Đại Kỷ Nguyên

Truyền kỳ về canh Mạnh Bà, loại nước khiến con người mất đi ký ức lúc đầu thai

Sách “Ngọc Lịch Bảo Sao” kể rằng: Ngọc Hoàng Thiên Tôn lệnh cho Mạnh Bà cai quản việc u minh, phàm là người đầu thai chuyển kiếp đều phải đi qua đây uống một chén canh Mạnh Bà để quên đi tiền kiếp. 

Cuốn “Ngọc Lịch Bảo Sao” được biên soạn từ thời nhà Liêu, đến thời nhà Thanh thì được lưu hành rộng rãi trong dân gian, đây vốn là cuốn sách dạy con người về luật nhân quả báo ứng. 

Một số người tỏ ý nghi ngờ về những điều ghi chép trong cuốn sách. Nhưng theo khảo chứng của Lý Tông Mẫn thời nhà Thanh, cuốn sách được bắt đầu viết vào năm thứ 10 niên hiệu Thái Bình thời vua Liêu Thánh Tông (năm 1030). Đến thời vua Tống Thần Tông, vị này truyền lại cuốn sách cho đệ tử của ông, và mãi đến năm 1098 dưới triều vua Tống Triết Tông, cuốn sách mới được đem đi phát hành. 

Truyền kỳ về Mạnh Bà và bát canh Mạnh Bà 

“Ngọc Lịch” kể rằng, Mạnh Bà tên gọi là Mạnh Nguyệt Nương, là một người phụ nữ sống vào thời Tây Hán. Mạnh Nguyệt Nương là tiểu thư khuê các của một gia đình giàu có, từ nhỏ đã học thuộc lòng Tứ thư, Ngũ kinh, cũng rất tôn Thần kính Phật, ngày đêm đều tụng niệm kinh thư. Nàng một lòng chuyên tâm tu luyện, chuyện quá khứ không màng đến, chuyện tương lai cũng không chút mong chờ.

Lúc sinh thời, Mạnh Nguyệt Nương tuyệt nhiên không vướng bận về quá khứ cũng không nghĩ những chuyện của tương lai, mà chỉ toàn tâm toàn ý khuyên bảo mọi người đừng sát sinh, mà hãy ăn chay, niệm Phật. Nhờ dốc lòng tu luyện, đến năm 81 tuổi bà vẫn mang dáng vẻ “hạc phát đồng nhan”, tóc trắng như lông hạc, mặt hồng tựa trẻ thơ, cả đời bà ở vậy không nghĩ đến tình ái, cũng không lập gia đình. Mọi người xung quanh chỉ biết bà họ Mạnh, không ai biết nhiều hơn về chuyện đời tư của bà. Sau đó, bà quyết tâm vào núi tu Đạo, thẳng đến thời Đông Hán vẫn còn đang tĩnh tu trong núi. 

Trên đời quả thật có những người sau khi đầu thai vẫn nhớ được tiền kiếp. Đây vốn là điều thiên cơ bất khả lộ, nhưng có người mang theo tâm hiển thị bản thân mà tiết lộ chuyện cơ mật dưới âm gian, từ đó gây nhiễu loạn an bài trên nhân thế. 

Vì thế, Ngọc Hoàng đặc mệnh cho Mạnh Bà làm Thần ở âm phủ, đồng thời cũng vì bà mà xây dựng Vọng Hương đài. Bà thường ngồi bên cầu Nại Hà, những ai đi qua cầu đều phải dừng chân trước điện của bà. Tại đây người ta sẽ quên hết mọi yêu hận tình thù tại kiếp này, một lần nữa đi đầu thai chuyển sinh, tránh mang theo ký ức về tiền kiếp làm loạn an bài theo nhân quả. 

Tranh vẽ Mạnh Bà tại Diêm La Thập điện (tranh của họa sĩ Giang Dật Tử).

Vậy canh Mạnh Bà là như thế nào?

Mạnh Bà dùng các loại dược thảo kết hợp với nước sông Vong Xuyên, chế biến thành một loại nước có đủ tám vị tương ứng với tám cảm xúc con người, tục xưng là “canh Mạnh Bà”. Uống loại canh này vào, người ta sẽ quên hết mọi chuyện đã qua, để tâm một lần nữa được thanh tịnh. 

Loại canh này không chỉ hữu hiệu dưới âm thế, mà đồng thời cũng có tác dụng trên dương thế. Cơ thể con người thường mang theo bệnh tật, ví dụ như trong lòng ưu tư nhiều mà khiến tỳ (lá lách) tổn thương, lo ngại nhiều mà chảy nước mắt, giận quá mà rơi lệ. Đối với những linh hồn uống bát canh Mạnh Bà, nếu kiếp trước lương thiện thì sau khi uống sẽ thành người thông minh, khỏe mạnh, còn nếu kiếp trước hành ác thì sau khi uống thần trí sẽ không tỉnh táo, cơ thể sẽ yếu nhược. Đây cũng là để họ có thêm một lần ăn năn hối lỗi, hành thiện tích đức, xóa bỏ tai ương. 

