Đại Kỷ Nguyên

3 cuộc đàn áp đức tin tàn khốc nhất trong lịch sử Trung Quốc

Trong ảnh là cảnh những người tập Pháp Luân Công bị đàn áp tại Trung Quốc (ảnh: Minghui).

Trong lịch sử nhân loại, bất kỳ chính quyền nào cũng mong muốn kiểm soát trọn vẹn đức tin của dân chúng. Khi “trăm họ” tin vào một thứ đi ngược lại ý chí của những người cầm quyền, đó có thể là một sự đe dọa. Lịch sử Trung Quốc chứng kiến không ít những lần giới cầm quyền cố gắng thể hiện quyền uy của mình với tín ngưỡng Thần, Phật, Đạo của dân chúng. Nó cũng là nguyên nhân châm ngòi cho những cuộc đàn áp tinh thần khủng khiếp nhất.

Trung Quốc – Vùng đất của Thần

Trung Quốc rộng 9,6 triệu km2, là nơi hơn 1,3 tỷ người sinh sống. Sự đa dạng về cảnh quan thiên nhiên, sắc tộc cũng như sự cởi mở về tinh thần đã tạo ra một mảnh đất tươi tốt cho các đức tin, tín ngưỡng nở rộ suốt mấy nghìn năm qua. Trong lịch sử, Phật giáo, Đạo giáo, Hồi giáo, Cơ Đốc giáo… đều được truyền bá rộng rãi ở Trung Quốc và nhận được sự đón nhận nhiệt thành của mọi tầng lớp từ vua chúa, quan lại, quý tộc đến bình dân.

Cũng vì lý do ấy, người Trung Quốc tự gọi đất nước mình là xứ “Thần Châu”, tức là “vùng đất của Thần”. Suốt 5000 năm lịch sử văn minh Hoa Hạ, tín ngưỡng về Thần Phật đã in đậm dấu ấn trong tất cả các sinh hoạt, từ văn hóa, nghệ thuật đến xã hội, chính trị. Người cai trị cũng nhún nhường tự gọi mình là “Thiên tử”, nghĩa là con Trời, thuận theo đạo Trời mà trị vì muôn dân.

Hán Minh Đế

Đối với tín ngưỡng, tôn giáo, các hoàng đế bày tỏ một lòng kính ngưỡng nhất định. Đế vương nào cũng cho lập ra một nơi thờ cúng Trời Đất, gọi là “Thiên Đàn”. Thiên Đàn còn lại ở Bắc Kinh ngày nay có diện tích rộng gấp 4 lần Tử Cấm Thành (nơi sinh sống của hoàng đế). Trong “Âm Phù kinh”, một cuốn sách được cho là do Hoàng Đế Hiên Viên viết có chép: “Quan Thiên chi Đạo, chấp Thiên chi hành, tận hỹ” (Xem xét đạo Trời, làm theo đạo Trời, như thế đã là biết hết).

Hán Minh Đế Lưu Trang (28 – 75) là một vị vua anh minh, có công mang Phật giáo về Trung Nguyên truyền bá rộng rãi. Tương truyền, sau một đêm nằm mộng thấy Thần Phật bay trong cung điện của mình, ông đã cử một phái đoàn 12 người sang tận Ấn Độ mang tượng Phật Thích Ca Mâu Ni và kinh sách Phật giáo về. Ở kinh đô Lạc Dương, Hán Minh Đế cũng cho dựng chùa Bạch Mã, ngôi chùa đầu tiên của Trung Quốc.

Nhưng không phải nhà cầm quyền nào cũng có lòng ngưỡng vọng Thần Phật cung kính như Hán Minh Đế. Lịch sử Trung Quốc cũng ghi nhận nhiều ông vua thách thức Thần Phật, thậm chí ra tay đàn áp nặng nề tôn giáo và những tín đồ, để lại tội ác và vết nhơ lớn cho hậu thế.

Đường Vũ Tông và “Hội Xương diệt Phật” (844)

Dưới thời nhà Đường, tín ngưỡng ở Trung Quốc phát triển đến cực thịnh. Chính sách khoan dung tôn giáo của các hoàng đế đã khiến Phật giáo, Đạo giáo được truyền bá rộng rãi. Nhiều tôn giáo mới cũng được du nhập và chung sống hài hòa như: Hồi giáo, Cơ Đốc giáo, Cảnh giáo, Bái Hỏa giáo, Mani giáo… Tuy nhiên, vào cuối thời Đường, có một hoàng đế gần như đã đi ngược lại truyền thống đó, gây nên một trong bốn “Pháp nạn” lớn cho Phật giáo. Ông chính là Đường Vũ Tông Lý Triền, người duy nhất trong 20 hoàng đế nhà Đường chống lại Phật giáo.

