Đại Kỷ Nguyên

“Trừ ác dương thiện, biết việc cổ nhân”, soi vào lịch sử thấu hiểu lẽ được mất

“Tiền sự bất vong, hậu thế chi sư” (việc trước không quên, là tấm gương cho việc sau), lịch sử không chỉ truyền lại văn hóa mà còn cho hậu thế hiểu thế nào là thiện là ác, vì thế cần lưu giữ lại những lời dạy của người xưa để làm gương.

Đường Thái Tông có câu: “Soi vào lịch sử sẽ hiểu thấu chuyện hưng vong”. Trung Hoa là nước duy nhất trên thế giới mà công việc ghi chép lịch sử hàng ngàn năm chưa bao giờ bị gián đoạn. Người Trung Hoa xưa nay luôn rất chú trọng việc chép sử, các triều đại đều có cơ quan lịch sử để ghi chép lại hiện thực lịch sử. “Đường sơ quan tu sử thư” có ghi: “Trừng ác khuyến thiện, đa thức tiền cổ, di giám tương lai” (việc trừ ác dương thiện phải biết nhiều chuyện đời xưa, lấy đó làm gương cho hậu thế). “Tiền sự bất vong, hậu thế chi sư” (việc trước không quên, là tấm gương cho việc sau), lịch sử không chỉ truyền lại văn hóa mà còn cho hậu thế hiểu thế nào là thiện là ác, vì thế cần lưu giữ lại những lời dạy của người xưa để làm gương.

Trong sự mê muội của chủ nghĩa vô thần, nhiều quốc gia cho rằng chuyện báo ứng thiện ác là vô căn cứ. Vì thế con người chỉ biết tư lợi, làm chuyện ác một cách tự nhiên, chỉ cốt làm sao có lợi cho mình, không từ thủ đoạn làm hại người khác. Họ không hiểu rằng “thiện ác đều có báo ứng, chỉ là sớm hay muộn thôi”. Chúng ta hãy lấy lịch sử làm tấm gương để nhận ra “lưới trời lồng lộng, tuy thưa nhưng không lọt”.

Hôn quân bị sét đánh vì bất kính với thần linh

Các vị vua thời cổ đại muốn được lòng dân để có thể giữ giang sơn yên bình vững vàng, họ đều chú ý làm lễ tế trời long trọng, cầu xin thiên thần che chở. Thế nhưng trong lịch sử cũng có nhiều bạo quân bất kính trời đất. “Sử ký – Ân bản kỷ” ghi lại: Vua Vũ Ất nhà Ân bạo ngược vô đạo, kiêu căng ngông cuồng, bất kính với trời đất. Ông ta từng cho làm tượng gỗ rồi gọi đó là “thiên thần”. Võ Ất sai người đóng vai “thiên thần” để cùng nhau chơi cờ phân thắng bại, hoặc bắt người và “thiên thần” giả đánh nhau, nếu “thiên thần” thua, Võ Ất sẽ bắt mọi người tra tấn làm nhục “thiên thần”.

Ngoài ra, Võ Ất còn làm một cái túi da cho đầy máu vào trong, treo lên cao và gương cung bắn, tuyên bố đây là ta “bắn trời”.

Võ Ất tại vị được 5 năm. Trong một lần đi đánh bắt cá ở sông Vị Thủy (nhánh của sông Hoàng Hà), bỗng nhiên sấm sét nổi lên, đánh chết ông ta, cái chết vô cùng thảm thương.

Nhiều vị vua đời sau lấy chuyện này làm gương, rất xem trọng việc tôn kính ông trời, không dám làm việc càn quấy vì sợ bị quả báo.

Ác quan hại người tự hại mình

Cuộc đời cho thấy, hại người cuối cùng lại hại chính mình, làm nhiều việc bất nghĩa là tự hủy hoại chính mình. Ác quan Sách Nguyên Lễ (索元礼) thời Võ Tắc Thiên nắm quyền, thành danh bằng cách tố cáo vu oan giá họa người khác, hại người vô số kể. Khi làm quan tra khảo phạm nhân, hắn thường dùng nhục hình tra tấn vô cùng man rợ. Thủ đoạn ghê rợn nhất là nhốt lồng sắt. Sau này nhiều người tố cáo Sách Nguyên Lễ âm mưu tạo phản, hắn bị tống vào nhà lao. Quan xét xử Sách Nguyên Lễ lại chính là thuộc hạ của hắn, thấy Sách Nguyên Lễ không chịu nhận tội, lạnh lùng nói: “Mang cái lồng sắt của Sách công ra đây!” Vừa nghe câu này Sách Nguyên Lễ toàn thân run rẩy, lập tức cúi đầu nhận tội. Cuối cùng hắn ta bị chết trong nhà lao.

