Đại Kỷ Nguyên

Vương Duy viết một bài thơ, không ngờ thay đổi cả vận mệnh một người phụ nữ

Trong buổi yến tiệc, thi nhân Vương Duy tức cảnh viết một bài thơ, chỉ với bốn câu nhưng đã thay đổi vận mệnh của một người phụ nữ.

Mạc dĩ kim nhật sủng,
Năng vong cựu thời ân.
Khán hoa mãn nhãn lệ,
Bất cộng Sở vương ngôn.

Dịch thơ:

Chẳng bởi nay sủng ái,
Mà quên ân nghĩa xưa.
Ngắm hoa dòng lệ ứa,
Vua hỏi chẳng đáp thưa

Trên đây là bài Tức phu nhân của thi nhân trứ danh đời Đường Vương Duy. Theo Bản sự thi của Mạnh Khải đời Đường có viết, trong một bữa tiệc, Vương Duy tức cảnh viết bài thơ này, đã thay đổi vận mệnh của một người phụ nữ.

Trong một bữa tiệc, Vương Duy tức cảnh viết bài thơ này, đã thay đổi vận mệnh của một người phụ nữ. (Ảnh: bestchinanews.com)

Đại thi nhân đời Đường Vương Duy, tức Ma Cật, bẩm sinh vốn nhân từ thiện lương, sùng tín Phật giáo, đã làm quan đến chức thượng thư hữu thừa. Về sau này, ông không để tâm quan lộ nữa mà ẩn cư chốn sơn lâm, chuyên tâm tu thiền, được hậu nhân ca ngợi là “Thi Phật”. Ông là đại diện cho phái sơn thủy điền viên đời Đường. Tô Thức đời Tống ca ngợi thơ Vương Duy là: “Thưởng thức thơ Ma Cật, trong thơ có tranh. Ngắm tranh Ma Cật, trong tranh có thơ”.

Thơ Vương Duy đại đa phần là lấy phong cảnh sơn thủy mà gửi gắm tình cảm, nhưng ông cũng từng viết một bài ngũ ngôn tuyệt cú tả một người phụ nữ, bài thơ như sau:

Mạc dĩ kim nhật sủng,
Năng vong cựu thời ân.
Khán hoa mãn nhãn lệ,
Bất cộng Sở vương ngôn.

Dịch thơ:

Chẳng bởi nay sủng ái,
Mà quên ân nghĩa xưa.
Ngắm hoa dòng lệ ứa,
Vua hỏi chẳng đáp thưa

Bài thơ này thuật lại một điển cố thời Xuân Thu:

Theo ghi chép của thư tịch cổ, Tức phu nhân xuất thân từ gia đình quý tộc nước Trần thời Xuân Thu, họ Quy, được gả cho Tức hầu, quốc quân nước Tức làm vợ. Tức phu nhân có dung mạo chim sa cá lặn, tuyệt sắc khuynh thành. Nhưng chính sắc đẹp của bà đã dẫn đến cuộc chiến giữa 3 quốc gia, và dẫn đến sự diệt vong của nước Tức.

Chị gái của Tức phu nhân được gả đến nước Thái. Có lần vợ chồng Tức Quy ra ngoài, mượn đường nước Thái, bà đã bị Thái hầu, người anh rể vốn thèm muốn nhan sắc bà trêu ghẹo. Về nhà bà kể lại với chồng, nhưng vì Tức hầu quốc lực nhỏ yếu, không dám giao tranh với nước Thái, bèn cầu cứu nước Sở hùng mạnh trợ giúp, liên kết tiêu diệt nước Thái.

Thái hầu mất nước ôm hận trong lòng, tiết lộ cho Sở vương rằng Tức Quy đẹp như thế nào. Sở vương giả ý đi thăm bạn đồng minh, mở tiệc thết đãi Tức hầu, ông ta mê mẩn trước sắc đẹp của Tức Quy, lập tức xuất binh tiêu diệt nước Tức, đồng thời bắt Tức hầu làm lính gác thành.

Tức phu nhân vì bảo toàn tính mệnh của chồng và bách tính nước Tức, bị ép cải giá lấy Sở Văn Vương. Trong 3 năm, Tức phu nhân đã sinh cho Sở vương 2 người con, nhưng không hề nói một lời với Sở vương. Bị Sở vương truy vấn, Tức phu nhân chỉ đáp: “Tôi là một người phụ nữ mà thờ hai chồng, đã không thể chết được, sao có thể nói đây?”.

Lúc này quốc quân nước Tức là viên tiểu lại giữ cổng thành của đô thành nước Sở, mà Tức phu nhân tuy nhận được muôn vàn sủng ái, nhưng trong tim bà không giờ phút nào không nhớ đến người chồng của mình.

Mùa thu năm nọ, Sở Văn Vương ra ngoài thành săn bắn, dự tính sau 2, 3 ngày mới hồi cung. Tức phu nhân nhân cơ hội này lẳng lặng chạy đến cổng thành gặp chồng mình. Hai người nhìn nhau, cứ ngỡ trong mộng. Thấy chồng trên mặt đầy tang thương, quần áo cũ kỹ rách rưới, Tức phu nhân khóc không thành tiếng, ôm chặt lấy chồng nói: “Thiếp trong cung Sở, nhẫn nhục sống, ban đầu chính là để bảo toàn tính mệnh quân hầu, sau này là để gặp quân hầu”.