Đường Vũ Tông là người cực kỳ sùng bái Đạo giáo, mê mẩn thuật trường sinh của các đạo sỹ. Từ khi còn là một phiên vương, ông đã kết giao với nhiều đạo sỹ. Đến khi lên ngôi, ông lập tức triệu vào cung 81 đạo sỹ thân tín của mình, trong đó có một người tên là Triệu Quy Chân. Quy Chân nhiều lần rỉ tai khuyên Vũ Tông nên dẹp Phật giáo mà độc tôn Đạo giáo.

Vũ Tông đàn áp Phật Giáo

Năm 842, Vũ Tông ra sắc lệnh đàn áp đầu tiên. Theo đó, triều đình hạ lệnh trục xuất các tăng ni từng phạm tội ra khỏi chùa. Ngoài ra các tăng ni cũng phải nộp hết tài sản riêng cho triều đình, nếu trái lệnh thì buộc phải hoàn tục và nộp thuế như những người dân khác. Vũ Tông cũng hạn chế số lượng chùa chiền, mỗi vùng chỉ được xây một chùa duy nhất. Ban đầu, đó được coi là hành động cải cách Phật giáo nhưng càng về sau nó đã bùng phát thành một cuộc đàn áp đầy bạo lực.

Càng ngày Vũ Tông càng trở nên cuồng tín với Đạo giáo, qua lại mật thiết hơn với các đạo sỹ và thêm chán ghét, căm thù Phật giáo. Một tu sĩ Nhật Bản tên là Ennin, người có mặt ở Trung Quốc trong suốt cuộc đàn áp này thậm chí cho biết rằng hoàng đế Vũ Tông còn có quan hệ bất chính với một nữ đạo sỹ. Những điều đó dẫn đến một cuộc đàn áp dã man hơn vào năm 844.

Đàn áp và phá hủy

Sau gần 1 năm, người ta ước tính rằng Vũ Tông đã ra lệnh phá hủy 4.600 ngôi chùa, 40.000 miếu thờ và đuổi ra khỏi các tu viện khoảng trên 260.000 tăng ni, ép các tăng lữ hoàn tục, cưới vợ sinh con, cày cấy nộp thuế. Ngoài ra, đất đai, ruộng vườn, tài sản của các chùa đều bị sung vào công quỹ. Tượng đồng, chuông đồng… bị đập bể, nung chảy để đúc tiền, các tượng bằng sắt thì giao cho quan phủ nấu chảy đúc thành nông cụ. Các Tượng Phật và các đồ vàng bạc cũng bị tịch thu, nộp vào ngân khố quốc gia.

Sau những cuộc đàn áp tàn bạo như vậy, không chỉ Phật giáo mà rất nhiều tôn giáo ngoại lai khác ở Trung Quốc lúc bấy giờ đều bị hủy hoại. Nhưng cuối cùng bản thân Vũ Tông cũng phải gánh chịu quả báo nặng nề. Do quá lạm dụng đan dược và những loại “thuốc trường sinh”, Vũ Tông ngày càng suy nhược và mất tỉnh táo. Năm Hội Xương thứ 6 (846), Vũ Tông băng hà, hưởng dương 32 tuổi. Cơ nghiệp hoàng đế của ông chỉ kéo dài hơn 6 năm. Còn nhà Đường cũng dần suy yếu, vài chục năm sau lâm vào cảnh diệt vong (907).

Kế vị ông là hoàng đế Tuyên Tông, người đã ra sức chấn hưng lại Phật giáo, phục hồi lại sự uy nghiêm của Thần Phật từ đống tro tàn của sự hủy hoại, diệt vong. Tuy nhiên, dưới bàn tay bạo tàn của Vũ Tông, Phật giáo nói riêng và tôn giáo, tín ngưỡng Trung Quốc nói chung đã chịu những vết thương quá nặng nề mà hàng nghìn năm sau vẫn không thể lành hẳn.

Đàn áp Phật giáo Tây Tạng (1950)

Trong lịch sử, Tây Tạng đã nhiều lần nằm dưới quyền cai trị của các vương triều Trung Hoa. Nhưng nhìn chung, truyền thống văn hóa của vùng đất này vẫn rất được tôn trọng. Người Mông Cổ, trong thời kỳ chiếm đóng nơi này, đã chọn Phật giáo Tây Tạng làm quốc giáo. Dưới triều Minh, Thanh, Tây Tạng vẫn giữ được quyền tự chủ lớn. Các tăng lữ tôn giáo địa phương vẫn được trao quyền tự trị.   

