Đại Kỷ Nguyên

Nước Thục có Gia Cát Lượng, nhà Lý có Tô Hiến Thành

"Việt sử thông giám cương mục" có lời nhận định về Tô Hiến Thành: “Sau Gia Cát Vũ hầu chỉ có một người ấy thôi”. Ảnh minh hoạ: The BL Daily.

Năm 223, Hán Chiêu Liệt Đế Lưu Bị qua đời ở cung Vĩnh An, trước lúc lâm chung đã gửi gắm thái tử Lưu Thiện cho Thừa tướng Gia Cát Lượng. Gia Cát Lượng “cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi”, danh thơm muôn thuở. Ngót 1000 năm sau, ở dải sông núi phương Nam xuất hiện một vị đại công thần, cũng nhận lời thác cô của tiên đế mà hết lòng phò ấu chúa, gương trung nghĩa tiết liệt còn sáng mãi muôn đời.

Đó chính là Thái phó Tô Hiến Thành.

“Dẹp loạn phò chúa yếu”

Tô Hiến Thành (1102-1179) là quan đại thần phụ chính nhà Lý, phụng sự hai triều vua Lý Anh Tông và Lý Cao Tông. Nếu như khi xưa Gia Cát Lượng phò tá Lưu Bị vốn chỉ đang trấn giữ một thành Tân Dã nhỏ bé trong bối cảnh chiến tranh loạn lạc liên miên, rồi lại phò tá Lưu Thiện bấy giờ còn nhỏ tuổi, Nam bình Mạnh Hoạch, Bắc phạt Tào Ngụy, thì thời vua Anh Tông và Cao Tông mà Tô Hiến Thành phụng sự cũng nhiều tao loạn, rối ren như thế. Hai vua nhà Lý lại kém sáng suốt, chính sự chẳng rõ ràng, “giặc cướp nổi lên, giềng mối rối loạn, không thể nói xiết” (1).

Tô Hiến Thành đã tham gia và chỉ huy trấn dẹp các cuộc nổi loạn trong nước và đẩy lui các cuộc xâm lấn của Chiêm Thành. Năm 1140, Thân Lợi tự xưng là con của vua Lý Nhân Tông, rồi nổi loạn chống lại vua Lý Anh Tông, đánh chiếm các vùng từ biên giới phía Bắc đến tận Thái Nguyên. Triều đình hai lần cử quân tiến đánh nhưng đều thất bại. Tháng 5/1141, Thân Lợi chuẩn bị cho quân tiến đánh Thăng Long, triều đình cử Thái úy Đỗ Anh Vũ đi đánh, Thân Lợi trốn sang châu Lạng, bị Thái phó Tô Hiến Thành bắt được và giao cho Đỗ Anh Vũ đóng cũi giải về kinh sư. 

Thân Lợi cùng 20 thân tín bị xử chém, 400 đồng đảng bị xử lưu đày. Cuối năm 1142, Tô Hiến Thành viện dẫn những việc nhân đức của các đời vua trước, mong vua Lý Anh Tông tha tội cho 400 người bị lưu đày, tạo phúc cho dân chúng. Vua nghe theo. Việc làm này khiến ta liên tưởng tới chuyện Thừa tướng Gia Cát Lượng “bảy lần bắt, bảy lần thả” Mạnh Hoạch khi xưa, thu phục lòng người.

Tháng 5 năm Đại Định thứ 20 (1159) người Ngưu Hống và Ai Lao làm phản, Tô Hiến Thành lại nhận lệnh đi trấn dẹp, bắt được nhiều người, trâu bò ngựa và vàng bạc châu báu. 

“Ân cần việc thác cô”

Thái tử Long Xưởng hư hỏng nên bị vua Lý Anh Tông phế truất, con thứ là Long Trát được phong làm thái tử. Đại Việt sử ký toàn thư có chép:

Mùa hạ, tháng tư, vua không khỏe, cố gượng sai Tô Hiến Thành ẵm thái tử mà quyền nhiếp chính sự.

