Đại Kỷ Nguyên

Thông điệp thực sự của ‘Hồng lâu mộng’: Nhân sinh như mộng ảo, phú quý sinh tử do Trời định

“Hồng Lâu Mộng” đã để lại lời nhắn nhủ cho người đời: Nhân sinh như mộng ảo, phú quý sinh tử là do Thiên định, hết thảy đều vụt tan trong nháy mắt, tất cả chỉ là giả tướng huyễn hóa mà thôi…

Vậy, nếu đời là ảo mộng, thì chân tướng thực ra là điều gì đây? Làm thế nào mới có thể giúp con người nhảy thoát ra khỏi giả tướng hư ảo? Đây cũng là mục đích cuối cùng mà bộ sách muốn giải đáp, cũng là ngụ ý của Tào Tuyết Cần khi đề bài thơ rằng:

“Đầy trang những chuyện hoang đường
Tràn trề nước mắt bao nhường chua cay
Đừng cho tác giả là ngây
Ai hay ý vị chứa đầy ở trong?”

Đương nhiên trong tình huống thông thường, tác giả tiểu thuyết không thể từ trong câu chuyện mà bước ra, bày tỏ trực tiếp cách nhìn về nhân sinh. Hồng Lâu Mộng, vì lấy hình thức của tiểu thuyết để hình tượng hóa, trình bày và phân tích cách nhìn đối với nhân sinh của riêng tác giả, tất nhiên sẽ lấy bản thân nhân vật để biểu hiện, chứ không phải do tác giả trực tiếp nói ra. Đây chính là lý do vì sao ngay trong hồi đầu tiên, chỉ sau phần mở đầu, liền xuất hiện hai nhân vật: Chân Sĩ Ẩn và Giả Vũ Thôn.

Chân Sĩ Ẩn và Giả Vũ Thôn — người phát ngôn hai mặt thật giả của đời người

Chân Sĩ Ẩn và Giả Vũ Thôn, kỳ thật, chính là hai nhân vật then chốt thay mặt tác giả vén mở chủ đề, đưa ra luận điểm, rồi lại nói rõ chân tướng và giả tướng của nhân sinh. Chân Sĩ Ẩn xuất hiện ở phần mở đầu của cuốn sách, thay tác giả nói lên rằng nhân sinh tựa như mộng ảo, sau đó lại thông qua cuộc đời của Giả Bảo Ngọc để diễn dịch.

Thông qua cuộc đời của Giả Bảo Ngọc để diễn dịch, thay tác giả nói lên rằng nhân sinh tựa như mộng ảo. (Ảnh: sohu.com)

Sau khi chứng thực luận điểm này, phần cuối câu chuyện vẫn phải được Chân Sĩ Ẩn và Giả Vũ Thôn bàn giao, vén mở và tổng kết quan điểm này thêm một bước nữa, từ đó, giúp độc giả tránh lạc vào những tình tiết rối rắm phức tạp trong đó mà quên mất chủ đề cuốn sách muốn bàn luận.

Nói cách khác, trong toàn bộ tiểu thuyết thì hồi thứ nhất tương đương với đưa ra luận điểm. Các phần ở giữa dù đã viết cuộc đời nhân vật phức rạp rối rắm thế nào, cũng chỉ là lấy hình thức câu chuyện để chứng minh quan điểm của bản thân – cách nhìn chính xác về kiếp người.

Đây cũng là quá trình chứng thực luận điểm được Chân Sĩ Ẩn đưa ra trong hồi một. Hồi cuối là tổng kết luận điểm, thể hiện quan điểm ở phần mở đầu là chính xác. Vậy nên đọc tiểu thuyết có chỗ hay mà cũng có chỗ dở. Chỗ hay chính là cách nhìn được đưa ra vô cùng hình tượng và sống động, có thể khiến người xem tiếp nhận một cách tự nhiên.

Còn chỗ dở là không thể trực tiếp thể hiện quan điểm rõ ràng, trái lại, đôi khi còn khiến người đọc dễ dàng bỏ qua ý chính mà lạc vào tình tiết câu chuyện trong đó. Vậy nên rất nhiều người đều xem Hồng Lâu Mộng như chuyện tình yêu bi kịch giữa Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc.

Vậy, nếu đã mượn nhân vật Chân Sĩ Ẩn để đưa ra luận điểm “đời người như một trường ảo mộng”, và khi kết thúc câu chuyện đã vén mở chân tướng nhân sinh của Bảo Ngọc, thì cần phải sắp xếp nhân duyên ấy thế nào cho hợp lý?