Nhưng từ khi ĐCS Trung Quốc lên nắm quyền, mối quan hệ hữu hảo ấy đã không còn. Tháng 10/1950, quân đội Trung Quốc bất thần mở cuộc tấn công 6 mặt vào lãnh thổ Tây Tạng. Mùa hè năm 1951, hơn 6.000 quân Trung Quốc tiến chiếm thủ đô Lhasa. Cho đến cuối năm 1956, trước sự vây ráp khốc liệt, hàng triệu người Tây Tạng buộc phải rời bỏ xứ sở, lũ lượt vượt qua dãy Himalaya tìm nơi tỵ nạn.  

Từ đó đến nay, trong suốt hơn 6 thập niên bị chiếm đóng, Tây Tạng đã phải chịu những chính sách cai trị bạo tàn của chính quyền Trung Quốc. Người dân sống trong một lò lửa ngột ngạt, bỏng rát của sự phong bế, đàn áp về cả thể xác lẫn tinh thần. Đặc biệt, Phật giáo Tây Tạng vốn có lịch sử hơn 1500 năm đã bị hủy hoại nặng nề.

Mao Trạch Đông ra lệnh đàn áp Phật Giáo Tây Tạng

Khi tiến quân vào Tây Tạng, ông Mao Trạch Đông (khi ấy là Chủ tịch Đảng) đã giương cao khẩu hiệu “Lạt Ma hãy về nhà!”. Trong khoảng hơn 110.000 tăng ni Tây Tạng thời điểm đó, 10.000 người đã phải bỏ trốn ra nước ngoài. Số còn lại bị bắt phải hoàn tục, trở về với cuộc sống bình thường. Chỉ còn khoảng 7.000 người được cho phép ở lại trong chùa miếu.

Chính quyền Trung Quốc rất mạnh tay trong việc đốt phá, hủy hoại chùa chiền, văn vật. Từ chỗ có hơn 2.600 ngôi chùa Phật giáo, Tây Tạng chỉ còn lại vỏn vẹn 70 chùa. Trong 10 năm “Cách mạng Văn hóa” (1966 – 1976), Phật giáo Tây Tạng thậm chí còn bị thương tổn nặng nề hơn nữa. Chùa chiền, tu viện bị đập phá đến hoang tàn, bị ném bom tiêu hủy. Các nhà sư và ni cô bị cưỡng ép phải hoàn tục, kết hôn, bị buộc phải đi ngược lại với giới luật và niềm tin của mình, thậm chí bị tra tấn, bỏ tù.

Danh sách “Phật sống”

Hơn nửa thế kỷ qua, đã có hơn 1 triệu người Tây Tạng thiệt mạng vì những cuộc đàn áp ngày càng khốc liệt của ĐCS Trung Quốc. Cuối năm 2015, chính quyền Trung Quốc tuyên bố Lạt Ma chuyển kiếp (một tập tục thiêng liêng của Tây Tạng) nếu muốn chuyển sinh phải được sự thông qua của Trung ương! Họ còn làm những việc khôi hài, cười ra nước mắt khác như phát thẻ chứng nhận cho các “Phật sống” Tây Tạng. Danh sách “Phật sống”, đương nhiên, được chính quyền chỉ định, chọn lựa.

Mới đây, hồi cuối tháng 7/2016, chính quyền Trung Quốc đã đưa quân đội vào phá dỡ Học viện Phật giáo Larung Gar, nơi vốn được coi là thánh địa Phật giáo của Tây Tạng. Chính quyền đã huy động máy kéo, máy xúc đập phá rất nhiều kiến trúc truyền thống ở đây, đẩy hơn 40.000 tăng ni vào cảnh màn trời chiếu đất.

Bức hại Pháp Luân Công

Ở Trung Quốc, khí công có một lịch sử lâu dài. Tuy nhiên, cũng như nhiều loại hình văn hóa truyền thống khác, khí công cũng bị chụp mũ là “mê tín dị đoan” trong thời Cách mạng Văn hóa. Sau này, vào giữa những năm 70, khi Cách mạng văn hóa đã đi dần vào thoái trào, phong trào tập luyện khí công ở Trung Quốc bỗng nở rộ.

Trong tình thế đó, năm 1992, Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp) được ông Lý Hồng Chí đưa ra giới thiệu, phổ truyền lần đầu tiên ngoài công chúng. Được truyền giảng dưới hình thức khí công, môn tu luyện tinh thần này xây dựng trên nền tảng là nguyên tắc “Chân – Thiện – Nhẫn”.