Ác quan Chu Hưng (周兴) cũng thành danh nhờ ngụy tạo án oan “mưu phản”, lúc hắn đương chức cũng dùng cách bức cung nhục hình vô cùng tàn khốc, gây ra vô số án oan, hàng ngàn người bị hắn hãm hại. Sau này Chu Hưng cũng lại bị kẻ khác tố cáo “tạo phản”. Một ác quan khác là Tuấn Thần (俊臣) xét sử vụ án Chu Hưng. Vốn trước đây trong một dịp Tuấn Thần ngồi ăn cùng Chu Hưng có xin thỉnh giáo hắn về phương pháp ép phạm nhân nhận tội. Chu Hưng nói: “Việc này không khó, bỏ phạm nhân vào cái chum to rồi châm lửa đốt xung quanh, lo gì hắn không nhận tội!” Sau này đến lượt Tuấn Thần xử cũng nói: “Đệ phụng theo mật chỉ tố cáo huynh mưu phản, mời huynh vào trong chum!” Chu Hưng vừa nghe bốn chữ “mời huynh vào chum” thì hồn phi phách tán, toàn thân mềm nhũn, liên tục rập đầu nhận tội.

Sau này Tuấn Thần cũng không thoát khỏi kết cục bị ác báo. Thời gian tại vị hắn làm việc ác quá nhiều, dùng nhục hình giết hại vô số người. Khi Tuấn Thần tra khảo thì không kể nặng nhẹ đều đổ nước muối vào lỗ mũi, làm thủy lao ngâm phạm nhân vào trong nước hành hạ, còn bỏ đói không cho ăn khiến phạm nhân vì đói mà phải nuốt vải y phục thay lương thực, nói chung chưa chết thì chưa chịu buông tha. Công nguyên năm 697, Tuấn Thần cũng bị tội danh “mưu phản” và đưa lên pháp trường xử trảm, lúc đó hắn 47 tuổi.

Không bị người phạt cũng bị trời phạt

Người xưa tin vào sự tồn tại của thần linh, tin rằng nhất cử nhất động của mình đều không qua khỏi ánh mắt của thần linh. Kẻ làm việc ác không ai biết tưởng thế là thoát được sự trừng trị của pháp luật, nhưng sao qua được mắt ông trời.

Viên Mai (1716 – 1797), nhà thơ nổi tiếng đời nhà Thanh, trong “Tân tề hài” (新齐谐) có kể lại câu chuyện về người thợ cắt tóc: Huyện Ô Trình (乌程) có người gọi là Lão Bành, vợ bị đau ốm, con còn nhỏ, cả nhà dựa vào Lão Bành làm nghề bán tơ sống qua ngày, gia cảnh vô cùng khó khăn. Một hôm Lão Bành mang bó tơ đến tiệm thu mua để bán. Do giá cả không thỏa đáng, Lão Bành để bó tơ trên quầy rồi tiếp tục thương lượng với chủ quầy.

Bỗng xuất hiện đám người bán tơ khác từ ngoài bước vào, người chủ tiệm bỏ đi ra đón họ. Thế rồi không hiểu sao bó tơ Lão Bành để trên quầy, thoáng một cái đã không thấy đâu nữa. Lão Bành liền kéo người chủ tiệm đi kiện quan, quan thấy chủ tiệm vô tội nên không chịu truy cứu. Lão Bành thất vọng buồn tủi quay về nhà. Vừa về đến cửa thì con thơ đã chạy ra vòi kẹo, Lão Bành đang khó chịu liền đạp con mình một cái, đứa bé bị đạp ngã không may đã qua đời. Lão Bành vô cùng đau khổ, nhảy xuống sông tự tử. Người vợ đang đau ốm tinh thần sa sút, cũng nhảy lầu mà chết.

Hai ngày sau giông tố nổi lên, sét đánh chết ba người ngay trước cửa nhà Lão Bành. Mọi người xung quanh đều đến xem. Bỗng nhiên có một “người chết” tỉnh lại. Người này làm nghề cắt tóc, ông ta kể lại: “Hôm trước Tôn Mỗ đã lợi dụng lúc mọi người lơ đãng, ăn trộm bó tơ để trên quầy hàng. Tạ Mỗ ở cửa đối diện trông thấy nên đòi chia phần, nếu không sẽ tố cáo. Tôn Mỗ và Tạ Mỗ cùng nhau đến nhà tôi (tiệm cắt tóc), bán hết tơ rồi còn cho tôi ba trăm đồng, chúng chia tiền mỗi đứa hai ngàn đồng. Chúng tôi nghe nói Lão Bành bán tơ nhảy sông, thế rồi cả nhà họ đều chết, quan phủ cũng không truy cứu, vậy là ba người chúng tôi đều yên tâm. Không ngờ hôm nay cả ba người chúng tôi đều bị sét đánh. Dù mỗi người ở mỗi nơi, nhưng đều cùng bị thần sét lôi lên đánh rồi quăng xuống trước cửa nhà Lão Bành. Đây là ác báo. Hai người bị đánh chết, tôi bị phế một chân. Thần Sét giữ lại cái mạng nhỏ của tôi bắt tôi kể lại chuyện này cho rõ ràng. Sau này tôi sẽ không làm những việc thất đức nữa”.