Chân Sĩ Ẩn là hình ảnh thu nhỏ và chân tướng nhân sinh của Bảo Ngọc

Kỳ thật, “Chân Sĩ Ẩn” chính là “Chân Sự Ẩn” (sự tình thật sự bị che đậy). Đây cũng là nhân vật then chốt mà Tào Tuyết Cần ẩn giấu chân tướng nhân sinh, trực tiếp biểu đạt quan điểm thay cho tác giả. Câu chuyện vừa bắt đầu đã viết rằng, Chân Sĩ Ẩn sống ngay bên cạnh vùng đất phú quý hạng nhất nhì của thành Cô Tô, đồng thời cũng là thân hương thế hoạn đứng đầu trong vùng.

Vinh hoa phú quý tuy không thể sánh ngang với Bảo Ngọc, vốn là hoàng thân quốc thích, nhưng cũng đủ khiến người ta ngưỡng mộ. Phú quý có thừa, sống cuộc sống uống rượu ngâm thơ, tiêu diêu tự tại hệt như thần tiên. Nhưng cũng chính Chân Sĩ Ẩn, trong mơ đã nghe thấy một tăng một đạo giảng về nhân duyên giữa Bảo Ngọc và Đại Ngọc:

Một bên bởi không có bản sự vá trời mà muốn chuyển sinh xuống nhân gian, một bên lại muốn hạ phàm cùng chàng, lấy phương thức hoàn trả nước mắt để trả hết ân tình tưới nước cam lồ khi cả hai còn ở nơi thượng giới. Thế rồi, vì để chấm dứt đoạn nhân duyên này, biết bao nhiêu oan gia phong lưu cũng theo đó hạ thế chuyển sinh, cùng nhau hoàn thành vở kịch nhân sinh tựa như mộng ảo đã được định sẵn này.

Trong nguyên văn, cây Giáng Châu tiên thảo (Đại Ngọc) ở bên bờ sông Linh Hà nói rằng: “Chàng ra ơn mưa móc mà ta không có nước để trả lại. Chàng đã xuống trần làm người, ta cũng phải đi theo. Ta lấy hết nước mắt của đời ta để trả lại chàng, như thế mới trả xong ân huệ này”.

Trong mộng, Chân Sĩ Ẩn nghe thấy chân tướng nhân sinh của Bảo Ngọc như vậy, rất lấy làm hiếu kỳ. Ông vốn dĩ xem nhẹ danh lợi, rất có căn cơ tu luyện, bèn thỉnh cầu thần tăng cho xem hòn đá thiêng sắp được họ đưa vào chốn hồng trần, đầu thai nơi làng quê phú quý ấy xem rốt cuộc diện mạo thế nào.

Chân Sĩ Ẩn nghe thấy chân tướng nhân sinh của Bảo Ngọc như vậy, rất lấy làm hiếu kỳ. (Ảnh minh họa: epochtimes.com)

Cứ như vậy, tác phẩm đã hé lộ thân thế vọng tộc và huệ căn đắc Đạo của Sĩ Ẩn, và nhân duyên của hòn đá thiêng Bảo Ngọc. Sau khi toàn bộ chuyện này kết thúc, ông đã giảng rõ chân tướng nhân sinh, thức tỉnh người đời mau mau nhìn thấu cái mê cõi hồng trần.

Bởi Chân Sĩ Ẩn là đại biểu cho chân tướng của nhân sinh, nên sau khi nghe thấy đoạn nhân duyên lạ lùng giữa Đại Ngọc và Bảo Ngọc, ông đã liên tục gặp phải biến cố trắc trở, mất đi con gái và gia sản chỉ trong nháy mắt, suýt chút nữa lại trở thành ăn mày, bị người đời hờ hững lạnh nhạt, một thân ốm đau bệnh tật, đúng thật là đã diễn trước một vở kịch biến hóa vô thường từ giàu sang trở thành cơ hàn, hưng thịnh chuyển sang suy vong một cách có tính khái quát.

