Núi cao mây mù là nơi xa cõi hồng trần nhất, và là nơi gần thiên giới nhất. Các đạo sỹ xuất gia tu hành, một khi vào núi ẩn cư, thì trong con mắt người thường, họ đã là nửa Thần rồi. Nhẫn nại chịu đựng cái thanh khổ của kẻ rời xa chốn nhân gian, triệt ngộ đại đạo ‘vô vi nhi vô bất vi’ (không làm gì mà không gì là không làm), trở thành bí mật không để người ngoài nói đến, mà lại khiến người ta mong muốn vào chốn núi sâu tìm kiếm kỳ tích.
Tiếp theo: Phần 1, Phần 2, Phần 3, Phần 4.
Hàng trăm hàng nghìn năm nay, câu hỏi luôn treo lơ lửng trong lòng chúng ta là: Người khoác áo đạo, búi tóc quấn cao, là có thể thực sự thanh tâm quả dục, đoạn tuyệt duyên trần không? Rời xa chốn hồng trần, tìm đến vòng tay của núi rừng, có thể thực sự công thành viên mãn, luyện được thần thông hay gọi là công năng đặc dị hay không?
Đây cũng là vấn đề được nói bàn đã rất lâu về núi thần Võ Đang. Truyền thống tu hành của Đạo giáo, đại đa số là nội ngoại kiêm tu, tập hợp tu thân dưỡng tính, phục khí đạo dẫn, thái dược luyện đan thành nhất thể, vốn đã hiển lộ những huyền diệu và thần bí khắp nơi. Nhưng Chân nhân Trương Tam Phong bước đến Võ Đang, không chỉ hồng dương đạo phái Võ Đang, mà còn sáng lập ra võ thuật nội gia Võ Đang có bản sắc độc đáo riêng biệt. Ông và những truyền nhân của ông, dựa vào công phu Võ Đang, đã để lại những kỳ tích võ lâm lấy nhu khắc cương, chiến nhi bất thắng.
Công phu có ngồn gốc từ núi sâu lấy tên là “Thái cực” kinh điển nhất của Đạo gia, đã cuốn hút càng ngày càng nhiều người vào núi sâu, tìm về trí huệ của Thánh hiền.
Mơ được Thần truyền thụ, quyền pháp nội gia ra đời
Trên đỉnh ngọn Triển Kỳ Phong Võ Đang có một mảnh đất phúc địa, do các dãy núi đến đây hợp lại, tự nhiên hình thành hình cái ghế báu, từ đời Tống bắt đầu dựng tòa Tử Tiêu Cung. Ngày nay, trong cung có thờ trên 100 pho tượng thần từ đời Nguyên đến Minh Thanh, cùng với binh khí, bí mật của sư tổ Trương Tam Phong có lẽ được cất giữ trong đó.
Bước vào Tử Tiêu, bạn liền chiêm ngưỡng tượng Trương Tam Phong bằng đồng, tư thế ngồi. Ông mỉm cười nhẹ nhưng lại trang nghiêm, tĩnh mặc, thần thái chứa đựng vẻ hòa ái và uy nghiêm của Thánh nhân. Mà bên cạnh một khám thờ Thần còn có một bức bích họa, bức tranh loang lổ không đầy đủ nhưng vẫn sống động như thật, tranh vẽ một đạo sỹ đang quan sát cảnh chú chim hỷ thước đang giao tranh với một con rắn. Tương truyền, Trương Tam Phong đã từ cuộc đấu trí công thủ, nhanh chậm, trên dưới này mà tham ngộ được huyền bí của quyền nội gia, đã để lại “Thái Cực thập tam thức” (13 chiêu thức Thái Cực).
Về hai báu vật của Trương Tam Phong, một cái là tĩnh xem trần thế với tư thái thường hằng, một cái là diễn dịch võ đạo bằng động thái của đấu võ, mà lại cùng được thờ ở phúc địa Tử Tiêu Cung, dường như là để truyền cho người đời tinh thần Đạo gia âm dương, động tĩnh, hư thực tương sinh.
