Đại Kỷ Nguyên

Tào Tháo, trang sử thất lạc của một anh hùng (Kỳ 13): Làm đại tướng ra trận phải có 5 phẩm đức này

"Nhân vật anh hùng thiên cổ" Tào Tháo (Kỳ 13): Binh pháp của Tào Tháo

Lời toà soạn: Lịch sử 5.000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Á Đông gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.  

Chuyên đề “Nhân vật anh hùng thiên cổ”

Tào Tháo (155 – 220) là một ngôi sao sáng trên vũ đài lịch sử Trung Hoa, mưu trí hơn người, toàn tài văn võ, một tay chống giữ triều cương, bình định phản loạn, gây nền thái bình, đặt định thống nhất giang sơn.

Suốt hàng nghìn năm qua, đã có biết bao câu chuyện xung quanh Tào Tháo, người gọi ông là quân tử, kẻ cho ông là tiểu nhân, người hâm mộ, kẻ khinh ghét, thực là trăm nhà đua tiếng. Chuyện cũ nghìn năm phủ bụi, thật giả đôi khi khó tường, loạt bài về Tào Tháo sẽ phần nào giúp quý độc giả có được cái nhìn toàn diện, chân thực và công bằng nhất về nhân vật từng tiêu tốn biết bao giấy mực này.

Xem thêm: Kỳ 1,  Kỳ 2,  Kỳ 3,  Kỳ 4,  Kỳ 5Kỳ 6 Kỳ 7Kỳ 8, Kỳ 9, Kỳ 10, Kỳ 11, Kỳ 12

Trước thời Xuân Thu, nhiều binh pháp bị thất truyền vì chưa thể hiện được hiệu quả của nó, đến thời Xuân Thu Chiến Quốc, nhiều binh gia xuất hiện, đa phần đều mang thân phận dân thường. Thời Chiến Quốc, quy mô chiến tranh mở rộng đến mức chưa từng thấy, lưu truyền và sử dụng vô số binh thư, binh pháp. Trong đó binh pháp đạt đến mấy chục vạn chữ của Tôn Vũ, do Tôn Tẫn bổ sung được xem là “Vua của binh pháp”.

Binh pháp của Tôn Vũ được hậu thế tôn xưng là “Binh Tiên” (Binh pháp của tiên gia), cho dù là quân vương, chư hầu, hay tướng sĩ đều dùng đến. Vào thời nhà Sở Hán, binh pháp của Tôn Vũ được người đời đánh giá rằng: “Quốc sĩ vô song, công cao vô nhị, lược bất thế xuất”. (Không có binh pháp nào có thể sánh bằng, thành tựu có một không hai, mưu lược xuất thế). Tuy nhiên, binh pháp ấy đã sớm bị thất truyền từ lâu. 

Tào Tháo thống lĩnh quân đội hơn ba mươi năm, chinh phạt hơn năm mươi trận chiến, sách chưa từng rời tay, ban ngày xem binh thư, sách lược, ban đêm suy ngẫm Kinh thư, văn chương. Tào Tháo sử dụng mưu lược hơn người, biết địch biết ta, biến hóa như Thần. Ngoài ra ông còn tự mình viết binh pháp đạt đến số lượng hơn mười vạn chữ, toàn thể đều là kinh nghiệm thân chinh đích chiến của ông, được tập hợp trong “Tân thư” hay còn được gọi là “Mạnh Đức Tân Thư”.

Gia Cát Lượng từng nhận xét Tào Tháo như thế này: “Tào Công có thể biến yếu thành mạnh, ngoài yếu tố thiên thời địa lợi, còn phải dựa vào mưu lược cao minh của người; Tào Tháo có mưu kế hơn người”. Tôn Quyền cũng có đánh giá về Tào Mạnh Đức như sau: “Là một bậc Ngự Tướng, từ cổ chí kim hiếm có”.

