Đại Kỷ Nguyên

Tuyệt tác thơ tại trường thi, “Tương Linh cổ sắt” truyền tụng cổ kim

Bức tranh là một phần của "Tương quân Tương phu nhân đồ" do Văn Trưng Minh vẽ vào thời nhà Minh. (Phạm vi công cộng)

Hoàn cảnh khép kín, thời gian rất ngắn, không khí căng thẳng trong trường thi có thể khiến người ta lập tức cảm thấy áp lực như núi, khó có thể phát huy như bình thường. Vì vậy người ta thường nói: trường thi không giai tác. Tuy nhiên, quay ngược thời gian về triều đại nhà Đường hơn một nghìn năm trước, vào năm Thiên Bảo thứ mười (751), có một ngoại lệ.

Vào đầu xuân năm đó tại thành Trường An, một kỳ thi tiến sĩ được cử hành như đã định. Nội dung của kỳ thi là làm một bài thơ mà triều đình đặc biệt coi trọng, đề mục là “Tương Linh cổ sắt”. Một thí sinh trẻ nhận đề thi, lập tức ngẫu hứng viết ra năm câu đối đầu tiên thật thanh tân uyển chuyển, lại gãy gọn và trang nhã.

Đột nhiên, chàng bỗng dòng văn tắc nghẽn, không thể viết tiếp, do dự trong thời gian dài, mãi không viết ra được câu cuối. Trong thời khắc lo lắng nhất, não chàng bỗng lóe linh quang, nhớ đến câu thơ mà chàng từng nghe thấy trong mộng. Bất luận là thanh luật hay là ý cảnh, hai câu thơ này đều hòa hợp hoàn mỹ với bài thơ. Sau khi kỳ thi kết thúc, bài thơ này đã xuất sắc đứng đầu, vị thí sinh đó không chỉ thuận lợi vượt qua khảo thí, mà còn xác lập danh tiếng bất hủ trong giới thơ Đường.

Nhan đề bài thơ lãng mạn, cộng với trợ giúp của Thần, đã làm nên một tác phẩm gây sửng sốt trong trường thi của triều đình. Đây là bài thơ thi tỉnh “Tương Linh cổ sắt” của Tiền Khởi, một nhà thơ thời Đường:

Thiện cổ vân hòa sắt, 
Thường văn đế tử linh.
Bằng Di không tự vũ, 
Sở khách bất kham thinh.
Khổ điều thê kim thạch, 
Thanh âm nhập yểu minh.
Thương Ngô lai oán mộ, 
Bạch chỉ động phương hinh.
Lưu thủy truyền tiêu phổ, 
Bi phong quá Động Đình.
Khúc chung nhân bất kiến, 
Giang thượng số phong thanh.

Tạm dịch:

Cổ cầm mây hòa nhịp,
Thường nghe hồn Thuấn linh.   
Trên không Bằng Di múa,             
Khách Sở bước lặng thinh.
Khổ sầu trùm kim thạch,
Thanh âm lạc thiên không.
Tới Thương Ngô oán mộ,
Cỏ bạch chỉ thơm nồng.
Nước xuôi dòng Tiêu phổ,
Gió buồn lay Động Đình.
Nhạc ngừng người đâu thấy,
Trên sông mấy non xanh.

(Chú thích: Thuấn là Thuấn đế, Thương Ngô là nơi vua Thuấn đột tử và được an táng ở đây. Bằng Di là tên vị thần sông)

Thưởng thức thi cảnh

Cụm từ “Tương Linh cổ sắt” xuất phát từ bài thơ “Viễn du” của Khuất Nguyên: “Sử Tương Linh cổ sắt hề, Lệnh hải nhược vũ phùng di”, kể lại một truyền thuyết ưu mỹ và thương cảm về Thuấn đế và hai người vợ của ông. Thuấn đế đi tuần du phương nam nhưng không bao giờ quay trở lại, được chôn cất tại núi Thương Ngô, các phi tần Nga Hoàng và Nữ Anh khóc lóc thảm thiết, lệ rơi xuống cành trúc tạo thành những vết ngấn lệ. Hai người gieo mình xuống sông tự tận, hóa thành những vị thần của Tương Thủy. Họ thường chơi đàn cổ sắt trên sông để bày tỏ sự tiếc thương.

