuống. Ông hết sức hối hận, vội vàng trở lại bên trong.

Tiên nhân lúc này đã quay trở lại, vị tiên trước đó nói: “Đã bảo ông đừng mở cửa phương Bắc, vậy mà lại hồ đồ như thế! Có thể thấy tiên giới không phải là tùy tiện liền có thể đến”. Nói xong vị ấy rót một ly rượu, rượu rất trắng. Lý Thanh uống rượu xong, tiên nhân nói: “Ông có thể quay về”.

Thấy vậy, Lý Thanh dập đầu khẩn cầu “Tôi không còn đường trở về”. Chúng tiên đáp: “Ông hữu duyên có thể đến đây, chẳng qua là thời cơ chưa chín muồi. Ông không cần lo lắng, không có đường về, ông chỉ cần nhắm mắt lại, hai chân chạm đất liền có thể về nhà”.

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Lý Thanh biết không thể ở lại, đành rơi lệ cáo từ chúng Thần tiên. Một vị tiên nói “Nếu cho ông ta về, phải có biện pháp giúp ông ta kiếm sống”. Lý Thanh ngạc nhiên “Nhà tôi gia cảnh giàu có, làm sao không kiếm sống được?” Một vị tiên khác cho ông một cái trục sách rồi nói “Ông về không có gì làm, có thể mưu sinh bằng cái này”.

Lý Thanh nhắm mắt lại, cảm thấy cơ thể mình giống như chim, bên tai vang lên tiếng gió cùng tiếng nước chảy. Rất nhanh, ông cảm thấy hai chân chạm đất, khi mở mắt ra, trước mắt chính là cánh cổng phía nam của Thanh Châu, sắp tới chạng vạng tối. Trong thành đường phố không có thay đổi gì, nhưng nhà cảnh vật, người đi đường, trang phục, hoàn toàn khác so với lúc ông rời đi.

Lý Thanh đi bộ một mình, cả ngày cũng không bắt gặp một người quen. Đi tới trước nhà mình, ông phát hiện mặt tiền đã hoàn toàn thay đổi. Thấy có người đang nhuộm vải, Lý Thanh tiến đến hỏi han. Người nọ tự xưng họ Lý, chỉ vào trạch viện nói: Gia đình anh ta ban đầu là gia đình giàu có ở Bắc Hải, nơi này từng là cơ nghiệp tổ tiên của anh ta. Nghe nói tổ tiên ở triều Tùy có một người dùng sợi dây trèo vào núi phía nam, không rõ tung tích, sau đó gia đạo liền khốn đốn. Lý Thanh nghe vậy, ảm đạm hồi lâu sau đó liền thay tên đổi họ.

Trong lúc lưu lạc trong thành, ông cầm trục sách mà tiên nhân ban cho, thì ra bên trong là toa thuốc chữa trị cho trẻ em. Năm đó những đứa trẻ Thanh Châu bị sốt rét, chỉ có Lý Thanh có thể chữa khỏi. Dựa vào toa thuốc này, ít lâu sau, ông tích lũy được khá nhiều của cải. Lúc đó là năm Vĩnh Huy thứ nhất của Hoàng đế Đường Cao Tông, nhiều người ở Bắc Hải biết Lý Thanh, có hàng ngàn người xin theo ông học. Năm Vĩnh Huy thứ năm, Lý Thanh nói với các đồ đệ: “Ta phải đi núi Thái Sơn xem phong thiện” (Phong thiện: thời xưa chỉ vua chúa lên núi Thái Sơn cúng tế trời đất). Sau đó không biết tung tích.

Lý Thanh một lòng hướng đạo, nỗ lực không ngừng. Dù sống trong nhung lụa, con cháu cả sảnh đường cũng không thể hoán đổi ý chí cầu Đạo, tuổi cao nhưng ông vẫn mạo hiểm đi tìm Thần tiên, chân tâm quả thực đáng quý. Có thể đến tiên cảnh là bởi lòng thành, cũng là bởi vì duyên. Chẳng qua ông chưa xả tận thế gian, buông bỏ hết thảy chấp trước nên đành tiếp tục trở lại tu trì. Thân trong tiên cảnh, chứng kiến thế gian biến đổi như ảo ảnh, ông rốt cuộc minh bạch thế sự như giấc mộng, không thể cố chấp, chỉ có tu luyện chân chính mới có thể thấy “chân tướng” của hết thảy “cõi mê trần gian” này. “Mê” và “Ngộ” chính là chỉ khác nhau ở một niệm.

Trích từ quyển “Tập Dị Ký”

Theo Secret China
Ngọc Mai biên dịch

Video xem thêm: Thần Phật bảo hộ cho ‘người tín Thần Phật’ như thế nào?

Exit mobile version