Đại Kỷ Nguyên

Mạn đàm Tam Quốc (P.1): Vì sao Gia Cát Lượng có thể đoán trước được cái chết của chính mình?

Hàng trăm năm qua, “Tam quốc diễn nghĩa” đã luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu của người Á Đông. Câu chuyện ba nước tranh hùng in sâu vào lòng người, cũng khiến các nhà phê bình tốn bao bút mực mà vẫn không sao nghiên cứu thấu tỏ nội hàm. Qua loạt bài này, chúng tôi muốn đứng từ một góc độ khác để đàm luận về thiên anh hùng ca đặc sắc này. 

Chữ “Nghĩa” trong Tam Quốc

Trước tiên là cái tên “Tam Quốc diễn nghĩa” của cuốn sách. Tại sao gọi là “Tam Quốc diễn nghĩa”? Thế nào là diễn nghĩa? Vì sao gọi là “diễn” (diễn biến, biểu diễn), chứ không gọi là “thích” (giải thích), hoặc là những từ khác? Thật ra con người thời nay vốn không lý giải được thâm ý của người xưa. Nội hàm trong Tam Quốc cũng là điều mà người hiện đại chưa hề nghiên cứu thấu tỏ được.

Lịch sử nhân loại cũng giống như một bộ phim truyền hình vĩ đại dài đằng đẵng. Người ta thường nói nhân sinh như mộng, hệt như một vở kịch, quả đúng vậy thay. “Tam Quốc diễn nghĩa” triển hiện một giai đoạn lịch sử, chính là triển hiện ra một chữ “Nghĩa”. Nhưng thế nào là “Nghĩa”? Nội hàm của “Nghĩa” rốt cuộc là gì? 

Sau khi xem qua “Tam Quốc diễn nghĩa”, mọi người đều ít nhiều hiểu được ý nghĩa của chữ “Nghĩa”. Nếu lịch sử của nhân loại là một vở kịch, thế thì những nhân vật trong “Tam Quốc diễn nghĩa” đều đang đóng các vai diễn khác nhau của mình, đang diễn giải nội hàm của những khái niệm khác nhau. Đó là lý do vì sao tên của cuốn sách là “Tam Quốc diễn nghĩa”. 

Trọng điểm của “Tam Quốc diễn nghĩa” chính là biểu hiện một chữ “Nghĩa” ấy. Tất cả các điển cố, điển tích từ “tam anh kết nghĩa dưới vườn đào”, “Quan Vũ ước hẹn ba việc”, “treo ấn gói vàng”, “ngựa phi nghìn dặm” đến “vì nghĩa thả Tào Mạnh Đức”, “vì nghĩa thả Nghiêm Nhan”… hoàn toàn triển hiện ra nội hàm của chữ “Nghĩa”.

“Tam Quốc diễn nghĩa” triển hiện một giai đoạn lịch sử, chính là triển hiện ra một chữ “Nghĩa”. Ảnh dẫn theo us.24h.com.vn

Vì sao La Quán Trung viết được Tam Quốc diễn nghĩa?

Các tác giả thời xưa không viết sách một cách vô trách nhiệm, tạo dựng tùy tiện, tưởng tượng một cách vô căn cứ hay bóp méo lịch sử. Người xưa rất tôn trọng sự thật lịch sử. Rất nhiều quan viên chép sử chỉ vì lưu lại lịch sử chân thật cho con người mai sau mà sẵn sàng chấp nhận mất đầu. 

Khoảng thời gian lịch sử trong “Tam Quốc diễn nghĩa” kéo dài cả trăm năm. Nhân vật càng là tầng tầng lớp lớp, hoành tráng quy mô, trên đến đại sự của lịch sử, dưới đến các chi tiết nhỏ của đời người đều được thể hiện cực kỳ rõ nét trong “Tam Quốc diễn nghĩa”. Thế nhưng câu chuyện Tam Quốc lại cách thời mà tác giả La Quán Trung sống cả nghìn năm lịch sử. Hơn một nghìn năm ấy qua đi, những câu chuyện lưu truyền đều đã bị bóp méo rất nhiều, văn vật di lưu lại cũng trở thành của hiếm, không có bao nhiêu.

