Đại Kỷ Nguyên

Tầm đạo trên núi Võ Đang (P.8): Phong ba chìm nổi, Đạo tâm càng bền

Những ngày thanh tu trong núi sâu, giống như thân trong cõi tiên ngoài tầng mây. Âm nhạc Đạo réo rắt, khói hương Đạo vấn vít, những Đạo nhân chẳng màng thế tục chuyên chú luyện công tu hành mỗi ngày, hoàn toàn quên hết thời gian lưu chuyển và tháng năm trôi qua. Năm 1644, tiếng vó ngựa cộp cộp từ phương Bắc tràn xuống, phá tan thế cuộc của mảnh đất lớn Trung Nguyên.

Tiếp theo: Phần 1Phần 2, Phần 3, Phần 4, Phần 5Phần 6, Phần 7.

Trong năm này, là năm Sùng Trinh thứ 17 đời Minh, cũng là năm Thuận Trị thứ nhất đời Thanh. Giữa lúc Minh Thanh thay triều đổi đại này, Minh Tư Tông khi kinh thành bị phá liền thắt cổ tự tử, Thanh Thế Tổ vào quan ải đăng cơ, sơn hà xã tắc trong chớp mắt đã thay tên đổi họ. Phân tranh các nơi cũng theo đó mà liên tiếp nổi lên, chiến hỏa lan tràn chẳng mấy chốc đã lan đến vùng Quân Châu, kinh động phá tan sự yên tĩnh của ngọn núi lớn này.

Thân ở trần thế, rốt cuộc cũng chẳng cách nào hoàn toàn tránh khỏi chuyện thế gian xâm phạm can nhiễu, cung quán nhiều nơi ở Võ Đang lại bị kiếp nạn đốt phá, không biết có thể khôi phục lại dáng vẻ cực thịnh được hay không? Mặc dù các Đạo nhân tâm như nước lặng, cũng không ngăn nổi ước đoán, cái vương triều thống nhất do dân tộc thiểu số kiến lập này, sẽ đối xử với tín ngưỡng Đạo giáo mà người Hán tín phụng mấy nghìn năm nay, các biện pháp của hoàng đế mới cũng sẽ đem lại vận mệnh thế nào đối với ngọn núi này?

Điện Khâm An Ngự Hoa Viên, chụp năm 2007, trước điện đã xây thêm 5 gian nhà bao quanh. (Ảnh: Epoch Times)

Chuyện xưa triều trước dần dần đi xa, mà trong điện Khâm An ở trung tâm Ngự Hoa Viên trong hoàng thành, người Thanh vẫn cẩn trọng tuân theo chế độ cũ triều Minh thờ phụng Huyền Vũ Đại Đế. Mỗi khi mồng một ngày rằm, lễ tết, các quan lễ trong cung điện thềm ngọc lan can điêu khắc, sắp xếp Đạo trường, dâng đồ cúng, bái biểu văn (sớ), giống như người Hán thành kính cử hành lễ nghi tế lễ. Tập quán lễ nghi này trong cung, tiếp tục kéo dài 200 năm nữa đến năm Đạo Quang thứ 19 (năm 1839).

Có lẽ trong lòng các hoàng đế triều Thanh, tộc Nữ Chân nổi lên từ phương Bắc, có thể ngồi ngôi vị tọa trấn Trung Nguyên, ngôi cao Thiên tử, trong cõi vô hình cũng được đại Thần Huyền Vũ của Đạo giáo phù hộ. Do đó ngay từ đời đầu nhà Thanh trở đi, các đời hoàng đế nhà Thanh tuy không tôn sùng Đạo giáo lên địa vị quốc giáo, nhưng vẫn bảo lưu truyền thống tín ngưỡng hoàng thất tôn thờ Huyền Vũ.