Hai phi tần của Thuấn đế gieo mình xuống sông tự tận, hóa thành thần Tương Thủy. Họ thường chơi đàn cổ sắt trên sông để bày tỏ sự tiếc thương. Bức tranh vẽ chân dung của Tương quân (phải) trong “Cửu ca đồ” do Trương Ác thời nhà Nguyên vẽ. (Phạm vi công cộng)

Chủ đề của bài thơ này rất minh hiển, ý tứ ngâm vịnh ca ngợi tình cảm trung trinh cao khiết của nữ thần Tương Thủy. Sau khi vượt qua phần thi vấn đáp, thí sinh phải trổ tài làm thơ bằng tài hoa văn chương bay bổng, vần điệu cảm động. Trong khoa cử triều Đường, các kỳ thi do Bộ Lễ của tỉnh Thượng Thư chủ trì được gọi là “thi tỉnh”. Các bài thơ ứng thí trong thi tỉnh, còn được gọi là thí thiếp thi, đa phần chọn một câu thi ca hoặc điển cố làm đề, yêu cầu thí sinh làm một bài thơ ngũ ngôn lục vận theo thi luật, mà từ bằng trắc, vần điệu cho đến kết cấu, nội dung đều phải tuân thủ hạn định nghiêm khắc.

Theo yêu cầu của đề thi, câu đối thứ nhất làm rõ đề bài, mở ra chủ đề; câu đối thứ hai kế thừa đề bài, tiến một bước làm rõ thêm ý nghĩa. Nhiệm vụ chủ yếu của hai câu đối đầu tiên của bài thơ là bóc giải tiêu đề, chú trọng ý cảnh ban đầu của bài thơ. Bài thơ của Tiền Khởi sử dụng nửa đầu của bài thơ gốc trong câu đối đầu tiên, khái quát đề bài, mô tả hai phi tần của Thuấn đế – nữ thần Tương Thủy, tấu đàn sắt điêu luyện với thanh điệu thê lương, lưu lại thế gian một nhạc khúc ưu mỹ và ai oán.

Câu đối thứ hai sử dụng nửa sau của câu thơ gốc: “Bằng Di không tự vũ, 
Sở khách bất kham thinh” – Thần sông Bằng Di không giải được oán tình trong ca khúc, nhưng ông như say như si nhảy múa theo điệu nhạc; du khách đất Sở cảm thấy bi âm trong ca khúc, thở dài về thân thế và lo lắng cho đất nước đan xen trong tâm, không dám dừng nghe lâu. Chữ “Sở khách” trong câu chỉ tâm trạng nghĩ về việc Khuất Nguyên bị kẻ xấu dèm pha, phải đi viễn du nước khác mà lưu luyến khôn nguôi; cũng hàm ý chỉ tâm trạng rời quê hương đến kinh thành, nỗi nhớ nhung khó tả của người ra đi, đồng thời bày tỏ tâm tình bối rối, sầu muộn về sự nghiệp cá nhân và tương lai vận mệnh quốc gia… Một ngữ hai nghĩa, nội hàm phong phú.

Nhà thơ chăm chú kể chuyện, đưa người đọc vào một thế giới thơ ý tràn ngập tiếng nhạc thần tiên và sự đồng tồn giữa Thần và người, đồng thời tạo nên một bầu không khí đẹp mà u buồn, huyễn ảo phiêu diêu như khóc lóc như kể lể. Giai điệu đàn sắt u oán thê lương tràn ngập thiên địa, cảm động vạn vật thế gian. Tiếp đó, nhà thơ sử dụng tam liên đối trượng để kết xuất sức mạnh lay thiên động địa của ca khúc đàn sắt.

