Đại Kỷ Nguyên

Cảnh giới nhân sinh của ba thầy trò Khổng Tử khác nhau như thế nào?

Một hôm, Nhan Uyên và Tử Lộ đứng hầu bên Khổng Tử, Khổng Tử nói: “Các trò hãy nói chí hướng của mình ta coi”. 

Tử Lộ nói: “Con sẵn lòng chia sẻ quần áo, xe ngựa cùng với bạn bè, dùng đến hỏng, rách cũng không hối tiếc”. (Nguyên văn: Nguyện xa mã y cừu, dữ bằng hữu cộng, tệ chi nhi vô hám).

Nhan Uyên nói: “Con không muốn phô bày những điều tốt đẹp, sở trường của mình, không phô bày công lao của mình”. (Nguyên văn: Nguyện vô phạt thiện, vô thi lao).

Tử Lộ thỉnh giáo Khổng Tử: “Chúng con mong muốn được biết chí hướng của thầy”. (Nguyên văn: Nguyện văn tử chi chí). 

Khổng Tử nói: “Chí hướng của ta là muốn làm cho người gia yên tâm, an vui, làm cho bạn bè tin tưởng tín nhiệm lẫn nhau, làm cho trẻ em được quan tâm chăm sóc”. (Nguyên văn: Lão giả an chi, bằng hữu tín chi, thiếu giả hoài chi). 

Cảnh giới Tử Lộ

Tử Lộ ( tên Trọng Do) là học trò lớn tuổi của Khổng Tử, tính cách quả cảm chính trực, nổi tiếng vì chữ “Dũng”, được Khổng Tử đánh giá rằng: “Trọng Do (tức Tử Lộ) dũng cảm hơn cả ta, còn các tài năng khác thì chưa đủ”.

Do đó, Khổng Tử chú ý dạy Tử Lộ hiểu nhân nghĩa, trên cơ sở nhân nghĩa, vì người khác thì cái Dũng của Tử Lộ mới thành ưu điểm, mới phát huy tác dụng.

Một lần Tử Lộ hỏi Khổng Tử: “Người quân tử có trọng dũng không?”.

Khổng Tử đáp: “Người quân tử trọng nghĩa lý hơn hết. Người quân tử chỉ dũng cảm mà không hợp nghĩa lý thì làm loạn, kẻ tiểu nhân chỉ dũng cảm mà không hợp nghĩa lý thì làm trộm cướp”.

Qua chí hướng của Tử Lộ, có thể thấy cảnh giới của ông là coi trọng tình bằng hữu như bản thân, coi nhẹ tiền bạc tài sản, là người hào phóng, rộng rãi, hết lòng với bạn bè. So với người bình thường, coi mình là trung tâm, mọi việc đều vì bản thân, là vị tư, thì ông đã vượt lên một bậc, cũng là bước đầu chuyển sang vô tư vô ngã.

Cảnh giới Nhan Uyên

Tạo hình Khổng Tử và Nhan Hồi trên điện ảnh. (Ảnh: thefancarpet.com)

Nhan Uyên, còn gọi là Nhan Hồi, là học trò xuất sắc nhất của Khổng Tử. Khi Lỗ Ai Công có hỏi Khổng Tử rằng, trong các đệ tử, ai là người hiếu học (học đức hạnh, nhân nghĩa). 

Khổng Tử nói: “Có đệ tử là Nhan Hồi là hiếu học (học đạo Nhân), Hồi chưa bao giờ giận người khác, khi phạm lỗi không bao giờ mắc lỗi lần thứ hai. Nhưng không may chết sớm. Nhan Hồi chết rồi, không còn có đệ tử nào xuất sắc như thế có thể kế thừa tư tưởng của tôi”. (Nguyên văn: Hữu Nhan Hồi giả hiếu học, bất thiên nộ, bất nhị quá. Bất hạnh đoản mệnh tử hĩ, kim dã tắc vong, vị văn hiếu học giả dã).  

