Đại Kỷ Nguyên

Nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2, béo phì từ thói quen bỏ bữa sáng

Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày vì cung cấp năng lượng cho việc khởi đầu ngày mới.Tuy nhiên, nhiều người lại có thói quen bỏ hoặc ăn sáng không đúng cách, gây hại cho sức khỏe.

1. Mất cân bằng dinh dưỡng, sức đề kháng thấp

Khi mới ngủ dậy, nguồn năng lượng ở mức rất thấp, cơ thể buộc phải lấy năng lượng dự trữ từ gan, khiến gan luôn ở trong tình trạng quá sức.

Nếu không ăn sáng, bạn sẽ có cảm giác đói cồn cào, người nôn nao, huyết áp hạ thấp, gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ tiêu hóa. Dần dần, khả năng miễn dịch và sức đề kháng của cơ thể cũng giảm sút.

2. Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2

Theo một nghiên cứu của trường Y tế Công cộng Harvard, những người có thói quen không ăn sáng, có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 lên đến 54%, cao hơn nhiều so với những người ăn sáng hàng ngày.

3. Đau dạ dày, kết sỏi trong ruột

Bỏ bữa sáng khiến dạ dày ở trong trạng thái đói quá lâu, dịch vị tiết ra quá nhiều, dẫn đến viêm, loét dạ dày… Ngoài ra, không ăn sáng gây ruột rỗng, nhu động giảm, các chất cặn bã trong ruột của ngày hôm trước không có cơ hội để đào thải ra ngoài, lâu dần kết lại thành sỏi.

4. Béo phì

Do buổi sáng không ăn nên buổi trưa và tối, bạn có xu hướng ăn nhiều hơn để có đủ năng lượng. Tuy nhiên, hoạt động vào buổi chiều và tối không nhiều, thức ăn sẽ không kịp tiêu hóa hết, khiến cho nhiệt lượng trong cơ thể ngày một tăng, lượng mỡ tích tụ lại ngày càng nhiều, gây béo phì.

5. Nhanh lão hóa

Do không ăn sáng nên cơ thể buộc phải tận dụng lượng đường và protein được dự trữ sẵn để hoạt động. Điều này làm cho bề mặt lớp da bị khô, rám, từ đó xuất hiện các nếp nhăn, nhất là ở vùng mắt và mặt.

6. Phản ứng chậm chạp

Bữa sáng là nguồn năng lượng giúp não bộ hoạt động. Nếu không ăn sáng, cơ thể sẽ không nạp đủ năng lượng để thực hiện hoạt động trong ngày. Khi đó, bạn sẽ trở nên mệt mỏi, não không thể tập trung, phản ứng trì trệ.

7. Đau nửa đầu

Việc bỏ qua bữa ăn sáng khiến cho lượng đường giảm xuống, cơ thể phải giải phóng hoóc-môn bù lại, làm tăng huyết áp, gây đau nửa đầu.

Một số lưu ý khi ăn sáng để tốt cho sức khỏe:

– Không nên ăn sáng khi vừa ngủ dậy: Theo các chuyên gia, ăn sáng quá sớm vừa không có lợi cho cơ thể lại ảnh hưởng đến dạ dày. Nếu thức dậy sớm, tốt nhất nên uống một cốc nước lọc ấm để kích hoạt lại hệ tiêu hóa, thanh lọc cơ thể. Sau đó khoảng 20-30 phút mới nên ăn sáng.

Không nên ăn sáng quá muộn: Ăn sáng muộn sẽ mất cảm giác ngon miệng, cơ thể không hấp thu hết được dưỡng chất, gây rối loạn đồng hồ sinh học. Tốt nhất nên ăn trước 9h sáng.

– Không nên ăn đồ ăn vặt thay cho bữa sáng: Đồ ăn vặt như bánh quy, sô cô la… chỉ cung cấp năng lượng tạm thời, trong một thời gian ngắn, dễ dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng, suy giảm thể chất.

– Không nên ăn bữa sáng bằng trái cây: Trái cây chứa ít protein và calo nên không thể cung cấp đủ chất dinh dưỡng để tạo ra năng lượng và duy trì sự trao đổi chất của cơ thể. Mặt khác, các loại trái cây như cà chua, chuối… không nên ăn khi đói vì gây hại cho dạ dày và tiêu hóa.

– Không nên ăn đồ ăn lạnh: Buổi sáng, cơ bắp, thần kinh và mạch máu của cơ thể đang trong trạng thái co lại. Nếu ăn thực phẩm lạnh sẽ khiến lưu lượng máu trong cơ thể khó lưu thông, không tốt cho đường tiêu hóa.

Lan Phương

Exit mobile version