Cổ nhân luôn coi trọng âm đức. Các bậc tiền bối xưa thường răn dạy con cháu: Làm người cần phải trọng đức, hành thiện, đời này không hưởng thì đời sau hưởng. Người làm nhiều việc thiện, tích nhiều âm đức thì sẽ được phúc báo, con cháu đời đời hưng thịnh.
Thời xưa có Trình Hiếu Liêm, vì ra tay cứu người mà tích được âm đức lớn, về sau được phúc báo mà thành danh.
Chuyện kể rằng, ở huyện châu nọ có một ngôi làng nhỏ, đường vào làng là một cây cầu gỗ chật hẹp bắc ngang qua dòng nước xiết. Trong làng có người tên là Trình Hiếu Liêm. Một ngày nọ ông Trình cùng gia quyến ra khỏi làng, tình cờ trông thấy có người bị nước cuốn trôi. Ông bèn kêu gia nhân nhảy xuống nước cứu người lên, thì ra đó là một cô nương trẻ đẹp.
Ông đưa cô gái về nhà rồi bảo vợ giúp cô lau khô người và thay bộ y phục khác. Lúc tỉnh dậy cô gái mới kể lại sự tình, rằng cô vào làng thăm người thân, đến khi trở về thì phải đi qua cây cầu gỗ chật hẹp, cô sơ ý trượt chân ngã xuống và bị nước cuốn đi. Lúc đó trời đã tối nên cô gái không tiện hồi gia, Trình Hiếu Liêm bèn mời cô nghỉ lại tệ xá, để ngủ chung giường với vợ của mình.
Sáng sớm hôm sau, Trình Hiếu Liêm lại cho vợ đưa tiễn cô gái trở về nhà. Cô gái ấy vốn đã được cha mẹ hứa hôn, hai bên gia đình đã hẹn ngày tổ chức hôn lễ. Nhưng khi biết chuyện cô qua đêm ở nhà người khác, nhà trai nghi ngờ về trinh tiết của cô nên đã nói lời từ hôn. Thật là ‘tình ngay lý gian’, gia đình cô gái đành chịu nỗi oan mà không cách nào giải thích.
Chuyện đến tai Trình Hiếu Liêm, ông bèn lặn lội đường xa tìm đến tư gia của đàng trai để bày tỏ sự tình. Họ Trình lại đem danh dự của bản thân bảo đảm cho tiết hạnh của cô gái, nhờ vậy mà hai bên gia đình lại kết thành thông gia.
Nhưng thật không may, được một năm sau thì người chồng đoản mệnh qua đời, cô gái nọ phải chịu cảnh mẹ góa con côi. Song cô là một người đức hạnh, một lòng thủ tiết thờ chồng nuôi con mà không chịu tái giá. Người con trai nhờ công dưỡng dục của mẹ đã lớn khôn từng ngày, ra công chăm chỉ đèn sách, miệt mài kinh sử, sau này cũng thi đậu cử nhân. Mặc dù vậy nhưng mẹ cậu vẫn luôn cảm thấy phiền lòng, mắt lệ chứa chan nhớ đến sự việc năm xưa được ân nhân cứu mạng mà chưa có ngày báo đáp. Vì thế, bà luôn căn dặn con trai rằng:
– Sau này đỗ đạt thành danh, con nhất định phải báo đáp ân đức của nhà họ Trình.
Năm đó triều đình mở khoa thi, Trình Hiếu Liêm và con trai người thiếu phụ cũng góp mặt. Trình Hiếu Liêm đang làm bài thì đột nhiên nghe thấy tiếng kêu khóc ở phòng thi kế bên. Ông lấy làm lạ bèn cất tiếng hỏi:
– Này cậu, sao cậu lại khóc?
Người thanh niên kia nghẹn ngào kể lể:
– Tôi làm được một bài văn rất hay, thật sự rất tâm đắc! Nhưng trong lúc quá cao hứng tôi đã sơ ý làm cháy mất, đến giờ tâm trạng não nề tôi chẳng thể tiếp tục làm bài thi được nữa. Giờ đây nghĩ đến công lao dưỡng dục của mẫu thân ở nhà, tôi lại càng thêm phiền muộn trong lòng.
