Đại Kỷ Nguyên

Tôn Ngộ Không phò Đường Tăng lấy kinh là chuyện được Thần Phật an bài cẩn thận từng chi tiết

Mấy trăm năm qua, “Tây Du Ký” đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người Á Đông. Đằng sau câu chuyện thỉnh kinh đầy huyền thoại của thầy trò Đường Tăng là những thần tích kể mãi không hết về Phật, Đạo, Thần, những nhân tố vô hình đang chi phối con người.

Con đường thỉnh kinh do Thần an bài

Từ bề mặt mà nhìn, con đường sang Tây phương thế giới Cực Lạc là vượt qua trăm sông nghìn núi, đối diện với đủ thứ quỷ quái yêu ma. Bốn thầy trò Đường Tăng trải qua hết gian khổ, cuối cùng cũng công thành viên mãn, bái Phật cầu được kinh. Nhưng mọi chuyện quả không đơn giản và ngẫu nhiên như vậy.

Vì sao nói mọi chuyện không hề là ngẫu nhiên? Đường lấy kinh của 4 thầy trò đều đã được Phật Như Lai và Bồ Tát sắp đặt rất rõ ràng. Hành trình ra sao, gặp những kiếp nạn nào, khi không vượt qua được nạn thì tìm Bồ Tát cầu xin trợ giúp ở đâu… tất cả đều được an bài hết sức cẩn thận đến từng chi tiết nhỏ.

Trong “Tây Du Ký” kể rằng, một hôm Phật Tổ Như Lai hội họp các chư Phật, Bồ Tát và A La Hán lại để thưởng hội “Vu lan bồn”, làm thơ họa, rồi giảng Pháp. Phật Như Lai có 3 tạng chân kinh muốn truyền sang Nam Thiệm Bộ Châu ở phương Đông để giáo hóa người xứ ấy.

Phật Như Lai nói: Chuyến đi này phải đi trên mặt đường, không được đi tít trên tầng mây. Mắt cần phải để ý sông núi, ghi nhớ kỹ càng đường sá xa xôi thế nào mà ân cần dặn dò lại cho người lấy kinh. Song e rằng vị thiện tín ấy khó đi, ta đưa cho Bồ tát năm thứ bảo bối này”.

Sau đó, Phật Như Lai lệnh cho tôn giả A Nan, Ca Diếp, lấy ra một chiếc áo cà sa gấm, một chiếc gậy tích trượng 9 vòng và nói với Bồ Tát: Tấm áo cà sa và cây gậy này đưa cho người lấy kinh dùng. Nếu người ấy kiên tâm đến được đây, mặc tấm áo cà sa của ta, thì thoát khỏi luân hồi, cầm gậy tích trượng của ta thì không bị hãm hại” (Trích từ “Tây Du Ký” hồi thứ 8: Phật Tổ tạo kinh truyền cực lạc, Bồ tát vâng mệnh đến Tràng An). 

Có thể thấy số 9 đã lần đầu tiên xuất hiện trong hình ảnh cây gậy tích trượng 9 vòng. Ngoài ra Phật Như Lai có 3 tạng chân kinh muốn truyền đến phương Đông, 3 lần 3 lại cũng là 9.

Tôn Ngộ Không phò Đường Tăng đi lấy kinh. (Ảnh dẫn theo weidu8.net)

9 lần lấy chân kinh thất bại

Trước khi Đường Tăng đi lấy kinh, đã có 9 cao tăng khác lên đường sang đông bái Phật nhưng đều chẳng đến đích, đến Lưu Sa Hà đều bị Sa Tăng ăn thịt cả.

“Tây Du Ký” kể rằng, khi Bồ Tát Quán Âm cùng Mộc Soa đến Lưu Sa Hà thăm hỏi đường đi thì bất ngờ gặp Sa Tăng. Sau một trận kịch chiến với Mộc Soa, Sa Tăng mới nhận ra Bồ Tát, đến nơi thỉnh tội, nói rõ lai lịch. Thì ra hắn chính là Quyển Liêm đại tướng trên thiên đình xưa kia, vì đánh vỡ chén ngọc lưu ly mà phải tội đày xuống hạ giới, lại phải chịu hình phạt thảm, cứ 7 ngày một lần lại bị ngọn kiếm đâm vào ngực hàng trăm nhát.

Vì đói khát, chán chường, Sa Tăng không biết kiếm ăn ra sao, đành phải làm yêu quái núp dưới sông Lưu Sa chặn người qua đường ăn thịt. Hắn thú nhận: “Thưa Bồ tát, tôi ở khúc sông này đã ăn thịt không biết bao nhiêu người. Trước đây, đã có mấy người đi lấy kinh qua đây, họ đều bị tôi ăn thịt tất. Phàm đầu lâu của những người bị tôi ăn thịt, tôi vứt cả xuống sông Lưu Sa, chúng đều chìm nghỉm xuống đáy.

