Con người cả cuộc đời bôn ba xuôi ngược cũng chỉ vì mong muốn tích góp cho sau này. Nhưng tới giây phút cuối cùng họ mới nhận ra rằng: Tích âm đức hơn tích của cải bạc tiền.
Tích đức hơn tích của cải bạc tiền
Vào thời nhà Minh, Vương Trung Thừa là vị quan quản lý quỹ tiền của cả Quảng Đông và Quảng Tây. Một ngày nọ khi tiến hành thanh tra quốc khố, ông thấy dư ra 34 vạn lạng bạc. Bộ hộ đã cân bằng tài khoản và mọi chi phí đã được chi trả. Số bạc dư thừa này là do quốc gia đã lâu không có chiến tranh, quân số ít mà lương nhiều, tích luỹ qua ngày tháng, dần dần dư ra nhiều. Bởi không ai có thể tra cứu số tiền này, triều đình cũng không biết, cho nên đây là tiền dư vô chủ có thể xung vào công quỹ.
Sau khi phát hiện số dư thừa, Vương Trung Thừa quyết định sẽ viết tấu sớ báo cáo lên triều đình.
Một người bạn cũ của Vương Trung Thừa đã thuyết phục ông: “Triều đình đều biết ông là quan thanh liêm, đối với của công là không bao giờ động tới. Nhưng số bạc này lại không phải của bách tính, cũng không hề xâm phạm quốc khố. Sao ông không tính toán một chút, chỉ cần báo lại 30 vạn lượng thôi, giữ lại 4 vạn lượng chia cho bốn con trai của mình? Như thế cũng đâu có ảnh hưởng đến lòng trung thành chí công vô tư của ông”.
Vương Trung Thừa trả lời: “Như vậy thì khác gì một góa phụ đã thủ tiết 30 năm nhưng chỉ vì chút tiền nuôi con cháu mà tái giá, vậy có phải rất đáng tiếc hay không?”.
Sau đó ông đã báo cáo lại toàn bộ số tiền dư mà không lưu giữ lại một chút gì, được người đời ca ngợi là một bậc quân tử hiếm có.
Về sau Vương Trung Thừa nhậm chức làm quản lý tài chính cho các quận huyện. Các cháu trai của ông liên tiếp dẫn đầu trong các kỳ thi lớn, lần lượt từng người một đều thăng quan tiến chức, và gia tộc họ Vương vẫn trường tồn không hề suy vong.
Tham ô và tích lũy tiền
Vào thời nhà Thanh, ở tỉnh Thiệu Hưng có một vị Trưởng quan ty Bố chính sứ, vốn là người rất giỏi vơ vét của dân, tham ô tài sản lên tới cả chục vạn lượng. Sau khi bị bãi quan và lưu đày về quê, ông ta đã mua 10 vạn mẫu đất đai màu mỡ và trở thành người giàu nhất trong vùng.
Vị quan Bố chính sứ này thường mơ thấy tổ phụ hiện về nói với ông rằng: “Con sẽ bị báo ứng!”, nhưng ông không tin những gì tổ phụ mình đã cảnh báo trong mơ.
Ông có một con trai và một cháu trai, họ là những kẻ ăn chơi trác táng, hoang phí tiền của, và kết quả cả hai cùng đoản mệnh. Ngay sau cái chết của con và cháu trai, ông đau buồn rồi đột quỵ, lúc này tài sản trong nhà không còn lại thứ gì.
Trước lúc lâm chung, ông nói: “Chức quan Bố chính sứ của ta vốn không phải là nhỏ, tài sản 10 vạn mẫu ruộng cũng không phải là ít, đều nằm trong tay ta. Thế nhưng hôm nay ta lại không còn gì, gia tộc suy vong, đây chẳng phải là báo ứng nhãn tiền hay sao?!”.
Chớ tham lam tài sản của người khác
Vào thời nhà Minh có một người đàn ông giàu có tên là Từ Trì, gần nhà ông có một người hàng xóm tên Từ Nhập. Từ Trì thấy ngôi nhà của Từ Nhập rất đẹp đẽ khang trang, nên đã tìm mọi cách để có được nó.
Bởi Từ Nhập không có ý định bán nhà nên Từ Trì đã tìm cách dụ dỗ con trai của Từ Nhập đi vào đường cờ bạc, khiến anh ta khuynh gia bại sản, cuối cùng phải bán căn nhà cho Từ Trì. Sau đó Từ Nhập vì quá đau buồn mà qua đời trong oán giận.
Không lâu sau đó, ba người con trai và năm đứa cháu nội của Từ Trì đều mắc bệnh dịch. Từ Trì nằm mơ thấy ông nội đến nói với mình: “Tai họa của con đang đến! Con có còn nhớ ngôi nhà trước đây con đã mua không? Từ Nhập đang ở dưới âm phủ tố cáo con đấy!”.
Từ Trì rất sợ hãi, nên hai ngày sau ông đã đến miếu Thành Hoàng để cầu nguyện. Khi ông ta vừa bước vào miếu thì có một hoà thượng đã tỏ ra rất ngạc nhiên khi nhìn thấy Từ Trì.
Có người hỏi nguyên do, vị hoà thượng đã thì thầm nói: “Tối qua tôi vô tình ngủ trong miếu và thấy ai đó đang buộc tội Từ Trì làm ông ta khuynh gia bại sản. Tôi không ngờ hôm nay lại gặp được Từ Trì, cho nên tôi mới ngạc nhiên như vậy”.
Chỉ trong vòng một năm, Từ Trì đã lâm bệnh và không lâu sau thì mất, con cháu của ông đều chết sớm, gia tộc không còn lại một ai.
Ngày nay quả thật có không ít người đau bệnh nằm liệt giường nhiều năm trước khi qua đời. Khi bản thân phải nằm yên một chỗ trong im lặng và đau đớn, họ có lẽ sẽ nghĩ vì cớ gì mà thành ra nông nỗi ấy. Rốt cuộc cả một đời tích lũy là vì đâu, tranh tranh đấu đấu là vì điều gì? Dẫu trong tay có cả núi vàng biển bạc họ cũng không hạnh phúc, phải chăng họ đã quên mất rằng khi sống cần phải tích đức, tích đức thì tuổi già mới có thể thanh thản bình yên…
Yên Tử
Theo Nhân Dân Báo
Bạn đang đọc bài viết: “Vì sao người xưa dạy: Tích của cải chẳng bằng tích âm đức?” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: daikynguyen.vanhoa@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn! |