Bậc quân tử xưa giữ mình như thế nào. Chính là 4 điều này. Làm được có thể đi khắp thiên hạ mà thành công.
Thủ ‘ngu’, người tài vẻ ngoài đần độn
Theo ghi chép trong “Sử Ký” khi còn trẻ Đức Khổng Tử từng đi thỉnh giáo Lão Tử về đạo lý làm người. Lão Tử nói: “Lương cổ thâm tàng nhược hư, quân tử thịnh đức dung mạo nhược ngu” (Dịch nghĩa: một thương nhân thông minh trí tuệ sẽ biết được giá trị tài hoa ẩn sâu bên trong của mình, còn vẻ bề ngoài có vẻ như không có gì cả; bậc quân tử phẩm hạnh cao quý thường có đạo đức ẩn giấu bên trong, còn vẻ bề ngoài thì dường như ngu si ngốc nghếch. Bạn phải từ bỏ đi tính khí kiêu ngạo và dục vọng ham muốn trong tâm, mới có thể trở thành bậc Thánh nhân.
“Hồ đồ khó đắc” (giả ngốc thật khó) vốn được tôn sùng là đạo xử thế của người thông minh. Rất nhiều người mong muốn có được sự “hồ đồ” (giả ngốc) trong cảnh giới và trí huệ đó, chính là giống như Lão Tử nói “Đại trí nhược ngu” (Tức: người tài vẻ ngoài đần độn). Làm người, điều tối kị nhất là tự kiêu, không biết khoan dung với người khác. Dễ trở thành mũi nhọn để người ta ghen ghét chĩa vào, càng dễ có nhiều kẻ thù.
Thủ “tĩnh”, giữ bình tĩnh khi đối mặt với đại sự
Tĩnh là sự đại trí huệ luôn được người Trung Quốc cổ xưa tôn sùng. Trong Đạo Đức Kinh có giảng “tĩnh vi táo quân” tức là tĩnh có thể khắc phục tính khí nóng nảy của bản thân,sau khi tĩnh mới có thể an, sau khi an mới có thể ngẫm, sau khi ngẫm mới có thể đắc. Có thể nói tĩnh chính là cơ sở của sự ổn định, tư duy và có thể đạt được tất cả những thứ sau này (ngẫm, đắc).
“Tâm thu tĩnh lí tầm chân nhạc, nhãn phóng trường không đắc đại quan“. Một người nội tâm không tĩnh tại, rất khó để có thể suy xét vấn đề một cách thấu đáo, trong đối nhân xử thế trong hành sự làm việc nhất định cũng nảy tâm kiêu ngạo, kiêu căng xốc nổi. Người bình tĩnh có thể quan sát thấu đáo mọi việc, quan sát thế thời, tìm được cách giải quyết vấn đề hoặc cảm ngộ được đạo lý nhân sinh.
Chỉ có người giữ được tâm thanh tĩnh, mới có thể tìm thấy sự tốt đẹp trong cuộc sống. Những người kiêu căng ngông cuồng, vội vàng thường sẽ bị bỏ lỡ những điều tuyệt vời đó. Có thể trên bước đường đời của mình chúng ta sẽ gặp rất nhiều gập ghềnh khó khăn, nhưng có thể giữ được thái độ bình thản, không màng danh lợi, thì sẽ tìm thấy sự bình yên trong sự rối ren, không bị sự quấy nhiễu và tấn công của những điều trần tục trong cuộc sống, và từ đó làm cho cuộc sống của bạn càng trở nên sáng sủa hơn.
Thủ “thời”, người quân tử đợi thời cơ để hành động
Thủ thời không phải là đúng giờ, mà là nắm giữ lấy thời cơ. Trong Chu Dịch có câu: “Quân tử tàng khí vu thân, đãi thì nhi động”, nghĩa là: Người quân tử có tài năng nổi bật, bản lĩnh phi phàm xuất sắc, sẽ không mang tài hoa của mình đi khoe khắp nơi. Chỉ vào thời khắc cần thiết mới bộc lộ tài năng và bản lĩnh của mình. Đây cũng là để nhắc nhở chúng ta, trong cuộc sống hằng ngày cần tự thân tăng cường tu dưỡng, đợi khi cơ hội tới, mới bộc lộ hết tài hoa của mình.
Thời cơ, thời thế là do khách quan mang lại chứ không phải là điều mà người ta muốn mà có thể được. Chúng ta không thể tạo ra thời cơ, mà chỉ có thể làm tốt việc chúng ta phải làm, đợi thời cơ tới và nắm chặt lấy nó. Đây chính là thủ thời, một người biết thủ thời nhất định sẽ làm tốt công tác chuẩn bị, không để cơ hội trôi đi một cách vô ích.
Thủ “tín”, làm người không giữ chữ tín thì không làm được việc gì thành công
Trong “Luận ngữ” có câu: “Nhân nhi vô tín, bất tri kì khả dã. Đại xa vô khẩu, tiểu xa vô ngột, kì hà dĩ hành chi tai?“, đại ý là nếu con người không giữ chữ tín, cũng giống như một cỗ xe lớn không có đoạn gỗ chốt nối giữa càng xe và ách xe, xe sẽ không thể chạy được.
Vào thời Xuân Thu, có một người nước Ngô tên Quý Trát lần đầu tiên đi sứ sang nước Tần, đi ngang qua phía bắc của Từ quốc. Vua của nước Từ rất thích bảo kiếm của Quý Trát, nhưng không nói ra. Trong lòng Quý Trát biết điều đó nhưng vì vẫn phải đi sứ sang nước khác nên chưa thể tặng cho vua nước Từ được. Sau đó khi ông đi sứ xong và quay trở lại Từ quốc thì quốc vương nước Từ đã băng hà. Thế là ông liền cởi bỏ bảo kiếm xuống và treo trên cái cây trước mộ của đức vua. Tùy tùng của ông hỏi: “Thưa tướng quân, vua Từ quốc đã băng hà rồi, thì thanh bảo kiếm này còn phải tặng ai nữa?”. Quý Trát trả lời: “Không phải như ngươi nghĩ là xong đâu, ban đầu trong lòng ta đã quyết định tặng bảo kiếm cho ông ấy, sao mà có thể vì việc ông ấy đã mất rồi mà đi ngược lại với lời hứa của mình chứ!”
Quý Trát ngày xưa chỉ là nhận lời với người khác ở trong tâm mà vẫn còn giữ chữ tín như vậy. Ngược lại so với chúng ta ngày nay có rất nhiều người lời hứa đã nói ra thậm chí đã viết thành văn bản, nhưng thực hiện thì không biết được bao nhiêu?
Thủ tín, là một nhân cách đáng quý của con người mà chúng ta có dùng tiền cũng không mua được, đường đường chính chính làm người thì nên làm việc một cách rõ ràng rành mạch. Đừng bao giờ để người khác mất lòng tin vào bạn, bởi khi người khác tin bạn, đó chính là giá trị của bạn trong lòng người đó.
Thất tín là sự phá sản lớn nhất của đời người!
Kiên Định biên dịch
Xem thêm: