Đại Kỷ Nguyên

Thần Phật nhắn nhủ con người điều gì qua chuyện Khương Tử Nha phò Chu phạt Trụ?

Thần Phật nhắn nhủ con người điều gì qua chuyện Khương Tử Nha phò Chu phạt Trụ?

Ảnh ghép minh họa.

Từ khi ra đời cách đây hơn 300 năm, “Phong thần diễn nghĩa” chính là bộ tiểu thuyết sử thi nhận được nhiều lời tán thưởng không ngớt của độc giả. Những câu chuyện thần tiên, ma quái, chiến tranh, phép thuật đan xen dường như đều để diễn đạt đạo lý cao thâm mà Thần Phật muốn truyền lại cho con người. 

Kẻ vô thần không có duyên với Thần

Chiến sự như gió nổi mây đùn chốn nhân gian, 800 chư hầu kết nghĩa ở Mạnh Tân, rầm rầm rộ rộ chinh phạt Trụ vương, kẻ độc tài tàn bạo trong thiên hạ. Các tiên, các thánh cũng tới tấp hạ phàm giúp Khương Tử Nha mưu kế sách lược, phá tan hết trận này đến trận khác của tà môn oai thuật, quét sạch tất cả họa loạn gây trở ngại cho minh quân Võ vương diệt Trụ.

Đồng thời vì để ngày phong Thần của Khương Tử Nha không bị trễ, chư Thần đã ra tay giải quyết hết những sự loạn xảy ra có thể gây cản trở trước đó. Họ không tiếc bất cứ điều gì, kể cả thân mình mà giúp đỡ vô điều kiện. Ngay cả sư phụ của Khương Tử Nha là Nguyên Thủy Thiên Tôn cũng đã nhiều lần hạ giới giúp Võ Vương và học trò của mình. 

Nhưng chuyện Võ Vương đánh Trụ, chư hầu thiên hạ liên minh hưởng ứng đều chỉ là hiện tượng biểu hiện ra ở chốn nhân gian, cõi trần. Thực ra, các sinh mệnh cao cấp ở ngoài vòm trời, các chư Thần ở tầng rất cao đều đang điều khiển, thao túng, an bài chuyện này. Khi các tiên, các thánh thấp hơn ở chốn thế gian này đọ sức, chư Thần ở tầng cao sẽ đánh giá được chân thực những người tu luyện ấy và sắp đặt vị trí tương lai (tức phong Thần) cho họ.  

Cuộc đọ sức chính – tà này sẽ giúp nhìn ra được phẩm chất, tiêu chuẩn tâm tính thực sự của những người tu luyện thuộc các loại môn phái. Căn cơ, ngộ tính kém thì không thể đạt chính quả, không có phúc đắc Đạo thành tiên. Họ chỉ có thể hạ thấp tầng thứ xuống và làm Thần trong tam giới. Bởi họ không siêu thoát khỏi tam giới nên tương lai vẫn phải nhập lục đạo luân hồi, chịu kiếp chuyển sinh. 

Dưới thế gian, từng trận, từng trận chiến diễn ra vô cùng ác liệt, cuộc đọ sức giữa chính và tà vô cùng hoành tráng, dữ dội. Nhưng từng đường đi nước bước đều đã có sinh mệnh ở trên cao tầng khống chế. Bạn có thể thấy như trong sách đã viết, mỗi một trận được hóa giải như thế nào, dùng pháp khí gì, liên quan đến ai, đều được sắp đặt đầy đủ không sai một li.

Có một điều khá khó hiểu trong “Phong thần diễn nghĩa” là Trụ vương bản tính tàn bạo, không chút lòng nhân nhưng cuối cùng vẫn được phong thành Thần. Thật khó mà nói rõ được lý do. 

Tuy nhiên, giai đoạn lịch sử này sở dĩ được gọi là “diễn nghĩa” là bởi nó chính là bước đệm cho đại sự phát sinh trong tương lai. Để người đời sau có thể phân biệt rõ thiện ác, giáo hóa thế nhân, câu chuyện được sắp xếp như một màn kịch lịch sử. Trong vở diễn đương nhiên phải có vai người tốt và kẻ xấu. Người vào vai Trụ Vương đã đem cái tàn ác vô đạo của Trụ Vương diễn ra thật đầy đủ, sinh động, cũng chính là tôn lên sự hiền minh của Võ Vương.