Năm Thuận Trị thứ 8 (năm 1651), Thanh Thế Tổ 13 tuổi bước vào năm thứ 2 đích thân nhiếp chính. Là hoàng đế nhà Thanh đầu tiên thống nhất thiên hạ, ông không vì tuổi nhỏ mà lơ là kính lễ đối với Thần, trái lại vô cùng khẩn thiết biểu đạt lòng sùng tín đối với Huyền Vũ Đại Đế. Ông đích thân định ra lễ nghi tế lễ Huyền Vũ, đồng thời hạ chiếu hàng năm vào ngày sinh nhật, cả thiên hạ cùng chúc mừng “Vạn thọ Thánh tiết”, phái quan đến tế lễ tại Hiển Hựu Cung ở Liêu Đông.

Trong “Thanh triều văn hiến thông khảo” đã chép lại chân thực lời chúc thành kính của tiểu hoàng đế: “Nay sinh nhật trẫm, chỉ có Thần vĩnh viễn lẳng lặng phù hộ, làm lễ tế Thần chỉ dùng đồ cúng trà, trái cây, để ngài thọ hưởng”. Từ đó trở đi, lễ này đã thành truyền thống tế lễ của các hoàng đế nhà Thanh. Mỗi dịp lễ Vạn thọ tiết, các quan lại phụng chỉ tế lễ Huyền Vũ, hoặc đến miếu Chân Vũ gần kinh thành, hoặc đến núi Võ Đang lễ bái.

Cùng năm đó, Thế Tổ còn triệu Trương Ứng Kinh – Đạo nhân phái Chính Nhất vào yết kiến, sắc phong Chính Nhất là Giáo đại Chân nhân, nắm các việc Đạo giáo của thiên hạ. Ông còn tôn sùng các chính giáo khác mà người Hán tín phụng bằng tâm thái bao dung, 5 năm sau ban bố chỉ dụ tôn sùng tam giáo Nho – Thích – Đạo, khẳng định sức mạnh Thiện – Đức độ hóa nhân tâm của tam giáo “làm điều thiện, bỏ điều ác, phản tà quy chính, tuân theo vương pháp, tránh họa hoạn”.

Biện pháp này ở triều hoàng đế Thế Tông Ung Chính tiếp tục được phát huy. Thế Tông chủ trương Tam giáo đồng nguyên (Ba tôn giáo có cùng nguồn gốc), và cũng ra một đạo sắc dụ: “Lấy Phật trị tâm, lấy Đạo trị thân, lấy Nho trị thế… Thánh nhân là cùng đặc tính, tức thi hành rộng rãi đạo đức, khiến con người cùng thành tâm… có thể giúp các vua ta vỗ yên thiên hạ”. Ông còn sắc mệnh các quan địa phương bảo hộ người xuất gia, “để thành tựu việc trị vì thành công chung giữ gìn cái thiện”.

Các hoàng đế nhà Thanh tôn sùng và ủng hộ đối với chính giáo đã tạo ra môi trường tu luyện rộng mở, các giáo phái bao gồm cả phái Võ Đang được phát triển mạnh mẽ.

Bức tranh “Hoàng đế Khang Hy mặc thường phục viết chữ”, họa sỹ cung đình triều Thanh vẽ, lưu giữ ở bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh. (Ảnh: Epoch Times)

Khang Hy thịnh thế, quân thần phục hưng núi Đại Nhạc

Năm Khang Hy thứ 12 (năm 1673), núi tiên Võ Đang đón tiếp đội ngũ hoàng gia rầm rầm rộ rộ. Dẫn đầu vẫn là hai vị ngự tiền thị vệ, đích thân hộ tống hương tiền đầy ắp và 5.000 lạng bạc, vào núi lễ bái Chủ Thần Huyền Vũ Đại Đế. Thánh Tổ Khang Hy đế, triều Đại Thanh lại một thiên tử thiếu niên, vào năm nhược quan (20 tuổi) phái thị vệ thân tín nhất đích thân đến núi Võ Đang cử hành lễ cáo tế, cầu cho hoàng tổ mẫu của ông “Thọ toán thiên thu”, đồng thời cầu xin Huyền Vũ Đại Đế “ban lộc cho quốc gia bảo hộ muôn dân”.

