Đại Kỷ Nguyên

Một quân vương đủ mạnh không cần tới tường thành cao, một dân tộc có đạo đức thì ắt phú cường

Triều đại nào chăm lo cho đời sống của bá tánh thì bá tánh ấy dù có dùng hết sinh mạng của mình cũng quyết bảo vệ triều đại ấy đến cùng không cho sụp đổ. Còn ngược lại thì dẫu có thành cao hào sâu, quân lính mạnh mẽ đi nữa, cùng lắm là duy trì vài chục năm. Tấm gương của nhà Tần còn đó, Vạn Lý Trường Thành và trăm vạn hùng binh đâu có bảo vệ nhà Tần khỏi diệt vong chỉ sau mới hai đời vua.

Định đô là việc hệ trọng bậc nhất quyết định tương lai của cả dân tộc, quốc gia. Là thủ đô của nước Nam ngàn năm văn hiến, Hà Nội đã được Lý Thái Tổ chọn làm kinh đô qua một giai thoại tuyệt vời.

Năm 1010, Lý Công Uẩn được tôn lên ngôi báu, đó là Lý Thái Tổ, vị vua khai sinh ra triều Lý (1010 – 1225). Công việc đầu tiên của Lý Thái Tổ là dời đô. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 2, tờ 2 a – b và tờ 3 – a) chép rằng:

“Vua thấy Hoa Lư ẩm thấp chật hẹp, không đủ làm chỗ ở của đế vương, muốn dời đi nơi khác… Mùa thu tháng bảy (năm 1010), Vua từ thành Hoa Lư dời đô ra phủ thành Đại La. Khi thuyền Vua đang tạm đỗ dưới thành, có rồng vàng hiện lên ở thuyền ngự. Vua nhân đó đổi gọi thành Đại La là Thăng Long”.

Nhưng xét theo các khía cạnh khác như quân sự và hiểm yếu thì Thăng Long lại không phải nơi lý tưởng để định đô, vì bốn mặt trống không nên dễ công mà khó thủ. Nhất là trong bối cảnh một nước hay bị họa ngoại xâm suốt hàng nghìn năm như Việt Nam, thì dường như quyết định của Lý Thái Tổ có vẻ phiêu lưu và không hợp lý lắm.

Hà Nội đã được Lý Thái Tổ chọn làm kinh đô qua một giai thoại tuyệt vời. (Ảnh: khaimo.com)

Nhưng sau đó khoảng sáu thế kỷ và cách nhau mấy châu lục, một vị quân chủ khác cũng có cùng ý tưởng như Lý Thái Tổ, đó chính là Hoàng Đế Mặt Trời Louis XIV, vị vua vĩ đại nhất trong lịch sử nước Pháp. Năm 1661, Louis XIV quyết định dời đô ra Versailles và biến nơi này thành cung điện tráng lệ nhất châu Âu thời đó. Cũng giống như Thăng Long, cung Versailles này cũng nằm ở nơi trống trải bốn mặt và không có cả tường thành bảo vệ. Louis XIV đã xây cung điện trị vì không được che chắn, giữa đồng trống, để chứng tỏ một đấng quân vương đủ quyền lực không cần đến hào và tường thành để bảo vệ.

Lịch sử chứng minh rằng hai vị quân vương ấy đã làm đúng, khi mà một người khai sáng triều đại lâu dài thịnh vượng nhất Việt Nam, một người xây dựng đế quốc Pháp trở nên hùng mạnh nhất châu Âu. Vậy vì sao lại nói là “một quân vương đủ quyền lực không cần đến hào và tường thành bảo vệ”?

Lòng dân là tường thành vững chắc nhất

Người xưa nói “quân quyền Thần thụ”, nghĩa là vua do Trời ban quyền. Nhưng cũng có câu rằng: “dân dĩ Thực vi Thiên” (dân coi cái ăn chính là Trời). Nên lòng dân chẳng phải trừu tượng sâu xa, mà chính là lòng yêu quý kính trọng với ai mà bảo vệ cái quý giá nhất của dân chúng – miếng ăn. Vị vua bảo vệ miếng ăn của dân cũng tức là bảo vệ Trời của họ, cũng có nghĩa là ông đã làm theo ý Trời rồi. Người làm theo ý Trời thì sao có thể thất bại được.

