Đại Kỷ Nguyên

5 bí quyết lãnh đạo kinh điển của Tăng Quốc Phiên

5 bí quyết lãnh đạo thành công của Tăng Quốc Phiên

Ảnh: Shutterstock.

Lấy chân thành đối đãi với giả dối, dùng vụng về ngốc nghếch đối đãi với ranh ma thủ đoạn.  

Tăng Quốc Phiên nói rằng: “Đạo trời kị với khôn lanh, hai lòng và cao ngạo”. Đạo trời kị khôn lanh, loại tinh khôn ấy chính là kiểu đi tắt đón đầu. Trên con đường đi đến thành công cần phải bước từng bước một. Trên đời không có đường tắt nào có thể đi, do vậy muốn đạt được thành công cần phải khiêm tốn hạ mình thực hiện mọi việc một cách thiết thực. 

Đạo trời không có hai lòng. Người hai lòng sẽ không trung thành và chân thật với bất cứ ai. Hơn nữa, cái chân thật lại chính là nền tảng để làm người. 

Đạo trời kị cũng kị cao ngạo kiêu căng. Nó thay cao ngạo bằng sự khiêm tốn, nhún nhường. Đạo của đất lại có khả năng cải biến sự cao ngạo thành khiêm tốn. Người có đạo ghét sự tự cao tự đại mà yêu mến khiêm tốn, nhún nhường. Quỷ thần hại cao ngạo và vun đắp cho sự khiêm tốn. Mặt trời quá trưa sẽ ngả về tây, trăng tròn rồi sẽ phải khuyết. 

Kỳ thực ở trong bất kỳ thời đại nào, Đại Đạo luôn vô cùng đơn giản. Nó giống như người nông dân phải gieo trồng thì mới có thu hoạch. Thiên tài thường bị mắc kẹt bởi tài năng của chính mình. Vì nghĩ bản thân quá giỏi nên mới thất bại. Cần phải biết khiêm tốn, coi bản thân như người bình thường thì mới tìm ra khiếm khuyết của chính mình. Có vậy người tài năng mới đạt được thành công. 

1. Chí hướng: Luôn luôn kiên định

Nhiều người cho rằng Tăng Quốc Phiên là nhân vật đại biểu giỏi về mưu kế ứng biến. Kỳ thực, đây là một sự hiểu lầm. Mặc dù nghệ thuật lãnh đạo của ông cũng có chút mưu kế nhưng cốt lõi vẫn là triết lý của Nho gia: Trung nghĩa và tâm huyết.

Tăng Quốc Phiên sống ở đất Ung (hiện thuộc vùng Thiểm Tây, Cam Túc, Thanh Hải). Lúc đó bầu không khí của cả nước vô cùng ảm đạm. Theo ông, điều đáng sợ nhất không phải là việc quân nổi loạn Thái Bình tạo phản mà chính là tâm trí của quan lại đã bị hãm trong các loại dục vọng. 

Vì vậy, Tăng Quốc Phiên, La Trạch Nam và một số người khác đã không ngừng giảng nói về học thuyết của Nho gia. Ông dùng giá trị mà Thánh nhân truyền dạy làm kim chỉ nam để thực thi và hoàn thành nhiệm vụ của mình. Cuối cùng ông đã vượt qua mọi trở ngại để thành tựu sự nghiệp. Ông thực sự đã thay đổi bầu không khí ảm đạm nơi quan trường thành tựu một đời của mình.

Chân dung Tăng Quốc Phiên (ảnh: Wikipedia).

2. Dùng người: Chọn kẻ chất phác, chịu được khổ cực

Nếu như nói triết lý khiến Tăng Quốc Phiên thành tựu sự nghiệp của ông là tâm huyết và trung nghĩa, thì việc ông chọn nhân tài cũng giống như thế, rất thiết thực. Ông thường chọn người chất phác và giản dị. 

