Đại Kỷ Nguyên

Trung y rất coi trọng dưỡng sinh, vậy chính xác là cần dưỡng những gì?

Trong phép dưỡng sinh của người xưa, vấn đề tu dưỡng đạo đức được đặt ở vị trí cao nhất. Vì người có nhân đức, thì trong lòng bình yên, tâm lý cân bằng ổn định và ý chí không rối loạn; nhờ đó âm dương luôn luôn cân bằng, khí huyết luôn điều hòa, nên chính khí đầy đủ và bệnh tật không thể phát sinh.

Dưỡng sinh là gì?

Dưỡng sinh là một phương pháp tự luyện tập di dưỡng sinh mệnh (bồi bổ cho sảng khoái về tinh thần, giữ cho tinh thần vui khoẻ), tăng cường thể chất, phòng ngừa bệnh tật từ đó đạt được kéo dài thọ mệnh. Nói một cách tổng quát dưỡng sinh có nghĩa là tu dưỡng sinh mệnh. Dưỡng sinh tinh thần nghĩa là thông qua các phương pháp như di dưỡng tâm thần, điều chỉnh tình cảm và ý chí, điều chỉnh sinh hoạt hằng ngày… để đạt được mục đích chăm sóc sức khỏe giảm thiểu bệnh tật và kéo dài thọ mệnh.

Dưỡng sinh Trung y quý ở dưỡng Đức

Trong phép dưỡng sinh của người xưa, vấn đề tu dưỡng đạo đức được đặt ở vị trí cao nhất. Vì người có nhân đức, thì trong lòng bình yên, tâm lý cân bằng ổn định và ý chí không rối loạn; nhờ đó âm dương luôn luôn cân bằng, khí huyết luôn điều hòa, nên chính khí đầy đủ và bệnh tật không thể phát sinh.

Đây là một trong những điều kiện quan trọng nhất để có thể khỏe mạnh và trường thọ. Từ xưa tới nay phương pháp dưỡng sinh của Trung y luôn coi trọng tu dưỡng về tinh thần. Trong “Hoàng đế nội kinh” có câu: “Điềm đạm hư vô, chân khí tòng chi, tinh thần nội thủ, bệnh an tòng lai” nghĩa là: Điềm đạm hư vô thì chân khí sung túc, tinh thần vững vàng thì đẩy lùi bệnh tật. Dưỡng sinh trước tiên cần chú trọng tu dưỡng về tinh thần.

Đức hạnh tốt thì dù không dùng thuốc bổ cũng có thể trường thọ

Đạo gia cũng nhấn mạnh làm người cần có những mỹ đức tốt đẹp như thiện lương, trung thành, biết yêu thương, hữu hảo, nhân từ, đồng cảm và sẵn lòng giúp đỡ người khác. Trong “Thiên Kim Yếu Phương” của dược vương Tôn Tư Mạc có câu: “Bách hành chu bị, tuy tuyệt dược nhị, túc dĩ hà niên; đức hành bất túc, túng phục ngọc dịch kim đan, vị năng diên thọ” nghĩa là: Đức hạnh tốt, mặc dù không dùng thuốc bổ, cũng có thể trường thọ; đức hạnh không tốt, ngay cả dùng tiên đan diệu dược, cũng không thể kéo dài thọ mệnh.

Dưỡng sinh cần dưỡng thận

Tinh khí của thận cũng giống như nguồn năng lượng cơ thể, nếu như biết sử dụng một cách tiết kiệm và dự trữ đầy đủ, thì thời gian dùng sẽ lâu dài (Ảnh: cafef.vn)

Bậc cao nhân xưa xem tinh, khí, thần như “tam bảo” của sinh mệnh, có tam bảo này mới có thể trở về bản tính vốn có của sinh mệnh, muốn dưỡng sinh trường thọ thì cần giữ gìn 3 yếu tố này và muốn trị bệnh tận gốc phải trị từ tâm. TINH gồm có tinh tiên thiên (do cha mẹ sinh ra) và tinh hậu thiên (do ăn uống, hít thở) khi đi vào hệ thống kinh lạc sẽ chuyển hoá thành KHÍ là năng lực nội sinh. THẦN là trạng thái cao nhất của năng lực nội sinh, khi mà KHÍ được vận chuyển lưu thông suốt khắp vòng chu thiên (có thể so sánh chức năng như vòng tuần hoàn máu).