Ban đầu, với khả năng chữa bệnh, khỏe người, môn khí công này đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Về sau, người luyện tập nhận ra Pháp Luân Công thực sự còn hàm chứa những điều tinh thâm, cao siêu hơn thế. Khi kiên trì tu luyện và đề cao tâm tính, người ta sẽ có được sự thăng hoa về mặt tinh thần, có thể cải biến con người, giúp người ta sống tốt hơn chiểu theo những giá trị đạo đức “Chân – Thiện – Nhẫn”.


Hơn 10.000 người luyện Pháp Luân Công tại Cung Văn hóa Trường Xuân. Ảnh: minghui.org

Pháp Luân Công mang tới sự tốt đẹp

Cho đến năm 1999, với những hiệu ứng tốt đẹp của mình, Pháp Luân Công đã được người dân Trung Quốc nồng nhiệt đón nhận. Theo những thống kê chưa đầy đủ, vào thời điểm đó có tới gần 100 triệu người luyện tập Pháp Luân Công mỗi ngày. Nhưng đó cũng là lúc ông Giang Trạch Dân, người đứng đầu ĐCS Trung Quốc lúc bấy giờ cảm thấy bị đe dọa.

Niềm tin vào Thần, Phật, Đạo, vào bản tính thiện lương tốt đẹp của các học viên Pháp Luân Công đi ngược lại hoàn toàn quan niệm vô thần mà ĐCS Trung Quốc vẫn thường gieo rắc, truyền bá. Số lượng học viên Pháp Luân Công lên tới hơn 100 triệu người, nhiều hơn cả số đảng viên khi ấy. Trong con mắt đầy đố kỵ của Giang Trạch Dân, đó thực sự là một tín hiệu đe dọa nghiêm trọng cho vị trí độc tôn của ông này.

Giang Trạch Dân đơn phương quyết định đàn áp…

Ngày 19/7/1999, Giang Trạch Dân đơn phương quyết định đàn áp Pháp Luân Công bất chấp sự phản đối ngay trong chính nội bộ. Giang kiên quyết tuyên bố: “Đảng cộng sản nhất định phải chiến thắng Pháp Luân Công”. Ngay sau đó không lâu, một cơ quan chuyên trách đàn áp, bức hại Pháp Luân Công được lập ra mang tên “Phòng 610”. Nó đã trở thành một trong những cỗ máy giết người tàn bạo nhất trong lịch sử nhân loại. Giang Trạch Dân thậm chí còn cho Phòng 610 đặc quyền đứng ngoài vòng pháp luật, có thể tự do bắt bớ, giam giữ và tra tấn không qua xét xử các học viên Pháp Luân Công.


Cảnh sát, nhân viên an ninh Trung Quốc đàn áp học viên Pháp Luân Công. Ảnh: minghui.org

Giang Trạch Dân gần như huy động toàn nguồn lực để đàn áp các học viên tay không tấc sắt. Bộ máy truyền thông nhà nước, dưới sự chỉ đạo của ĐCS Trung Quốc tiến hành những chiến dịch quy mô lớn hòng bôi nhọ thanh danh nhà sáng lập Lý Hồng Chí, xuyên tạc tinh thần của Pháp Luân Công. Hệ thống tòa án, cảnh sát, quân đội, công an cũng được huy động tham gia đàn áp, tra tấn về thể xác lẫn tinh thần, cưỡng bức lao động trong các trại tập trung, thậm chí là giết người, thu hoạch nội tạng phi pháp các học viên.

Giang Trạch Dân muốn xóa sạch Pháp Luân Công

Trong nỗ lực đàn áp điên cuồng, hòng xóa sạch Pháp Luân Công ra khỏi bản đồ Trung Quốc, Giang Trạch Dân đã huy động tối đa nguồn lực tài chính phục vụ cho tội ác của mình. Theo các số liệu thống kê, vào thời điểm cuộc đàn áp ở cao trào, chi phí trả lương cho khoảng vài triệu người trong lực lượng an ninh tham gia đàn áp lên tới 100 tỷ NDT mỗi năm. Năm 2001, riêng ở quảng trường Thiên An Môn, mỗi ngày, chính quyền Trung Quốc tiêu tốn khoảng 2,5 triệu NDT cho các vụ bắt bớ, đánh đập, giam cầm học viên Pháp Luân Công.


Những người tập Pháp Luân Công dựng lại cảnh thu hoạch nội tạng của các tù nhân lương tâm của ĐCS Trung Quốc. Ảnh: Epochtimes. 