Vậy La Quán Trung làm cách nào viết nên bộ sách này? Là dựa vào việc thu thập các câu chuyện truyền miệng ở dân gian hay là tham khảo một số thư tịch như “Tam Quốc chí”? Dẫu là cách nào thì cũng cực kỳ hạn chế, không thể viết ra được “Tam Quốc diễn nghĩa” tinh tế, sinh động và tường tận như thế được. Hiện nay, rất nhiều các chuyên gia nghiên cứu “Tam Quốc diễn nghĩa” thậm chí đều nói La Quán Trung trong lúc sáng tác đã tùy ý phát huy sức tưởng tượng, thậm chí nói bừa dựa theo sở thích của mình. Nhưng đó rốt cuộc cũng chỉ là một loại suy diễn của các nhà văn thời nay mà thôi. Họ chính là không thể lý giải được người xưa.

Thực ra khoa học của Trung Quốc cổ đại khác xa với khoa học thời nay. Người xưa giảng nhập thế thì có Nho giáo, xuất thế thì có Đạo giáo, Phật giáo. Người xưa sinh sống đơn giản, thanh tâm quả dục, coi trọng tham thiền đả tọa, người trời hợp nhất, sau khi tiến nhập trạng thái tĩnh lặng thì sẽ có được năng lực siêu thường. 

Biển Thước gặp Tề Hoàn Công, vốn không cần phải nhìn, nghe, hỏi, sờ (bốn phương pháp chữa bệnh của Đông y), cũng không cần hỏi sâu thêm mà biết ngay Hoàn Công sắp chết, bệnh đã nhập vào xương tủy. Về sau quả đúng vậy. Hoa Đà vừa thấy Tào Tháo liền biết được trong não của Tào Tháo có khối u, phải mổ não để bỏ u. 

Thần y Hoa Đà. Ảnh dẫn theo giau.co

Các đại y học gia thời xưa đều có công năng đặc dị mà người ngày nay nói đến, có thể trực tiếp nhìn thấy được vùng nhiễm bệnh của bệnh nhân. Nếu như các ngành các nghề đều như vậy cả, thì La Quán Trung có thể cũng không phải là ngoại lệ. Muốn viết ra câu chuyện của hơn một nghìn năm trước tường tận chi tiết đến thế, nếu không có công năng đặc dị thì không tài nào làm được. 

Điều đó cũng giống như hiện tượng công năng túc mệnh thông được giảng trong giới khí công. Người sở hữu công năng này có thể nhìn thấy được những việc lớn đã phát sinh trong quá khứ cho đến chi tiết của sự tình, tâm lý của nhân vật, tình huống cụ thể khi đó, thậm chí cả niên đại cũng đều có thể nhìn thấy được hết sức rõ ràng. Tác giả La Quán Trung chính là có được đầy đủ điều kiện nói trên mới có thể viết nên một tác phẩm lớn lưu danh hậu thế như vậy. 

Chữ “Trí” trong Tam Quốc

Nội hàm “trí huệ” biểu hiện trong “Tam Quốc diễn nghĩa” cũng vô cùng to lớn, minh chứng lớn nhất chính là văn hóa mà Gia Cát Lượng lưu lại cho người đời. Gia Cát Khổng Minh là một nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn thời Tam Quốc. Ông không chỉ biểu hiện một cách đầy đủ “Nhân, Lễ, Nghĩa Trí, Tín” mà còn là hóa thân của trí huệ. 

Lúc nhỏ xem “Tam Quốc diễn nghĩa”, có lẽ chúng ta vẫn luôn thắc mắc rằng vì sao người ta có thể qua bói toán mà biết trước được những sự việc chưa xảy ra. Gia Cát Lượng sống ở Long Trung, chưa từng bước chân khỏi quê nhà nhưng đã biết được việc thiên hạ sẽ chia ba. Thời bấy giờ không có báo chí, đài phát thanh hay điện báo, vì sao ông có thể biết được rõ ràng những chuyện đại sự trong thiên hạ đến vậy?

Gia Cát Lượng sống ở Long Trung, chưa từng bước chân khỏi quê nhà nhưng đã biết được việc thiên hạ sẽ chia ba. Ảnh dẫn theo ntdtv.com

Người ta biết đến Gia Cát Lượng với trí tuệ mưu lược quân sự “ngồi trong trướng bày mưu tính kế, quyết thắng ngoài ngàn dặm”. Trên thực tế, Gia Cát Lượng còn dự liệu như Thần, có năng lực dự tính siêu thường, chẳng những tinh thông binh pháp, mà còn trên thông thiên văn, dưới tường địa lý. Tất nhiên “Thiên văn” ở đây không phải là thiên văn học ngày nay hay dự báo thời tiết.