Giai điệu sầu khổ chạm vào đá vàng kiên ngạnh vô tình; Âm thanh đàn sắt cao vút, vang vọng một vùng trời rộng lớn. Âm nhạc truyền đến núi Thương Ngô, đánh thức anh linh của Thuấn đế, khiến càng thêm ai oán. Mãn núi đồi là cỏ bạch chỉ tản phát hương thơm càng thấm vào lòng người. Âm nhạc thuận theo dòng nước truyền đi khắp thủy vực Tiêu Tương, trong khói mây hơi nước mà hóa thành một cơn gió dài buồn bã, không ngừng thổi về phía hồ Động Đình cách đó tám trăm dặm.

Cỏ bạch chỉ (Ảnh Internet)

Nhà thơ đã chọn những ý tượng thường thấy trong Sở từ như Thương Ngô, bạch chỉ, lưu thủy, bến sông Tiêu, bi phong, Động Đình và các từ khác, để làm nổi bật tình hoài bi oán của nhạc khúc, hỗ ứng không gian bối cảnh của đề thơ, đột hiển tình cảm đẹp mơ hồ của thi ca. Cảnh, nhạc và tình đạt tới cảnh giới hòa quyện giao dung hoàn mỹ.

Được thúc đẩy bởi nước chảy gió buồn, phần diễn tiếp của Tương Linh đã đạt đến đỉnh cao thú vị và cảm động nhất, đồng thời cũng tiến vào hồi kết. Khi tiếng nhạc tắt dần, hai nàng Tương Linh mỹ lệ thâm tình đã biến mất trong xứ sở thần tiên, chỉ còn đó nước sông mù sương và những đỉnh núi xanh mướt, phảng phất tiếng nhạc dội lại dường như bất tận.

Câu đối kết của bài thơ có thể coi là nét bút đến từ Thần của toàn bài, cái xảo diệu của nó nằm ở chỗ: đầu cuối hỗ ứng, bài thơ mở đầu bằng truyền thuyết Tương Linh, kết thúc bằng sự biến mất của Tương Linh, tạo thành một chỉnh thể viên dung; hư thực tương sinh. Trong thơ Tương Linh còn chưa thực sự hiện thân, chỉ tả những đỉnh núi xanh mướt bên dòng sông ở đoạn kết, nhấn mạnh tình cảm đau buồn man mác; Dùng cảnh kết hợp tình, trình hiện một họa diện linh không bao la để kết thúc nhạc khúc buồn da diết, lưu lại cho người đọc những niềm thương nhớ và dư vị vô hạn.

Cổ nhân làm thơ ứng thí, cũng đồng dạng là “đeo xiềng xích mà khiêu vũ”, hoàn thành nhiệm vụ đã là chuyện không dễ, huống hồ là phát huy tài hoa của mình để viết nên những giai tác. “Tương Linh cổ cầm” của Tiền Khởi thậm chí còn đáng khen ngợi hơn, được cổ nhân ca ngợi là tuyệt xướng thiên cổ “một trong vạn vạn”.

Câu chuyện của nhà thơ

Tiền Khởi, tự Trọng Văn, là một thi nhân Đại Đường, người đã trải qua triều đại nhà Đường từ thịnh vượng đến suy tàn. Trong những năm loạn An Sử, Tiền Khởi đã ca xướng với chín văn sĩ, tụ tập giao du, hình thành một nhóm nhỏ các nhà thơ, được gọi là “Đại lịch thập tài tử”, và Tiền Khởi được xếp hàng đầu trong số mười vị tài tử.

Hai phi tần của Thuấn đế ném mình xuống nước và chết, biến thành các vị thần của Tương Thủy. Họ thường chơi đàn sắt trên sông để bày tỏ sự tiếc thương. Bức tranh vẽ chân dung Tương phu nhân (phải) trong bức “Cửu khúc tranh” do Trương Ác vẽ vào thời nhà Nguyên. (Phạm vi công cộng)

Tuổi thơ của ông trải qua trong thời kỳ Đại Đường thịnh thế, nhưng “hiến phú mười năm chưa đặng”, ông nhiều lần rời nhà đi thi nhưng cứ trượt hết lần này đến lần khác, trở thành một văn nhân thất ý trong thời kỳ huy hoàng hưng thịnh đó. Mãi đến năm Thiên Bảo thứ mười, trong kỳ thi tỉnh, ông nhờ bài “Tỉnh khảo Tương Linh cổ sắt” được chủ khảo khen ngợi mà thi đậu, trở thành một quan nhỏ trong triều. Chỉ vài năm sau khi Tiền Khởi thi triển tài hoa của mình, ông đã gặp phải cuộc nổi loạn An Sử cải biến lịch sử.

