Đại Kỷ Nguyên

Bí ẩn Mạc Cao: Nguyên mẫu Tôn Ngộ Không và những câu chuyện còn giấu kín

Bí ẩn Mạc Cao: Nguyên mẫu Tôn Ngộ Không và những câu chuyện còn giấu kín

Nguồn ảnh theo Soundofhope.

Tại hành lang phía tây Hà Tây thuộc tỉnh Cam Túc, men theo con đường tơ lụa dài 25km về hướng đông nam thành phố Đôn Hoàng, lại xoay về chân núi phía đông, nhìn từ xa sẽ thấy rất nhiều hang động trên vách núi dài 1.600m ở hướng nam bắc. Đó chính là quần thể hang Mạc Cao.

Hang Mạc Cao được gọi là Thiên Phật Động, được xây dựng vào thời kỳ Ngũ Hồ thập lục quốc (304 – 439). Trải qua giai đoạn Thập lục quốc, Bắc Triều, Tùy, Đường, Ngũ Đại, Tây Hạ, Nguyên… quần thể hang Mạc Cao cũng mở rộng với 735 hang động, 45.000m2 bích họa, 2.415 pho tượng đất sét. Đây là thánh địa Phật giáo có quy mô lớn nhất và phong phú nhất còn tồn tại đến nay.

Hang đá Mạc Cao

Sự ra đời của hang đá Mạc Cao gắn liền với tích cổ về con đường truyền bá Phật Pháp. Đạo Phật từ Ấn Độ truyền đến vùng núi đá tỉnh Hà Tây, sau đó truyền ra khắp Trung Quốc, vì thế Đôn Hoàng được gọi là thánh địa của đạo Phật.

Tên gọi “Đôn Hoàng” xuất hiện sớm nhất trong Sử ký – Đại Uyển liệt truyện. Theo đó, Trương Khiên đi sứ sang Tây Vực từng đi ngang qua Đôn Hoàng. Sau khi trở về thành Trường An, ông báo lên Hán Vũ Đế những điều mắt thấy tai nghe trên đường, nhân đó cũng nhắc đến Đôn Hoàng. Vũ Đế nghe xong rất muốn đến thăm vùng đất này. Về sau, triều Tây Hán đã lập ra quận Đôn Hoàng tại nơi đây.

Đôn Hoàng nằm trên trục giao quan trọng của Tây Vực. Có quan điểm cho rằng, tên gọi Đôn Hoàng là do Hán Vũ Đế lập quận mà có. Hán Thư chép: “Đôn, đại dã. Hoàng, thịnh dã”, nghĩa là: “Đôn” là lớn, “Hoàng” là thịnh. Hậu nhân Lý Cát Phủ bổ sung: “Đôn, đại dã, dĩ kỳ quảng khai Tây Vực, cố dĩ thịnh danh”, nghĩa là: Đôn là lớn, do mở rộng Tây Vực, từ đó mà nổi danh. 

Theo ghi chép trên bia Lý Khắc thì, việc xây dựng hang đá có liên quan tới điển tích về Lạc Tôn hòa thượng. Năm 366, hòa thượng Lạc Tôn vân du đến núi Tam Nguy phía nam thành Đôn Hoàng. Khi mặt trời sắp lặn, ông vẫn không tìm được chỗ nghỉ chân. Ông dõi mắt ra xa thì bắt gặp một cảnh tượng kỳ lạ: Trên núi Tam Nguy phát ra luồng ánh sáng trang nghiêm tựa như hào quang của chư Phật. Thân tâm rung động, vị tăng nhân vô cùng xúc động bèn vội vàng làm lễ, cho rằng đây là điềm lành của Phật: “Nơi đây chính là thánh địa”. Sau đó, ông bèn hóa duyên khắp nơi, quyên góp tiền và công sức để khai mở các hang đá. 

Sau này, cùng với sự phát triển của con đường tơ lụa tại Trung Hoa, các thương nhân và quan lại khi đi qua tuyến đường này đã quyên góp tiền bạc để trùng tu và kiến tạo tượng Phật. Từ đó, không ít tăng nhân trong và ngoài Trung Hoa cũng bắt đầu đến đây khai mở đào hang động và tu hành.

Đến thời Bắc Tống, Tây Hạ và nhà Nguyên, hang Mạc Cao dần dần không còn được ai xây dựng hay tạc tượng mới, mà chỉ trùng tu lại từ di tích thời trước. Sau khi con đường tơ lụa bị bỏ hoang phế, hang Mạc Cao cũng không còn được tu sửa và dần dần rơi vào quên lãng. Mãi cho đến năm Khang Hy thứ 40 thời nhà Thanh (năm 1701), nơi đây mới được trùng tu xây dựng và thu hút sự chú ý của công chúng. 

Đường triều là thời đại hoàng kim trong nghệ thuật hang Mạc Cao. Tượng Di Lặc cao 33m trong 96 động đá tạc vào thời nhà Đường là tượng đại Phật đầu tiên tại hang Mạc Cao, cũng là một trong những bức tượng Phật được chạm khắc bằng đất sét lớn nhất trên thế giới.