Xét ở một phương diện nào đó, người vào vai diễn ấy cũng được coi là có công. Sau khi kịch diễn xong, người diễn vai Trụ Vương cũng tự nhiên được gia ân tương ứng. Các quân vương hậu thế đều có thể lấy Trụ Vương làm gương răn mình. Trái với thiên ý, sủng ái gian nịnh, háo nữ sắc, nô dịch nhân dân, để mất lòng dân thì nhất định mất nước. 

Hành thiện tích đức có thể thay đổi kiếp số

Thượng tiên của tam giáo trong “Phong thần diễn nghĩa” là Lão Tử, Nguyên Thủy Thiên Tôn và Thông Thiên Giáo Chủ, đã theo thiên ý của thượng giới cao hơn mà ký bảng phong Thần. Họ căn cứ theo căn cơ lớn nhỏ, đức hạnh lớn nhỏ, tu hành phó xuất nhiều ít để phong Thần trong tam giới. Đó chính là cái gọi kiếp số biến đổi, thiên tượng biến hóa.

Thượng giới đã định kiếp số cho những người tu hành ở tam sơn ngũ nhạc, đã an bài cụ thể cho thời kỳ nhà Chu trị vì thiên hạ, đã định hướng đi cho Trụ Vương tàn bạo, cũng đã định ra “thất tử tam tai” cho Khương Tử Nha. Chuyện đại sự phong Thần này thực sự đã động đến tất cả các sinh mệnh trong tam giới.

Nhưng mọi người luôn thắc mắc, rốt cuộc cái gì là kiếp số? Nói đơn giản là một sự vật ở không gian nào đó, theo quy luật phát triển thành – trụ – hoại – diệt sẽ đi đến thời kỳ “hoại”, không còn tốt nữa. Các sinh mệnh cao tầng ở thượng giới (chúng ta quen gọi là Thần Phật), một cách tất yếu, sẽ tiến hành thanh lý những cái mục ruỗng, hư nát đó, tốt giữ lại, xấu bỏ đi. Điều đó cũng giống như bác sỹ ở bệnh viện, dùng các dụng cụ y học mà tiến hành phẫu thuật, cắt bỏ vùng tổn thương cho bệnh nhân. Mục đích vẫn là để sinh mệnh được tiếp tục kéo dài, để người bệnh có được cơ thể khỏe mạnh.

Một khi đã định ra kiếp số, thượng giới sẽ tiến hành thẩm tra lại các biểu hiện thiện ác của sinh mệnh để an bài hướng đi tương lai của họ. Kẻ mắc tội ác cùng cực sẽ vào cửa không được tái sinh, vĩnh viễn không được siêu sinh. Ngoài ra có sinh mệnh làm quỷ, làm người, làm Thần, cũng có sinh mệnh làm thánh ở cảnh giới cao hơn, vĩnh viễn tránh được cái khổ luân hồi. Đây chính là dụng ý thâm sâu của việc an bài kiếp số, chẳng qua là một dịp kiểm định lại sự chân chính của sinh mệnh, xem họ đứng về phe thiện hay phe ác. 

Có lẽ người không rõ chân tướng sẽ nói: “Những người tu luyện ở tam sơn ngũ nhạc vốn tu luyện rất tốt. Các thần tiên cũng ở thế giới riêng ung dung tự tại, tại sao nhất định phải ký một bảng phong Thần, khuấy động các sinh mệnh lớn nhỏ trong tam giới? Sinh mệnh thượng giới từ bi, tại sao lại đi làm việc thừa thãi này?“. 

Dùng một ví dụ để nói về chuyện này cụ thể hơn. Một đời người, các tế bào trên thân thể là không ngừng đào thải, thay mới. Đây là định luật tự nhiên giúp thân thể thay thế tế bào cũ không còn phù hợp với trạng thái của sinh mệnh. Như vậy, sinh mệnh nhân loại là quá trình đào thải, thay cũ đổi mới không ngừng, liên tục tiếp diễn.

Trong lịch sử mấy nghìn năm qua, nhân loại đã đi qua biết bao các loại thiên tai, nhân họa, bệnh dịch, chiến tranh. Chiến tranh thực sự là công cụ sắc bén, cực kỳ hung hiểm, giết người vô số. Nhưng pháp lý nhân gian vốn là tương sinh tương khắc, bất kể điều gì cũng có hai mặt. Và như đã nói, mọi sự ở chốn nhân gian này đều là do Thần an bài cả.