Khổng Tử đã từng khen Nhan Hồi rằng: “Nhan Hồi quả là người hiền năng. Một giỏ cơm, một bầu nước, ở trong ngõ hẹp, người khác thì không chịu nổi, thế mà Nhan Hồi vẫn cứ vui vẻ không hề thay đổi. Nhan Hồi quả là người hiền năng”. (Nguyên văn: Hiền tai Hồi dã! Nhất đan thực, nhất biều ẩm, tại lậu hạng, nhân bất kham kỳ ưu, Hồi bất cải kỳ lạc, hiền tai Hồi dã). 

Qua chí hướng của Nhan Hồi, có thể thấy, Nhan Hồi là người rất coi trọng tu luyện bản thân, thành người có đức cao tài lớn. Đến khi đạt được nhiều đức hạnh, hiền năng, đạt đạo, nhưng vẫn không muốn phô bày ra cho mọi người biết, chỉ chăm lo tu dưỡng bản thân, để càng ngày càng hoàn thiện hơn.

Đến khi hành sự, đủ tài đức hiền năng, lập được công lao to lớn cũng không muốn phô bày ra cho mọi người biết. Với bản thân thì nghiêm khắc, cần mẫn tu luyện, hành sự đều vì người khác, mà không kể công, không cần danh tiếng, không cần báo đáp. Có thể thấy đạt đến cảnh giới khá cao của đạo Nhân mà Khổng Tử đề xướng. Nhan Hồi quả là người “An bần lạc Đạo”, tuy nghèo mà vẫn yên vui, vui vẻ học tập tu luyện Đạo. 

Cảnh giới của Khổng Tử

Trong học thuyết của mình, Khổng Tử luôn đề cao nhân nghĩa. (Ảnh: Lesaffaires).

Khổng Tử sống trong thời Xuân Thu, lễ băng nhạc hoại, xã hội loạn lạc, đạo đức suy thoái, những điều trông thấy mà đau đớn lòng. Ông với thiên mệnh khôi phục lại nền lễ nhạc của Chu Công, Chu Văn Vương, Chu Võ Vương, đã truyền bá nền Nho học với cốt lõi là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, trong đó trọng tâm là chữ Nhân.

Chí hướng của Khổng Tử là muốn dốc hết sức mình, khôi phục lại nền đạo đức tốt đẹp xưa, phục hưng lại chế độ lễ nhạc, con người tự dùng tiêu chuẩn cao đạo đức của người quân tử để đối đãi với nhau, dùng lễ nghi phép tắc cư xử. Vua quan dùng đạo Nhân để cai quản nhân dân. Cấp trên với cấp dưới phải nhân, cấp dưới với cấp trên phải trung. Con cái hiếu kính cha mẹ, vợ chồng hòa thuận, anh nhường nhịn em, em hiếu thảo với anh.

Khổng Tử mong muốn người khắp nơi trong thiên hạ được yên vui, an cư lạc nghiệp. Người người tin tưởng nhau, trung tín, trẻ em người già được trông nom chăm sóc dạy dỗ. Nguyện vọng của bậc Thánh nhân Khổng Tử, muốn đem nhân ái đến muôn người, cũng giống như Phật Thích Ca, Chúa Giê-su từ bi, tình yêu thương rộng lớn đến với muôn người, hóa giải những khổ nạn chốn nhân gian. Lý tưởng Khổng Tử muốn dùng nhân đức cai quản xã hội, dùng giáo dục, lễ nhạc giáo hóa con người, khiến con người lên đến mức “chí thiện” (Chỉ ư chí thiện), thiên hạ thái bình thịnh thế. 

Ba nhân vật trong mẩu chuyện này với ba cảnh giới. Tử Lộ tuy đã vượt qua người thường vốn là vị tư, vị ngã, Tử Lộ đã vì bằng hữu, vị nhân, vị tha, nhưng chỉ giới hạn trong cái tình bằng hữu còn khá nhỏ bé. Nhan Hồi vượt lên hơn rất nhiều, đối với bản thân thì tu dưỡng để đạt đạo, mà không khoe tài năng, bản sự, đức độ, dốc sức làm việc cho người khác, cho xã hội mà không kể công. Còn Khổng Tử là một chữ Nhân rộng lớn, vì nhân quần, vì người khắp thiên hạ, hoàn toàn vô ngã vị tha, vì một xã hội thái bình thịnh thế, người người yên vui, nhà nhà hạnh phúc.

Nam Phương 

Exit mobile version