Nguồn gốc Thái Cực quyền, còn có một phiên bản thiêng liêng hơn. Theo ghi chép quyền nội gia Võ Đang sớm nhất “Bài minh bia mộ Vương Chinh Nam” có chép: “Đêm mơ được Huyền Vũ truyền thụ quyền pháp, sáng hôm sau một mình giết trên trăm tên cướp”. Đây lại là cội nguồn thần kỳ của Trương Tam Phong và Võ Đang. Đạo Sỹ ở tuổi cổ lai hy, khi tu đạo, trong mộng gặp Huyền Vũ Đại Đế hiển thánh, luyện được quyền pháp nội gia thượng thừa. Ngay ngày hôm sau, một mình ông đối mặt với trên trăm kẻ địch mạnh, với một địch trăm, thi triển uy lực thần quyền.
Ngày nay, kỹ thuật Thái cực quyền được mọi người biết đến, thư hoãn viên nhu (thư thái, chậm rãi, tròn trịa, mềm mại), giống như khúc múa thiên giới phiêu du như tiên, và chẳng có chút lực sát thương nào. Có lẽ, sức mạnh của quyền nội gia đến từ một thời không nhìn không thấy, đúng như đạo phi thường, không nơi nào không có lại không có hình thái cụ thể. Nếu muốn thể ngộ ý nghĩa đích thực của quyền nội gia, người đời ắt phải làm đạo sỹ tâm cảnh hư không, sáng tỏ, trong tu luyện đả khai trí huệ và thần thông, thì thấy được năng lượng vô hình được gọi là “nội công” ngoài những động tác quyền cước hữu hình.
Bất kể là quyền pháp tự nhiên hay mộng được Thần truyền thụ, nguyên do Trương Tam Phong sáng tạo võ thuật nội gia, đều là ấn chứng một sự thật, quyền nội gia Võ Đang cắm rễ sâu vào văn hóa tu luyện Đạo giáo, mỗi chiêu thức của nó, đều lộ ra những huyền cơ của tiên thiên đại đạo.
Học quyền nhập đạo, Thái cực quyền độc nhất thiên hạ
Mặc dù lai lịch của quyền nội gia Võ Đang không thể nắm rõ được như thế, nhưng Trương Tam Phong và những truyền nhân của ông đã giải thích nội hàm cho người đời sau trong những trước tác văn chương của Thái cực quyền. “Học Thái cực quyền tu liễm thần tụ khí luận” là kinh văn đạo của Thái cực và Thái cực quyền do Trương Tam Phong luận thuật. Ông nói: “Do đó truyền quyền pháp Thái cực của tôi, trước tiên phải hiểu rõ đạo kỳ diệu của Thái cực”. Trước Thái cực vốn là vô cực, đó là cơ chế tiên thiên của vạn vật. Khi thế giới phân chia trời đất, hai khí âm dương theo đó mà sinh, hình thành hình tượng “Thái cực” âm tĩnh dương động, âm nghỉ dương sinh, sống động không ngừng mà lại biến hóa vô cùng.
Đối với thân thể người mà nói, có động có tĩnh, tự có âm dương, tự nhiên giống như là thái cực, đây có lẽ chính là cơ sở để người tu tập Thái cực quyền có thể hiển hiện rất nhiều kỳ tích. “Nhất âm nhất dương gọi là đạo”, luyện quyền tức là tu đạo, là một phương pháp tu luyện bác đại tinh thâm siêu vượt trên cái lẽ người thường. Do đó Trương Tam Phong cũng nói: “Học Thái cực quyền, là nền tảng để nhập đạo, nhập đạo để dưỡng tâm định tính, tụ khí thu thần là chính”. Những luận thuật sau đó, có lẽ làm cho người đời cảm thấy vô cùng khó hiểu thâm sâu, nghĩ về người xưa tu đạo, đa phần là đơn truyền, ẩn tu, thầy trò truyền thừa cũng là khẩu truyền tâm thụ, nếu muốn nắm bắt được một môn huyền diệu cốt yếu, có lẽ duy chỉ có tuyệt tục đoạn niệm, bái làm môn hạ bậc minh sư chân chính, thì mới có thể lĩnh hội được.
