Đại Kỷ Nguyên

Vua anh minh còn nhiều lần mắc lỗi, biết sửa sai mới là người có trí tuệ

Con người không có ai hoàn hảo, ngay cả những bậc thánh hiền cũng không tránh khỏi mắc sai lầm. Nhưng bậc minh quân và trí giả khác với người tầm thường ở chỗ biết nghe ý kiến nhiều phía, sẵn sàng bỏ ý kiến cá nhân, mà theo những lời có đạo lý.

Hán Văn Đế là một trong các hoàng đế anh minh, có công lao to lớn trong lịch sử. Lên ngôi sau khi nhà Hán trải qua nạn Võ Hậu, ông đã xây dựng được nền thái bình thịnh trị sau nhiều năm rối loạn, biến động. Triều đại của ông cùng con trai ông là Hán Cảnh Đế Lưu Khải được xưng là “Văn Cảnh chi trị”, tạo nền tảng chắc chắn cho thời đỉnh trị dưới thời đại của cháu nội ông là Hán Vũ Đế.

Văn Đế rút lại lệnh đề bạt của mình

Một lần, Hán Văn Đế đến vườn Thượng uyển xem các loài vật. Khi leo lên chuồng cọp ngắm hổ, ông hỏi viên Thượng lâm úy (chức quan phụ trách trông coi vườn Thượng uyển) về tình hình các loài vật, như số lượng một số loài chim loài thú. Viên Thượng lâm úy không trả lời được. Lúc đó viên Sắc phu (một chức quan nhỏ cấp thấp) trông coi cầm thú đứng ở bên liền bước lên trước trả lời. Viên Sắc phu nói một mạch về số lượng và tình hình các loài cầm thú, thật rõ ràng rành mạch.

Hán Văn Đế nghe xong vui mừng lắm, liền nói với quan đại thần tùy tùng là Trương Thích Chi, lệnh ông ta bổ nhiệm viên Sắc phu này thay viên Thượng lâm úy, và thăng thêm một cấp làm Thượng lâm lệnh.

Trương Thích Chi nói với Văn Đế: “Chu Bột, Trương Lương, đều là bậc trưởng giả đức cao vọng trọng, gánh vác những trọng trách của triều đình. Nhưng hai người này đều không giỏi ăn nói. Nếu Hoàng thượng cho rằng viên Sắc phu này mồm mép lanh lẹ, giỏi ăn nói, khéo làm vừa lòng người, rồi phá quy định phép tắc, đề bạt vượt cấp, thì e rằng người trong thiên hạ sẽ đua nhau bắt chước học theo, đều nói năng hùng hồn, trên trời dưới đất mà không chăm lo làm việc thực, thì phong khí xã hội sẽ bại hoại. Xin bệ hạ xem xét kỹ mới được”. Văn Đế nghe Trương Thích Chi nói rất có đạo lý, bèn thu hồi lại khẩu lệnh.

Hán Văn Đế rất nghe lời khuyên can chính trực của các đại thần. (Ảnh: Getty Images)

Văn Đế bỏ ý định xử tử người làm ông suýt chết 

Một lần khác, Trương Thích Chi hộ tống Văn Đế cưỡi ngựa ra ngoài thành. Khi qua một cây cầu, một người từ dưới cầu đột nhiên xuất hiện, khiến cho ngựa của vua sợ hãi làm Văn Đế suýt ngã ngựa. Văn Đế vô cùng giận dữ, ra lệnh bắt người đó giao cho Đình úy Trương Thích Chi xử lý.

Trương Thích Chi hỏi han tường tận sự tình, chỉ phán xử người đó nộp một khoản tiền phạt nhất định. Văn Đế rất không vừa ý về cách xử lý như thế này, cho rằng người kia làm ngựa của ông sợ hãi khiến ông suýt ngã ngựa chết, phán xử như vậy là quá nhẹ, cần phải xử tử hình mới đúng tội phạm thượng.

Trương Thích Chi giải thích rằng, bệ hạ vì anh ta làm ngựa bệ hạ kinh sợ mà xử tội chết, nhưng đã giao cho hạ thần thì hạ thần phải theo phép nước. Quốc gia đã có quy định pháp luật rõ ràng, hạ thần sao có thể tùy tiện xử lý được? Tội người này thì theo quy định pháp luật chỉ xử phạt tiền, đúng theo phép nước, chứ không phải xử nhẹ đi. Văn Đế nghe thấy có đạo lý, liền thuận theo phán xét của Thích Chi.

