Tào Tháo văn võ song toàn, khéo dùng binh lại giỏi trị nước. Nhưng ít người biết rằng, ông còn là một nhà bảo trợ văn hóa, nghệ thuật lớn, sẵn sàng làm nên những chuyện khó tin nhất vì lòng mến mộ văn chương của mình.
Sau thất bại ở Xích Bích, Tào Tháo từ bỏ ý định chinh phạt miền Nam, trở về cởi giáp, xuống ngựa, chỉnh đốn lại kinh tế, quốc lực. Trải qua mấy năm, quân uy lại được tề chỉnh, quốc lực lại dần dần phục hồi. Năm 216, ông tấn tước làm Ngụy Vương, đóng đô ở Nghiệp Thành, xây dựng nên một nước Ngụy ngay trong lòng nhà Hán.
Ở miền Bắc Trung Hoa bấy giờ, uy vọng của ông rất cao, ngay đến cả Thiền vu của Hung Nô là Hô Trù Tuyền cũng đích thân đến Nghiệp Thành kết giao hữu hảo. Tào Tháo giữ Thiền vu Hô Trù Tuyền ở Nghiệp Thành, chiêu đãi giống như khách quý. Bấy giờ, mối quan hệ giữa Nam Hung Nô và Hán triều đã hòa hảo với nhau. Tào Tháo lại nhớ đến Thái Ung, một người bạn thân đã mất của ông có cô con gái là Thái Văn Cơ vẫn còn lưu lạc ở Nam Hung Nô, bèn muốn đón nàng trở về.
Thái Ung là một danh sĩ nổi tiếng vào cuối triều Đông Hán. Sau vì đắc tội với đám hoạn quan mà bị lưu đày đến Sóc Phương. Thời Đổng Trác nắm quyền, Thái Ung đã về đến Lạc Dương. Khi đó, Đổng Trác đang muốn lôi kéo lòng người, nghe nói Thái Ung rất có tiếng tăm bèn đãi rất hậu. Chỉ trong 3 ngày, Trác đã liên tục phong Thái Ung làm các chức Tế tửu, Thị ngự sử, Thượng thư, rồi Thị trung. Đổng Trác rất quý trọng ông. Thái Ung cũng cảm thấy dưới trướng của Đổng Trác, bản thân được trọng dụng hơn thời Hán Linh Đế.
Sau khi Đổng Trác bị giết, Thái Ung tưởng nhớ đến ơn xưa của Đổng Trác, tỏ ra buồn bã, không ngờ lại chọc giận Tư đồ Vương Doãn, vốn là người cầm đầu cuộc lật đổ Trác. Vương Doãn bèn sai bắt Thái Ung trị tội. Thái úy Mã Nhật Đê thấy vậy vội can với Vương Doãn rằng Thái Ung là người có tư cách và tài năng, nên để ông sống để viết nốt sử nhà Hán. Nhưng Vương Doãn không đồng ý, dẫn gương Tư Mã Thiên viết “Sử Ký” phỉ báng triều đình, vì vậy quyết không tha cho Thái Ung.
Con gái của Thái Ung tên Thái Diễm, còn gọi là Thái Văn Cơ. Giống như phụ thân, nàng là người bác học đa tài. Sau khi phụ thân nàng mất, bè đảng của Đổng Trác là Lý Thôi, Quách Dĩ làm loạn, người dân một vùng Trường An chạy nạn khắp nơi. Thái Văn Cơ cũng theo dân chạy nạn lưu lạc tha hương.
Lúc này, quân lính Hung Nô bèn nhân cơ hội đục nước béo cò, bắt bớ những người dân chạy nạn. Một ngày kia, Thái Văn Cơ gặp phải quân lính Hung Nô, bị chúng bắt đi. Quân Hung Nô thấy nàng trẻ trung xinh đẹp, bèn dâng nàng cho Tả Hiền Vương của Hung Nô.
Từ đó trở đi, nàng đã trở thành phu nhân của Tả Hiền Vương. Tả Hiền Vương cũng rất yêu thương nàng. Cứ thế, nàng đã ở Hung Nô suốt 12 năm. Tuy cũng đã quen dần với cuộc sống đất khách quê người nhưng nỗi nhớ cố quốc trong nàng vẫn không lúc nào nguôi.
Lần này, Tào Tháo nhớ đến Thái Văn Cơ, bèn sai sứ giả mang rất nhiều lễ vật đến Hung Nô đón nàng về. Tất nhiên, Tả Hiền Vương không nỡ để Thái Văn Cơ đi, nhưng lại không dám trái ý Tào Tháo, đành phải để nàng trở về. Thái Văn Cơ có thể về lại được quê nhà ngày đêm mong nhớ, trong lòng tất nhiên vô cùng mãn nguyện. Nhưng giờ đây nàng buộc phải rời xa những đứa con, lòng lại cảm thấy đau đớn như bị cắt từng khúc ruột. Dưới cảm xúc mâu thuẫn này, nàng đã viết 2 bài thơ nổi tiếng “Bi phẫn thi” (Bài thơ đau thương) và “Hồ già thập bát phách” (Mười tám điệu phách của người Hồ).
“Bi phẫn thi” như một nhật ký đầy cảm xúc và nỗi buồn nước mất, nhà tan, chất chứa tâm trạng của nàng suốt từ khi triều đình nhà Hán rối loạn cho đến lúc buộc phải sống nơi biên thùy xa lạ ở đất Hung Nô. Đó cũng là tâm trạng day dứt khi phải vĩnh biệt hai con và tâm trạng cô đơn, lo sợ khi phải rời xa cuộc sống yên bình.