Tào Tháo dụng binh như Thần, thưởng phạt phân minh. (Ảnh: youtube.com)

Binh pháp của Tào Tháo

Những binh thư của Tào Tháo gồm có: “Mạnh Đức tân thư”, “Tôn Tử lược giải”, “Binh thư tiếp yếu”, “Ngụy Vũ Đế binh pháp”, “Tư Mã pháp chú”, “Thái Công âm mưu giải”, “Tục Tôn Tử binh pháp”. Trong đó chỉ có “Tôn Tử lược giải” là còn đầy đủ bản hoàn chỉnh lưu truyền cho đến ngày nay, ngoài ra bộ binh thư này cũng được gọi là “Tôn Tử binh pháp chú”.

Đỗ Mục từng nhận xét như thế này: “Binh pháp của Tôn Vũ có hơn mấy chục vạn chữ, sau khi được Ngụy Vũ lựa chọn tỉ mỉ tinh hoa trong đó còn lại quyển sách này”. “Tôn Tử lược giải” của Tào Tháo không những để lại cho hậu thế những điểm trọng yếu trong binh pháp Tôn Tử, mà còn có thể hiện ở trong đó cả tài hoa binh pháp của Tào Tháo: mưu lược, vì lịch đại binh gia chinh phạt thiên hạ để lại tấm gương sáng của bậc Vương giả trị quốc.

“Tôn Tử giải lược” hay còn gọi là “Tôn Tử chú”

Trong cuốn binh pháp này, Tào Tháo có viết: “Ta từng nghe nói đến từ thời viễn cổ đã bắt đầu ứng dụng cung tiễn. Trong “Luận Ngữ” có nhắc đến: “Cần có đầy đủ lực lượng vũ trang”. Một trong tám chuyện lớn trong “Thượng Thư” chính là “quân sự”. Trong “Chu Dịch” có nói: “Xuất binh là chính nghĩa, chủ soái là cát lợi”. Trong “Thi Kinh” cũng nói: “Chu Văn Vương vô cùng tức giận, lập tức chỉnh đốn quân đội của mình”.

Hiên Viên Hoàng Đế, Thành Thang Vương, Chu Vũ Vương đều là những người sử dụng lực lượng vũ trang để cứu lấy xã tắc. Trong “Tư Mã Pháp” có ghi chép: “Ai cố ý giết người vô tội thì có thể giết chết hắn”. Chỉ dựa vào sức mạnh vũ trang hoặc chỉ nói đến “nhân nghĩa” thì kết quả sẽ dẫn đến vong quốc. Vua Ngô Phù Sai và Từ Yển Vương chính là hai ví dụ điển hình. Thánh nhân dùng binh, đầu tiên sẽ làm công tác chuẩn bị, chỉ khi nào cần thiết mới bất đắc dĩ dùng binh”.

Ở đoạn giới thiệu này Tào Tháo đặc biệt chỉ ra: “Thánh nhân dùng binh đầu tiên sẽ làm công tác chuẩn bị, chỉ khi nào cần thiết mới bất đắc dĩ dùng binh.” Trong “Thi Kinh Chu tụng” ghi chép: “Tái Tập can hoa, Tái Thác cung hỉ”. Tập, Thác đều nói đem binh khí dấu đi nhưng lại không tiêu hủy. Chiến tranh là thứ nhất thiết phải tồn tại trong lịch sử, từ xưa Thánh nhân đối với chiến tranh luôn giữ thái độ bình thản, hơn nữa còn cho rằng nên làm tốt công tác chuẩn bị trước khi chiến tranh xảy ra, cần chuẩn bị binh lực đầy đủ, tướng soái dũng mãnh, thậm chí còn chủ trương “chỉnh lý quân lữ” và thảo phạt.

Tào Tháo chỉ ra: “Chỉ dựa vào sức mạnh vũ trang hoặc chỉ nói đến “nhân nghĩa” thì kết quả sẽ dẫn đến diệt vong”. Có nghĩa là nếu cứ cố chấp sức dụng sức mạnh mà mặc kệ đạo đức nhân nghĩa, hoặc luôn nói về nhân nghĩa đạo đức nhưng không làm tốt công tác chuẩn bị chiến tranh thì chỉ có thể dẫn đến diệt vong.