Lời bàn:

Một vị minh quân như Văn Đế cũng không tránh khỏi nhiều lần mắc sai lầm. Con người do vị trí, góc độ, và tri thức khác nhau nên cùng với một sự việc nhưng lại có cái nhìn khác nhau. Đã là con người trong chốn thế tục, ai ai cũng bị các quan niệm cá nhân dẫn động. Bậc minh quân, bậc trí giả khác với người tầm thường là biết nghe ý kiến nhiều phía, sẵn sàng bỏ ý kiến cá nhân, mà theo những lời có đạo lý.

Những lời có đạo lý là những lời xuất phát từ lợi ích cộng đồng, lợi ích mọi người, lợi ích người khác. Lời nói xuất phát từ lòng thiện lương, nhân ái, bao dung, là lời nói phải, mà “nói phải củ cải cũng phải nghe”. Tuy nhiên, cũng có người khăng khăng ý mình, không tiếp thu, không nghe ý kiến người khác, thì đó là cố chấp, ngoan cố, hẹp hòi, ắt chẳng phải kẻ khôn ngoan.

Kẻ ngoan cố, hẹp hòi, cứ khăng khăng ý mình, làm trái với đạo lý, trái với lòng người, thì đó là kẻ ác, hành ác. Gieo nhân nào gặt quả ấy, hành ác ắt sẽ bị ác báo. Giống như ngạn ngữ phương Tây: “Nếu anh bắn vào hiện tại bằng súng trường, thì tương lai sẽ bắn anh bằng đại bác”.

Người quân tử luôn biết lắng nghe người khác, chọn lọc mà quyết định, khéo léo mà đối đãi. (Ảnh: Pinterest)

Một sai lầm nhiều người thường mắc phải là đánh giá, nhìn nhận con người qua khả năng ăn nói. Thấy những người thuộc lòng cháo chảy, đối đáp trơn tru, thì họ coi đó là người có tài năng và giao cho trọng trách. Ngay cả bậc minh trí giỏi nhìn nhận người như Gia Cát Lượng còn bị tài ăn nói và khả năng thuộc làu binh pháp của Mã Tốc đánh lừa, cuối cùng dẫn đến binh bại Kỳ Sơn, khởi đầu cho sự suy vi và sụp đổ của nhà Thục.

Lại có kẻ chuyên dựa vào miệng lưỡi khéo léo, nắm bắt tâm lý, sở thích yêu ghét của cấp trên để lấy lòng, luôn biết khéo léo nói lời phù hợp với sở thích cấp trên, từ đó mưu cầu địa vị, danh vọng, tài lộc, giống như viên Sắc phu ở câu chuyện trên.

Khổng Tử nói: “Kẻ nói năng khéo léo, sắc mặt đón ý lấy lòng người khác, thì hiếm mà có lòng Nhân”.

Cổ nhân cũng nói: “Kẻ xu nịnh thì trông như bậc trí giả, nhưng mồm mép khéo léo như rót mật vào tai”.

Nhưng cũng có người luôn biết “phụng công thủ pháp”, “việc công ta cứ phép công mà làm”, lấy pháp luật là tiêu chuẩn tối cao để tuân theo, không sợ trái với lệnh của cấp trên. Đó chính là người quân tử, là quan thanh liêm, công chính nghiêm minh, như Trương Thích Chi vậy.

Đã là con người, thì ai ai cũng sẽ liên tiếp mắc lỗi. Người thông minh là biết tiếp thu ý kiến người khác, thừa nhận cái sai của mình, như thế họ sẽ không ngừng thăng tiến về phẩm đức và trí tuệ. Khổng Tử nói: “Lỗi mà không sửa mới thực sự là lỗi vậy”, cũng có nghĩa này. Con người ai cũng mắc lỗi, nhưng mắc lỗi rồi không thừa nhận lỗi, không chịu sửa, thì cái lỗi đó cứ lặp đi lặp lại, nó kéo giữ người đó ở cảnh giới đó, mà không thể thăng hoa lên được.

Nam Phương

Exit mobile version