Mổ cướp nội tạng học viên Pháp Luân Công

Những cuộc điều tra công phu và kỹ càng của các tổ chức nhân đạo, nhân quyền trên thế giới ngày nay đã hé lộ những tội ác kinh thiên động địa của Giang Trạch Dân và đoàn thể tà ác của mình. Tổ chức Thế giới Điều tra cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG) công bố một kết luận gây sốc với tất cả mọi người: “Đảng cộng sản Trung Quốc, dưới sự chỉ đạo của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân đã giết trên 2 triệu học viên Pháp Luân Công để mổ sống lấy nội tạng”.

Tuy vậy, bất chấp những thủ đoạn đàn áp tàn độc, mất nhân tính nhất, Pháp Luân Công ngày nay đã trở thành một trong những môn khí công tu dưỡng tinh thần được yêu thích nhất trên toàn thế giới. Ước tính, hiện có tới hơn 100 triệu người trên thế giới đang tập luyện, tu dưỡng theo nguyên lý “Chân – Thiện – Nhẫn” hàng ngày. Họ dành cho người sáng lập Lý Hồng Chí sự tôn kính cao nhất với danh xưng “Sư Phụ”.

Lời kết

Không phải ngẫu nhiên mà ĐCS Trung Quốc can dự ở 2 trong số 3 cuộc đàn áp tín ngưỡng bạo tàn nhất. Người ta thấy rằng trong suốt lịch sử tồn tại của mình, ĐCS Trung Quốc chưa từng buông lơi việc kiểm soát đức tin của dân chúng. Hầu như cứ vài thập kỷ, những người cầm quyền trong đảng này lại tiến hành một cuộc đàn áp tín ngưỡng, tôn giáo trên quy mô lớn, năm 1950 là ngược đãi Phật giáo Tây Tạng, năm 1966 là “Cách mạng văn hóa” và năm 1999 là bức hại Pháp Luân Công.

Trong suốt những thập niên điêu tàn ấy, văn hóa thần truyền có lịch sử 5000 năm của Trung Hoa đã bị hủy hoại hoàn toàn trong lò lửa của bạo lực và tội ác. Người Trung Quốc hiện đại đã bị đoạn tuyệt hoàn toàn với truyền thống của ông cha. ĐCS Trung Quốc đã đầu độc hàng tỷ người dân bằng những luận thuyết vô thần, phủ nhận sự hiện hữu của Thần, Phật, Đạo, đặt quyền lực của mình ngang hàng và vượt lên trên cả thần linh. Đó là điều chưa từng có tiền lệ.


Hồng vệ binh xông vào đốt phá chùa chiền, miếu mạo thời “Cách mạng văn hóa”. Ảnh: Pinterest.com 

Văn hóa 5000 Năm ở đâu

Bị đoạn tuyệt với nguồn cội văn hóa thần truyền tốt đẹp, với nền văn minh 5000 năm huy hoàng, thù thắng, người Trung Quốc hôm nay bơ vơ như đứa trẻ lạc loài, đi đến đâu cũng bị hắt hủi, dè bỉu, tẩy chay. Họ hoàn toàn vô tội, chỉ những kẻ đang thao túng, đầu độc tinh thần họ mới là tội ác tày đình. Trung Hoa xưa của Lý Bạch, Đỗ Phủ, của Võ Tòng, Quan Vũ, của Tư Mã Thiên, của Gia Cát Lượng… nay còn đâu? Đó là một Trung Hoa cổ kính, rêu phong, một Trung Hoa hiền triết, trầm mặc, một Trung Hoa mà hàng triệu người Việt đều đã nhớ thương, đều mang trong mình một hình hài yêu dấu.

Nền văn hóa 5000 năm ấy như mạch nước ngầm xối chảy trong trái tim người Á Đông, từ Việt Nam, Hàn Quốc đến Nhật Bản, Đài Loan…

Ai có thể đành lòng căm giận nó, quay lưng với nó? Điều khiến chúng ta căm giận chính là những tội ác mà nhà cầm quyền Trung Quốc đã reo giắc suốt gần 80 năm qua. Đó là những tội ác chống lại loài người, làm xấu đi quá nhiều hình ảnh một Trung Hoa xứ sở “Thần Châu”. Nhưng cái ác dù cường bạo, tàn khốc đến nhường nào cũng không thể chiến thắng được chính nghĩa và thiện lương. Đạo Trời rất công bằng, sự phán xét của thần linh chính là tối cao và cuối cùng. Thiện lương chắc chắn sẽ thắng ác tà, chính đạo sẽ vượt lên trên vô đạo, đó chính là chân lý tối cao của vũ trụ này.

Exit mobile version