Vậy nên, triều đại nào chăm lo cho đời sống của bá tánh thì bá tánh ấy dù có dùng hết sinh mạng của mình cũng quyết bảo vệ triều đại ấy đến cùng không cho sụp đổ. Còn ngược lại thì dẫu có thành cao hào sâu, quân lính mạnh mẽ đi nữa, cùng lắm là duy trì vài chục năm. Tấm gương của nhà Tần còn đó, Vạn Lý Trường Thành và trăm vạn hùng binh đâu có bảo vệ nhà Tần khỏi diệt vong chỉ sau mới hai đời vua.

Vạn Lý Trường Thành và trăm vạn hùng binh cũng không bằng thuận theo lòng dân… (Ảnh: soha.vn)

Ấy vậy mà một quốc gia Đại Việt bé như cái nắm tay, lại có thể ngoan cường đập tan ba cuộc xâm lược của đế quốc Nguyên Mông hùng mạnh nhất thế giới thời đó. Thiên tài quân sự của Hưng Đạo Vương và sự thiện chiến của quân đội nhà Trần nếu không có lòng dân vốn dĩ rất yêu quý nhà Trần, thì tài gấp mười Quốc Tuấn cũng phải ôm hận. Đúng như câu nói của Ông vào cuối đời : “Vì vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức, giặc phải bị bắt”. Và sách lược tốt nhất để giữ nước chính là:

“Khoan sức dân làm kế rễ sâu gốc vững, ấy mới là thượng sách giữ nước”.

Đức của người cai trị quyết định vận mệnh dân tộc

Cùng là vua chúa như nhau nhưng Lý Thái Tổ ngự ở Thăng Long thì nhà Lý nối đời 200 năm với vô số vinh quang, nhà Trần đập tan ba cuộc xâm lược Nguyên Mông, nhưng Hồ Quý Ly có đến hàng trăm vạn quân lại không giữ nổi nước được vài năm trước quân Minh.

Vậy đâu là điểm khác biệt?

Sự khác nhau lớn nhất chính là Đạo Đức của Lý Thái Tổ so với các quân vương khác. Ông vốn xuất thân cửa Phật nên sống cuộc sống rất giản dị và luôn hết mực chăm lo dân chúng. Thời ông và con ông chính là thời mà dân Việt được xá thuế nhiều nhất trong lịch sử. Ông còn luôn hoằng dương Phật Pháp, hướng dân cả nước hành Thiện tích Đức theo giáo lý nhà Phật. Con của ông ngay cả đánh dẹp phản loạn còn không nỡ giết mà tha cho mấy lần. Nên nhà Lý tích được phúc lớn, vận nước lâu dài và không bị ngoại tộc xâm chiếm.

Lý Thái Tổ là vị vua dùng “đức” trị dân. Thời ông và con ông chính là thời mà dân Việt được xá thuế nhiều nhất trong lịch sử. (Ảnh: youtube.com)

Trong khi đó, Hồ Quý Ly sau khi lấy ngôi nhà Trần đã không chú ý nhiều đến đoàn kết lòng dân, ông quá chú trọng vào xây dựng quân đội, đúc vũ khí và thi hành các chính sách khác. Thậm chí con ông, Hồ Nguyên Trừng khi được hỏi về khả năng đánh thắng quân Minh đã trả lời: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo”.

Lão Tử có câu: “Người thuận theo Đất, đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên”. Đất thuận theo Trời còn có hàm nghĩa rằng chỉ người có Đức mới được trời ban cho vùng đất lành để làm kinh đô. Vậy nên, sống ở một nơi kinh đô phong thủy đẹp thì càng phải lo tu thân tích đức, nếu không thế thì sẽ bị đào thải ngay thôi. Nhà Hồ không đủ Đức để thống ngự Thăng Long nên dân tộc mới lầm than mấy chục năm trời.

Nâng cao đạo đức, tu dưỡng thân tâm là đạo trị quốc cao nhất

Khổng Tử có câu: “Tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ”. Lý Thái Tổ và Louis XIV đã làm rất tốt những điều này, vậy bí quyết của họ nằm ở đâu? Tất cả chỉ nằm ở một chữ “Tâm” mà thôi. Vì việc đầu tiên để có thể bình thiên hạ lên ngôi cửu ngũ chính là “tu thân”. Mà để tu thân thì không gì khác là tu cái Tâm của mình.

Có câu: “Sở vị tu thân tại chính kỳ tâm giả”, nghĩa là tu thân nằm ở nơi Chính Tâm. Bởi vì tâm với thân chính là một, muốn tu trì được thân, cũng chỉ tu trì ở nơi Tâm mà thôi. Sở dĩ làm cho thiên hạ trở nên yên bình hay loạn lạc cũng chỉ là do Tâm của một người (vua) mà ra.