Sở dĩ chiến tranh xảy ra chính là để tiêu hủy những tội nghiệp bất kính của con người đối với Thần. Con người phải trả giá cho những tội lỗi mà họ tạo ra. Muốn tránh chiến tranh, biện pháp tốt nhất chính là nâng cao đạo đức xã hội, hành thiện trọng đức, người người đều cảm kích Trời, an lạc giữ đạo, kính trời biết mệnh. Như thế thì bệnh dịch, chiến tranh, kiếp số trời trách phạt cũng tự nhiên được hóa giải. 

Con người có thể tu luyện trở thành Thần

Trong “Phong thần diễn nghĩa” nói, vì ngày phong Thần sắp tới, các sư phụ phải dừng tuyên giảng đạo, các môn phái cũng nhất định phải đóng cửa động, chú tâm tu luyện. Tất cả đều phải đợi đến khi phong Thần xong. Đó chính là “bế quan” để chuẩn bị tiến hành chỉnh sửa lại tất cả những điều bại hoại, đã trở nên không tốt trong tam giới. Lúc này, phong Thần chính là đại sự hàng đầu, tất cả các môn phái đều không được phép gây rối loạn, can thiệp, làm nhiễu loạn sự kiện này. 

Ngày nay, vũ trụ đã bắt đầu tiến vào chu trình cuối cùng của “thành – trụ – hoại – diệt”, biểu hiện là đạo đức nhân loại đã trượt xuống rất thấp với tốc độ nhanh chưa từng có. Vũ trụ ấy cũng cần phải được canh tân, cải tổ. Khi các chư Thần ở thiên thượng, ở những tầng thứ, cảnh giới rất cao tiến hành sự kiện này, các tôn giáo lớn, các môn phái tu luyện ở nội trong tam giới cũng không thể gây nhiễu loạn.

Trong “Phong thần diễn nghĩa” cũng nói, ai gây nhiễu loạn đều phải chịu bị giáng hạ tầng thứ và cảnh giới. Đồng thời kẻ đó tất sẽ bị các chính Thần thảo phạt, khiến cho bao nhiêu năm khổ hạnh tu hành hóa thành số không. Thân Công Báo vốn là sư đệ đồng môn của Khương Tử Nha, tu luyện nhiều năm, công năng rất mạnh. Nhưng y đã trái mệnh sư phụ, giúp Trụ làm ác, đánh Khương Tử Nha chỉ vì không được Nguyên Thủy Thiên Tôn cử đi phong Thần. Cuối cùng, Thân Công Báo thất bại, phải chịu tội, bị ném vào mắt biển Bắc Hải. 

Trong “Phong thần diễn nghĩa” còn nói 7 người: Lý Tĩnh, Dương Tiễn, Lôi Chấn Tử… đều là “nhục thân thành Thánh”. Nhưng con đường thành Thánh của họ dường như là vượt qua khái niệm tu luyện truyền thống. Vì cả 7 người này đều tham gia vào các trận đánh lớn nhỏ, hưng Chu diệt Trụ, đều là làm chuyện “hữu vi”, ngược hẳn với khái niệm “vô vi” trong tu luyện.

Phương thức thành Thánh đặc biệt của họ chính là đã phá vỡ khái niệm tu đạo cũ vốn có. Trước đây, khi nói đến tu luyện ai cũng nghĩ đến chuyện lên chùa xuất gia, xa lánh xã hội. Từ trường hợp 7 người Lý Tĩnh “nhục thân thành Thánh” cho thấy, tu luyện có nhiều hình thức, không nhất định cứ là nhịn ăn, ở hang, thanh tĩnh vô vi trong núi, trong chùa.

Chỉ cần người ta bước đi thật chân chính, cho dù thân trong thế tục nhưng cũng vẫn có thể thành tựu chính quả, tu hành đắc Đạo. Đây là một sự gợi mở rất lớn đối với con người hiện đại, cũng là một phương thức tu luyện mới của tương lai, phù hợp với xã hội người thường mà không rời xa Đạo. Đó cũng là một sự khẳng định chắc chắn rằng chỉ cần tu luyện trong một môn chính Pháp, người ta hoàn toàn có thể bước đi trên con đường trở thành Thần, ra ngoài tam giới, thoát khỏi cái khổ luân hồi chuyển sinh. 

Theo NTDTV
Nam Phương biên dịch

Video: Thiên tai, Nhân họa hay khủng hoảng niềm tin?

Exit mobile version