Trước khi võ thuật nội gia Võ Đang nổi danh thiên hạ, võ lâm Trung Hoa tôn công phu Thiếu Lâm là đệ nhất, tôn sùng cương, mạnh, nhanh, luyện mình đồng da sắt. Đại đa số võ thuật khi đả quyền xuất chưởng, đều như bão táp mưa sa, khiến đối thủ khó mà chống đỡ, thuộc về công phu ngoại gia. Nhưng Thái cực quyền so với Thiếu Lâm, thì lại cực chậm, cực mềm, tĩnh mà như động, động mà như tĩnh, tựa như có chiêu, mà cũng như vô chiêu, chứa đựng triết lý không tranh thắng đấu mạnh mà sinh, lại hàm chứa sức mạnh bên trong bất tận.
Loại võ thuật không giống võ thuật này, động tĩnh lên xuống đều là hình tròn, phảng phất chính là một tầng hình thái của Thái cực đồ. Hơn 300 năm trước, nhà tư tưởng Hoàng Tông Hy vào giao thời Minh Thanh đã viết bài minh bia mộ cho người bạn thân của ông – quyền sư phái Võ Đang Vương Chinh Nam, có đề cập đến: “Thiếu Lâm nổi danh thiên hạ bởi quyền dũng, nhưng chủ yếu là đánh người ta, người ta cũng đánh lại. Có quyền được gọi là nội gia, lấy tĩnh chế động, đòn đánh tới thì thuận tay hóa giải, do đó khác biệt với Thiếu Lâm là ngoại gia”. Quyền nội gia đặc biệt là một gia độc nhất, phân tích ra có thể nói là tinh thâm.
Con trai Hoàng Tông Hy, truyền nhân duy nhất của Vương Chinh Nam là Hoàng Bách Gia đã nói ra sở trường của võ thuật nội gia trong “Nội gia quyền pháp” là: “Từ ngoại gia cho đến Thiếu Lâm, quyền thuật của họ rất tinh thâm. Trương Tam Phong rất tinh thông Thiếu Lâm, rồi từ đó lật ngược, do đó gọi là nội gia, đắc được 1, 2 phần của ông cũng đủ thắng Thiếu Lâm”. Trương Tam Phong tinh thông Đạo pháp và võ học thiên hạ, đem tu đạo và luyện võ dung hợp quán thông, do đó mới sáng tạo ra quyền nội gia Võ Đang độc nhất thiên hạ.
Quyết chí tu hành, thần thông ẩn mà không lộ
Đạo sỹ xưa nay tu hành, đa phần tập võ để phụ trợ tu đạo, quyền pháp, kiếm thuật không chỉ một mà đủ. Người tu đạo đoạn tuyệt tục duyên, không để ý đến danh lợi nhân gian, cho rằng “Người muốn thành tựu lớn thì luyện công, người muốn thành tựu nhỏ thì luyện võ”, luôn luôn coi loại tuyệt kỹ này là “mạt học bất cấp” (Môn học hạng bét, không quan trọng)
Do đó, đại đạo có chân công phu, không chỉ ẩn mà không lộ, càng hiếm xuất hiện cõi trần thế, ẩn cư nơi ngoài chốn nhân gian. Mặc dù lớp lớp cao nhân xuất hiện, các điển tích phần lớn cũng không ghi chép các hoạt động võ thuật của các đạo sỹ. Núi tiên Võ Đang, cũng có các tiên nhân xuất hiện các đời giống như vậy. Có lẽ, chúng ta chỉ có thể thông qua một số văn tự hữu hạn mà lịch sử để lại để tìm hiểu cái thần kỳ của võ học Đạo gia.
