Đại Kỷ Nguyên

Vì sao nói nhiều đứa trẻ chết yểu là ma quỷ về đòi nợ?

Vì sao lại nói trẻ chết yểu là ma quỷ về đòi nợ

Có người nói, những đứa trẻ chết yểu là ma quỷ về đòi nợ, những trường hợp chứng minh cho điều này không ít.

Đầu thai vào nhà kẻ thù để trả thù

Thời Quang Tự nhà Thanh, ở tỉnh Quảng Đông có một vị quan tính tình rất nóng nảy. Một thủ hạ cấp dưới thường xuyên tranh cãi với ông khiến ông rất bực, bèn tìm lý do xử anh ta tội chết. Trước giờ hành quyết, người thủ hạ này nói trong tức giận rằng: “Ngươi cậy quyền cậy thế ức hiếp ta, rồi ta sẽ báo thù!”.

Một thời gian sau, trong giấc ngủ trưa, vị quan này bỗng thấy tên thủ hạ đã bị giết chết từ đâu lao vào trong nhà ông. Một lúc sau, trong nhà có người chạy ra báo tin mừng ông có cháu. Vị quan này hiểu rằng tên kẻ thù kia đã vào đầu thai trong nhà ông, vì thế liền báo cho người nhà không được cho đứa cháu này nhìn thấy mặt ông.

Chừng 4, 5 năm sau, vào một ngày mùa hạ, vị quan kia nằm ngửa mặt ngủ dưới gốc cây to trong vườn nhà. Bảo mẫu dẫn đứa trẻ vào trong vườn để chơi. Thấy đứa cháu đang vui vẻ cầm cái dao nhỏ vẽ nguệch ngoạc trên mặt đất, bảo mẫu liền quay sang nói chuyện phiếm với người hầu gái. Không ngờ, không biết từ lúc nào, đứa cháu đi tới bên chỗ ông nằm, dùng dao rạch vào da ông để chơi. Đang ngủ ngon, vị quan thấy tay đau đau, ngứa ngứa, tưởng có con gì đốt nên lấy tay đập mạnh 1 cái. Chẳng ngờ ông đập đúng vào cán dao, lưỡi dao đâm vào bụng. Vị quan trọng thương và qua đời.

Trước khi chết còn đòi khoản nợ làm ăn từ kiếp trước

Lương Kính Thúc đời Thanh đã ghi lại một câu chuyện thế này. Thường Châu có một người học thức uyên bác, sống nhờ việc dạy học cho trẻ nhỏ. Khi con trai ông 3 tuổi, vợ ông đột ngột qua đời. Ông đành đưa đứa trẻ tới nơi dạy học của mình để nuôi dưỡng.

Khi đứa trẻ lên 4, 5 tuổi, ông bắt đầu dạy con học chữ. Đứa trẻ rất thông minh, khi 15 tuổi đã thuộc Tứ thư, Ngũ kinh, còn có thể đi dạy học cho người khác. Từ đó, hai bố con mỗi năm dạy học cũng kiếm được khoảng 40, 50 quan tiền. Trừ chi phí hàng ngày, họ tích lũy được một khoản cũng khá.

Sau một thời gian, ông này muốn cưới vợ cho con trai. Đúng lúc có thể tiến hành hôn lễ, người con trai đột nhiên mắc trọng bệnh. Lúc lâm chung, anh ta gọi to tên của bố mình và nói: “Kiếp trước ngươi và ta cùng làm ăn với nhau, ngươi còn nợ ta hơn 200 quan tiền. Trừ đi các thứ, giờ đây ngươi còn phải trả ta 5300 quan tiền. Nhanh nhanh trả cho ta! Trả cho ta, ta đi đây!”. Nói xong thì cậu cũng vừa tắt thở qua đời.

Nợ 19 lượng, lúc lâm chung đòi lại

Chu Nguyên Đình đời nhà Thanh có một người con trai bị mắc trọng bệnh, trước khi chết cố nói: “Các ngươi còn nợ ta 19 lượng bạc đấy!”. Thầy thuốc vội vàng cho người đi mua nhân sâm về nấu canh, uống canh sâm xong người con trai trút hơi thở cuối cùng, thì ra tiền mua nhân sâm đúng 19 lượng bạc.

Có người nói: “Mỗi ngày trên thế giới có rất nhiều đứa trẻ bị chết yểu, không lẽ có nhiều người mang nợ kiếp trước thế sao?”.

Nhà bác học Kỷ Hiểu Lam, đời nhà Thanh giải thích như sau: “Con người sống chết luân hồi như một chiếc xe đi đi về về. Nhân quả tuần hoàn giống như hạt cát trên sông Hằng, đếm thế nào cũng không đếm hết được. Cũng giống như mây trên trời, thiên biến vạn hóa không thể biết được”.

Trong những câu chuyện trên, ân oán kiếp trước hầu như đều là liên quan tới tranh cướp tài sản. Lão Tử từng nói, đại ý rằng con người sống trên đời đều bị chi phối bởi lợi ích. Trong cuộc đời mỗi người, không nhiều người lúc nào cũng đủ tỉnh táo để chống lại sự cám dỗ của lợi ích. Nhưng của cải trên thế gian là có hạn, thứ con người có được cũng có giới hạn. Bạn có thể có thứ này trong tay nhưng lại chịu mất một thứ khác ở đâu đó, có thể nói rằng lỗ lãi là quân bình.

Dĩ nhiên, người không hiểu được mối quan hệ này sẽ nảy sinh tư tưởng đi tranh cướp của người khác. Mọi oán hận cũng từ đó mà sinh ra, rồi báo ứng nhân quả cũng từ đó mà có. Có bao nhiêu người tâm can chỉ nghĩ tới việc cướp đoạt lợi ích của người khác thì cũng có bấy nhiêu món nợ kiếp trước cần hoàn trả, có bấy nhiêu oan nghiệt, ác duyên.

Ảnh: Shutterstock

Theo Secret China
Quỳnh Chi biên dịch

Exit mobile version