Tào Tháo nói rất rõ ràng chiến tranh tất nhiên phải có, và còn có tác dụng làm nên lịch sử thì ông dẫn dụng hai câu nói trong “Tư Mã pháp”: “Ai cố ý giết người vô tội thì có thể giết chết hắn”. Thuận theo thiên ý, an bang định quốc, mà cứu giúp bách tính.

Binh pháp của Tào Tháo đều là những điều ông học từ cổ nhân và qua thực tiễn đúc rút lên. (Ảnh: dkn.tv)

Theo ghi chép của lịch sử, Vua Ngô Phù Sai sau khi đánh bại Việt Vương Câu Tiễn không chịu trị quốc an dân mà ỷ vào sức mạnh muốn tranh bá phương bắc, không ngừng tranh cường cùng Tấn, Tề. Chính vì vậy mà Việt Vương Câu Tiễn mới có thể lợi dụng điểm yếu, nhân cơ hội mà tiêu diệt nước Ngô. Từ Vua Ngô Phù Sai có thể thấy được, chỉ dựa vào sức mạnh thì sẽ dẫn đến diệt vong.

Còn Từ Yển Vương lại hoàn toàn trái ngược, ông chỉ chăm lo nhân nghĩa, văn học mà không có mưu lược quân sự. Trong “Hàn Phi Tử” – Ngũ Đố ghi chép: “Từ Yển Vương sống ở phía đông Hán Thủy, đất đai hơn năm trăm dặm, tiến hành chính trị lấy nhân nghĩa làm đầu. Vào thời điểm đó có tổng cộng ba mươi sáu nước, Sở Văn Vương lo lắng Từ Yển Vương sẽ làm hại đến mình nên phái binh đi tiêu diệt nước Từ, nước Từ cũng vì vậy mà hoàn toàn diệt vong”. Mặc dù Từ Yển Vương luôn nói đến nhân nghĩa, nhưng lực lượng quân đội không đủ mạnh vì vậy mới khiến cho đất nước diệt vong.

“Tôn Tử lược giải” của Tào Tháo có hơn vạn chữ. Tư tưởng quân sự của ông được các chuyên gia binh pháp mọi thời đại không ngừng ca ngợi. 

Tào Tháo cũng liên tục thu nạp tinh binh, quan tâm tướng sĩ khích lệ sĩ tốt. Trong “Cổ Xuy lệnh” ông nói: “Ta có thể lấy ít địch nhiều chiến thắng quân địch là vì có tiếng trống thúc trận, tướng sĩ quý trọng ngựa chiến, lương thực”.

Đối với “Tướng” Tào Tháo yêu cầu: ‘”Tướng cần có đầy đủ ngũ đức (trí, tín, nhân, dũng, nghiêm), một vị Tướng cần biết thiên thời, địa lợi”.

Cách Tào Tháo sử dụng tướng sĩ lúc bấy giờ quả thật có chút phá cách, thực tế thời ấy cho thấy rằng: “Tướng hiền tắc quốc an, ngày nay thiên hạ đang lúc khẩn cấp cần dùng đến người tài”. Vì vậy, ông chủ trương: “Đề cử hiền tài không câu nệ đức hạnh”, chỉ cần có tài thì phải lập tức đề cử. Khi cần thiết phải quyết định mưu lược, kế sách, Tào Tháo sẽ thảo luận với các tướng và lựa chọn ra phương án tốt nhất. Lại còn yêu cầu thuộc hạ tìm kiếm khuyết điểm và đưa ra nhiều đề xuất hay hơn.