Những người tu Đạo trong quá khứ đều biết dùng Dịch Lý để giải thích và quan sát thiên tượng. Nếu dùng khái niệm khoa học hiện nay mà nói chính là có khả năng đột phá sự hạn chế thời – không nhất định mà quan sát được những biến hóa của thời gian, không gian trong một phạm vi rộng lớn. 

Gia Cát Lượng tinh thông thuật số Dịch Lý, biết cách quan sát thiên tượng để phán đoán tình hình. Ông chính là người tu Đạo có công năng siêu thường. Ngoài ra, ông còn có khả năng xem tướng. Ví dụ, ngay lần đầu tiên gặp Ngụy Diên, Gia Cát Lượng đã biết trước người này tất sẽ tạo phản. Sau này Ngụy Diên quả nhiên phản bội nhà Thục Hán sau khi Gia Cát Lượng bệnh chết. Tuy nhiên, vì đã biết trước nên Gia Cát Lượng đã sớm chuẩn bị cẩm nang, dặn dò đại tướng Mã Đại chém chết Ngụy Diên. 

Tam Quốc diễn nghĩa, hồi thứ 57 thuật lại rằng, Khổng Minh ở Kinh Châu, ban đêm quan sát thiên văn thấy sao rơi xuống đất, liền cười nói: “Chu Du đã chết rồi“. Đến sáng, nói lại với Huyền Đức. Huyền Đức cử người đi thám thính, quả nhiên đã chết rồi. Huyền Đức hỏi Khổng Minh rằng: “Chu Du đã chết, mọi chuyện sẽ thế nào?“. Khổng Minh nói: “Người lãnh binh thay Chu Du ắt là Lỗ Túc. Lượng quan sát thiên tượng, thấy sao Tương tụ ở phương đông. Lượng sẽ lấy cớ viếng lễ tang sang Giang Đông một chuyến để tìm hiền sĩ phò trợ chúa công“. Huyền Đức nói: “Chỉ e là tướng sĩ quân Ngô sẽ hãm hại tiên sinh”. Khổng Minh nói: “Khi Du còn sống Lượng còn chẳng sợ, nay Du đã chết còn lo gì nữa?“. 

Sau đó, Gia Cát Lượng liền cùng Triệu Vân dẫn theo 500 quân sĩ, chuẩn bị lễ vật, xuống thuyền đến Ba Khâu đưa tang. Trên đường đi, thám thính được Tôn Quyền đã phong Lỗ Túc làm Đô đốc, linh cữu Chu Du đã đưa về Sài Tang. Ở xa hàng trăm dặm như thế, Gia Cát Lượng vẫn biết được Chu Du đã chết, đồng thời, trước chuyến đi sang Đông Ngô ông không hề lo sợ nguy hiểm, như đã có kế phòng thân từ trước. Tại sao như vậy? Chính là bởi Gia Cát Lượng đã biết trước được thiên tượng nhờ tài xem thiên văn, Dịch Lý của mình. 

Hồi thứ 63 cũng có một chi tiết rất độc đáo, thể hiện rõ trí huệ của Gia Cát Lượng. Khi Khổng Minh ở Kinh Châu, vào dịp tết Thất tịch, chúng quan mở hội yến tiệc cùng bàn về việc thu hồi Kinh Châu. Bỗng thấy một ngôi sao to như cái đấu xuất hiện ở phía tây, từ trên trời rơi xuống, ánh sáng tỏa ra bốn phía. Khổng Minh thất kinh, ném ly xuống đất, ôm mặt khóc rằng: “Bi ai thay! Đau xót thay!“.

Chúng quan hoảng hốt hỏi duyên cớ. Khổng Minh nói: “Trước đây ta đoán rằng năm nay sao Thiên Cương ở hướng tây sẽ bất lợi cho quân sư. Thiên Cẩu xâm phạm quân ta, sao Thái Bạch ở gần Lạc Thành, ta đã gửi thư cho chúa công dặn phải đề phòng cẩn thận. Ngờ đâu đêm nay sao rơi phía tây, mạng sống của Bàng Sĩ Nguyên ắt đã chấm hết rồi!“.