“Tống sử” có chép, Lã Động Tân đời Đường tinh thông kiếm thuật, trên trăm tuổi mà dung mạo như hài đồng, bước đi nhanh vun vút, trong nháy mắt đã đi được mấy trăm dặm, người đời gọi là “Kiếm tiên”. Bút ký “Xuân Chử ký văn” có chép, Trần Đoàn thời Ngũ Đại giỏi thuật phi kiếm, có thể từ trong ống tay áo phóng ra đoản kiếm, cắt thân cây làm hai khúc. “Đạo viên học cổ lục” đời Nguyên có chép, đạo sỹ cuối đời Tống là Hồ Đức Huyền gặp dị nhân trên đỉnh Võ Đang, khi trời băng tuyết phủ kín, dị nhân vẫn ngồi cả ngày đả tọa thanh tu, trong nhà lại ấm áp như mùa xuân.
Những ghi chép này, chẳng phải so với Trương Tam Phong thần thông một mình đánh lui trăm cường địch cũng là những huyền diệu tuy khác mà lại giống nhau đó sao? Mà thần uy của Thái cực quyền, trên người hai vị truyền nhân, cũng triển hiện ra thật đặc sắc. Người nổi tiếng nhất, là một vị hậu sinh vào những năm Gia Tĩnh đời Minh, đó là Trương Tùng Khê.
Chuyện của Trương Tùng Khê được thu thập ghi chép lại trong “Ninh Ba phủ chí”, khác với các hiệp khách tung hoành thiên hạ trong ấn tượng của mọi người, Trương Tùng Khê khiêm cung như Nho sinh, người yếu như không khoác nổi cái áo. Mỗi khi có người tìm ông tỷ võ, ông luôn luôn nhẫn nhượng từ chối, đến khi không thể né tránh được, mới đành phải ứng chiến. Một lần, Trương Tùng Khê khoanh tay ngồi xuống, hòa thượng Thiếu Lâm phi cước đá, ông chỉ nghiêng người giơ tay, đẩy hòa thượng ra, hòa thượng Thiếu Lâm liền như đạn bay sao rơi, rụng sầm xuống đất, thở hắt ra. Khi Trương Tùng Khê 70 tuổi, một chưởng đánh xuống, đập vỡ đồng thời 3 tảng đá lớn mấy trăm cân.
Còn có một vị sau đó không lâu chính là Vương Chinh Nam, cuộc đời ông có thể thấy ở bài minh trên bia mộ ông. Ông thuở trẻ tòng quân, sau khi bị quân địch bắt bèn lập kế trốn thoát, mấy chục lính gác vội vàng đuổi theo, nhưng bị một sức mạnh vô hình đánh ngã, bò lăn bò càng không thể đứng lên được. Còn có một lần, Vương Chinh Nam bị 7, 8 đại đội lính bắt đi làm lao dịch, ông khổ sở cầu xin mà không được tha, đành phải bỏ những vật nặng đang cõng trên lưng xuống ở trên cầu. Quân lính trông thấy liền vung đao chém, Vương Chinh Nam tay không giơ lên đỡ, quân lính từng tên từng tên tự nhã nhào, binh đao cũng leng keng rơi xuống đất.
Thời thế đổi thay, Thái cực chân truyền nơi nao
Từ Trương Tam Phong về sau, Đạo giáo Võ Đang phục hưng và hồng dương, võ thuật Võ Đang nổi danh bốn biển, trong võ lâm Trung Hoa hình thành thịnh danh “Bắc tôn Thiếu Lâm, nam sùng Võ Đang”. Cho đến nay, tại các nơi trên thế giới có mấy trăm triệu người luyện Thái cực quyền, quyền nội gia Võ Đang từ Trung Hoa đã truyền bá ra khắp nơi trên thế giới, điều này có lẽ là vinh hạnh mà một loại quyền thuật khó mà có được. Cánh cửa lớn của Đạo giáo mở rộng, người người đều có thể tiếp xúc được với Thái cực, vậy Thái cực quyền ngày hôm nay còn có sức mạnh của sư tổ năm xưa không, mọi người luyện tập đó có phải là Thái cực chân chính không?