Kiến An năm thứ 11, Tào Tháo hạ lệnh: “Cai trị đất nước, thống lĩnh quân dân, tất cả quan lại được lựa chọn để phù tá khuông chính cần phải có năng lực tương đương với chức vụ của mình và một lòng thuận phục. Trong “Thi Kinh” có ghi chép: “Nghe theo mưu lược của ta, sẽ không mắc phải sai lầm hoặc hối hận, đây mới chính là sự chân thành cần có giữa quân thần. Từ sau khi ta đảm đương trọng trách, thường sợ đưa ra quyết định sai lầm, liên tiếp những năm gần đây, không nghe thấy ý kiến nào, lẽ nào ta trưng cầu còn không đủ hay sao? Từ nay về sau, quan lại ở khắp mọi nơi cần phải cùng nhau bình luận, mỗi người chỉ ra những sai lầm mà bản thân nhìn thấy, ta sẽ tự mình kiểm tra”. Dưới đây là một số trích đoạn quân lệnh thể hiện chủ trương binh pháp vô cùng công minh của Tào Tháo:

Tào Tháo nổi tiếng là người biết trọng dụng nhân tài. (Ảnh: youtube.com)

“Ngụy Vũ quân lệnh”

Hậu Hán Ngụy Vũ quân lệnh: “Tướng sĩ trong quân của ta không được phép sử dụng cung nỏ trong doanh trại. Trong khi hành quân có thể điều chỉnh cung nỏ nhưng không thể lên tiễn. Người nào vi phạm phạt đánh hai trăm roi, không thu nô lệ làm quan. Quan lại trong doanh không được phép giết chết những người không bị thu làm nô lệ đồng thời cũng không được bán họ. Vi phạm lệnh mà Đô Đốc không khống chế hoặc không báo cáo thì phạt đánh 50 quân côn.

Khi quân đội ra khỏi doanh trại phải cầm thẳng mâu kích, nâng cao cờ hiệu, không ngừng đánh trống. Sau khi đi ra ngoài ba dặm có thể tự do cầm mâu kích, cuộn lại cờ hiệu và dừng tiếng trống. Khi sắp đến địa phận của doanh trại lần nữa nâng cao cờ hiệu, vang lên tiếng trống, sau đó khi về đến doanh trại thì lần nữa cuốn lại cờ hiệu, dừng lại tiếng trống. Nếu như vi phạm sẽ bị cắt tóc trách phạt trước công chúng. Trong lúc hành quân, không được phép chặt phá các loại cây trên cánh đồng ví dụ như cây dâu, cây chanh, cây táo…”

“Bộ chiến lệnh”

Hồi trống thứ nhất, tập hợp binh mã, hồi trống thứ hai, binh sĩ lên ngựa, hồi trống thứ ba lần lượt xuất phát theo thứ tự cũng chính là theo sự chỉ huy của cờ hiệu. Người trụ đứng phía sau cờ hiệu, chỉ cần nghe thấy hồi trống dồn dập thì phải ổn định xong quân trận. Người đứng trên trám gác quan sát địa hình bốn phía rộng, hẹp, quyết định trận sau đánh như thế nào. Những nhóm ở chỗ ngoặt tự di chuyển tập hợp quanh trận, liền kín và thưa ít đan xen nhau. Nếu như muốn tác chiến trước doanh trại của địch, trước tiên phải báo cáo rõ ràng.

Trong lúc chiến đấu, không được làm ồn, phải nghe kỹ tiếng trống nhìn kỹ cờ hiệu chỉ huy, nếu trái lệnh giết không tha. Trong đội ngũ nếu như có kẻ chùn bước thì sẽ do Đội trưởng giết hắn, nếu như Đội trưởng không tiến về phía trước sẽ bị Ngận trưởng giết, nếu như Ngận trưởng chùn bước thì sẽ do Đô Bá chấp hành hình phạt. Bộ đốc chiến ở phía sau nếu thấy kẻ vi phạm có thể giết chết kẻ đó. Nếu như đồng đội gặp phải kẻ địch mà không ứng cứu thì bị chém đầu.

Khi lâm trận binh khí không được rời khỏi người, nếu có người rời khỏi quân ngũ mà Đội trưởng và Ngận trưởng không báo lên sẽ đồng tội. Không có lệnh của Tướng Quân không được rời khỏi vị trí. Khi lâm trận, kỵ binh đứng ở hai đầu trong đội hình, du kỵ đứng ở phía sau. Nếu như kháng lệnh nhẹ thì cạo đầu, nặng thì phạt đánh hai trăm roi. Nếu như bộ, kỵ binh đối đầu với quân địch, quan sát tình thế, muốn phái kỵ binh đơn độc giết địch, thì nghe ba tiếng trống, kỵ binh hai đầu sẽ tiến vào trận, hành động theo chỉ huy, nghe ba tiếng kim thì trở về vị trí.

