Đại Kỷ Nguyên

Văn hóa cổ Trung Hoa là văn hóa Thần truyền (phần 2): 3 biểu hiện của văn hóa Thần truyền

Từ xưa đến nay, chúng ta thường nghe nói rằng văn hóa Trung Hoa là văn hóa Thần truyền. Đó nghĩa là văn hóa của dân tộc Trung Hoa cổ xưa là văn hóa do Thần truyền cấp cho con người. Vì sao lại nói như vậy? Chúng ta hãy cùng ngược dòng lịch sử tìm hiểu về văn hóa Trung Hoa cổ xưa để trả lời cho câu hỏi này!

Trong phần 2 này chúng ta cùng tìm hiểu về những biểu hiện của văn hóa mà Thần truyền  cấp cho dân tộc Trung Hoa xưa.

“Dịch kinh” và “Đạo đức kinh” là các sáng tác có tính đề cương của văn hóa Thần truyền. Tư tưởng văn hóa Thần truyền sớm đã thâm nhập vào mọi lĩnh vực, phạm vi của dân tộc Trung Hoa cổ xưa.

Nhìn chung, mỗi phương diện của văn minh Trung Hoa đều được bao phủ bởi một tầng sắc thái “văn hóa Thần” dày đặc. Cái mà người ta gọi là “văn hóa Thần truyền” chính là chỉ văn hóa đến từ Thiên Thượng, là loại văn hóa mà Thần cố ý truyền cấp cho con người.

Trong 5000 năm văn minh Trung Hoa, Thần truyền cấp văn  hóa cho con người biểu hiện thông qua ba phương diện. Thứ nhất là lấy “tín ngưỡng Thần” làm cơ sở. Thứ hai là lấy “coi trọng đạo đức” làm trung tâm. Thứ ba là lấy “tu luyện” làm mục đích của việc Thần truyền cấp văn hóa.

1. Lấy “tín ngưỡng Thần” làm cơ sở 

Văn hóa thần truyền thể hiện ở phương diện thờ phụng, kính ngưỡng Thần. Các vị Hoàng Đế của Trung Hoa cổ đại đều kính ngưỡng Thần

Lấy “tín ngưỡng Thần” làm cơ sở của văn hóa chủ yếu biểu hiện thông qua một vài phương diện. Đầu tiên là thông qua cách xưng danh hiệu đất nước. Trung Quốc thời cổ đại có tên là Cửu Châu, cũng có tên là Thần Châu, mang ý nghĩa là nơi có Thần linh che chở, phù hộ, cũng mang ý nghĩa là nơi có nhiều người tu thành Thần Tiên. Cái tên Thần Châu chỉ rõ rằng: dân tộc Trung Hoa có mối liên hệ chặt chẽ với Thần.

Thứ hai là thể hiện ở phương diện sử dụng từ “Thần” trong đời sống hàng ngày. Theo thống kê, chữ Hán hiện đại có khoảng 1000 thành ngữ thường dùng, trong đó có trên 280 thành ngữ chứa chữ “Thần”. Ví dụ: “Tâm khoáng Thần di” (tạm dịch: Tâm trí thanh thản, lòng dạ thảnh thơi), “Thần thanh khí mậu” (tạm dịch: Tinh thần thanh sạch, khí tiết phong phú), “Thần sắc tự nhược” (tạm dịch: Thần sắc vẫn tự nhiên), “Thần thái hồng hào, sáng láng”, “Quỷ phủ Thần thông” (chỉ tài nghệ điêu luyện), “Tập trung tinh thần”, “Toàn thần quán chú” (Tạm dịch: Hết sức chăm chú)…

Không chỉ có vậy mà còn có hơn 500 từ nói thường ngày có chứa chữ “Thần” như: “Thần thông, Thần khí, Thần thái, Thần linh…” Có một điều là, ngay cả những người tự xưng là không tin Thần Phật cũng đều sử dụng những từ ngữ này hàng ngày.

Thứ ba thể hiện ở phương diện thờ phụng, kính ngưỡng Thần. Tất cả Hoàng đế các triều đại của Trung Hoa đều phải cúng thờ Trời, Đất, thờ phụng Thần linh.

Thứ tư thể hiện ở các phong tục tập quán của người dân Trung hoa. Người dân Trung Hoa đến nay vẫn bảo lưu rất nhiều những phong tục tập quán, lễ hội thể hiện sự kính ngưỡng Thần.

Ngoài ra, các tác phẩm văn học thời Trung Hoa cổ đại đều có mối liên hệ với Thần. Trong đó, “tứ đại danh tác” của Trung Hoa đều tràn ngập nội dung hướng đến Thần.

Về phương diện chính trị, kinh tế, kiến trúc, y học, nghệ thuật, toán quái, thiên văn học, dưỡng sinh, ẩm thực, võ thuật…và tất cả các phương diện khác trong cuộc sống của người Trung Hoa xưa đều mang đậm sắc thái văn hóa tín ngưỡng Thần.

2. Lấy “coi trọng đạo đức” làm trung tâm

Văn hóa cổ Trung Hoa là văn hóa Thần truyền: Ngu Thuấn là vị vua coi trọng đạo đức làm người, một lòng hiếu thảo với cha mẹ (Ảnh minh họa/Nguồn: Sưu tầm)

Rất nhiều người khi đề cập đến văn hóa truyền thống Trung Hoa thì sẽ nghĩ đến lý niệm “Đạo pháp tự nhiên, thiên nhân hợp nhất” (Thuận theo tự nhiên, người và Trời hợp thành một thể). Kỳ thực, lý niệm này rất khó đưa ra để lý luận gắn liền với thực tế được, bởi người hiểu Đạo mới hiểu, mà người hiểu Đạo lại không nhiều. Nhưng có điều bất biến đó là “coi trọng đạo đức” mới là con đường duy nhất thực hiện “Đạo pháp tự nhiên, thiên nhân hợp nhất”.

