Đại Kỷ Nguyên

Thành tâm thắp hương khấn vái liệu có được Thần Phật hiển linh phù hộ?

Ngày nay nhiều người khi dâng hương, khấn nguyện đều mong cầu tiêu tai giải nạn, cầu phúc báo, sức khỏe… Vậy thành tâm khấn nguyện có khiến lời nguyện cầu linh nghiệm?

Mỗi dịp giỗ chạp, lễ Tết, mọi người thường mua vài nén hương về thắp cho ông bà, tổ tiên mình. Chuyện thắp hương trên bàn thờ tổ tiên là một nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu ở hầu hết các nước Á Châu. Về mặt tâm linh mọi người tin rằng nén hương khi đốt lên, cũng như một nhịp cầu vô hình nối kết hai thế giới hữu hình và vô hình với nhau.

Người xưa nói rằng, ba nén hương cùng tấm lòng thành là có thể giao tiếp được với Thần Phật, truyền tải thông điệp tới pháp giới hư không. Nhưng chúng ta đang truyền tải những thông điệp gì đây? Điều chúng ta thể hiện trước Thần Phật là gì vậy? Có phải chúng ta chỉ cầu khấn vì lợi ích cá nhân, hay thậm chí mơ tưởng phúc báo với những việc ác của mình đã tạo tác?

Chúng ta thắp “ba nén hương” trước tượng Phật là có ý nghĩa tương ứng với “giới, định, huệ”. Nén hương thứ nhất được gọi là “giới hương” tức là trước mặt tượng Phật biểu đạt lòng quyết tâm của mình, từ bỏ thói quen xấu và ý nghĩ xấu của mình. Nén hương thứ hai được gọi là “định hương” là có ý hy vọng đối với bất kỳ sự việc nào xảy ra thì bản thân cũng có thể tĩnh được, bình tĩnh mà xử sự. Nén hương thứ ba được gọi là “huệ hương” là có ý khẩn cầu bản thân có được trí tuệ, khai ngộ mà gặp được Phật tâm.

Chuyện thắp hương trên bàn thờ tổ tiên là một nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu ở hầu hết các nước Á Châu. (Ảnh: vovworld.vn)

Trong sách “Đức dục cổ giám” có chép lại những câu chuyện về một người tên là Du Đô. Vào năm Gia Tĩnh thời nhà Minh, tại Giang Tây, ông cùng nhóm bạn có lập nên hội “Văn Xương xã”, nguyện thề cùng nhau trân quý văn tự, giấy vở, sách thánh hiền, giới cấm sát sinh, vứt bỏ tà dâm, không nói lời ác phạm khẩu nghiệp, hành thiện tích đức. Thế nhưng, cả bảy lần đi thi Hương, Du Đô đều không đậu.

Vợ Du Đô sinh hạ được 5 trai, 4 gái. Chẳng may, các con ông đều chết yểu cả, chỉ còn lại 1 trai, 1 gái. Cậu con trai ấy khi lên 6 tuổi, cũng bị mất tích. Vợ ông vì thường xuyên khóc thương tới mức mù cả đôi mắt. Tai họa giáng xuống liên tục làm ông suy sụp chán nản, không biết mình đã phạm tội gì mà Trời giáng phạt.

Cứ vào tháng Chạp hàng năm, ông Du Đô lại dâng hương và viết một tờ sớ, đặt lên bàn thờ khấn vái, rồi đốt cho Táo quân, cầu mong Táo quân hiển linh nói cho ông biết rõ sự tình. Đêm Giao thừa năm ông 47 tuổi, ông cùng người vợ mù và cô con gái nhỏ đang ngồi lặng lẽ bên nhau. Bỗng bên ngoài có tiếng người gõ cửa, ông mở cửa thì thấy một ông lão đầu đội mũ ô sa vuông, quần áo rộng thùng thình, tự nhận mình họ Trương, từ phương xa tới. Nghe nói nhà ông Đô đang buồn rầu lo lắng, nên tới hỏi thăm.

Ông lão họ Trương nói: “Tôi vốn biết chuyện nhà ông từ lâu. Trong đầu ông chứa đầy ý nghĩ tà niệm, truy cầu hư danh. Sớ văn ông gửi cho Táo quân cũng chứa đầy oán hận, lại có ý không tôn kính Ngọc Đế. Chỉ sợ sau này ông còn phải gánh lấy sự trừng phạt nặng nề hơn”.

Nghe những lời đó, ông Du Đô vô cùng kinh ngạc, vội hỏi: “Tôi nghe người xưa nói tất cả việc thiện, việc ác đều có ghi chép, chi tiết tới chân tơ kẽ tóc. Tôi và những người bạn trong hội Văn Xương xã khi xưa có phát nguyện hành thiện, và đều cẩn trọng thực hiện theo, làm sao lại có thể coi là hư danh được?”.