Xưa có câu “nhất nhân định quốc”, hay “Nghiêu, Thuấn suất thiên hạ dĩ nhân, nhi dân tòng chi; Kiệt, Trụ suất thiên hạ dĩ bạo, nhi dân tòng chi”. Tạm dịch: Nghiêu Thuấn dẫn dắt thiên hạ bằng nhân, dân theo đó mà làm theo. Kiệt Trụ dẫn dắt thiên hạ bằng bạo ngược, dân cũng theo đó mà làm.

Chữ “suất” không chỉ là lãnh đạo mà còn có ý là làm gương cho người khác noi theo, tức là lấy thân mình làm gương sáng để dẫn dắt người dân. Vậy nên nói Tâm của một đấng quân vương có thể an định thiên hạ, cũng có thể làm loạn thiên hạ. Quả thực là đáng sợ nếu người ngồi trên ngôi cao mà không tu Tâm của mình.

Một đấng quân vương anh minh là người có tâm rộng lớn, có thể bao trùm được cả thiên hạ. “Thuận ý trời, hợp lòng dân”, thiên hạ vì thế mà được bền vững, nhân dân an định. (Ảnh: baomoi.com)

Vậy muốn tu Tâm cho tốt để làm gương cho quốc dân thì cần làm thế nào? Vị lãnh đạo đó chính là phải “tề gia”, nghĩa là làm cho gia đình của chính mình trở nên tốt đẹp.

Có câu: “Nghi kỳ gia nhân nhi hậu khả dĩ giáo quốc nhân”. Tạm dịch: Làm cho người trong nhà trở nên tốt hơn, sống theo lễ nghi thì có thể dạy dỗ, giáo hóa cho người trong cả nước.

Quốc gia tức là nước nhà, dùng nhà để trị quốc, an định trong nhà tất trong nước phải yên. Muốn trị quốc tốt không nằm ngoài chỉnh trị gia đình.

Sau cùng là “bình thiên hạ”, quân vương nhìn vào đâu để biết chính sách của mình đã bình được thiên hạ hay chưa? Có phải bình thiên hạ là dùng vũ lực tiêu diệt hết kẻ chống đối và trấn áp hết thảy phản loạn như Tần Thủy Hoàng hay Hitler? Tiếc thay, đó chỉ là cách trị thiên hạ trong thời loạn và là giải pháp tình thế mà thôi, còn xa mới đến chuẩn mực “ bình thiên hạ” của cổ nhân.

Có câu: “Thượng lão lão nhi dân hưng hiếu; thượng trưởng trưởng nhi dân hưng đễ; thượng tuất cô nhi dân bất bội; thị dĩ quân tử hữu hiệt củ chi đạo dã”. Tạm dịch: Người trên kính trọng người già mà dân thi nhau làm việc hiếu (lão: là người tuổi ngang cha mình). Người trên tôn trọng bậc trưởng thượng mà dân đua nhau làm việc đễ (đễ là việc tôn trọng người anh, người hơn tuổi-trưởng: là người tuổi ngang anh mình). Người trên chăm lo cho trẻ mồ côi mà dân bắt chước không làm điều ngang trái. Những đạo lý đó chính là đạo mà người quân tử dùng để tự đo lường vậy ( “hiệt củ” hiểu là khuôn mẫu đạo đức).

Từ những câu trên mà suy ra, “bình thiên hạ” chính là lấy thân mình làm gương sao cho dân chúng đều sống theo hiếu đễ và chính trực, đầy lòng nhân ái, chứ đâu có chỗ nào nói phải làm cho thiên hạ sợ mà theo đâu. Vua quan theo đạo hiếu đễ, quốc dân đua nhau sống nhân nghĩa thiện tâm thì xứ đó sao không hưng thịnh và bình yên lâu dài được.

Vậy tóm lại, không phải những chương trình dân sinh nghìn tỷ, những đại lộ xa hoa hay những nền công nghiệp hiện đại mới có thể giúp cho một quốc gia bình yên và thịnh vượng. Nếu như dân tộc đó không có đạo đức thì những thứ nói trên cũng sẽ đem lại một tai họa khác mà thôi. Chỉ khi mà đạo đức được đề cao từ trên xuống dưới thì một dân tộc mới có thể làm nên kỳ tích.

Tĩnh Thuỷ

Exit mobile version