Quốc quân nước Tức nói bi thương: “Trời xanh thương xót chúng ta để có ngày gặp lại, ta cam tâm làm viên tiểu lại giữ cổng thành, chẳng phải là chờ đợi cơ hội gặp lại phu nhân đó sao?”.

Tức phu nhân tình sâu nghĩa nặng nhìn quốc quân nước Tức nói: “Nay nguyện ước của thiếp đã thành, sẽ không sống trên đời này nữa, chúng ta tiếp nối duyên xưa ở kiếp sau đi!”. Dứt lời, bà liền dốc hết sức lao đầu vào bức tường thành. Quốc quân nước Tức ngăn không kịp, mắt nhìn vợ mình ngọc nát hương tan, đau lòng khôn xiết. Để báo đáp tình sâu nghĩa nặng của phu nhân, quốc quân cũng lao đầu vào thành mà chết.

Sở Văn Vương đi săn trở về, sau khi nghe kể lại, trầm ngâm thương xót, cảm động tấm chân tình của hai người, đã dùng lễ chư hầu an táng quốc quân và phu nhân nước Tức trên núi Đào Hoa ngoài thành Hán Dương. Người đời cảm phục Tức phu nhân trung trinh, tôn xưng bà là “Đào Hoa phu nhân”.

(Ảnh minh họa: pinterest.com)

Bài thơ Tức phu nhân của Vương Duy tả câu chuyện này, đằng sau bài thơ này của ông cũng là một câu chuyện tình đẹp thê lương.

Trong Bản sự thi có chép, năm đó, anh trai của Đường Huyền Tông Lý Long Cơ là Ninh Vương Lý Hiến được Đường Huyền Tông sủng tín, vô cùng hiển đạt giàu sang. Một lần yến tiệc, có hơn mười vị khách tham dự, Vương Duy cũng nằm trong số đó.

Trong bữa tiệc, Ninh Vương có chút tâm thần ngoài kiểm soát, ông đem đến một giai nhân, đẹp thì rất đẹp, nhưng bao phủ bởi đám mây sầu thảm, mềm yếu như thể chẳng mang nổi áo gấm trâm ngọc. Ninh Vương hỏi nàng: “Khanh vẫn nhớ đến anh bán bánh à?”. Cô gái này thần thái nghiêm nghị, lặng lẽ chẳng nói năng gì.

Thì ra gần phủ đệ của Ninh Vương có nhà người làm bánh, nữ chủ nhân nhỏ nhắn xinh xắn. Ninh Vương mặc dù đã có vô số mỹ nhân, nhưng vừa thấy nàng trong lòng đã nghiêng ngả. Có lẽ đã nhìn chán sắc đẹp son phấn, lòng dạ đón ý tâng bốc, Ninh Vương chỉ yêu cái đẹp thuần thiện ngây thơ chất phác của nàng. Ông đã bất chấp tất cả, dùng quyền lực và tiền bạc, cưỡng đoạt đem người vợ của anh chàng bán bánh về dinh phủ của mình.

Ninh Vương hết mực thương yêu cô gái này, muôn vàn sủng ái dành cho nàng, nhưng mỹ nhân chẳng mảy may động lòng. Ninh Vương càng ngày càng không hài lòng, trong bữa tiệc đã sai người tìm anh chàng bán bánh đến. Có lẽ ông muốn để cô gái này xem xem sự khác biệt giữa vương gia và anh chàng bán bánh như mây trời và bùn đất.

Anh chàng bán bánh cuối cùng cũng đã gặp được người vợ anh ngày đêm thương nhớ, mà cô gái đó cũng tình sâu nghĩa nặng đăm đắm nhìn chồng mình, bất giác nước mắt tuôn trào, lã chã tuôn xuống hai gò má, vô cùng bi thương. Tất cả tân khách có mặt đều không nén nổi che mặt sụt sịt.

Trước tình cảnh này, Ninh Vương vì thể diện, không muốn trực tiếp thừa nhận lỗi lầm của mình, bèn bảo tất cả tân khách, mỗi người làm một bài thơ về tình cảnh này để làm hòa dịu bầu không khí. Vương Duy vung bút liền thành bài thơ, là người đầu tiên làm xong, bài thơ ngũ tuyệt Tức phu nhân, mượn đời xưa để nói đời nay.

Ninh Vương nghe hiểu cái ý tại ngôn ngoại của ông, không muốn giống như Sở Văn Vương tàn bạo háo sắc đó, bèn mượn bài thơ nhỏ của Vương Duy, thuận mưa té nước, làm việc tốt mà trả cô gái lại cho anh bán bánh.

Một bài thơ của Vương Duy đã thay đổi vận mệnh cả đời cô gái này, quả đúng là:

Thơ xưa thuật chuyện mỹ nhân xưa,
Trung trinh liệt nữ chẳng sống thừa.
Thân này có chủ duy chỉ một,
Lòng son vằng vặc ánh trăng xưa.

Theo NTDTV
Nam Phương biên dịch

Exit mobile version