Ông lão nói: “Lời cầu nguyện hàng ngày của ông, tôi đều trình lên Thiên đình. Ngọc Đế cũng đã từng cử người đi điều tra chuyện của ông nhưng không có một việc thiện nào đáng để ghi chép. Ngược lại, chỉ càng nhìn thấy các loại lòng tham, dâm dục, đố kỵ tràn đầy trong ông. Trong ông chỉ chứa đầy hận thù mà lại đòi phúc báo. Ý nghĩ của ông chứa đầy ác ý như vậy chỉ sợ trốn không thoát khỏi tai họa chứ còn cầu xin gì phúc báo được nữa?”.

“Phúc” không phải là thứ mà con người có thể “cầu” là có thể có được. (Ảnh: phunutoday.vn)

Du Đô nghe xong sợ hãi nói: “Ông đã tinh thông những sự việc âm gian như vậy, chắc chắn là Thần, cầu xin ông hãy ra tay cứu độ chỉ bảo”.

Ông Trương nói: “Ông nói ông tin Thần, tin Phật nhưng lòng tin đó không sâu sắc, những việc hành thiện cũng không lâu dài, chỉ là làm qua quýt cho xong chuyện. Ông thử nghĩ xem đã làm những việc như vậy mà còn kỳ vọng được phúc báo chẳng phải giống như trồng cây gai lại mong muốn được hưởng quả ngọt hay sao? Hy vọng từ nay về sau ông có thể vứt bỏ sự tham lam vô độ, trừ bỏ sự phóng túng bừa bãi, không màng danh lợi, không cầu phúc báo, tận sức hành thiện làm việc tốt, kiên trì lâu dài sẽ tự có hiệu nghiệm. Bởi gia đình ông rất thành kính với ta, nên ta đến để điểm hóa, nhắc nhở ông”.

Nói xong, ông lão đi vào bếp và biến mất. Tới lúc này, gia đình ông Đô mới biết đó là Táo quân nhà mình hiển linh tới cứu giúp, đoạn vội vàng thắp hương lễ tạ.

Ngày hôm sau là sáng mùng một Tết, trước bài vị tổ tiên và bàn thờ trời đất, gia đình ông phát nguyện tích đức hành thiện, tu tâm thanh khiết theo chỉ dạy, quyết loại bỏ các loại dục vọng.

Mỗi lời nói cử chỉ, ông đều tự kiểm soát bản thân và luôn nhắc nhở mình “Trên đầu ba thước có thần linh“, không lừa gạt hay làm điều xấu. Không những vậy, gia đình ông còn thường xuyên khuyên người khác tích đức hành thiện, khuyến thiện mọi người, lấy Đạo lý thành tâm kính trọng Thần và luật nhân quả báo ứng mà dẫn dắt người ta đi theo chính đạo.

Con người chỉ có hành thiện ,tích đức tu tâm loại bỏ những ham muốn dục vọng thì Thần Phật mới che chở bảo hộ. (Ảnh: pinterest.com)

Gia đình ông Đô cứ âm thầm tích đức hành thiện như vậy. Đến năm ông 50 tuổi, ông được tiến cử làm thầy dạy cho con trai của Trương Cư Chính, một học giả nổi tiếng thời ấy. Sau khi được tuyển chọn, ông cùng vợ và con gái tới Nam Kinh sống. Sau đó một thời gian ngắn ông tình cờ tìm được con trai đã bị mất tích. Đột nhiên, như một phương thuốc thần kỳ đôi mắt người vợ bỗng nhiên lại sáng rõ như xưa. 

Ông Du Đô cũng đích thân chép lại câu chuyện gặp Táo quân và việc thay đổi tích đức, hành thiện, lưu lại làm bài học giáo dục cho con cháu noi gương. Ông sống thọ tới 80 tuổi rồi mới qua đời. Mọi người đều nói bởi ông tích đức hành thiện, kịp thời hối cải nên mới nhận phúc báo to lớn, cải biến cả số mệnh. 

“Phúc” không phải là thứ mà con người có thể “cầu” là có thể có được. Cần phải biết Đạo Trời tuyệt đối công bằng, thiện ác đều có báo ứng chính là Thiên lý. “Đạo Trời không kể là thân hay sơ, luôn luôn cứu giúp người lương thiện”. Mệnh do Trời định, chuyện không hay đều là do con người tự gây ra, con người cần cố gắng tỉnh ngộ và thành kính đối với Thiên thượng. Mỗi người cần quý trọng phúc lành của Trời, làm nhiều việc thiện, thì hạnh phúc sẽ được bền lâu. 

Chân Tâm 

Exit mobile version