Ngoài ra, trong động chứa Kinh Phật còn phát hiện khoảng 5 vạn bản kinh chép tay và các tư liệu lịch sử khác. Trong đó có hàng nghìn bức tranh lụa, tranh khắc gỗ, tranh thêu và nhiều tác phẩm thư pháp. Muốn trưng bày tất cả các tác phẩm này thì cần một phòng tranh lớn dài 25km mới đủ. Các học giả phương Tây gọi tranh vách đá Đôn Hoàng là “thư viện trên vách đá”.

Từ những bức tranh trên tường cho tới những tác phẩm điêu khắc đều có chủ đề Phật giáo. Đức Phật là nhân vật trung tâm, bao quanh là các vị Thần khác trên thiên thượng. Một trong những bức tượng nổi tiếng nhất hang Mạc Cao là tượng Phật Di Lặc cao 33m, được tạc vào thời nhà Đường, cũng là một trong những bức tượng bằng đất sét lớn nhất trên thế giới. Hình ảnh đức Phật nghiêm trang kỳ ảo khiến người xem trầm ngâm thán phục. Đó chính là kho tàng nghệ thuật Phật giáo lớn nhất thế giới.

Cấu trúc mái hiên trong phần giữa của 
hang Mạc Cao (ảnh: Wikipedia).

Nguyên mẫu Tôn Ngộ Không? 

Trong các bức bích họa tại hang Mạc Cao có một hình người gần giống khỉ, vì là người Hồ nên lông tóc khá rậm rạp, có lẽ chính là nguyên mẫu của Tôn Ngộ Không. Nhân vật trong tranh tên là Thạch Bàn Đà, đã trợ giúp Đường Tăng vượt qua sông Hồ Lô, xuyên qua Ngọc Môn quan, sau đó rời đi. Đây là ghi chép chi tiết trong Đại Đường Đại Từ Ân Tự Tam Tàng Pháp Sư Truyền.

Thạch Bàn Đà từng là đạo tặc giết người cướp của, sau được Đường Tăng dạy dỗ, cuối cùng tỉnh ngộ và trở thành đệ tử đầu tiên, giúp Đường Tăng vượt qua sa mạc. Những điều này đều được ghi chép chi tiết trong quyển Đường Tăng Tây Du Ký.

Câu chuyện về Đức Phật Thích Ca

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tên là Tất Đạt Đa. “Thích Ca” là tên gọi của một chủng tộc, còn “Mâu Ni” là tôn xưng với ý nghĩa “Thánh nhân của tộc Thích Ca”. Trong các bức tượng tại Đôn Hoàng có rất nhiều tượng thuyết Pháp của Đức Phật. Còn trong các bức bích họa có rất nhiều Thuyết Pháp đồ và Phật Pháp đồ, kể lại sự tích cuộc đời của Đức Phật. Đó là câu chuyện truyền kỳ từ khi Ngài thác mộng qua hình tượng voi trắng và đầu thai làm người, đản sinh dưới gốc cây, kết hôn với công chúa, vân du bốn phương, vấn đạo dưới gốc cây, vượt ra khỏi thành phố xuất gia và đắc Pháp thành Phật. 

Câu chuyện trên được thể hiện trên đỉnh hang số 290 của quần thể hang Mạc Cao. Đường vách phía đông và phía tây được chia thành ba lớp, liên tục mô tả 87 tình tiết truyền kỳ về cuộc đời Đức Phật, tạo thành chuỗi tranh liên hoàn dài 27,5m. Đây cũng là tập hợp các câu chuyện Phật giáo hoàn chỉnh và nguyên vẹn nhất trong các bức tranh bằng đá trên thế giới. 

Vua Thi Tỳ cắt thịt cứu chim bồ câu

Câu chuyện được thể hiện trên bức tường phía bắc ở Bắc Lương, nổi bật với hai tình tiết là cắt thịt và cân. Bức tranh nổi tiếng này tên là “Thi Tỳ vương bổn sinh”.

Chuyện xưa kể rằng, tiền thân của Đức Phật Thích Ca là vua Thi Tỳ, là hiện thân của sự từ bi, nhân hậu, quảng đại, bao dung. Đế Thích và Tỳ Thủ Yết Ma vì muốn thử lòng từ bi và nhất tâm hướng đạo của Ngài liền hẹn nhau hóa thành chim ưng và bồ câu, diễn hóa cảnh đuổi bắt săn mồi. Bồ câu trốn sau khuỷu tay của vua Thi Tỳ, chim ưng thì lao nhanh tới truy đuổi. Chim ưng bèn xếp cánh đáp xuống một cành cây và nói: “Ngài muốn cứu sống bồ câu, chẳng lẽ để cho tôi chết đói?”.

Ðức Phật từ bi hỏi: “Ngươi cần gì để no bụng, ta sẵn sàng cung cấp cho ngươi”. Chim ưng liền đáp: “Tôi muốn ăn thịt”. Ðức Phật liền rút ra một con dao, thản nhiên cắt thịt nơi cánh tay của mình rồi trao thịt cho chim ưng. Chim ưng chê ít, Ðức Phật lại xẻo thêm thịt nơi cánh tay của Ngài, nhưng khi Ngài cắt tận đến xương thì không còn thịt nữa. Cuối cùng Ngài phải cắt hết tất cả thịt nơi cánh tay của Ngài nhưng vẫn không làm sao cân đủ nặng bằng thịt bồ câu.