Mọi người kiểm tra chân của ông ta thì thấy quả nhiên bị sét đánh hủy mất một chân, ai nấy giật mình kinh sợ, cùng cảm thán: “Đúng là có thần thánh!” “Đúng là làm ác sẽ bị quả báo!”

Ác báo trong vòng luân hồi

Trong “Sử ký” có ghi lại chuyện Đại tướng quân Bạch Khởi của nước Tần thời Chiến quốc bị ác báo trong vòng luân hồi qua nhiều kiếp.

Bạch Khởi là tướng giỏi, giúp Tần Chiêu Vương chinh phục thiên hạ. Thời đánh nước Hàn nước Ngụy đã chém đầu 24 vạn người; đánh nước Sở đã thiêu đốt Y Lăng; đánh một thành của nước Ngụy đã chém đầu 13 vạn người; giết chết 2 vạn binh nước Triệu; đánh nước Hàn giết 5 vạn người; đặc biệt gây oán hờn căm phẫn khắp nơi là hắn chôn sống 40 vạn binh lính nước Triệu đã đầu hàng.

Sau này hắn bị Tần vương ban kiếm tự sát. Trước khi tự sát, Bạch Khởi nói: “Thần đã phạm tội ác thấu trời xanh!” Sau thoáng ngập ngừng, Bạch Khởi nói tiếp: “Trong chiến dịch Trường Bình, ta đã giết 40 vạn lính nước Triệu, tội đáng chết hàng vạn lần”. Dứt lời Bạch Khởi giương kiếm tự kết liễu đời mình.

Vậy là Bạch Khởi đã bị báo ứng. Theo thư tịch xưa ghi lại, vì Bạch Khởi giết chết hơn 40 vạn tù binh, bị ác báo liên tục trong vòng luân hồi ở ba cõi: quỷ đói (ngạ quỷ), súc sinh, và địa ngục.

  1. Cõi quỷ đói (ngạ quỷ)

Trong “Cao tăng truyện” có ghi: Pháp sư Đạo Anh thời nhà Đường, năm Hàm Hanh (là niên hiệu của Đường Cao Tông Lý Trị, từ tháng 3/670 đến tháng 8/674 – ND), lúc ở Kinh Triệu Pháp Hải Tự, chủ trì Pháp sư Tuệ Giản sáng sớm tinh mơ đã trông thấy hai con quỷ lẻn vào viện của Pháp sư Đạo Anh. Pháp sư Đạo Anh cho biết hai con quỷ đó là sứ giả của Tần Trang Tương Vương (秦庄襄王) phái đến, vì Tần Vương ở trong cõi quỷ đói, muốn xin bố thí đồ ăn. Pháp sư Đạo Anh chấp nhận yêu cầu của Tần Vương, cứ cách một ngày lại chuẩn bị thức ăn rồi làm phép bố thí, quả nhiên Tần Vương dẫn theo đám tùy tùng cùng đến ăn, và nói với Pháp sư Đạo Anh: “Đệ tử lúc còn sống gây nghiệp ác quá nặng, bị đày xuống Cõi quỷ đói, đã 80 năm chưa được ăn uống gì”. Nói xong lại chỉ đám quỷ đói cùng đi: “Đây là Bạch Khởi, kia là Vương Tiễn, vì lúc sống giết người quá nhiều, đều bị đày vào Cõi quỷ đói”.

  1. Cõi súc sinh

“Quần đàm thái dư” có ghi: “Tam Mao Quan ở Ngô Sơn, trong một lần sấm sét nổi lên đã đánh chết một con rết trắng dài đến hơn một thước, trên lưng con rết có ghi hai chữ Bạch Khởi”. Còn trong “Cảm ứng thiên hối biên” cũng ghi: “Bạn của Nguyễn Quân là Phạm Tùng Thiên trông thấy tên đồ tể giết một con heo, trên da của nó có ghi ba chữ Tần Bạch Khởi”.