Trình Hiếu Liêm lấy làm cảm kích mà rằng:
– Xin cậu bớt đau buồn, tôi năm nay cũng đã ngoại ngũ tuần, tài học lại hữu hạn, khóa thi lần này chẳng biết thế nào. Nếu không đỗ đạt thì cũng uổng công đèn sách mấy mươi năm, phụ lòng thê tử nuông chiều. Nếu cậu không còn tâm trạng làm lại bài thi nữa, vậy chi bằng cậu hãy thuật lại bài văn của cậu cho tôi nghe, tôi xin chép lại. Về sau nếu được công thành danh toại, ghi tên bảng vàng, tôi sẽ chẳng quên ơn.
Người thanh niên đồng ý cho họ Trình chép lại bài văn của mình. Quả nhiên khoa thi năm đó Trình Hiếu Liêm đỗ tiến sĩ. Tiếng lành đồn xa, người thanh niên nọ hay tin, nhớ lời ước hẹn năm xưa mà tìm đến phủ họ Trình kể công.
Khi gặp Trình Hiếu Liêm người thanh niên bèn hỏi:
– Không hay ông đã làm được việc tốt gì ở trên đời, tích được âm đức lớn, mới có thể lấy bài văn của tôi mà thành danh như vậy?
Trình Hiếu Liêm vốn không muốn nhắc lại chuyện cũ, nhưng vì người thanh niên gạn hỏi mãi, ông bèn đem sự việc năm xưa mà thuật lại cho cậu nghe. Cậu ta nghe xong lấy làm sửng sốt, nghẹn ngào không nói nên lời, phủ phục làm lễ bái tạ ân nhân. Thì ra cô gái từng được ông cứu mạng lại chính là thân mẫu của người thanh niên này.
Người thanh niên cúi đầu chắp tay nói:
– Xin ân công thứ lỗi, vì tôi không biết nên đã mạo phạm! Ngài đã cứu mẫu thân tôi một mạng, lại đứng ra bảo toàn danh tiết cho mẹ tôi. Vì thế mà mẹ con tôi mới được như ngày hôm nay. Làm sao tôi dám đòi ân công báo đáp được? Thường ngày mẫu thân tôi vẫn hai mắt đẫm lệ mà dặn dò tôi rằng: “Con không được quên ơn cứu mạng của nhà họ Trình”. Nay nhờ hồng phúc mà gặp được ân công, tôi thật là vinh hạnh lắm lắm.
Về nhà, người thanh niên nọ còn cho gia nhân đem rất nhiều lễ vật đến biếu tặng Trình Hiếu Liêm. Từ đó, hai gia đình qua lại như họ hàng thân thích, đời sau kết thành thông gia, nghĩa nặng tình thâm.
***
Khen cho Trình Hiếu Liêm vì nghĩa quên thân, ra tay cứu người gặp nạn. Lại khen cô gái trẻ tiết hạnh sắt son, một lòng thủy chung thờ chồng nuôi con, đem học vấn của mình mà dạy dỗ con khôn lớn thành tài. Càng không thể tiếc một lời khen cho người con hiếu thảo, đem tài học của mình giúp mẹ báo ân. Quả là người sống trọn nghĩa vẹn tình, tiếng thơm để lại cho hậu thế.
Đọc tích xưa mà ngẫm việc đời nay, biết chuyện đời nay lại thấy cần phải học người xưa. Ôn lại chuyện xưa mà tỏ tường việc đời nay, có như thế tâm mới được đủ đầy, mới thấu tỏ việc đời tốt xấu, hay dở ra sao. Tuy nói là chuyện kim cổ xưa nay nhưng chẳng qua cũng chỉ như đàm đạo chuyện sớm chiều trong trời đất mà thôi.
Trúc Dật
Theo Secretchina
Bạn đang đọc bài viết: “Ra tay cứu người tích ‘âm đức’ lớn, được báo đáp thi đỗ Tiến sĩ” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: daikynguyen.vanhoa@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn! |