Đại Kỷ Nguyên

Khổng Tử luận về 5 phẩm đức của người quân tử ra sao?

Không dạy mà phạt: Khổng Tử giảng đạo làm chính trị "5 đẹp" và "4 xấu"

Ảnh: Đại Kỷ Nguyên tổng hợp.

“Không dạy mà phạt” là một biến thể bắt nguồn từ câu nói “Không dạy mà giết”. Ý của câu này chính là bình thường không dạy bảo, một khi người ta phạm tội liền trừng phạt hoặc xử tội chết ngay.

Học trò Tử Trương hỏi Khổng Tử: “Thưa phu tử, làm thế nào mới có thể quản lý tốt việc chính trị?”.

Khổng Tử nói: “Trọng năm đức tính tốt, loại bỏ 4 thói xấu thì mới có thể quản tốt việc chính trị”. 

Tử Trương hỏi lại: “Năm đức tính tốt là những gì?”.

Khổng Tử trả lời: “Người quân tử, mang lợi ích cho dân nhưng bản thân không hưởng thụ nó, giúp dân có công ăn việc làm mà dân không oán hận, cầu nhân đức mà không tham tiền tài, tôn nghiêm mà không ngạo mạn, uy nghiêm mà không hung mãnh”. 

Tử Trương hỏi: “Thưa phu tử, làm thế nào có thể giúp ích cho dân mà bản thân không hao tổn?”.

Khổng Tử dạy: “Bảo cho dân làm những việc có lợi cho chính họ, cái này chẳng phải là có lợi cho dân mà bản thân mình không hao phí sao? Để cho dân làm việc phù hợp với khả năng nhằm phục vụ cuộc sống của chính họ thì ai còn oán hận chứ? Bản thân mình truy cầu nhân đức mà lấy được lòng dân, đó đâu phải là tham tiền tài? Cho dù nhiều hay ít người, thế lực lớn hay nhỏ, người quân tử cũng không phân biệt đối xử, đó chẳng phải là tôn nghiêm mà không ngạo mạn sao? Quan lại mặc trang phục chỉnh tề, ánh mắt nghiêm túc đoan chính khiến người khác e sợ, đây chẳng phải là uy nghiêm mà không hung mãnh sao?”.  

Tử Trương hỏi: “Vậy thì 4 thói xấu cần tránh là gì?”.

Khổng Tử đáp: “Chưa dạy bảo mà đánh đập gọi là hành hạ. Không cảnh báo trước mà yêu cầu làm đúng ngay gọi là bạo ngược. Đêm khuya mới đưa ra mệnh lệnh lại muốn mọi việc hoàn thành ngay gọi là kẻ trộm. Cho người đồ vật nhưng lại vô cùng tiếc rẻ chính là nhỏ mọn”. 

***

Cuộc trò chuyện giữa Khổng Tử và học trò cho người ta nhiều ý vị. Khổng Tử bàn về đức hạnh của người quân tử, rốt cuộc chính là để nói lên một phẩm chất cao quý: nghĩ cho người khác, làm vì người khác. Còn luận về kẻ tiểu nhân, kẻ bạo chính, Khổng Tử nhấn mạnh đến sự độc đoán, tàn bạo, trong đó việc “chưa dạy bảo mà đánh đập” được coi là vô lý nhất. Đó hoàn toàn không phải là cách làm của người quân tử vì người quân tử luôn lấy giáo dưỡng, đạo lý làm trọng, đều là dùng văn để giáo hoá chứ không phải dùng võ để áp chế vậy.

Theo Sound Of Hope
San San biên dịch

Exit mobile version