Tuổi thọ một người dài hay ngắn còn liên quan chủ yếu là tới thận. Tinh khí của thận cũng giống như nguồn năng lượng cơ thể, nếu như biết sử dụng một cách tiết kiệm và dự trữ đầy đủ, thì thời gian dùng sẽ lâu dài, sẽ dễ được trường thọ; nếu nguồn năng lượng bị thiếu hụt, lại không biết cách điều tiết kiềm chế, tất nhiên sẽ làm tuổi thọ của mình rút ngắn.

Hải Thượng Lãn Ông cho rằng: “Khí thuộc dương, khi thai nhi trong bụng mẹ được khí huyết của mẹ nuôi dưỡng. Sau khi sinh ra được thức ăn đồ uống nuôi dưỡng. Khi ăn uống vào vị (dạ dày), vị làm chín nhừ thức ăn, các tinh chất đó được vận hóa xuống tiểu tràng (ruột non) thanh trọc biến thành khí. Khí ấy được chuyển sang tỳ (tuyến tụy) hóa thành tinh khí, tinh khí được nạp vào thận gọi là tinh – “thận tàng tinh”. Tinh ấy được thận hóa thành chính khí và nguyên khí, nguồn tinh khí sinh ra từ ngũ tạng trong quá trình sinh sống, chủ yếu là tinh khí sinh từ lách. Nguồn tinh khí sản sinh từ hậu thiên này nếu có thể bổ sung đầy đủ, giúp tinh khí thận dồi dào, sức khỏe và tuổi thọ mới có thể kéo dài.

Dưỡng sinh là dưỡng khí huyết

Dưỡng khí huyết. (Ảnh: tranohoa.com)

“Khí huyết” là nguồn gốc của vạn mệnh, trong “Hoàng đế nội kinh tố vấn” có đoạn: “Nhân chi sở hữu giả, huyết dữ khí nhĩ” nghĩa là: “Tất cả cái mà con người có là huyết và khí, âm dương của con người cũng chính huyết khí. Dương chủ khí, cho nên khí đầy đủ thì tinh thần vượng; âm chủ huyết, cho nên huyết mà thịnh thì thân thể cường tráng. Cái mà nhân sinh nương tựa, duy chỉ cái đó (huyết khí) mà thôi”.

Đông y thường nói: “Khí là bậc thầy của Huyết, Huyết lại là mẹ của Khí“. Khí thúc đẩy sự lưu thông của Huyết, Huyết nuôi dưỡng sự dồi dào cho Khí. Nếu ví cơ thể con người như một cái cây thì “Khí” đơn giản hiểu chính là ánh sáng mặt trời còn Huyết là mưa, sương. Cả Khí và Huyết cùng tồn tại, cùng bù đắp cho nhau.

Cơ thể người dựa vào khí huyết để dưỡng sinh, khí hành huyết hành, khí trệ huyết ứ. Khí huyết đầy đủ và vận hành thông suốt mới có thể sống khỏe và trường thọ, nếu không thì dễ mắc bệnh. Chỉ cần khí huyết lưu thông hòa hợp cơ thể người tự nhiên sẽ không xuất hiện vấn đề. Bởi vậy Đông y mới nói điều quan trọng nhất của dưỡng sinh là dưỡng khí huyết. Tất cả mọi phương pháp điều chỉnh những vấn đề sức khỏe của cơ thể đều dựa vào bồi bổ khí huyết, hoạt huyết lưu thông khí huyết để thực hiện.

Chú trọng kinh lạc thông hanh

Khí huyết thông qua các kinh lạc để vận hành, nếu khí huyết không lưu thông bị tắc nghẽn ở đâu đó cần khai thông kinh lạc. Bởi vậy Đông y nhấn mạnh tới việc “khai thông kinh lạc”.