***
Thái Văn Cơ về đến Nghiệp Thành, Tào Tháo thấy nàng một thân một mình, cô khổ lênh đênh, bèn tự mình đứng ra làm mối, gả nàng cho một Đô úy đồn điền (tên chức quan) tên là Đổng Tự.
Nào ngờ, không lâu sau, Đổng Tự vì vi phạm kỷ cương, bị thủ hạ của Tào Tháo bắt giải đi phán tội chết. Hay tin Đổng Tự sắp bị hành hình, Thái Văn Cơ hốt hoảng không thôi, vội vàng đến phủ Ngụy Vương cầu xin. Vừa khéo lại ngay lúc Tào Tháo đang mở yến tiệc. Những công khanh đại thần, danh gia học sĩ nổi tiếng trong triều đều có mặt trong phủ Ngụy Vương.
Gia nhân bẩm báo lại với Tào Tháo. Tào Tháo biết trong số các danh sĩ đại thần đang có mặt có không ít người quen biết Thái Ung, liền bảo rằng: “Con gái của Thái Ung lưu lạc bên ngoài nhiều năm, nay đã trở về. Hôm nay mời nàng ta đến gặp mặt mọi người, không biết ý mọi người thế nào?“.
Mọi người tất nhiên đều tỏ ý muốn được tương kiến. Tào Tháo liền lệnh cho kẻ hầu dẫn nàng vào. Thái Văn Cơ đầu tóc rối tung, hai mắt đỏ hoe, vừa vào đến đã quỳ xuống trước mặt Tào Tháo xin tha tội cho chồng. Giọng nàng nấc nghẹn, mỗi câu đều vô cùng thương tâm. Trên bàn tiệc có mấy người nguyên là bạn cũ của cha nàng, thấy Thái Văn Cơ đau lòng quá đỗi, không khỏi nhớ nghĩ đến Thái Ung, cũng cảm thấy sống mũi cay xè.
Tào Tháo nghe xong lời thỉnh cầu của nàng, nói: “Tình huống của nàng, ta rất đồng tình, nhưng văn thư định tội đã gửi đi rồi, còn có cách nào đây?“. Thái Văn Cơ đau khổ cầu xin, nói: “Ngựa tốt trong trại của đại vương có đến hàng nghìn hàng vạn, võ sĩ dưới trướng nhiều như cây trong rừng, chỉ cần ngài cử đi một võ sĩ, một con ngựa nhanh đuổi theo thu hồi lại văn thư. Nếu vậy Đổng Tự đã được cứu rồi“.
Tào Tháo tự tay phê lệnh đại xá, cử một kỵ binh đuổi theo, tuyên bố miễn tội chết cho Đổng Tự. Khi đó, chính là ngày đông giá rét. Tào Tháo thấy nàng ăn mặc phong phanh, liền tặng cho nàng một chiếc khăn đội đầu và một đôi tất, bảo nàng mặc vào.
Tào Tháo hỏi nàng: “Nghe nói trong nhà của phu nhân có không ít thư tịch văn cảo, không biết hiện giờ còn không?“. Thái Văn Cơ cảm khái nói: “Phụ thân lúc còn sống, trong nhà có hơn bốn nghìn quyển, nhưng trải qua chiến loạn, tất cả đều đã bị thất lạc, chẳng còn lại quyển nào. Nhưng mà thiếp vẫn còn có thể nhớ được hơn bốn trăm bài“.
Tào Tháo nghe nói nàng vẫn còn có thể ghi nhớ được nhiều như vậy, liền nói: “Tôi muốn cử 10 người đến nhà của phu nhân, nàng đọc ra cho họ chép lại, nàng thấy thế nào?“. Thái Văn Cơ nói: “Không cần đâu. Chỉ cần đại vương cho thiếp một ít giấy mực, thiếp về nhà sẽ chép chúng ra“.
Về sau, Thái Văn Cơ quả nhiên đã chép lại mấy trăm bài đó rồi dâng cho Tào Tháo. Tào Tháo xem xong, vô cùng mãn nguyện.
Tào Tháo đón Thái Văn Cơ về không chỉ đơn giản là ân nghĩa với người bạn cũ mà còn là việc làm tích đức muôn đời, bảo tồn được truyền thống Trung Hoa. “Thái Văn Cơ về đất Hán” trở thành một điển tích nổi tiếng trong văn học Á Đông.
Với sự giúp đỡ của Tào Tháo, Thái Văn Cơ đã trở về được cố quốc, hoàn thành “Tục Hán Thư” 400 quyển, bổ sung cho khoảng trống của “Hán Thư”. Bài thơ trường thiên “Bi phẫn thi” của cô cũng là bài tự sự tự truyện thể ngũ ngôn đầu tiên trong lịch sử thơ ca Á Đông.
Tào Tháo tấm lòng quảng đại, khí độ hơn người, trọng hiền tài, mến kẻ sĩ, lại hết mực yêu chuộng văn chương, nghệ thuật, thực là đấng trượng phu muôn đời. Trong con mắt người hậu thế, Tào Tháo hiện lên như một gian hùng phần nhiều là bởi những hư cấu mạnh mẽ trong “Tam Quốc diễn nghĩa”. Sử liệu từ các nguồn chính thống như “Ngụy thư”, “Tam Quốc chí”… đều nhất loạt xác nhận rằng Tào Tháo là bậc bá vương, khí chất hơn người, chính là quân tử đứng đầu trong những người quân tử vậy.
Vũ Dương