Đại Kỷ Nguyên

Tháng 7 âm Diêm Vương mở cửa Địa ngục, làm thế nào đón lành tránh dữ được phúc báo?

Theo quan niệm dân gian, tháng 7 Âm lịch thường gọi là “tháng cô hồn”, vốn không đem lại may mắn. Ngày Rằm tháng 7, người ta làm lễ xá tội vong nhân, cúng lễ cho các cô hồn dã quỷ không chốn đi về. Đây cũng là tháng người ta đặt ra nhiều điều kiêng kỵ nhất vì lo sợ vận hạn, tai ương. 

Có đến hàng tá điều kiêng kỵ được đặt ra, ví dụ không treo chuông gió đầu giường, không phơi quần áo ban đêm, không chụp ảnh hay gọi tên nhau vào ban đêm, không đi chơi đêm… Ngoài ra, tùy theo vùng miền còn có những kiêng kỵ khác như không khởi công, khánh thành nhà mới, xây dựng gia đình, không mở cửa hàng kinh doanh trong tháng cô hồn. 

Tuy nhiên, đã bao giờ bạn tự hỏi “tháng cô hồn” liệu có thực sự tồn tại hay chỉ là quan niệm dân gian mà thôi? Liệu rằng chúng ta có cần kiêng kỵ nhiều điều đến thế trong tháng 7 Âm lịch vốn được cho là xui xẻo này không? Hãy cùng đi tìm câu trả lời.

Trước tiên, cần phải khẳng định rằng chưa có một tài liệu chính thống hay nghiên cứu khoa học nào chứng minh tháng 7 Âm lịch là tháng không may mắn. Trong truyền thuyết dân gian, từ ngày 2/7 Âm lịch Diêm Vương sẽ cho mở Quỷ Môn quan để các linh hồn ma quỷ không được thờ tự, phải sống lang bạt được trở về dương gian. Đến ngày Rằm, tất cả quỷ hồn đều phải quay lại địa ngục khi Quỷ Môn đóng cửa. 

Cũng từ chính những quan niệm ấy mà người ta kiêng kỵ, tránh tiến hành những việc đại sự của bản thân, gia đình trong tháng 7 này để không bị ma quỷ quấy nhiễu. Dưới góc nhìn nhà Phật, tháng 7 không phải là tháng cô hồn. Tháng 7 và đặc biệt Rằm tháng 7 là ngày Tăng tự tứ – ngày mà chư tăng thêm tuổi hạ, ngày Phật hoan hỷ. Do đó, đối với Phật tử thì tháng 7 là thời điểm để mỗi người có thêm ý thức trau dồi, thể hiện tâm hiếu và hạnh hiếu, là tháng có ngày lễ Vu Lan báo hiếu. 

Nguồn gốc ra đời lễ Vu Lan

Chuyện xưa kể rằng, La Bộc là con ông Phổ Tướng và bà Thanh Đề. Vì gia đình túng thiếu, La Bộc phải đi buôn bán ở tỉnh Kiên Liên. Khi đã giàu có, La Bộc nhớ tới mẹ già liền cho người về quê biếu tiền mẹ. Bà mẹ ăn xài hết nhẵn số tiền đó, lại sai người giết chó làm nhân bánh biếu sư.

Đến lúc La Bộc về, bà lại chối bay và nói rằng bao nhiêu tiền đều đã đem cúng dường đền chùa cả. Chẳng bao lâu thì bà qua đời. Sau 3 năm chịu tang mẹ, La Bộc đi qua nước Ki Đô, nơi Đức Phật ở và phát tâm tu luyện. Sau này ông tu thành đắc đạo và trở thành Bồ Tát Mục Kiền Liên, một trong những đệ tử thân tín nhất của Đức Phật.

Vì mẹ đã qua đời nên Mục Kiền Liên luôn mang niềm thương nhớ. Muốn biết mẹ mình sau khi chết ra sao, ông dùng “mắt thần” tìm kiếm bốn phương. Cuối cùng, Mục Kiền Liên nhìn thấy mẹ đang ở trong ngục A Tỳ, bị hành hạ khổ cực vì khi còn sống từng gây nhiều tội lỗi. Mục Kiền Liên thương mẹ, xuống cõi quỷ đưa bát cơm cho mẹ nhưng bà không ăn được. 

Mục Kiền Liên thương mẹ, xuống cõi quỷ đưa bát cơm cho mẹ nhưng bà không ăn được. 

Ông trở về băn khoăn, đến hỏi Ðức Phật. Đức Phật bảo dù tài giỏi đến mấy Mục Kiền Liên cũng không cứu được mẹ, chỉ có một cách là hợp sức cùng mọi người. Rồi ngài thuyết kinh Vu Lan, khuyên đến ngày rằm tháng Bảy, Mục Kiền Liên cùng mọi người sắm sửa cúng lễ sao thật thành tâm sẽ cứu được mẹ. Ðức Phật còn bảo chúng sinh muốn báo hiếu với cha mẹ thì theo cách đó mà làm. Mục Kiền Liên làm theo lời Phật, cứu được mẹ và giải thoát được các vong hồn bị giam ở âm cung. 

Từ truyền thuyết này, lễ Vu Lan hình thành. Hàng năm, đến ngày Rằm tháng bảy, mọi người lại cùng nhau bày tỏ tình cảm, lòng tri ân đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Ðó chính là việc báo hiếu đối với công ơn của người sinh thành, đạo hạnh đứng đầu trong “tứ ân” của nhà Phật.