  1. Cõi địa ngục

“Di kiến chí” có ghi: Nguyễn Thị Nữ, người dân Giang Nam, xưa nay không bao giờ đọc sách, năm 17 tuổi bị lâm trọng bệnh, khi sắp chết nói: “Tôi chính là tướng quân Bạch Khởi người nước Tần thời Chiến quốc, khi còn sống giết chết cả chục vạn người nên bị đày vào địa ngục chịu muôn vàn đau khổ, gần đây mới được đầu thai làm người lại, nhưng đời đời chỉ là phái nữ, tuổi thọ cũng không thể vượt quá đôi mươi, giờ tôi sắp chết cũng là do số mệnh như thế”. Nói xong nhắm mắt qua đời.

Như vậy có thể thấy giết người phải chịu ác báo vô cùng thê thảm, người đời nên lấy đó làm gương.

Báo ứng chỉ là chuyện sớm muộn

Nhiều người chứng kiến cảnh những kẻ làm nhiều điều ác nhưng không những không gặp ác báo mà lại trở nên giàu sang phú quý, vì thế họ không tin có ác báo.

Tục ngữ có câu: “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo; bất thị bất báo, thời hậu vị đáo; thời hậu nhất đáo, nhất thiết đô báo” (thiện có thiện báo, ác có ác báo; không phải không đến mà là chưa đến; lúc đến sẽ không bỏ sót tội).

Trong “Tạp thí dụ kinh” có ghi lại vụ án minh chứng cho điều này: Thời đức Phật còn sống, có vị vua là A Đô Thế (阿闍世, Ajatashatru, năm 461 TCN). Một bữa nọ, có tên đồ tể làm nghề thịt dê tới gặp vua thỉnh cầu giao toàn bộ công việc giết súc vật cho hắn. Nhà vua không hiểu tại sao người này lại thích sát sinh. Đồ tể cho biết hắn có công năng túc mệnh thông, có thể biết chuyện kiếp trước kiếp sau. Đồ tể thưa: “Kiếp trước tiện dân sống nghèo khổ, may nhờ dựa vào nghề giết dê sống qua ngày, sau khi chết lại được đến Tứ Thiên Vương Thiên [*] hưởng phúc trời. Hết kiếp ở trên trời lại đầu thai làm người, tiếp tục theo nghề giết dê, nhờ vậy cứ sau một kiếp làm người tiện dân lại được lên trời tận hưởng niềm vui sống cõi trời, trước sau đã qua sáu vòng luân hồi, vì giết dê có lợi như thế nên tiện dân mới xin thỉnh cầu bệ hạ”.

Nhà vua nghe thấy khó hiểu liền đi thỉnh Phật, Phật đáp: “Đồ tể nói đều là sự thật. Trong tiền kiếp hắn từng có lần được gặp Phật, đã có lòng cung kính chiêm ngưỡng dung mạo trang nghiêm của Phật, do công đức này khiến hắn được hưởng phúc cõi trời sáu lần, khi làm người còn có công năng túc mệnh thông. Đồ tể được duyên này là nhờ công đức kính Phật trước đó; tội sát sinh đương nhiên phải chịu ác báo, nhưng vì cơ duyên chưa tận nên báo ứng chưa đến. Chờ khi phúc hưởng đã tận, hắn sẽ bị đày xuống địa ngục chịu tội. Sau khi chịu tội cõi địa ngục xong còn phải sống kiếp dê rất nhiều kiếp cho đến khi trả hết nợ. Công năng túc mệnh thông của tên đồ tể này rất kém, chỉ thấy sáu kiếp giết dê được lên trời, vì đồ tể không thấy được đến kiếp luân hồi thứ bảy nên tưởng lầm rằng vì giết dê mà được lên trời”. Đức vua A Đô Thế nghe lời Phật nói mới bừng tỉnh.

——–

[*] Tứ Thiên Vương Thiên: (s: Cāturṁahārājakāyika, 四天王天, gồm Trì Quốc Thiên [s: Dhṛtarāṣṭra, 持國天], Tăng Trưởng Thiên [s: Virūḍhaka, 增長天], Quảng Mục Thiên [s: Virūpākṣa, 廣目天] và Đa Văn Thiên [s: Vaiśrāmana, 多聞天]), Đao Lợi Thiên (s: Trāyastriṁśa, 忉利天), Tu Dạ Ma Thiên (s: Yāma, 須夜摩天), Đâu Suất Thiên (s: Tuṣita, 兜率天), Hóa Lạc Thiên (s: Nirmāṇarati, 化樂天), Tha Hóa Tự Tại Thiên (s: Parmanirmitavaśavartin, 他化自在天). (ND).

Chú thích hình: Vua Vũ Ất (武乙) thời nhà Ân bạo ngược vô đạo, kiêu căng ngông cuồng, bất kính với trời đất, bị sét đánh chết thê thảm (Ảnh: Internet)

Lin Yan, Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung

Đoàn Thanh biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version