Đây là lần kết duyên đầu tiên của hoàng thất nhà Thanh với núi Võ Đang, vinh quang này, khiến người Võ Đang mãi mãi khắc ghi vị “Thiên cổ nhất đế” có kiến thức, can đảm và tài năng phi phàm này. 30 năm sau, mừng đón lễ Vạn thọ thánh tiết, Thánh Tổ lại lần nữa phái thị vệ và quan lại bộ binh đến Võ Đang, leo lên ngọn Thiên Trụ Phong, dâng hương lễ bái ở Kim Điện. Đế vương và đế quốc cùng lớn mạnh, Thánh Tổ lúc này đã có năng lực biểu đạt với Huyền Võ Đại Đế thành tâm và kính ý cao hơn.

Ông dâng lên đồ thờ và 1.000 lạng bạc, đồng thời đích thân ngự bút viết các bức hoành ngũ thông, sắc ban mấy nơi cung quán: “Kim quang diệu tướng” (Tướng thần diệu ánh vàng kim) treo ở Kim Điện Thái Hòa Cung, “Mặc tán hoàng du” (Lặng lẽ trợ giúp Đạo cho hoàng đế) treo ở Tịnh Lạc Cung, “Tiên lục sùng hư” (Sách tiên tôn sùng hư không) treo ở Báo Quốc Am Chu Phủ,  “Khúc thành vạn vật” (Uyển chuyển thành tựu vạn vật) treo ở Nam Nham Cung. Trước cổng Triều Thánh Môn của Tịnh Lạc Cung còn xây dựng một tòa Ngự Thư Lâu, lưu giữ các bút tích quý của Thánh Tổ năm xưa đích thân viết.

Hoàng thượng coi trọng các danh sơn Đạo giáo, cũng ảnh hưởng đến bá quan bên dưới, trong 30 năm Thánh Tổ 2 lần lễ bái Võ Đang, các vương công đại thần tấp nập quyên tiền tu sửa điện vũ, Thần Đạo xuất hiện các cao điểm phục tu cung quán. Điều này không chỉ do thời kỳ đầu nhà Thanh chiến loạn đã hủy hoại rất nhiều kiến trúc, tạo ra cảnh tiêu điều của Đại nhạc “không dấu vết con người”, Đạo chúng “cứ trăm người thì còn một”. Hơn nữa lúc Tam phiên phản loạn, quân Thanh đã đánh bại quân phản loạn ở núi Võ Đang, cũng không tránh khỏi tai vạ lây đến một bộ phận các kiến trúc, ngọn núi “Trị thế huyền nhạc” này không còn cảnh quan hoành tráng núi Tiên lầu ngọc nữa.

Năm Khang Hy thứ 21 (năm 1682), Tổng trấn Thái Nguyên quyên tiền tu sửa con đường núi từ Triều Thiên Cung đến Triều Thánh Môn, con đường Thần gần 15 dặm này uốn lượn giữa các núi cao rừng sâu, trải qua 8 năm mới khánh thành. Năm Khang Hy thứ 22, Trấn an tướng quân Cát Công quyên được mấy nghìn lạng bạc, trải qua 3 năm tu sửa 24 Đạo viện, 18 tòa điện vũ, 534 gian phòng của Chu Phủ Am, khôi phục lại diện mạo xưa hùng vĩ tráng lệ. Năm thứ 25, Huân Dương Phủ Trị Vương đến nhậm chức, không nỡ nhìn cung quán lắc lư sắp đổ, cùng bàn với các quan lại địa phương tu sửa lại Phục Chân Am. Năm thứ 42, Vương Độ Chiêu được phân giữ Kinh Nam Đạo đã đích thân đến Võ Đang, xây dựng hai điện hai bên Kim Điện là Nhị Thiên Môn, Tam Thiên Môn.

Tháng 10 năm 2014, khách hành hương Đài Loan, Hồng Kông đến núi Võ Đang cử hành nghi lễ khởi giá Tuần cảnh Đài Loan tôn Thần Huyền Vũ Đại Đế 600 năm. (Ảnh: Epoch Times)

Bãi bỏ hương thuế, hương hội dân gian như nước thủy triều

Bao lần hưng suy, chuyện xưa thành dĩ vãng. Võ Đang trải qua bao lần hoang tàn lại bao lần xây dựng, đã luyện thành khí độ trầm tĩnh, được hoàng thất nhà Thanh quan tâm, đã vững vàng bước qua thời kỳ hỗn loạn thay triều đổi đại. Đến triều Càn Long Cao Tông, Võ Đang lại đón nhận thời khắc quan trọng nữa.