Nói xong, lớn tiếng khóc rằng: “Hôm nay, chúa công chúng ta đã mất đi một cánh tay rồi!“. Chúng quan đều thất kinh, chưa tin lời ông. Khổng Minh nói: “Trong mấy ngày nữa, ắt có tin tức“. Tiệc rượu chưa kịp vui đã tàn cuộc. Mấy ngày sau, quả nhiên có tin báo rằng quân sư Bàng Thống bị tên bắn chết trước gò Lạc Phượng.

Nếu như Gia Cát Lượng không có khả năng đoán định chính xác, việc chưa xảy ra mà đã khóc lớn, sau này Bàng Thống không chết thì chẳng phải tự làm mình mất mặt sao? Ông thực sự đã nhìn thấy cái chết của Bàng Thống, có thể là qua thiên tượng, có thể là thông qua chính công năng túc mệnh thông của mình. Trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, Gia Cát Lượng cũng đều thông qua quan sát tinh tượng mà biết trước được cái chết của Quan Vũ và Trương Phi.

Gia Cát Lượng cũng đều thông qua quan sát tinh tượng mà biết trước được cái chết của Quan Vũ và Trương Phi. Ảnh dẫn theo carmennguyen.net

Hồi thứ 103 kể rằng, giữa đêm, Khổng Minh đang ốm vẫn ra khỏi lều, ngẩng đầu quan sát thiên văn. Bỗng ông vô cùng kinh hãi liền vào lều bảo với Khương Duy rằng: “Mệnh ta nội trong sớm tối nay mà thôi!“. Duy nói: “Thừa tướng sao lại nói những lời như vậy?“. Khổng Minh nói: “Ta thấy trong sao Tam Đài, sao khách sáng lạn gấp bội, sao chủ u tối, các chòm sao tương phụ nhau, ánh sáng của nó đã mờ tối. Thiên tượng như vậy, mệnh ta có thể tự rõ được!“.

Cùng lúc đó, Tư Mã Ý, đối thủ của Gia Cát Lượng đang cố thủ trong một doanh trại khác cũng trong một đêm ngẩng đầu quan sát thiên văn, vô cùng mừng rỡ nói với Hạ Hầu Bá rằng: “Ta thấy sao Tương mất vị trí, Khổng Minh ắt đang mắc bệnh nặng, không lâu sẽ chết“. Sau này quả nhiên Khổng Minh bệnh nặng, phải lập đàn tế sao giải hạn, nếu ngọn đèn chủ sáng qua được 7 ngày 7 đêm thì mới thoát nạn.

Nhưng đến ngày thứ 7, ngọn đèn chủ vụt tắt, Khổng Minh vứt kiếm mà than rằng: “Sống chết có số, không thể cưỡng cầu được!“. Ngay đêm hôm đó, ông lệnh cho người dìu ra ngoài, ngẩng đầu nhìn sao Bắc Đẩu, chỉ về một ngôi sao xa xôi nói: “Kia là tướng tinh của ta đó“. Mọi người nhìn theo, thấy ngôi sao đó màu sắc u tối, le lói sắp tắt. Quả nhiên đêm đó, Gia Cát Lượng quy tiên. 

Gia Cát Lượng còn có “Mã Tiền Khóa”, thậm chí đã dự đoán chuẩn xác những việc đã xảy ra thời cận đại. Nhưng nếu ông đã thừa biết rõ khí số nhà Hán đã tận, sao còn xuất sơn phò tá Lưu Bị đây? Nếu như lịch sử đã là có định số cả, thế thì Gia Cát Lượng cũng là một vai diễn, cũng là “diễn viên” mà thôi. Ông đã lưu lại một văn hóa “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” này, đồng thời cũng đã lưu lại chuẩn mực làm người “hết lòng tận tụy, đến chết mới thôi”.

Nói đúng ra, chính là lịch sử đã chọn Gia Cát Khổng Minh, ban cho ông trí huệ to lớn như thế. Khổng Minh không xuống núi cũng không được, chính là cần phải lưu lại một đoạn lịch sử này. Đây cũng là sứ mệnh của ông. Tuy kết cục của “Tam Quốc diễn nghĩa” không thỏa lòng người, tuy nguyện lớn của Gia Cát Lượng cuối cùng vẫn không được thực hiện, tuy người đời sau đều đang thở dài, nhưng Gia Cát Lượng cũng đã hoàn thành những gì mà bản thân cần làm, làm tròn vai diễn của mình. 

(Còn nữa)

Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Phi Long biên dịch

Xem thêm:

 

Exit mobile version