Ngày nay, có rất nhiều thành quả nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, sức mạnh của đạo đức là không chỉ cảm nhận mà còn “chạm” đến được. Phàm là lời nói hay việc làm mà phù hợp với chuẩn tắc đạo đức thì đều có thể sản sinh ra tác dụng tích cực đối với mọi vật chất trong thế giới này.

Trái lại, hành vi và lời nói không phù hợp chuẩn tắc đạo đức thì sẽ sản sinh ra tác dụng xấu, tiêu cực. Cho nên, một người thường xuyên có lời nói và việc làm phù hợp với chuẩn tắc đạo đức thì sức mạnh của đạo đức sẽ sinh ra những ảnh hưởng tích cực, thậm chí có thể chữa khỏi những bệnh khó chữa. Đây có lẽ cũng là nguyên nhân trực tiếp khiến người xưa coi trọng đạo đức.

Trong cuộc sống thực tiễn, biểu hiện của việc coi trọng đạo đức cũng được thể hiện ra ở từng gia tộc và các ngành nghề. Thời cổ đại, mỗi gia tộc của Trung Hoa đều có gia phả. Trang đầu tiên của gia phả chính là gia huấn. Tư tưởng chung nhất của những gia huấn này đều là khuyên bảo con cháu đời sau phải coi trọng đức. Nếp nhà hay còn gọi là gia phong là điều hình thành nên gia huấn. Mà gia phong tốt đẹp đều có cơ sở từ việc coi trọng đức. Cho nên, gia huấn và gia phong đều là biểu hiện sâu sắc của việc con người coi trọng đức trong xã hội Trung Hoa cổ xưa.

Không chỉ trong gia đình mà ở các ngành nghề cũng đều có yêu cầu coi trọng đức. Trong lĩnh vực sáng tác văn học có tôn chỉ rằng, coi trọng đức là yêu cầu đứng đầu nhất. Ở phương diện sáng tác âm nhạc cũng coi đạo đức là cái gốc của nội tâm con người, âm nhạc là sự thăng hoa của đạo đức. Ở phương diện trị quốc cũng nêu cao việc phải coi trọng đức, tiết chế tài chính, tuyển dụng người hiền đức…

Có thể thấy, thời Trung Hoa cổ đại, người làm quan phải có yêu cầu đầu tiên là đức cao. Người kinh doanh phải có đạo đức thương nhân. Người làm bác sĩ phải có đạo đức của người làm y…Các giai tầng trong xã hội, sĩ nông công thương đều ở trong trạng thái vô cùng coi trọng đạo đức.

3. Lấy “tu luyện” làm mục đích

Văn hóa cổ Trung Hoa là văn hóa Thần truyền: Bát Tiên quá hải (Ảnh: Sưu tầm)

Vô luận là lấy “tín ngưỡng Thần” làm cơ sở hay là lấy “coi trọng đức” làm trung tâm thì cũng đều không phải là mục đích của việc Thần truyền cấp văn hóa cho dân tộc Trung Hoa. “Tu luyện” mới là mục đích thực sự của việc Thần truyền cấp văn hóa cho dân tộc Trung Hoa. Có nghĩa là con người có thể thông qua văn hóa tu luyện mà trở thành Thần.

Trong văn hóa Trung Hoa có ghi lại rất nhiều câu chuyện người thường thông qua tu luyện mà đắc Đạo thành Tiên. Trong “Sử ký” có ghi chép lại việc Hiên Viên Hoàng Đế thông qua tu luyện mà thành Tiên, bay lên trời giữa ban ngày. Tám vị tiên trong “Bát tiên quá hải” đều là những người thường thông qua tu luyện mà thành Tiên.

Ngoài ra còn có Vương Trùng Dương, đạo sĩ nhà Tống và là người sáng lập Toàn Chân giáo, hay Trương Đạo Lăng thời Đông Hán là người sáng lập ra giáo phái Ngũ Đấu Mễ Đạo trong Đạo giáo và Trương Tam Phong của phái Võ Đang đều là tu luyện đắc đạo thành Tiên.

Ngày nay  vẫn còn những vị cao tăng đã viên tịch mà thân thể không bị mục rữa hay những vị cao tăng sau khi viên tịch được đưa đi hỏa táng lại có xá lợi tử… Có thể thấy, trong 5000 năm văn hóa Trung Hoa thì những câu chuyện về việc con người thông qua tu luyện mà thành Tiên thì có rất nhiều.

Thời hiện đại ngày nay, nhất là cách đây 24 năm thì các môn khí công rất được thịnh hành và phổ biến rộng rãi ở Trung Quốc. Trong những người tu luyện khí công, có rất nhiều người có công năng vượt xa người thường, khiến cho chúng ta thấy rõ rằng, con người là có hy vọng thông qua tu luyện mà thành Tiên. Tiếc rằng, có nhiều người không hiểu rõ về khí công, lại bài xích nó. Kỳ thực, khí công chính là sự tái hiện văn hóa tu luyện, là một loại văn hóa Thần truyền.

Có thể tổng hợp lại rằng, ngôn ngữ, chữ viết, hành động, tư tưởng và các ngành sản xuất của dân tộc Trung Hoa cổ xưa đều là có quan hệ với Thần. Hay nói cách khác là dân tộc Trung Hoa đã được định sẵn là có mối duyên với Thần và văn hóa Thần truyền chính là cái gốc của dân tộc Trung Hoa cổ xưa.

(Còn tiếp…)

Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Mai Trà biên dịch

Exit mobile version