Lễ Trung Nguyên của người Trung Quốc

Theo quan niệm của Đạo giáo, các vị thần trên thiên giới mỗi năm có ba đợt suy xét về cái thiện, cái ác của người trần gian. Đó là rằm tháng Giêng (ngày Thượng Nguyên), rằm tháng 7 (ngày Trung Nguyên) và rằm tháng 10 (ngày Hạ Nguyên).

Thượng Nguyên là ngày quan trên trời thí lộc, Trung Nguyên là ngày quan dưới đất xá tội, còn Hạ Nguyên là ngày quan dưới nước giải cứu ách nạn. Vào ngày lễ Trung Nguyên, người ta thường phổ độ cho cô hồn. Vì ngày này rơi đúng vào rằm tháng 7 âm lịch nên dân gian thường gọi ngày đó là Tết Trung Nguyên.

Một số địa phương có những tập tục hay và kỳ lạ. Ví dụ, người ta thả bốn chiếc thuyền trên sông, một thuyền chứa Kinh Phật, một thuyền chở những đĩnh tiền làm bằng giấy thiếc, một thuyền đặt đèn lồng và thuyền còn lại chứa đồ ăn cúng lễ cho cô hồn. Ở Phúc Kiến, vào ngày lễ Vu Lan, con gái đi lấy chồng dù ở nơi nào cũng phải về tặng quà cho cha mẹ. Món quà đó được đặt trong chiếc hòm hoặc rương, gồm quần áo mũ mão. 

Riêng ở Quảng Tây, người dân thường giết vịt để cúng bái vì cho rằng các linh hồn thường đứng trên mình vịt, nhờ vịt “cõng” mà có thể tự do đi lại giữa âm thế và dương gian. Người Hoa tại đây hành lễ Vu Lan từ mùng 7 đến tối 14 (hoặc 13 Âm lịch) để đón tiếp và tống tiễn tổ tiên. Sau khi làm lễ tống tiễn có đồ ăn mặn, người nhà sẽ phải đốt bao lì xì có ghi tên húy của tổ tiên. 

Lễ Trung Nguyên của người Đài Loan

Lễ Trung Nguyên của người Đài Loan. (Ảnh dẫn theo Intertour)

Thông thường khi nhắc tới ma quỷ, người ta thường liên tưởng tới những hồn ma chuyên làm chuyện xấu xa hại người. Rất nhiều bộ phim cũng thường dùng cảnh đổ máu để mô tả ác quỷ. Nhưng với người dân Đài Loan, nhất là những người già thì hồn ma đơn thuần chỉ là những “anh em tốt” ở thế giới bên kia mà con người không nhìn thấy được. Ngay cả hồn ma cũng cần được quan tâm và không thể để họ trở thành cô hồn dã quỷ, lang thang không nơi nương tựa. 

Bởi vậy theo phong tục truyền thống, mỗi hộ gia đình Đài Loan sẽ chuẩn bị thịt, hoa quả, hoa tươi và các đồ lễ khác để cúng cho những bóng ma đói tại một ngôi miếu hoặc trên một bàn thờ tạm phía trước nhà. Ngoài ra, họ cũng mời các nhà sư đến để cầu nguyện cho người thân đã qua đời cũng như linh hồn những người không có con cháu. Đài Loan thường tổ chức những lễ hội rước ma với quy mô lớn ở nhiều nơi trên cả nước với hai phần chính là rước ma với các xe chở hình nộm, hoa quả và múa lân.

Lễ cúng cô hồn của Đài Loan còn có một tập tục lâu đời là thả đèn hoa đăng. Đó là hoạt động có ý nghĩa vô cùng sâu sắc trong ngày lễ Trung Nguyên. Người ta cho rằng ánh đèn sẽ soi sáng đường cho những linh hồn chết trong nước, gọi các linh hồn lên mặt đất để hưởng đồ cúng và cầu nguyện cho các linh hồn được đầu thai sang kiếp khác. Người Đài Loan quan niệm rằng, đèn càng trôi xa thì càng được nhiều tài lộc. 

***

Như vậy, có thể thấy rằng tháng 7 mà dân gian thường quan niệm là “tháng cô hồn” kỳ thực là tháng “từ bi hỷ xả”, là tháng mang lại an bình, thịnh vượng. Đây là tháng mà các vị quan trên trời với tấm lòng đại từ đại bi ban cho linh hồn cơ hội miễn xá và được giải thoát tội nghiệp. 

Tất cả các dân tộc trên thế giới, bất kể màu da, sắc tộc đều ôm giữ một niềm tin mạnh mẽ vào thần linh. Niềm tin ấy nhiều hay ít tùy thuộc vào đặc điểm tâm lý và lối nhận thức của từng người, từng dân tộc, song chung quy đều xuất phát từ khát vọng được Thần Phật chở che, ban phước. 

Bởi vậy mà nhà Phật khuyên rằng ngày nào cũng là ngày tốt, tháng nào cũng là tháng tốt, càng không có ngày tháng nào xấu cả. Trong số mệnh mỗi người bao giờ cũng đã có ẩn tàng phúc báo. Nếu có tâm tích đức hành thiện, lương thiện, chính trực thì ma quỷ cũng phải sợ mà xa lánh. Do đó, thay vì kiêng kỵ vì lo sợ, chúng ta nên làm điều thiện, tích đức, báo hiếu cha mẹ, đặc biệt là trong tháng Vu Lan này.

Hơn thế, việc phải đối diện với xui xẻo, vận hạn cũng là bởi chính bản thân người ta, là do nhân quả báo ứng. “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo” chính là thiên lý, không thể thay đổi, có vay thì có trả. Chỉ có tích đức, hành thiện, sống lương thiện, người ta mới có thể thực sự cải biến được vận mệnh của mình. 

Bình Nhi

Exit mobile version