Đại Kỷ Nguyên

Triết gia Mặc Tử: Martin Luther King của Trung Quốc cổ đại

Kể từ năm 1971, nước Mỹ lấy ngày thứ Hai của tuần thứ 3 trong tháng Giêng là ngày quốc lễ để vinh danh Mục sư Martin Luther King, nhà lãnh đạo phong trào quyền công dân vĩ đại nước Mỹ. Ngày nay, mọi người nhớ đến ông không chỉ vì những đóng góp của ông cho phong trào quyền công dân từ nửa thế kỷ trước, mà còn vì những giá trị toàn cầu phản ánh trong những thành tựu và hy sinh của ông.

Phát biểu tại lễ nhận giải Nobel Hòa Bình, Luther King nói: “Tôi không chấp nhận quan điểm rằng nhân loại bị giam cầm vô vọng trong đêm tối không ánh sao của tình trạng phân biệt chủng tộc và chiến tranh, nơi mà ánh sáng rạng đông của hòa bình và tình bằng hữu có thể không bao giờ trở thành hiện thực. Tôi tin rằng chân lý hòa bình và tình yêu vô điều kiện sẽ là đích đến của nhân loại.”

Với ông, con đường đi đến điều tốt đẹp và sự tiến bộ là làm sáng tỏ nhận thức của con người.

Hàng trăm năm trước Công nguyên, vào thời kỳ Trung Quốc cổ đại bị chia cắt do chiến tranh, triết gia Mặc Tử đã đưa ra những nguyên lý tương tự: “Nếu chúng ta cố gắng để kiếm tìm căn nguyên của sự bất ổn, chúng ta sẽ thấy nó nằm trong sự thiếu vắng tình yêu thương lẫn nhau,” ông viết [như vậy] trong cuốn sách cùng tên “Mặc Tử”.

“Nếu chúng ta cố gắng để kiếm tìm căn nguyên của sự bất ổn, chúng ta sẽ thấy nó nằm trong sự thiếu vắng tình yêu thương lẫn nhau,”

– Mặc Tử

Mặc dù ngày nay mọi người ít biết đến ông, nhưng những giáo huấn về hoà bình và nhân đạo của ông được các học giả thời đó đánh giá cao.

Giống như Martin Luther King, Mặc Tử rất tích cực đưa chủ thuyết của ông vào thực tiễn. Mặc Tử sinh sống bằng nghề tiểu thủ công vào thế kỷ thứ tư và năm trước Công nguyên, thời kỳ Chiến Quốc trong lịch sử Trung Hoa. Khi đó Trung Quốc bị phân chia thành nhiều nước chư hầu thường xuyên tranh giành quyền lực với nhau.

Khi đó, Mặc Tử và các học trò thường đi du thuyết qua các nước và yết kiến các vị vua chúa với hy vọng rằng họ sẽ chấm dứt các cuộc xâm chiếm, và cai trị lãnh địa trong hòa bình. Mặc Tử cực lực phản đối chiến tranh, nhưng ông tin rằng cần duy trì quân đội mạnh để chống lại họa xâm lăng. Xuất thân từ nghề tiểu thủ công nên ông còn có kỹ thuật xây dựng công sự, hỗ trợ ông theo đuổi mục đích này.

Mặc Tử Ngăn Chặn Chiến Tranh

Quyết định từ bỏ cuộc chiến dường như là vấn đề đạo đức, nhưng với những người mà Mặc Tử thuyết khách, ông có thể chuyển nó thành vấn đề thực tế.

Một lần, vua nước Sở hùng mạnh muốn tấn công nước Tống. Ông ta mời được người thợ giỏi Lỗ Ban để làm ra các loại vũ khí bao vây mới để vượt qua các tường thành kiên cố của nước Tống. Mặc Tử biết tin liền lập tức đi trong 10 ngày 10 đêm đến gặp vua nước Sở và Lỗ Ban để ngăn cản ý định chiến tranh của họ.

Tại cung điện nước Sở, Mặc Tử diễn giải nguyên nhân không nên đánh nước Tống. Vua nước Sở cho phép ai nấy dùng chiến cụ do mình sáng chế, kẻ công người thủ, thao diễn ngay trước mặt vua, xem ai được ai thua. Mặc Tử đóng vai quân Tống, và Lỗ Ban đóng vai quân Sở. Qua chín trận tiến thoái giao tranh, thế công của Lỗ Ban đều bị Mặc Tử hóa giải.