Mùa thu, tháng 7, ngày Ất Tỵ, vua băng ở điện Thuỵ Quang. Trước đó, khi vua ốm nặng, hoàng hậu lại xin lập Long Xưởng, vua nói: “Làm con bất hiếu còn trị dân sao được”. Di chiếu cho Tô Hiến Thành giúp rập thái tử, công việc quốc gia nhất nhất tuân theo phép cũ. Bấy giờ thái hậu muốn làm việc phế lập, sợ Hiến Thành không nghe, mới đem vàng bạc đút cho vợ là Nữ thị. Hiến Thành nói: “Ta là đại thần nhận mệnh tiên đế dặn lại giúp rập vua bé, nay lấy của đút mà làm việc phế lập thì còn mặt mũi nào trông thấy Tiên đế ở suối vàng?”. Thái hậu lại gọi Hiến Thành đến dỗ dành trăm cách. Hiến Thành trả lời: “Làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, kẻ trung thần nghĩa sĩ đâu có vui làm, huống chi lời của Tiên đế còn ở bên tai, điện hạ lại không nghe việc của Y Doãn, Hoắc Quang hay sao? Thần không dám vâng chiếu”. Việc bèn thôi.

Lòng chính trực, trung nghĩa của Thái phó Tô Hiến Thành thật chẳng thẹn với Gia Cát Võ hầu khi xưa! 

Thế nhưng Chiêu Linh thái hậu chưa từ bỏ ý định của mình. Hết quốc tang. Chiêu Linh hoàng thái hậu ban yến cho các quan ở biệt điện, bảo rằng: “Hiện nay Tiên đế đã chầu trời, vua nối còn thơ ấu, nước Chiêm Thành thất lễ, người phương Bắc cướp biên. Các khanh chịu ơn nặng của triều đình, nên lo việc của nước nhà. Kế sách ngày nay không gì bằng lập lại thái tử, để vận nước được lâu, lòng dân được yên”. Các quan đều chắp tay cúi đầu nói: ‘Thái phó nhận mệnh lệnh rõ ràng của thiên tử. Bệ hạ cũng đã nhiều lần dỗ bảo rồi, bọn thần không dám trái lệnh’ (Trích Đại Việt sử ký toàn thư). 

Tô Hiến Thành phụ chính hết lòng, sử sách còn ghi, vua Lý Cao Tông lên ngôi từ tháng Bảy năm Ất Mùi (1175) đến tháng Giêng năm Bính Thân (1176) mới đổi niên hiệu vua, đại xá cho thiên hạ. Đó “là vì có Tô Hiến Thành phụ chính, biết trở lại lễ cổ” (2).       

“Tài cao hơn Quản, Nhạc/ Mẹo giỏi quá Tôn, Ngô”

Dù không thành công trong mục tiêu cuối cùng là thống nhất Trung Nguyên, khôi phục nhà Hán, nhưng sau hai nghìn năm, người dân Tứ Xuyên vẫn còn nhắc đến những thành tích trị quốc ở đất Thục của Gia Cát Lượng. Nếu như sử gia Trần Thọ từng nhận định về tài trị nước của Khổng Minh: “Khắp trong lãnh thổ đều kính trạng mà nể sợ, hình phạt tuy nghiêm khắc song dân gian không oán thán, lấy chánh tâm công bằng mà khuyên thiện trừ ác vậy; thực là người hiền tài đại độ trong điều hành chánh sự, có thể nói ví như Quản Trọng và Tiêu Hà cũng chẳng thể hơn”; thì Đại Việt sử ký toàn thư cũng ca ngợi sự công minh của Tô Hiến Thành: “Hiến Thành quản lĩnh cấm binh, nghiêm hiệu lệnh, thưởng phạt công bằng, người trong nước đều quy phục”. 

Tiếc rằng lịch sử không lưu lại nhiều chi tiết về tài trị nước, điều hành chính sự của Thái phó họ Tô, nhưng giữa thời buổi bất ổn rối ren như thế, bên ngoài thì có giặc loạn, bên trong thì chịu áp lực của thái hậu, vua lại còn quá nhỏ chưa biết gì, mà Tô Hiến Thành vẫn vững vàng như thế, thì đủ biết tài của ông. Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: 

“Tô Hiến Thành nhận việc ký thác con côi, hết lòng trung thành, khéo xử trí khi biến cố, tuy bị gió lay sóng đập mà vẫn đứng vững như cột đá giữa dòng, khiến trên yêu dưới thuận, không thẹn với phong độ của đại thần đời xưa”. 