Đối với cơ thể người kinh lạc có khả năng cân bằng âm dương cũng như dinh dưỡng toàn thân. Trong “Hoàng đế nội kinh” có viết: “Kinh mạch giả, sở dĩ năng quyết tử sinh, xử bách bệnh, điều hư thực, bất khả bất thông” nghĩa là: Kinh mạch có thể quyết định sự sống chết, để chẩn đoán mọi bệnh, còn dùng nó để điều hòa hư thực, làm quy tắc chỉ đạo lâm sàng. Bởi vậy học thuyết kinh lạc có vị trí vô cùng cao trong Đông y.

4 phương pháp bổ thận tự nhiên tốt nhất

1. Úp tay bổ thận

Mỗi đêm trước khi ngủ lấy hai lòng bàn tay tựa lên vùng thắt lưng, ở tư thế nằm ngửa trên giường. 5 – 10 phút sau, nhiệt sẽ từ từ lan khắp toàn thân. Lúc đầu hai tay bị thắt lưng đè lên sẽ bị tê, 3 – 5 ngày sau khi đã quen thì không tê nữa, hai chân sẽ cảm thấy nhẹ nhàng linh hoạt. Dù là buổi tối hay ban ngày, chỉ cần là đang nằm trên giường, thì kiên trì dùng 2 mu bàn tay ép lên 2 thắt lưng nửa giờ, sẽ thấy được hiệu quả kì diệu.

2. Xoa bóp lỗ tai

Thận khai khiếu ra tai thường xuyên xoa bóp hai tai có tác dụng cường thận, dưỡng thận. Khi xoa bóp, 2 tay cầm nhẹ vào vành tai, chà xát đến khi tai nóng lên và tỏa nhiệt. Sau đó mới nắm chặt vành tai và thả lỏng. Mỗi ngày nên thực hiện 2 – 3 lần, mỗi lần khoảng 20 phút. Liệu pháp này giúp tăng cường tuần hoàn máu và kiện toàn chức năng thận.

Thận khai khiếu ra tai thường xuyên xoa bóp hai tai có tác dụng cường thận, dưỡng thận (Ảnh: 123RF.com)

3. Ngâm chân

Mỗi đêm dùng nước nóng ngâm chân, sau đó xoa xát nhiều lần huyệt Dũng tuyền lòng bàn chân. Hoặc có thể vỗ huyệt Thận du, các ngón tay chụm lại, lòng bàn tay khum thành nơi chứa khí, vỗ lên huyệt Thận du phát ra tiếng kêu như tiếng vỗ tay, thì hiệu quả càng tốt.

4. Tập luyện khí công

Lý luận về cơ thể người trong khí công gắn liền với học thuyết âm – dương và ngũ hành của Đạo gia, coi thân thể người là một hệ thống được nuôi dưỡng bằng một loại năng lượng còn gọi là khí thông qua các kênh năng lượng gọi là kinh lạc. Khí chạy trong các kênh phải đạt được cân bằng âm dương, đầy đủ, dịch chuyển tự do nhưng đúng hướng.

Các bài tập khí công có tác dụng đánh thông các dòng năng lượng để hồi phục lại sự điều hòa và cân bằng trong cơ thể. (Ảnh: Feedram)

Khi dòng năng lượng trong kinh lạc không được thông suốt, sẽ khiến cơ thể bị bệnh. Chỗ nào tắc nghẽn, chỗ đó có thể phát viêm, đau, suy giảm chức năng, kết sỏi (sỏi thận, gan, mật…). Các bài tập khí công có tác dụng đánh thông các dòng năng lượng để hồi phục lại sự điều hòa và cân bằng trong cơ thể. Điều này cũng bao gồm việc thiết lập lại sự cân bằng giữa âm dương và ngũ hành cho cơ thể. Khi các kinh mạch được khai thông và điều hòa thì người ta sẽ đảo ngược được các vấn đề bệnh tật, bao gồm cả bệnh thận.

Ngoài ra, để giữ gìn sức khỏe cho thận, bạn cũng nên lưu ý đến thói quen sinh hoạt hàng ngày. Ví dụ như, không nhịn tiểu, uống đủ nước lọc, không nên ăn quá mặn, hạn chế rượu bia, thịt đỏ, đồng thời kết hợp ngủ sớm dậy sớm. Như vậy không chỉ cường thận mà thực ra là tốt cho toàn thân.

Theo secretchina
Kiên Định

Exit mobile version