Ngay vào năm Càn Long thứ nhất khi mới đăng cơ (năm 1736), Cao Tông ban bố một chỉ dụ, ông muốn theo trường hợp núi Thái Sơn, vĩnh viễn không thu hương thuế núi Võ Đang. Hương thuế đại thể bắt đầu từ giữa triều Minh, là loại thuế đặc biệt trưng thu những tín sỹ dân gian đến dâng hương bái lễ, chủ yếu là các phương diện dùng để tu sửa cung quán, chi dùng hàng ngày, bổng lộc quan quân v.v…

Từ thời Tống Nguyên trở đi, dân gian trở lên thịnh hành tín ngưỡng Huyền Vũ, bách tính tôn phụng Ngài là Chí Thiện Phúc Thần trấn tà trảm yêu, ban phúc lành giữ bình an, người đích thân đến Võ Đang lễ bái nườm nượp không ngớt. Đầu thời Minh, núi Võ Đang chính là thiên hạ đệ nhất danh sơn mà hoàng gia khâm định, sau khi được Thành Tổ xây dựng quần thể cung quán quy mô lớn, trở thành Tiên cảnh chốn nhân gian mà con tim bách tính hướng đến. Sơn chí có chép, mỗi năm Võ Đang đều tiếp đón hàng vạn khách hành hương, khắp núi đều là cảnh hoành tráng “Khách hành hương vai sát vai, vào núi đông như chợ”.

Như vậy, hương thuế và bố thí của khách hành hương ở núi Võ Đang, mỗi năm hàng vạn, đã trở thành gánh nặng kinh tế của bách tính bình dân ở mức độ lớn, “Nghèo không đến Võ Đang, giàu không leo Thái Bạch” đã một thời trở thành tục ngữ lưu hành thời Minh Thanh. Mà chúng sinh bày tỏ lòng thành kính với Thần, thổ lộ tấm lòng, không nên có phân biệt giàu sang nghèo hèn. Chính vì xuất phát từ lòng yêu thương bách tính khổ nhọc đóng hương thuế, Cao Tông ngay khi mới lên ngôi liền chiếu cáo thiên hạ: “Tiểu dân thành kính Thần linh, chỉ  nên để họ tùy ý, không nên trưng thu hương thuế, mà tăng phiền nhiễu gánh nặng”.

Chỉ dụ Thánh minh này được khắc thành văn bia, đặt ở trong Triều Bái Điện trên đỉnh Thiên Trụ Phong, tỏ rõ ánh sáng từ bi của Thần quang trên Kim Đỉnh phổ chiếu khắp nơi. Từ đó, hương hỏa Võ Đang ngày càng hưng thịnh, các hoạt động của các “hương hội” dân gian tự tổ chức từ thời Minh Thanh đến nay cũng sôi nổi hơn. Khách hành hương đại đa số đến từ các quận huyện xunh quanh núi, xa hơn đến từ Quảng Đông, Phúc Kiến vùng Lĩnh Nam. Mỗi dịp sinh nhật Huyền Vũ mồng 3 tháng 3 hoặc ngày Huyền Vũ phi thăng mồng 9 tháng 9, thiện nam tín nữ mặc lễ phục chầu bái, giương cao lá cờ màu và cái lọng “Vạn dân tản”, suốt dọc đường đánh trống tấu nhạc, rồng rắn đi đến Thánh địa lễ bái.

Sau khi vào núi Võ Đang, cung quán ven đường đều là nơi làm lễ chay, mà con đường Thần đạo đi lên Kim Đỉnh, thì cứ mỗi bước lại khấu đầu, lễ bái bằng lễ tiết và lòng thành kính cao nhất. Đây là thời khắc náo nhiệt nhất mà cũng trang nghiêm nhất của Võ Đang. Lịch sử đi đến triều Thanh, núi Võ Đang tuy không khôi phục sự hưng thịnh của “Hoàng gia Đạo trường” triều Minh, nhưng hương hỏa thờ cúng Huyền Vũ không hề gián đoạn.