Trong chiến tranh, Tiền Khởi được chuyển đến Lam Điền, vẫn làm quan nhỏ như cũ trong nhiều năm. Tuy nhiên, trong loạn thế, ông lại là một văn nhân tương đối may mắn, không gặp nguy hiểm bị thổ phỉ bắt, cũng không bị tra khảo vấn tội, ngược lại có thể sống cuộc đời nửa quan nửa ẩn một cách an ổn. Vì vậy, mặc dù thi ca của Tiền Khởi thể hiện cảm xúc lỡ làng, thương thời oán thế, nhưng chúng lại biểu hiện ra tình hoài nhàn nhã điềm đạm. Phong cách thơ của ông không còn khí thế thịnh Đường hùng hồn, mà chuyển hướng sang phong cách thơ Đại Lịch thanh lệ, điềm đạm, uyển chuyển thanh u.

Tiền Khởi đã để lại một vài sự tích về cuộc đời mình, và trường thi năm Thiên Bảo thứ 10 có lẽ là “khoảnh khắc nổi bật” duy nhất trong cuộc đời ông. Bài thơ “Tỉnh khảo Tương Linh cổ sắt” cũng là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, thậm chí còn lưu lại một truyền kỳ mang tính thần thoại trong chính sử “Cựu Đường thư”.

Lúc đầu, Tiền Khởi rời quê hương để tham gia kỳ thi hương, sống trong một lữ điếm và thường ngâm thơ một mình dưới ánh trăng. Một đêm nọ, Tiền Khởi đang ngủ, đột nhiên trong mộng nghe thấy tiếng ngâm thơ yếu ớt từ trong sân: “Khúc chung nhân bất kiến, Giang thượng số phong thanh”. Ông lập tức tỉnh lại, vén rèm lên đến sân xem xét, thì không thấy có bóng người. Tiền Khởi sững sờ, không thể phân biệt được đây có phải là đang mơ hay không, nhưng ông đã ghi nhớ kỹ mười chữ đó trong tâm.

Vào ngày thi tỉnh, Tiền Khởi đã vung bút viết bài thơ, nhưng ông lo lắng về câu đối cuối dễ phạm húy. Trong lúc tuyệt vọng, trong đầu chợt lóe lên một tia linh cảm, ông nhớ tới câu thơ thần bí nghe được đêm đó, chẳng phải là một câu kết đẹp nhất sao? Tiền Khởi đã thuận lợi hoàn thành kỳ thi, và với bài thơ này, ông trở thành tiến sĩ, còn bài thơ của ông đã nổi tiếng khắp nơi.

Cùng lưu danh với Tiền Khởi, Trần Quý, Ngụy Thôi, Trang Nhược Nột và Vương Ung đã sáng tác những bài thơ cùng tên, chúng đều được đưa vào cuốn sách “Văn uyển anh hoa”, thành bài thơ được các thế hệ sau khen ngợi nhiều nhất. 

Có lẽ trước kỳ thi, sự siêng năng và tận tâm của Tiền Khởi đã cảm động thiên thượng, và nữ thần Tương Thủy trong mộng cảnh đã truyền thụ cho ông những vần thơ tuyệt diệu. Nhờ vậy, thâm tình hậu ý trung trinh trường cửu của hai người vợ đối với Thuấn đế cũng được truyền lại cho hậu thế thông qua diệu bút của một tài tử lớn!

Theo Lan Âm, Epoch Times
Hương Thảo biên dịch

Exit mobile version