“Thắm thiết lời dâng biểu”

Gia Cát Lượng từng viết “Xuất sư biểu” dâng lên Thục Hán Hậu chủ Lưu Thiện trước khi ông thân chinh dẫn quân đi Bắc phạt. “Xuất sư biểu” là những lời thống thiết từ tận đáy lòng bày tỏ sự tận trung của Gia Cát Lượng với nhà Thục Hán và những lo lắng của ông cho sự an nguy của đất nước, với hai câu nói nổi tiếng: “Cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi”. Tô Hiến Thành cũng đã từng “dâng biểu” với những lời gan ruột, không chút tư tâm, hết lòng vì xã tắc như thế.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư:

“…khi Tô Hiến Thành nằm bệnh, Tham trì chính sự Vũ Tán Đường ngày đêm hầu bên cạnh, Gián nghị đại phu Trần Trung Tá vì bận việc không lúc nào rỗi để tới thăm hỏi. Đến khi bệnh nặng, thái hậu thân đến thăm, hỏi rằng: “Nếu có mệnh hệ nào thì ai là người có thể thay ông?”. Hiến Thành trả lời: “Trung Tá có thể thay được”. Thái hậu nói: “Tán Đường hàng ngày hầu thuốc thang, sao không thấy ông nhắc đến?”. Hiến Thành trả lời: “Vì bệ hạ hỏi người nào có thể thay thần nên thần nói đến Trung Tá, còn như hỏi người hầu dưỡng thì phi Tán Đường còn ai nữa?”. Thái hậu khen là trung…”

“Sinh vi tướng, tử vi Thần”

Khi vua Cao Tông được 7 tuổi, Tô Hiến Thành vì tuổi cao sức yếu, lâm trọng bệnh rồi mất. Nhà vua bớt ăn ba ngày, nghỉ thiết triều 6 ngày để tỏ lòng thương tiếc.

Khi ông mất đi, nhiều nơi tôn vinh ông làm Phúc Thần, nhiều nơi thờ ông làm Thành hoàng, còn quê hương Hạ Mỗ ở Đan Phượng thì tôn ông làm chủ Thần điện Văn Hiến đường. Văn bia ở Văn Hiến đường, dựng vào năm Bảo Đại thứ 3 (1928) còn ghi rằng: “Công trạng của Ngài còn mãi với đất nước, ân trạch của Ngài còn mãi với xóm thôn, anh linh của Ngài còn mãi trong trời đất”. Nhiều nơi trên cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… đã lập đền thờ để ghi nhớ công ơn của Tô Hiến Thành. 

Tô Hiến Thành là điển hình cho câu “Sinh vi tướng, tử vi Thần” – cũng như năm xưa khi Gia Cát Lượng mất đi toàn dân Thục Hán rất đỗi thương tiếc, trăm họ tế cúng, sau bao thế kỷ, nhân dân “vẫn ca tụng sự tích, lập miếu và tế tự ở nhiều nơi, ông đã để lại sự thương nhớ của mọi người mãi mãi khắc sâu như thế” (3).

Mặc dù Thái phó Tô Hiến Thành không quá nổi tiếng về tài thao lược dùng binh, thần cơ diệu toán như Thừa tướng Gia Cát Lượng, nhưng lòng trung thành, chính trực và đức độ của ông có thể sánh với hiền nhân xưa. Các sử thần triều Nguyễn trong Việt sử thông giám cương mục có lời nhận định rằng: “Sau Gia Cát Vũ hầu chỉ có một người ấy thôi”.

Xin mượn lời thơ Nguyên Vi Chi để bày tỏ lòng kính ngưỡng và nỗi tiếc thương vô hạn đối với hai vị tể tướng Hán triều và Lý triều mà tài đức sáng mãi cùng nhật nguyệt.

 Dẹp loạn phò chúa yếu,
Ân cần việc thác cô.
Tài cao hơn Quản, Nhạc.
Mẹo giỏi quá Tôn, Ngô.
Thắm thiết lời dâng biểu,
Tài tình phép trận đồ.
Đức ngài cao thịnh lắm,
Thiên cổ tiếng thơm tho!
 Chú thích:
(1) (2) Trích Đại Việt sử ký toàn thư
(3) Lời Tôn Tiền đời nhà Đường
Exit mobile version