Cách này chỉ dùng khi độc lập tác chiến. Nếu như bộ-kỵ đại chiến, tiến thoái lưỡng nan cũng có thể dùng biện pháp đồng dạng. Trong khi tác chiến, kẻ gây rối loạn quân ngũ giết không tha. Không được đơn độc truy đuổi kẻ địch, người vi phạm sẽ bị trừng phạt. Tướng sĩ muốn tác chiến mà cướp đoạt vũ khí và ngựa của người khác đem ra trảm. Khi đánh trận phải sử dụng danh hiệu của bản thân, nếu không cho dù lập được công lao cũng không được ban thưởng.

“Bộ chiến lệnh” giúp duy trì kỷ luật khi quân sỹ ra trận, điều này làm nên sức mạnh vô cùng lớn khi thực chiến. (Ảnh: youtube.com)

“Thuyền chiến lệnh”

“Hồi trống thứ nhất, binh sĩ nghiêm chỉnh vào hàng ngũ, hồi trống thứ hai, chia thành đội ngũ. Điều chỉnh mái chèo, quân sĩ mang theo binh khí lên thuyền. Cờ hiệu kéo cao theo tướng lĩnh của mình. Hồi trống thứ ba, các thuyền lớn nhỏ xuất phát theo thứ tự, thuyền bên trái không được sang phải, bên phải không được sang trái, trước sau không được dịch chuyển, nếu vi phạm sẽ bị trảm”.

Từ tư tưởng dùng binh trị quân cho thấy Tào Tháo là một người vô cùng coi trọng việc tuyển chọn quan lại tư pháp trong quân đội. Ngài cho rằng: “Một tướng sĩ lên chiến trường không phải chỉ liên quan đến sống chết của hắn mà đó là chuyện sinh tồn của ba quân”.

“Bại quân lệnh”

“Tư Mã Binh Pháp” thuyết: “Người lãnh binh lâm trận bỏ chạy phải xử tội chết”. Cho nên mẹ của Triệu Quát mới thỉnh cầu đừng giết bà khi Triệu Quát đánh thua trận, bởi vì vào thời cổ đại chỉ cần tướng lĩnh đánh thua trận thì thân thuộc ở quê nhà cũng bị trị tội theo. Từ sau khi mệnh lệnh cho tướng sĩ xuất chinh chỉ thưởng không phạt, điều này không phù hợp với quốc pháp. Nay lệnh này ban xuống đối với những người xuất chinh nếu đánh bại trận đều phải trị tội, người gây ra tổn thất thì loại bỏ quan tước”.

Tào Tháo dụng binh như thần, thưởng phạt phân minh, ông từng nói: “Thưởng phạt rõ ràng, ai cũng không ngoại lệ, việc ban thưởng không nên để lâu, kẻ bại trận nên bị xử tội, kẻ gây tổn hại lợi ích nên miễn quan tước”…

Tào Tháo biết được tầm quan trọng của kinh tế trong thời chiến loạn, một quân đội nếu như không có lương thực và vũ khí thì cũng giống như “con đường chết”, ngài coi trọng lương thực, khí giới hiểu được câu “Tần nhân dĩ cấp nông kiêm thiên hạ, Hiếu Vũ dĩ truân điền định Tây Vực”. (Ý nói: nhà Tần và Hiếu Vũ đều nhờ vào làm nông nghiệp mà thắng được thiên hạ và Tây Vực) (Tam Quốc Chí – Vũ Đế Ký). Bởi lẽ đó ông quyết đạt đến mục tiêu sở hữu một quân đội cường mạnh với đầy đủ lương thực và binh khí.

Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Khải Phong biên dịch

Exit mobile version