Đến khi gặp được vị đạo nhân đàm luận về nhân duyên của Bảo Ngọc mà ông từng thấy trong mộng, nghe vị đạo nhân hát “Hảo liễu ca”, Chân Sĩ Ẩn lập tức ngộ Đạo, vứt bỏ hết thảy danh lợi tình của thế gian, nhìn thấu nhân sinh mộng ảo vụt thoáng qua trong chốc lát, buông bỏ hết thảy, đi theo vị đạo nhân, cuối cùng đắc Đạo thành Tiên mà rời đi, thoát ly khỏi bể khổ của luân hồi.

Quá trình này cũng chính là mượn huệ căn, thân thế vọng tộc và những trải nghiệm biến cố vô thường trong kiếp người, cuối cùng ngộ Đạo của Chân Sĩ Ẩn để nói với độc giả rằng: Tu luyện trở về quê nhà nơi thiên thượng mới là mục đích thật sự của đời người. Hết thảy mọi thứ trong kiếp người, dẫu là giàu sang phú quý, oanh liệt hào hùng, thì suy cho cùng cũng chỉ là tạm bợ, ngắn ngủi mà lại vô thường.

Con người không biết bao đời bao kiếp trầm luân trong luân hồi, trong vô tri mà theo đuổi công danh lợi lộc và thứ tình cảm vốn không đáng để dựa dẫm kia, trong suy tính hơn thua mà đau khổ tột cùng. Mỗi người đều chỉ đang đóng vai diễn đã được an bài sẵn của mình, không có cách nào nhảy thoát ra được, quả thật rất đáng tiếc mà cũng lại đáng thương.

Ở đây, tác giả đã đem chân tướng, quan điểm nhân sinh và chân cơ tu Đạo ẩn giấu vào trong đó. “Hảo liễu ca” chính là lời nhắn nhủ với thế nhân rằng, buông bỏ danh lợi tình sẽ có thể đắc Đạo. Mà Chân Sĩ Ẩn giải thích “Hảo liễu ca” cũng chính là thay tác giả tỏ rõ quan điểm này:

“Hôm kia đầy những bạc vàng
Phút đâu hành khất bên đường là ai
Những tham số phận của người
Biết đâu mình đã sa nơi vũng lầy?

Thực là dại dại điên điên
Quê ai mà nhận là miền làng ta
Quay đầu giờ mới tỉnh ra
May quần áo cưới đều là vì ai!”

Một đời của Chân Sĩ Ẩn là một đời ngộ Đạo, ông đã hoàn toàn minh tỏ giả tướng nhân gian mà con người luân hồi bao đời bao kiếp, hiểu rằng trở về quê nhà nơi thiên thượng mới là mục đích của nhân sinh. Bởi vậy, lời giải thích của ông về “Hảo liễu ca” cũng là quan điểm mà tác giả ẩn giấu trong câu chuyện, đồng thời là chân tướng của nhân sinh.

Một đời của Chân Sĩ Ẩn là một đời ngộ Đạo, hiểu rằng trở về quê nhà nơi thiên thượng mới là mục đích của nhân sinh. (Ảnh minh họa: zh.wikipedia.org)

Cuộc đời của Bảo Ngọc cũng sẽ là một đời buông bỏ danh lợi tình giống như Chân Sĩ Ẩn vậy, từ cảnh giàu sang êm ấm đến cảnh gia đình lụn bại, cuối cùng ngộ Đạo thành Tiên, nhìn thấu hư ảo của đời người. Bảo Ngọc không chỉ có cuộc sống phú quý ấm êm và biến cố cuộc đời giống như Chân Sĩ Ẩn, mà ngay đến cả bản tính cũng không trọng danh lợi, chỉ xem nặng tình cảm mà thôi.

Chân Sĩ Ẩn suýt chút nữa vì cô con gái mất tích mà bệnh chết, còn Bảo Ngọc suýt chút nữa vì Đại Ngọc bệnh mất mà phát điên, đều là nặng một chữ tình. Nhưng một khi đã nhìn thấu nhân duyên trong đó rồi, tất nhiên sẽ mau chóng bước ra khỏi trói buộc của cái tình, ngộ Đạo trở về nơi thượng giới.

Vậy nên tôi thường nghĩ rằng, 40 hồi sau cùng đã bị thất lạc, liệu có thể dần dần đem chân tướng và luận điểm được ẩn giấu thông qua Chân Sĩ Ẩn trong hồi một, từng bước từng bước vén mở ra, giảng rõ ra một cách rõ ràng, đem ý nghĩa thật sự của “Hảo Liễu Ca” – chân cơ tu Đạo thoát khỏi biển khổ luân hồi – để giảng ra rõ ràng ở phần sau cùng, chứ không phải là hình thức kín đáo ẩn giấu như nguyên tác hiện nay?

