Đại Kỷ Nguyên

Những câu chuyện liêu trai trong ‘La Sát hải thị’

Ảnh: Bí ẩn chưa được giải đáp - Epoch Times

Đôi khi, những câu chuyện trong đời thực còn hay hơn tiểu thuyết, điển hình là câu chuyện luân hồi của chính Bồ Tùng Linh.

Chào mừng các bạn đến với Bí ẩn chưa được giải đáp!

Mấy hôm nay, ca khúc “La Sát hải thị” (Ảo ảnh của vương quốc La Sát) của Đao Lang bỗng trở nên phổ biến trên Internet. Chỉ trong 10 ngày, lượng phát sóng toàn cầu đã đột phá 10 tỷ lượt, tốc độ lan truyền thật đáng kinh ngạc. Có người nói, thật tiếc là Đao Lang chỉ hát mà không nhảy, nếu kết hợp với vũ đạo, đảm bảo sẽ nổi tiếng khắp thế giới như “Gangnam Style” của bác Psy.

“La Sát hải thị” là ca khúc chủ đề trong album mới “Sơn ca liêu trai” của Đao Lang. Có 11 bài hát trong album, không ít bài trong số đó được mượn tích từ những câu chuyện trong “Liêu Trai chí dị” của Bồ Tùng Linh. Hôm nay, chúng ta hãy nói về những câu chuyện liêu trai đã truyền cảm hứng cho Đao Lang. Trước tiên hãy kể về “La Sát hải thị”.

La Sát hải thị

Nhân vật chính của câu chuyện là Mã Kí, một chàng trai Hoa Hạ tướng mạo khôi ngô, tính tình hào sảng. Mã Kí ra nước ngoài kinh doanh, vì nhân duyên tế hội mà đến một đất nước xa lạ. Người dân ở đó xấu xí vô cùng.

Mã Kí đi tứ xứ tìm một chỗ lưu trú, nhưng mọi người khi nhìn thấy anh chàng đều vô cùng sợ hãi, lần lượt bỏ chạy. Cuối cùng, chỉ có cư dân của một ngôi làng nhỏ nằm sâu trên núi mới tiếp nạp anh chàng. Họ không quá xấu xí nhưng đều ăn mặc rách rưới, trông giống như những kẻ ăn xin. Họ nói đây là Vương quốc La Sát vĩ đại. Ở đất nước này, người càng xấu thì địa vị càng cao. Họ vì chưa đủ xấu xí mà có số phận khốn khổ. Người đẹp trai như Mã Kí sẽ là quái vật ăn thịt người trong mắt họ.

Lúc đó, Mã Kí mới chợt nhận ra tại sao mọi người lại trốn tránh khi nhìn thấy mình. Ngày hôm đó, chàng theo những thôn dân đi đến đô thành, vừa lúc hạ triều, các quan lại lần lượt rời khỏi cung điện. Chỉ thấy Tương quốc trưởng “hai tai xệ xuống tới vai, ba lỗ mũi”. Lại nhìn những quan chức khác, họ đều có khuôn mặt gớm ghiếc. Khi các quan viên nhìn thấy Mã Kí, tất cả đều kinh hãi, chỉ có một vị chấp kích lang, là quan thủ vệ cửa cung, là không sợ chàng. Nguyên lai ông ấy hồi trẻ từng làm quan ngoại giao, là người có tri thức rộng, biết rằng ở cách xa vạn lý có một nước Trung Quốc, con người ở đó rất tuấn mỹ.

Mã Kí nhanh chóng trở thành bạn tốt của ông ấy, cùng nhau uống rượu và tìm một số ca sĩ hát cho vui. Đáng tiếc là những ca sĩ này đều giống như quỷ dạ xoa, và những bài hát họ hát cũng lạc điệu. Mã Kí không thể nghe được nữa, nên gõ lên bàn và tự mình hát một bài. Viên chấp kích lang liên tục tán thưởng, muốn tiến cử anh chàng với quốc vương vào ngày hôm sau. Tuy nhiên, các đại thần cho rằng người đàn ông này thực sự quá xấu xí, sợ kinh động thánh giá, liền ngăn cản. Tuy nhiên, Mã Kí sau đó đã gặp được quốc vương, trở thành người được quốc vương sủng ái. Vậy anh chàng ấy đã làm thế nào?