Vọng Hương đài nằm ở Thập điện Diêm Vương, bên ngoài có sáu cây cầu hướng đến điện của Mạnh Bà. Đó là một tòa điện vô cùng rộng lớn, cao khoảng 3m, bốn phía ngoài hành lang xây dựng 108 gian phòng, có một lối đi nhỏ hướng về phía Đông. Trước mỗi phòng đều đặt một chén canh Mạnh Bà, linh hồn dừng chân ở đây đều phải uống, bất luận uống nhiều hay uống ít.  

Sau khi đến Thập điện Diêm Vương, các linh hồn muốn qua cầu Nại Hà để chuyển sinh đầu thai đều phải uống một bát canh Mạnh Bà. Nếu một linh hồn nào đó không chịu uống thì dưới đất lập tức hiện lên giá đao quấn chặt lấy hai chân, còn bên trên xuất hiện ống đồng sắc nhọn đâm thẳng vào cổ họng bắt họ phải uống trong đau đớn. Không một linh hồn nào có thể may mắn thoát khỏi hình phạt này. 

Sau khi uống xong, linh hồn sẽ được đưa đến cầu Nại Hà. Bên cầu Nại Hà có một tảng đá gọi là đá Tam Sinh, trên đó ghi lại toàn bộ cuộc sống từ kiếp trước đến kiếp này, đồng thời cũng xuất hiện một thước đo đức và nghiệp của người đó. Cây thước cắm nông có nghĩa là khi còn sống họ luôn hành thiện tích đức, sau khi đầu thai sẽ may mắn đắc được thân người. Còn nếu cây thước cắm sâu thì người đó chỉ còn biết hối hận vì lúc sống không hành thiện, sẽ phải chịu thống khổ khi luân hồi để trả nghiệp. 

Ly kỳ câu chuyện về người nhớ được tiền kiếp

Trong cuốn “Ký viên ký sở ký”, vị học giả nổi tiếng thời nhà Thanh là Triệu Cát Sỹ tiên sinh ghi chép rằng: 

Trong thành có một người tên là Hồ Tấn. Không lâu sau khi vị thiếp của ông qua đời thì một gia đình cách đó tám mươi dặm sinh hạ được một bé gái. Sau khi lớn lên, bé gái ấy nói với cả nhà rằng cô chính là người thiếp của Hồ Tấn, gia đình liền cho người đến báo tin. Hồ Tấn bán tín bán nghi, nên sai hai gia nhân đi theo thăm dò. 

Cô nương này vừa gặp hai gia nhân liền nhận ra, kêu tên họ và nói: “Các ngươi tới đây làm gì? Về kêu lão gia các ngươi tới đây”. Hai vị này về truyền lại lời, Hồ Tấn vẫn không tin, sai hai tỳ nữ đến, kết quả cũng giống như lần trước. Vì vậy Hồ Tấn mới quyết định tự mình tìm đến. 

Sau khi gặp Hồ Tấn, cô nương này hết sức vui mừng liền kể với ông về chuyện kiếp trước. Hồ Tấn nhận ra đây đúng là người thiếp của mình, lập tức ôm cô gái vào lòng. Cô gái thấp giọng kể bên tai ông chuyện xưa, cả hai cùng bất giác cảm động đến rơi lệ. Sau đó, cô nói với ông về một vật bí mật đang được cất giấu dưới lòng đất tại nhà cũ, nghe vậy, Hồ Tấn liền đưa cô gái về nhà. Gặp lại gia quyến, cô có thể nêu tên từng người một, cả nhà đều vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Rồi mọi người đào dưới đất lên như lời cô gái nói, quả thật thấy một món đồ.

Cô gái kể rằng, âm phủ không khác gì so với những câu chuyện dân gian đang lưu truyền. Khi được hỏi: Vậy tại sao nàng vẫn nhớ được mọi chuyện? Cô mới kể rằng là do khi cô chuẩn bị uống bát canh Mạnh Bà, bỗng có một chú chó nhỏ chạy qua làm cô ngã một cái, bát canh liền bị đổ hết ra ngoài, nhờ đó cô mới có thể nhớ được mọi chuyện trong tiền kiếp. 

Trâm Anh
Theo Epoch Times

Video: Vì sao đàn ông thường thích phụ nữ dịu dàng?

Exit mobile version