Thứ nước này, đến chiếc lông ngỗng cũng không nổi được. Duy chín chiếc sọ của những người lấy kinh cứ nổi lềnh bềnh trên mặt nước, không sao chìm được. Tôi lấy làm lạ lắm, bèn xâu chúng lại thành một chuỗi, lúc rỗi rãi đem ra chơi nghịch. Lần này, chỉ sợ người lấy kinh không tới được đây, thì lỡ cả sự nghiệp của tôi mất”.

Cả thảy, Sa Tăng đã ăn thịt tới 9 người đi lấy kinh, rồi lại xâu 9 cái đầu lâu đó thành một chuỗi hạt, kể cũng là sự lạ. Sau này, chính chuỗi 9 đầu lâu đó lại vô cùng có ích, trở thành pháp bảo bỗng chốc giúp Đường Tăng bơi qua được sông Lưu Sa hiểm yếu mà chẳng mảy may dính ướt. Một lần nữa lại là con số 9 kỳ lạ.

Chiếc vòng 9 đầu lâu giúp Đường Tăng bơi qua được sông Lưu Sa . (Ảnh dẫn theo Ngoisao.vn)

Vì sao 9 lần lấy kinh trước Phật Như Lai không phái Bồ Tát Quán Âm chỉ dẫn? 

Ở hồi thứ 22, “Bát Giới đại chiến sông Lưu Sa. Mộc Soa vâng lệnh bắt Ngộ Tĩnh”, Sa Tăng cuối cùng cũng chịu quy phục Đường Tăng, nguyện đi theo người lấy kinh sang Tây bái Phật. Truyện tả rằng:

Ngộ Tĩnh không chút chần chừ, tháo chuỗi đầu lâu ở cổ ra, lấy dây xâu thành hình chín cung, đặt chiếc hồ lô của Bồ Tát vào giữa, rồi mời sư phụ xuống thuyền. Tam Tạng bước lên thuyền, ngồi vào khoang giữa, thấy quả nhiên chắc chắn nhẹ nhàng như một con đò vậy. Bát Giới ngồi bên trái, Ngộ Tĩnh ngồi bên phải đỡ Đường Tăng. Tôn Hành Giả dắt ngựa đứng sát ngay phía sau. Trên đỉnh đầu còn có Mộc Soa nâng đỡ nữa.

Sư phụ lúc ấy mới nhẹ nhàng chắc chắn vượt sông Lưu Sa, gió lặng sóng êm qua làn nước yếu. Con thuyền vút đi như tên, loáng một cái mọi người đã đặt chân lên bờ bên kia, thoát khỏi sóng to, không dính nước bùn, chân tay khô ráo, thanh tịnh vô vi. Lúc thầy trò bước chân lên mặt đất. Mộc Soa cũng dừng đám mây lành thu lấy hồ lô! Chín chiếc đầu lâu giây phút biến thành chín vệt gió âm, thảy đều lặng lẽ biến mất cả“.

9 chiếc đầu lâu từ chỗ là vật chứng chứng minh tội ác của Sa Tăng, là bằng chứng cho thấy lấy kinh là con đường khó nhọc, nguy hiểm ra sao bỗng chốc lại biến thành pháp bảo, nâng đỡ bước chân người sang Tây. Càng kỳ lạ hơn là sau khi vượt sông, 9 chiếc đầu lâu biến thành mấy vệt gió âm bay đi mất. Xem ra, chính là không có sự bảo hộ của 9 người lấy kinh trước đây Đường Tăng gần như không thể qua sông Lưu Sa Hà được.

Nhưng vẫn còn một nghi vấn, 9 người lấy kinh trước là các đời trước của Đường Tăng, hay là những người khác? Đây có lẽ vẫn là một ẩn đố. Có người cho rằng họ không phải là Đường Tăng. 9 người ấy chỉ như làm bước đệm, nền móng cho con đường của Đường Tăng sau này. Lại cũng có người nói rằng, Đường Tăng đã tu được 10 kiếp, 9 kiếp trước đều làm người lấy kinh nhưng vì phải trả nghiệp nợ quá lớn nên đành giữa đường đứt gánh, không nên công trạng. Sau khi đã trả đủ nghiệp của 9 kiếp, đến kiếp thứ 10, Đường Tăng mới có thể qua sông Lưu Sa, tử địa đầu tiên trên đường lấy kinh vậy. 

Cũng có một điều khó hiểu khác là 9 người lấy kinh trước đều là cao tăng có đại đức (đầu không chìm nổi dưới sông Lưu Sa) nhưng tại sao Phật Như Lai không cho người bảo hộ họ? Đến khi Đường Tăng xuất thành, Phật Như Lai cử riêng Bồ Tát Quán Âm che chở, lại an bài cho 4 đồ đệ (gồm cả con ngựa tiểu long mã) đi theo hết lòng hầu hạ, chưa kể là các thần Lục Đinh Lục Giáp luôn ngầm bảo vệ.

Đến đây chỉ có thể giải thích rằng Phật Như Lai thuận theo ý trời mà làm. Nếu không có 9 lần thất bại thì đâu đến lượt Đường Tăng đại đức sang Tây bái Phật?

Sơn Hà

Xem thêm:

 

 

 

Exit mobile version