Cảnh quan Ngọc Hư Cung núi Võ Đang. (Ảnh: Epoch Times)

Khổ tâm lo liệu, gây dựng lại huyền phong Võ Đang

Triều Thanh hơn 200 năm, đối với ngọn núi lớn này mà nói chẳng phải là thái bình thịnh thế, vùng Ngạc Tây Bắc mấy lần chiến loạn, kéo dài suốt triều Thanh, đã nhiều lần phá hỏng các cung quán và Thần đạo nổi tiếng của núi Võ Đang. Thân cư trú nơi núi sâu rừng rậm phong ba bất định, cuộc sống, thậm chí sinh mệnh của các Đạo nhân cũng khó được đảm bảo, nhưng công phu tu luyện thanh tĩnh nhiều năm khiến họ chẳng lạ vinh nhục, coi nhẹ sống chết. Họ không những không mất đi tín niệm tu Đạo, hoằng Đạo, trái lại vẫn kiên trì bám trụ trong núi để trấn hưng Đạo pháp, bằng nghị lực và tâm nhẫn nại cực đại.

Giao thời giữa đời Minh Thanh, một vị trung niên có tên là Bạch Nguyên Phúc treo mũ nhập Đạo, ở Thất Chân Động núi Võ Đang khổ tu mười mấy năm, trở thành Đạo trưởng trứ danh phái Toàn Chân Long Môn. Bỏ quan quy ẩn, là lựa chọn của rất nhiều nhân sỹ cuối thời Minh. Họ sống trong thời loạn Minh Quý, có người cảm niệm chủ cũ, có người phá bỏ tình thế gian, không hẹn mà cùng trốn chạy rời xa thế tục, tìm cách giải thoát tâm linh.

Có lẽ trong quá trình tu Chân, cái tình cô liêu tịch mịch chuyển hóa thành cái tâm xuất trần thế. Ví như Bạch Nguyên Phúc, nhìn thấy Võ Đang tang thương, liền quyết tâm hiến thân cho Đạo, dốc sức khôi phục cảnh quan xưa của cung quán Tử Tiêu, Nam Nham v.v…, trở thành người phục hưng Võ Đang. Năm Thuận Trị thứ 13 (năm 1656), ông lại chủ trì tu sửa Minh Chân Am, làm nơi thu nhận đệ tử giảng Đạo, bồi dưỡng loạt Đạo nhân mới cho phái Long Môn.

Năm Khang Hy thứ nhất (năm 1662), ông được Vân Dương phủ Trị Vương đến nhậm chức tài trợ, đã tu sửa khôi phục lại dốc Thái Tử, đảm nhiệm chủ sự. Vào thời khắc trước khi kết thúc sự nghiệp tu luyện, ông ở tuổi 71 đã lựa chọn ngồi đả tọa ngay ngắn ở Minh Chân Am vũ hóa. Có lẽ trong lòng vị Đạo nhân này, phục hưng Đạo pháp Võ Đang là đoạn đời có ý nghĩa nhất trong cả cuộc đời ông.

Trong các Đạo phái thời đầu nhà Thanh, phái Long Môn có thể nói là một nhành hoa đẹp độc đáo, điều này cần phải kể đến công lao của một vị tông sư khác là Vương Thường Nguyệt. Ông vốn là bậc kỳ tài tu Đạo có huệ căn cực lớn, thời trẻ đi khắp các danh sơn, nghiên cứu sâu Đạo pháp, có cảm ngộ về sự tinh vi của Đạo giáo, quyết chí chấn tông hoằng giáo. Thời trung niên, ông bái sư Triệu Phục Dương – người đã quy y môn phái Long Môn Võ Đang, được Triệu Phục Dương mật truyền tâm pháp.

