Đại Kỷ Nguyên

“Sếp” xa hoa lãng phí sẽ nhận được kết quả như thế nào?

Mạnh Tử từng mắng Lương Huệ Vương: “Bếp vua có thịt béo, tàu ngựa vua có ngựa mập, mà dân thì có sắc đói, đồng ruộng la liệt những kẻ chết đói, như thế khác nào vua sai thú ăn thịt người. Loài thú ăn thịt lẫn nhau người ta còn ghét thay, nay làm cha mẹ dân, cai trị dân mà sai thú ăn thịt người thì có đáng làm cha mẹ dân không?”

Lịch sử đã chứng minh, lối sống xa hoa lãng phí của tầng lớp cai trị chính là điềm báo vong quốc.

Cái bô của Mạnh Sưởng

Mạnh Sưởng là Hoàng đế cuối cùng của nước Hậu Thục, trị vì vùng đất mà ngày nay là tỉnh Tứ Xuyên. Ông ta đã đầu hàng nhà Tống khi quân đội Hậu Thục bị nhà Tống đánh bại. Khi Tống Thái Tổ thấy cái bô của Mạnh Sưởng có gắn 7 viên kim cương quý hiếm, ông đã nghiền nát nó.

Ông nói với Mạnh Sưởng: “Ngươi dùng bảy viên kim cương để trang trí cho một cái bô? Vậy thì ngươi sẽ trang trí cho cái bát ăn cơm thế nào đây? Hành vi của ngươi như vậy, không mất nước thì còn như thế nào nữa?”

Tùy Dạng Đế cắt lụa làm lá, nhà Tùy diệt vong

Tùy Dạng Đế tên thật là Dương Quảng, là con thứ hai của Tùy Văn Đế (Dương Kiên). Năm 604, Dương Quảng đã bí mật độc sát cha rồi lên làm vua.

Vừa mới lên làm vua, Tùy Dạng Đế đã huy động hàng triệu phu phen để xây dựng đông đô Lạc Dương, vườn Tây Uyển… Về mùa thu, mùa đông cây trong vườn trụi lá, Tùy Dạng Đế ra lệnh phải dùng lụa màu cắt thành lá, thành hoa dán lên cây và thả xuống mặt hồ để phong cảnh trong vườn luôn luôn như mùa xuân.

Tùy Dạng Đế đặc biệt thích đi tuần du bên ngoài kinh thành Lạc Dương. Mỗi lần Dạng Đế đi tuần du là mỗi lần như có nước lũ tràn về, bất kể là nông thôn hay thành thị đều bị chà đạp giày xéo đến xác xơ. Chỉ riêng đồ dùng và nghi trượng phục vụ cho một lần tuần du đã cần hơn 10 vạn công nhân chế tác và tiêu tốn hàng triệu quan tiền. Lần tuần du đầu tiên kéo dài đúng nửa năm trời, sau đó Tùy Dạng Đế mới trở lại kinh đô Lạc Dương. Từ đó về sau, hầu như năm nào Tùy Dạng Đế cũng mở cuộc tuần du.

Về việc này, Ngụy Trưng nhận xét trước mặt Đường Thái Tông rằng:

“Dương Quảng tuần du, yêu cầu quan quận huyện dâng thức ăn, lấy sự thịnh soạn làm tiêu chuẩn thưởng phạt, kết quả thiên hạ đại loạn.

Vì hoang dâm hưởng lạc vô độ, Dạng Đế ngày càng bỏ bê chính sự, trọng dụng gian thần, xa lánh trung lương, lại tăng thuế nhằm phục vụ cho việc tiêu khiển, khiến quân tướng tổn hao, lòng dân oán hận. Cuối thời Dạng Đế, quần hùng nổi dậy khởi nghĩa kháng Tùy, triều Tùy dần đi vào con đường suy vong. Năm 618, ông bị Hứa Quốc công Vũ Văn Hóa Cập sát hại ở Giang Đô, không bao lâu sau đó, nhà Tùy chính thức diệt vong.

Theo cuốn “Trinh Quán Chính Yếu,” Đường Thái Tông đương thời đã giảng về vấn đề “không nên tham lam” cho quần thần như sau:

“Đế vương cũng như vậy, nếu như mặc sức hưởng lạc, bắt dân chúng lao dịch vô độ, tín nhiệm trọng dụng tiểu nhân, xa rời những người trung thành chính trực, v.v… Thế thì triều đại đó không thể không diệt vong sao? Tùy Dương Đế sống xa hoa lãng phí, mà lại còn tự nhận là thánh hiền, cuối cùng đã chết trong tay dân thường.

Xa hoa lãng phí là biểu hiện của nhân tâm đạo đức suy đồi. Hôn quân vô Đạo sẽ chuốc lấy kết cục gì? Ôn cố tri tân, bài học lịch sử kia há chẳng phải là lời cảnh tỉnh cho thời đại chúng ta ?

Mã Lương

Xem thêm:

Exit mobile version