Đại Kỷ Nguyên

Truyền thuyết về chiếc quạt lông vũ của Gia Cát Lượng

Gia Cát Lượng là nhà chính trị, nhà quân sự, nhà ngoại giao kiệt xuất của thời kỳ Tam Quốc. Ông là một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử mà ai ai cũng biết. Ông đã trở thành một hình tượng về trí tuệ và trung nghĩa.

Chiếc quạt lông vũ của Gia Cát Lượng hẳn là có ý nghĩa rất quan trọng với ông, cho nên trong các hình ảnh mà chúng ta thường gặp về Gia Cát Lượng, chúng ta đều nhìn thấy trên tay ông thường cầm chiếc quạt này.

Về chiếc quạt này của Gia Cát Lượng, ngoài truyền thuyết là làm từ đuôi hạc tiên trong chuyện Gia Cát Lượng bái sư học đạo, dân gian còn có lưu truyền một câu chuyện như thế này:

Thiên kim tiểu thư của Hoàng Thừa Ngạn là một cô gái vô cùng thông minh, tài hoa xuất chúng tên là Hoàng Nguyệt Anh. Hoàng Nguyệt Anh không chỉ vẽ đẹp mà còn có võ nghệ hơn người. Cô từng theo học võ của một danh sư nổi tiếng ở trên một ngọn núi. Lúc đã thành tài xuống núi, vị danh sư này đã tặng cho cô một chiếc quạt lông ngỗng, cùng với hai chữ “Minh” và “Lượng”. Bên trong hai chữ này ẩn giấu nhiều kế sách “công thành lược địa” và “trị quốc an bang”.

Đồng thời ông còn dặn dò Hoàng Nguyệt Anh rằng: “Hai chữ này chính là tên của đức lang quân như ý của con!”

Về sau, khi Gia Cát Lượng tới nhà Hoàng Nguyệt Anh cầu hôn, cô liền đem chiếc quạt lông vũ này ra xem như lễ vật tặng lại cho Gia Cát Lượng.

Hoàng Nguyệt Anh hỏi Gia Cát Lượng: “Gia Cát tiên sinh, ngài có biết dụng ý của tôi khi tặng ngài chiếc quạt này không?”

Gia Cát Lượng trả lời: “Là lễ thì nhẹ nhưng nghĩa tình thì nặng có đúng không?”

Hoàng Nguyệt Anh lại nói: “Còn có nghĩa thứ hai nữa?”

Gia Cát Lượng suy nghĩ mãi mà vẫn không ra được ý nghĩa thứ hai này, nên Hoàng Nguyệt Anh lại nói: “Gia Cát tiên sinh, tiên sinh vừa cùng gia phụ đàm luận thiên hạ đại sự, tâm mang đại kế, khí vũ hiên ngang, say mê hứng thú. Nhưng mà, tôi phát hiện rằng khi ngài nói tới Tào Tháo và Tôn Quyền thì chân mày lại hiện rõ ưu tư, lo lắng. Tôi tặng ngài chiếc quạt này là để ngài che mặt những lúc như vậy”.

Với trí thông minh của mình, Hoàng Nguyệt Anh biết rõ, đại trượng phu lúc làm việc lớn phải giữ tâm thái bình thản, không thể để tình cảm làm dao động, xử trí sự việc theo cảm xúc và lại càng không để người khác phát hiện ra. Như vậy sẽ bị khinh thường mà việc lớn không thành.

Sau khi Gia Cát Lượng cưới Hoàng Nguyệt Anh, Gia Cát Lượng yêu chiếc quạt lông vũ như viên ngọc quý, lúc nào cũng cầm trên tay như hình với bóng. Bất kể là ở “lục xuất kỳ sơn” hay ở “thuyền cỏ mượn tên”, “không thành kế”, Gia Cát Lượng đều lay động nhẹ chiếc quạt lông vũ này, thể hiện sự tự tin trong lòng, nắm chắc phần thắng.

Gia Cát Lượng trân quý chiếc quạt không chỉ thể hiện ra tình cảm chân thành tha thiết, không thay đổi giữa hai vợ chồng ông mà còn để vận dụng thành thục mưu lược được ẩn giấu trên chiếc quạt này theo một truyền thuyết khác. Cho nên bất kể xuân hạ thu đông, chiếc quạt này luôn ở trên tay của Gia Cát Lượng mà không rời xa.

Theo Secretchina
Mai Trà biên dịch

Xem thêm:

 

Exit mobile version