Đại Kỷ Nguyên

“Trời biết, Thần biết, ta biết, ngươi biết, sao có thể nói là không ai biết được?”

Khi xem các bộ phim cổ trang, chúng ta thường thấy cảnh hai người ghé tai vào nhau, thương thảo một cách bí mật và nói: “Trời biết, đất biết, ta biết, ngươi biết, không thể nói cho người khác biết.” Vậy vì sao, cổ nhân lại nói câu nói ấy? Câu nói ấy là có ý nghĩa gì?

Kỳ thực, “Trời biết, đất biết, ngươi biết, ta biết” là những lời có điển cố, xuất ra từ  cuốn “Hậu Hán Thư. Dương Chấn truyện”. Câu chuyện kể rằng:

Dương Chấn tự là Bá Khởi, là người huyện Hoa Âm, quận Hoằng Nông, sống vào thời Đông Hán. Ông là người vô cùng công chính liêm khiết, không mưu cầu tư lợi, là vị quan liêm khiết hiếm thấy trong lịch sử.

Từ thời thiếu niên, Dương Chấn đã là người thông minh, hiếu học. Ông thông hiểu sách cổ, có kiến thức uyên bác và ham nghiên cứu tất cả các vấn đề.

Trước khi chưa làm quan, Dương Chấn vô cùng tâm huyết với sự nghiệp giáo dục. Ông ở quê hương mở lớp dạy học. Học sinh các nơi đến học không ngớt. Ông tâm huyết dạy học, không phân biệt giàu sang nghèo hèn, bởi vậy mà danh tiếng của ông lan rộng khắp vùng, học trò có ở khắp mọi nơi. Đương thời, mọi người đều khen ngợi Dương Chấn không ngớt.

Bởi vì Dương Chấn mở trường dạy học nhiều năm, bồi dưỡng được nhiều nhân tài cho đất nước, vì thế thanh danh của ông nổi tiếng khắp nước. Thời đó, ngay cả đại tướng quân Đặng Chất cũng nghe nói đến danh tiếng của ông. Đặng Chất vì quá ngưỡng mộ tài năng, đức hạnh của Dương Chấn nên đã mời ông đến phủ của mình để phong chức.

Nhậm chức không lâu, Dương Chấn lại được đề bạt làm quan Mậu Tài. Sau đó ông lại lần lượt được bổ nhiệm làm Tương Thành Lệnh, Thứ sử Kinh Châu, Đông Lai Thái Thú, Trác quận Thái Thú, quan Thái Bộc – một trong chín khanh thời xưa, Thái Thường, Tư Đồ Tam Công, Thái Úy.

(Ảnh minh họa)

Trên đường Dương Chấn đến nhậm chức Đông Lai Thái Thú có đi quan Xương Ấp. Lúc ấy, huyện lệnh của Xương Ấp là Vương Mật – là người mà Dương Chấn đề bạt khi ông đang làm Thứ Sử Kinh Châu. Vương Mật nghe nói Dương Chấn đi ngang qua địa phương, vì để báo đáp ân tình của Dương Chấn năm xưa đã đề bạt mình nên đã đến gặp Dương Chấn.

Vương Mật có mang theo năm cân bạc trắng, đợi đến nửa đêm lấy ra để báo đáp Dương Chấn. Dương Chấn nói: “Chúng ta là bạn cũ, ta rất hiểu thái độ làm người của ông, ông cũng hiểu biết ta, vì sao lại làm thế?”

Vương Mật nói: “Bây giờ là đêm khuya khoắt vắng người, không có ai biết cả”

Dương Chấn nói: “Trời biết, Thần biết, ta biết, ngươi biết, sao có thể nói là không ai biết được?” Vương Mật nghe xong, hổ thẹn mà rời đi.

Về sau, Dương Chấn làm Trác Quận Thái Thú, không bao giờ ông nhận lời giúp người vì việc tư. Con cháu của ông và những người dân thường đều được đối xử như nhau, thường ăn rau dưa, đi bộ ra ngoài, cuộc sống vô cùng giản dị.

“Trời biết, đất biết, ngươi biết, ta biết”, “bốn biết” này đã được lưu danh thiên cổ. Bậc quan lại, người quân tử xưa đều dùng “bốn biết” này để khắc chế bản thân, không nhận của cải phi nghĩa. Kỳ thực, “Trời biết, đất biết, ngươi biết, ta biết”, vẫn là câu nói còn nguyên giá trị giáo dục cho người thời nay học tập.

Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Mai Trà biên dịch 

Xem thêm:

Exit mobile version