Tăng Quốc Phiên chọn người bắt đầu từ đơn giản nhất. Tướng lĩnh phải chọn người thẳng thắn và hiểu việc quân, đồng thời còn phải là một người quân tử. Binh lính, ông chọn người chất phác và có dáng vẻ của nông dân mộc mạc. 

Quân đội Tương quân của ông dựa vào điều gì để đánh thắng trận? Cơ sở để liên tục đánh thắng là gì? Đó chính là tác phong “chất phác, chịu được khổ cực”. Từ bên ngoài mà nhìn thì cách dùng người của Tăng Quốc Phiên trông có vẻ ngốc nghếch nhưng đó lại chính là ưu điểm của ông. 

3. Làm việc: Nhìn xa trông rộng, bắt đầu từ việc nhỏ

Điều cấm kỵ trong quản lý là nói thuyết viển vông, làm việc không thực tế. Ngay từ khi mới bắt đầu chỉ huy quân đội, ông đã có nhận thức sâu sắc về vấn đề này. Ông nhấn mạnh: “Quân sự là việc vô cùng nghiêm túc”, không được có một chút suy nghĩ viển vông. 

Ông rất ghét nghe những lời ba hoa khoác lác mà chỉ thích những lời nói thật, việc làm thật. Cốt lõi trong phong cách quản lý của ông nằm ở hai chữ: “Cần, Thực”, nghĩa là cần cù và thực tế.  

Ông tin rằng người cầm quân nhất định phải làm được đến nơi đến chốn, cần cù và thật thà, làm từ việc nhỏ đến việc lớn, cứ như vậy tích lũy mà hoàn thành đại sự. 

4. Tổ chức: Chân thực và kiên định 

Tăng Quốc Phiên từng nói: “Nghệ thuật trong tổ chức, quý ở trung thành, rẻ ở mánh khóe”. Cũng vì vậy mà Tăng Quốc Phiên đã xây dựng được văn hóa trong đội quân Tương quân của ông là trung thực, tin tưởng và giúp đỡ lẫn nhau. 

Chính sự thẳng thắn và thành khẩn đã làm nên tinh thần Tương quân, nó cũng tạo nên lực ngưng tụ cùng sức chiến đấu mạnh mẽ trong đội quân của ông. 

5. Tâm tính: Thành bại thuận theo trời, chê khen thuận theo người

Trong cuộc đời của Tăng Quốc Phiên cũng không tránh khỏi lúc thăng lúc trầm, lúc thắng lúc bại. Nhưng khi đối diện với khó khăn nghịch cảnh, ông lại thể hiện hết mức ưu điểm của mình chính là ý chí mạnh mẽ của một người đàn ông tự lập để kiên trì đi cho tới cuối cùng. 

Tăng Quốc Phiên từng nói: “Việc thiên hạ chắc chắn phải trải qua gian khổ mới làm xong, đó là việc lớn và lâu dài”. Mưu mẹo chỉ là khôn vặt, nó chỉ đạt được cái lợi nhất thời. Giả ngốc nghếch mới là đại trí tuệ, vừa có nền tảng vững chắc vừa lâu dài. Lương Khải Siêu nhận xét: “Tăng Quốc Phiên không có tài năng phi thường. Trong số những người nổi tiếng cùng thời, ông bị cho là người chậm chạp và ngốc nghếch nhất”.  

Mỗi lần gặp nghịch cảnh trong cuộc đời lại là thời điểm ông lập đức lập công, lập ngôn. Cứ như vậy mà ông đã đạt đến cảnh giới của người lưu danh thiên cổ. Vậy lý do gì giúp ông làm được điều này? 

Có lẽ bởi ông luôn dùng ý chí mạnh mẽ để kiềm chế những khát vọng của phần con người trần tục. Ông vừa khôn ngoan vừa hiểu biết, vừa nỗ lực vừa hành động, trải qua hàng trăm chướng ngại vật mà không chịu khuất phục. Đó chính là con đường đi đến thành công của ông. Tất cả chỉ có vậy mà thôi. 

Theo Secretchina
San San biên dịch

Exit mobile version