Trong “Thái cực quyền ca”, Trương Tam Phong nói: “Nhập môn dẫn đường phải truyền miệng, công phu không ngừng nghỉ thì pháp tự tốt lên”. Thái cực quyền khác với rèn luyện chữa bệnh khỏe người ở nhân gian, là pháp môn tu đạo chân chính. Đã là tu hành, ngoài chiêu thức còn có tâm pháp, hơn nữa càng chú trọng sự thăng hoa của tâm tính và đức hạnh. Người luyện quyền ắt phải do đích thân sư phụ khẩu truyền, thì mới có thể lĩnh hội được cái huyền diệu của Thái cực, trong quá trình tu thân dưỡng tính dần dần nâng cao “Công lực”, thể hội tinh túy chân thực của Thái cực quyền.
Tu hành Đạo giáo lấy đơn truyền là chính, truyền thừa của sư môn cực kỳ nghiêm ngặt, đệ tử được truyền cũng phải là người có thiên phú cực tốt, phẩm đức cao thượng. Người tu đạo thà tuyệt kỹ thất truyền, chứ nhất quyết không tùy tiện truyền cho người ngoài. Do đó có thể thấy, mấy trăm năm nay, các đồ đệ đạo ngút ngàn, có lẽ cũng học được một vài chiêu thức quyền, nhưng người được chân truyền Thái cực thì chỉ lác đác mấy người, còn người nổi danh Thái cực quyền thì như lông phượng sừng lân.
Thái cực quyền truyền đến thế hệ Vương Chinh Nam, cả đời ông thu nhận đồ đệ cũng rất nghiêm ngặt, chỉ truyền công pháp cho Hoàng Bách Gia – con trai Hoàng Tông Hy. Mà Hoàng Bách Gia cho đến cuối đời cũng không tìm được người thích hợp kế thừa y bát. Thế là, ông đành phải đau buồn lạy ân sư khóc trong “Vương Chinh Nam tiên sinh truyện”: “Con đã phụ ơn tri ngộ của tiên sinh, thuật này đã trở thành khúc Quảng Lăng Tản rồi (Không người thừa kế), con thà nhẫn chịu thôi!”. Thì ra, đã rất lâu ngày từ thời Minh Thanh, tâm pháp Thái cực quyền đã thất truyền, đã phong kín lại trong ký ức lịch sử cùng với các bậc tiên hiền rồi.
Như vậy, chúng ta cũng có thể đoán định rằng, Thái cực quyền sau thời Hoàng Bách Gia chỉ còn lại là chiêu thức quyền thuật, không có minh sư truyền thụ tâm pháp, hoặc là ngay cả quyền pháp cũng chưa chắc đã là hình dáng ban đầu lúc Trương Tam Phong sáng tạo ra. Điều này là sự thực mà người hôm nay không muốn thừa nhận, nhưng không thể không đối diện với nó.
Thái cực quyền hôm nay, môn phái mọc lên như nấm, người tập đông đúc, có ai biết tu luyện đạo pháp trong võ thuật như thế nào, và có ai có thể luyện ra được sức mạnh kinh thiên động địa mà tổ tiên xưa đã thể hiện?
Trong sơ suất, Thái cực quyền đã bị trôi mất mấy trăm năm, đây tuy là tổn thất của văn minh Đạo giáo, cái huy hoàng một thuở lại bảo cho chúng ta rằng, trên đời này, Thần đã từng đến, trên đời này đã từng có công pháp nội ngoại kiêm tu, xuất quỷ nhập thần độ hóa nhân loại. Công pháp mật truyền xưa nay hiếm người biết, người đời cũng đa phần không tin, nhưng nếu như có một công pháp tu luyện, được hồng truyền ra thế giới, lại gần trong tấc gang, nơi nào cũng có thể gặp, liệu chúng ta còn nhẫn tâm đễ nó trôi mất nữa không?
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Hải Sơn biên dịch