Đây phải chăng cũng chính là Thiên ý khi để bộ sách này mất đi phần sau cùng? Có lẽ chính là vì ngày hôm nay, để những ai đắc Pháp tu luyện trong cõi thế tục thật sự có thể liễu giải được, cuối cùng vén mở cho thế nhân? Những con người thế gian vốn chạy theo danh lợi tình sắc, đánh mất đi bản tính, quên mất quê nhà thật sự, mê mờ trong cõi hồng trần mà tạo nghiệp sâu dày, trong nguy nan không biết quay đầu, sẽ nhờ đó mà có thể ngộ ra chân lý, minh bạch chân tướng để được đắc cứu?

Tào Tuyết Cần có lẽ cũng hiểu rằng, đến thời mạt Pháp thì người xuất gia đã không thể tu được nữa, chỉ có đắc Pháp ngộ Đạo ngay trong cõi thế tục mới có thể chân chính trở về – nhưng chân cơ này không thể nói ra, bởi thời cơ vẫn còn chưa đến lúc. Rất nhiều người khi đọc đến đoạn Bảo Ngọc ngộ Đạo, mang hình tượng hòa thượng mà từ biệt cha lần cuối cùng, sau đó đi theo một tăng một đạo rồi biến mất – đều cho rằng Bảo Ngọc đã xuất gia.

Bảo Ngọc ngộ Đạo, đi theo một tăng một đạo rồi biến mất – mọi người đều cho rằng Bảo Ngọc đã xuất gia. (Ảnh minh họa: 500px.com)

Nhưng thật ra đó không phải là xuất gia, bởi bất cứ ngôi chùa nào trên thế gian đều không tìm thấy tung tích của chàng, trên thực tế chàng đã trở về quê nhà nơi thiên thượng. Bởi con người thời đó, gồm cả con người thời nay, đối với tu hành chỉ có khái niệm xuất gia làm hòa thượng, ni cô hoặc đạo sĩ, thế nên tác giả buộc phải mượn hình thức này để người ta lý giải.

Kỳ thật nếu chúng ta để ý, sẽ phát hiện rằng không chỉ Bảo Ngọc, mà Liễu Tương Liên sau khi được đạo sĩ dẫn đi thì cũng không thấy tung tích đâu nữa. Hơn nữa, phần mở đầu và kết thúc của bộ sách đều là Giả Vũ Thôn du ngoạn thiên hạ. Giả Vũ Thôn hiểu nhiều biết rộng, liên tiếp gặp được những ngôi chùa nhỏ rất có thâm ý, nhưng lại hết sức đơn sơ, dường như trước nay chưa từng thấy qua, vốn là không nên tồn tại vậy. Những điều này cũng là điểm hóa người đời, rằng chân Đạo chân Pháp không còn ở nơi chùa miếu mà người đời lầm tưởng…

Giả Vũ Thôn đại biểu cho giả tướng và chấp trước hư vọng của nhân sinh

Thật thật giả giả, trước sau xuất hiện trong sách như hình với bóng. Chân Sĩ Ẩn đại biểu cho chân tướng được ẩn giấu, đương nhiên sẽ cùng tiếp xúc với giả tướng. Vậy nên trong phần mở đầu cũng xuất hiện cuộc giao du ngắn ngủi mà tất nhiên giữa Giả Vũ Thôn và Chân Sĩ Ẩn.

Giả Vũ Thôn đại biểu cho giả tướng của nhân sinh, đã dẫn dắt mọi người bước vào câu chuyện giả tướng phát sinh ở nhân gian. Sau cùng, ông ta vì theo đuổi danh lợi, vì lòng tham không đáy mà mất hết tất cả, lại cùng tương ngộ với Chân Sĩ Ẩn đã đắc Đạo, cuối cùng cuộc vấn đáp của hai người đã giải khai chân tướng của Bảo Ngọc.

Đây chính là mục đích tồn tại của nhân vật Giả Vũ Thôn: Theo đuổi danh lợi, đến cuối cùng đều là công dã tràng. Đồng thời, ông cùng với Chân Sĩ Ẩn khởi được tác dụng nêu ra ý chính, tiến hành tổng kết quan điểm của toàn bộ quyển sách này.

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Vũ Dương biên dịch

Exit mobile version