Chim ưng hỏi Ðức Phật: “Ngài có hối tiếc khi cắt thịt hủy hoại cánh tay của Ngài không?”. Ðức Phật trả lời: “Ta không hề hối hận vì hạnh nguyện của Ta là cứu độ tất cả chúng sinh, một ít thịt nơi cánh tay ta có gì là đáng tiếc?”. Chim ưng nhạo báng tỏ bày: “Ngài nói nghe đạo đức quá mà không biết có thực tâm không”. Ðức Phật liền đáp: “Nếu lời nói này của ta xuất phát từ lòng chí thành thì cầu mong thịt cắt khỏi cánh tay ta sẽ liền lại như trước”. Ðức Phật phát lời thề nguyền vừa xong, thịt cánh tay Ngài tức thời lành dính lại như cũ. Chim ưng thấy vậy liền bay vút lên không và hiện nguyên hình là Ðế Thích.

Vua Thi Tỳ cắt thịt cứu chim bồ câu (nguồn ảnh theo Soundofhope).

500 cường đạo được cứu độ

Trên bức tường thành phía nam của hang động số 285 là bức tranh khắc họa câu chuyện vẽ vào thời Tây Ngụy. Đây cũng là bức họa sớm nhất nói về luật nhân quả. 

Chuyện rằng, tại đất nước Kiều Tạt La (Kauśala) xa xôi có 500 tên cướp vô cùng hung ác. Chúng chiếm núi dựng trại, chặn đường cướp bóc, vào nhà cướp của, giết người phóng hỏa, không điều ác nào không làm. Bách tính đều vì chúng mà bị thiệt hại nặng nề. Quốc vương liền cử đội quân tinh nhuệ nhất đi dẹp loạn, sau một trận chiến đấu ác liệt, 500 tên cường đạo thua trận và bị bắt làm tù binh. 

Nhà vua quyết định phán xét tội tử hình cho năm trăm tên cướp mà bách tính căm hận tới tận xương tủy này. Đến ngày tử hình, khu vực hành quyết được bảo vệ nghiêm ngặt, sát khí đằng đằng. Binh sĩ tay cầm đao sắc nhọn trói toán cướp lên cột rồi hành hình và đẩy chúng vào khu rừng hoang vắng không bóng người. Đó là nơi thâm sơn cùng cốc, nhiều lang sói hổ dữ, vô cùng âm u đáng sợ. Những tên cướp vô cùng sợ hãi, tuyệt vọng và bắt đầu niệm Phật.

Tiếng kêu thê thảm của toán cướp lan khắp bốn phương, cuối cùng truyền tới tai Đức Phật Thích Ca. Đức Phật biết đây là tiếng kêu cứu của 500 tên cướp đang vật lộn giữa sự sống và cái chết, Ngài bèn dùng thần thông đưa tới làn gió thơm thần dược, thổi vào hốc mắt giúp họ nhìn thấy ánh sáng, trước mặt họ là Đức Phật đang giảng Pháp. Nhóm cường đạo ăn năn sám hối khi nghe lời giáo huấn của Ngài, miệng gọi tôn sư và trở thành đệ tử Phật môn. Từ đó, khu rừng trong sơn cốc được gọi là “Đắc Nhãn Lâm”. Nhiều năm sau, 500 tên cường đạo năm nào tu thành chính quả, trở thành 500 vị La Hán. 

Hang Mạc Cao là hang động lớn kết hợp giữa hội họa, điêu khắc và kiến trúc, chủ yếu là bích họa và tượng. Bích họa trong hang Mạc Cao được bố trí theo bốn phía tường, đỉnh hang và am thờ Phật với ý nghĩa vô cùng thâm sâu, nội dung tập trung vào các chủ đề như tượng Phật, sự tích, kinh Phật, thờ cúng… Ngoài ra còn có rất nhiều bức tranh khắc họa xã hội đương thời như săn bắt, trồng trọt, may vá, giao thông, chiến tranh, xây dựng, vũ đạo, ma chay, cưới hỏi… 

Có người gọi Mạc Cao là “bảo tàng Louvre của Trung Quốc”, thật ra nơi đây có lịch sử lâu đời hơn bảo tàng Louvre rất nhiều. Mỗi động đá, mỗi bức bích họa, mỗi nhân vật được khắc họa đều chứa đựng những câu chuyện lịch sử, khiến người xem lưu luyến quên cả đường về, ngỡ ngàng như nhận ra sự vĩnh hằng của sinh mệnh, khám phá được thông điệp sâu xa và đầy huyền bí của vũ trụ.  

Theo Văn Tư Mẫn, Soundofhope
Kiên Định biên dịch

Video: Trung Quốc: Chính quyền tàn bạo, vì sao dân phải chịu quả báo?

Có thể bạn quan tâm:

Exit mobile version