Triệu Phục Dương đã từng hỏi ông: “Gần đây ứng vật trì tâm, được gì mất gì?”, ông đáp, huyền phong suy bại, tìm thần chấn hưng. Thầy khích lệ rằng: “Bậc quân tử đi đến tận cùng của Đạo gọi là thông, Đạo đã có, ta tu hành, sao lo phong khí tông phái không chấn hưng được”. Từ đó trở đi, Vương Thường Nguyệt ẩn cư tu hành ở núi Hoa Sơn, một hôm được Đẩu Mẫu điểm hóa: “Duyên của ngươi ở phương Bắc, chớ trì trệ nơi này”. Lúc đó đúng lúc Thế Tổ vào quan ải, ông bèn quả quyết lên phương Bắc gặp Thánh thượng, truyền bá Đạo pháp, được Thế Tổ lễ trọng, ba lần ban áo tía, đồng thời phụng chỉ truyền Đạo ở Bạch Vân Quán, thu nhận hơn nghìn đệ tử.

Những năm đầu thời Khang Hy, Vương Thường Nguyệt lại dẫn môn đồ xuống phía Nam mở đàn thuyết giới, khiến cho phái Toàn Chân Long Môn ngày càng hưng thịnh ở miền nam. Trong thời gian đó, ông đến Ngọc Hư Quán núi Võ Đang hoằng Đạo, quá nửa Đạo nhân Võ Đang tấp nập đến quy theo. Dưới sự nỗ lực của hai vị cao Đạo truyền giới, giảng Đạo, Đạo phái Võ Đang xuất hiện hưng thịnh phục hưng, các cung quán như Nguyên Hòa Quán, Thái Tử Pha v.v… đã mở ra “Thập phương tùng lâm”, kết duyên các Đạo nhân khắp  thiên hạ.

Năm Hàm Phong thứ 6 (năm 1856), cuộc phản loạn của quân khăn đỏ, từ thành cỏ Quân Châu đánh thẳng đến Kim Đỉnh Võ Đang. Cuộc chiến tranh khốc liệt này kết thúc bằng đại thắng của quân Thanh, nhưng binh lửa đột ngột đổ xuống này lại lần nữa phá hủy tất cả những gì mà các Đạo nhân Võ Đang đã khôi phục. Các cung Tử Tiêu, Triều Thiên, Thái Hòa đều bị hư hại nặng, các Đạo nhân lưu lạc phân tán khắp nơi. Những năm đầu thời Đồng Trị, lại một trang nam nhi từ quan bước vào Võ Đang, trở thành truyền nhân đời thứ 13 của phái Long Môn, sau này trở thành “Đạo nạp” (Ông Đạo) của Tử Tiêu Cung. Vị Đạo nhân lai lịch phi phàm này chỉ để lại cho lịch sử Đạo danh “Dương Lai Vượng”.

Dương Lai Vượng thấy các cung uyển trong núi đại đa số đã đổ nát, phát nguyện trùng tu Võ Đang, bèn đích thân dẫn môn đệ xuống núi vất vả quyên góp hơn 10 năm, lần lượt tu sửa phục hồi trên 3.000 gian điện vũ Võ Đang như các cung Tử Tiêu, Nam Nham, Thái Hòa, đồng thời tu sửa cầu cống, đường xá nhiều nơi, khiến Võ Đang đổi mới từ trên xuống dưới. Đồng thời với tu sửa cung quán, Dương Lai Vượng còn đi khắp núi, truyền rộng rãi Đạo pháp phái Long Môn, thu nhận trên 5.000 đồ đệ, dốc sức chấn hưng Đạo phái. Do cống hiến của ông, ngọn núi lớn này đã nhanh chóng khôi phục lại nguyên khí, lại tu hợp hơn ngàn Đạo chúng, đồng thời xuất hiện cục diện chấn hưng dài mấy chục năm.

Triều Thanh, chiến loạn không ngừng, và hưng thịnh cực đỉnh triều trước, khiến vận mệnh núi Võ Đang rất gập ghềnh trắc trở, nhưng các Đạo nhân trong núi và các tín sỹ ngoài núi lại hết lần này đến lần khác tỏa ra sức sống của Võ Đang. Thực ra, điều họ kỳ vọng và truy tầm, không phải là các tòa cung điện nguy nga hoa lệ, mà là lòng kiên định giữ Đại Đạo vĩnh hằng giữa trời đất, và lòng thành kính và cảm ân đối với Thần minh phù hộ nhân gian.

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Hải Sơn biên dịch

Exit mobile version