Lỗ Ban xấu hổ quá bèn nói: “Vậy chỉ còn một cách để đánh bại nhà ngươi.”

Mặc Tử trả lời: “Ta biết ông định giết ta để ngăn ta giúp nước Tống bảo vệ thành trì. Ông nghĩ rằng cuộc xâm chiếm sẽ thành công nếu ta bị thủ tiêu. Nhưng ta cảnh báo ông rằng, có 300 môn đệ của ta đang chờ ở cổng thành nước Tống. Họ được trang bị các dụng cụ của ta và biết rõ thuật của ta. Dù ông giết ta ở đây, thì tường thành nước Tống chắc chắn vẫn vững chắc dù ông có đánh thế nào.”

Vua nước Sở theo dõi sự việc và quyết định không đánh nước Tống nữa.

Học thuyết của Mặc Tử

Theo Mặc Tử, kiêm ái (tình yêu thương vô tư, không thiên vị) là cách duy nhất để gìn giữ xã hội hòa hợp và yên bình. Trong “Mặc Tử”, cuốn sách diễn giải chi tiết học thuyết của ông, Mặc Tử làm sáng tỏ quan điểm: “Nếu mọi người trên thế giới đều có tình bác ái, thì các nước sẽ không đánh chiếm nhau, các gia đình không gây sự với nhau, kẻ trộm và kẻ cướp sẽ không còn nữa, vua và quan, cha và con, thảy đều tràn đầy hòa ái và cung kính – nếu tất cả điều này xảy ra, thế giới sẽ sống trong trật tự, yên ổn. Như vậy, làm thế nào để một quốc vương sáng suốt có thể kiềm chế hận thù và khích lệ tình yêu thương?”

Đề cập đến giết hại dân lành, Mặc Tử đưa ra lập trường của ông về chiến tranh xâm lược: “Tất cả người quân tử trên thế giới đều biết rằng họ nên lên án những thứ này, gọi chúng là phi nghĩa. Nhưng khi phát động chiến tranh xâm lược sẽ dẫn đến sự phi nghĩa tột cùng, những kẻ này sẽ không còn biết đâu là chính nghĩa. Mà ngược lại, chúng còn ca tụng và coi đó là điều tốt đẹp”

Mặc Tử cũng thường xuyên phản đối những giáo huấn của Khổng Tử, mặc dù Khổng Tử cũng ủng hộ tình bằng hữu và hòa hợp chung, nhưng không chủ trương tình yêu thương vô tư mà Mặc Tử nhấn mạnh – theo Khổng Tử, mỗi người có trách nhiệm với gia đình, bạn bè, và người trên để hướng đến sự quân bình.

Mặc Tử cũng không đồng ý với Khổng Tử về lễ và nhạc. Trong khi Khổng Tử nhấn mạnh các khía cạnh này trong đời sống xã hội nhằm để duy trì ổn định, trật tự, nhưng Mặc Tử coi đó chỉ lãng phí nguồn lực và tốt nhất là phân bổ để tăng phúc lợi cho nhân dân.

Cuối cùng, Thời kỳ Chiến quốc đã kết thúc khi nước Tần thống nhất Trung Hoa. Vua Tần trở thành Hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa; ông ta không đi theo học thuyết Khổng Tử cũng như Mặc Tử, mà còn dùng bạo lực để tiêu diệt cả hai học thuyết này. Các môn sinh bị bỏ tù và sách của họ bị đốt.

Triều đại Tần chỉ kéo dài được 15 năm, và nhanh chóng bị triều đại Hán thay thế. Khi đó, các nho sỹ Trung Quốc đã khôi phục lại sách vở Khổng Tử và tiếp tục truyền dạy. Kể từ đó, học thuyết và tư tưởng Khổng Tử trở thành giá trị căn bản trong văn hóa và xã hội Trung Quốc. Trong khi đó Mặc Tử dường như bị lãng quên trong lịch sử.

Bởi , Epoch Times

Exit mobile version