Hóa ra Mã Kí đã lóe lên ý tưởng, anh chàng bôi than lên mặt, giả làm Trương Phi mặt đen. Bấy giờ, các triều thần trên dưới đều yêu mến Mã Kí, ca ngợi mỹ dung của anh chàng, và phần thưởng của quốc vương không ngừng tuôn vào túi anh chàng.

Đáng tiếc, hảo cảnh không dài lâu, chẳng mấy chốc các đại thần đã biết được bí quyết sắc đẹp của Mã Kí, tâm lý trở nên mất cân bằng, nói rằng anh chàng này đều dựa vào khuôn mặt mà kiếm cơm, nhưng khuôn mặt ấy không thuần tự nhiên, làm sao đeo một cái mặt giả mà lại có thể được quốc vương ưu ái đến thế? Mã Kí cảm thấy không ổn, nên xin quốc vương cho đi nghỉ dài ngày, rồi lẻn về ngôi làng nhỏ nơi mình đã được tiếp nhận.

Các thôn dân chào đón chàng trở về như một người hùng. Họ nhìn thấy hy vọng từ chàng. Bạn thấy đấy, những người xấu xí như yêu quái vẫn có thể trở nên đáng yêu trước mặt quốc vương, nên tương lai của họ chẳng phải cũng tươi sáng sao? Mã Kí cũng biết cảm ơn, phân phát số tiền có trong tay cho dân làng. Dân làng vô cùng cảm kích, đưa chàng ra chợ biển ngắm cảnh.

Mã Kí gặp “Đông Dương Tam thái tử” sống ở chợ biển, hai người ý hợp tâm đầu, nên chàng cùng thái tử đến thăm Long Cung. Long Vương rất thích chàng, lập tức mời chàng làm phò mã. Long nữ xinh đẹp và đức hạnh, hai vợ chồng sống bên nhau ân ân ái ái. Mã Kí mỗi ngày đều sống cuộc sống như thần tiên ở đây. Nhưng ba năm sau, chàng bắt đầu nhớ nhà.

Long nữ nói, chúng ta có thể đưa chàng trở lại, nhưng vì tiên phàm cách biệt, thiếp không thể quay về với chàng, duyên phận hai người coi như kết thúc ở đây. Mã Kí rất buồn khi nghe điều này, nhưng chàng nhớ quê hương tha thiết, nên vẫn nhất quyết ra đi. Khi đó, Long nữ đã mang thai và sau đó sinh ra một cặp song sinh rồng và phượng. Ba năm sau, Long nữ phái người giao những đứa con cho Mã Kí, điều này cũng là đặt dấu chấm hết cho mối tình duyên.

Cuối câu truyện, Bồ Tùng Linh nhận xét: “Hoa diện phùng nghênh, thế tình như quỷ”, “Hiển vinh phú quý, đáng ư thận lâu hải thị trung cầu chi nhĩ!”. Ý tứ là nói, mang bộ mặt giả tạo để nghênh hợp thế tục, thì nhân tình không khác gì loài quỷ. Trong một xã hội như thế, một người bình thường muốn đạt được vinh hoa phú quý, e là chỉ có thể tìm thấy điều đó trong ảo ảnh mà thôi (thận lâu hải thị 蜃樓海市 trong tiếng Trung là ảo ảnh).

Một số người thắc mắc không biết có phải chính đoạn văn này đã tạo cảm hứng cho Đạo Lang viết bài hát “La Sát hải thị” hay không, nhưng bốn chữ “Thế tình như quỷ” đã thực sự chỉ ra chỗ tinh túy của ca khúc này.

Sau khi nói xong câu chuyện của Vương quốc La Sát, hãy nói về một thế giới bình hành thời thượng hơn. Đây là một ca khúc khác trong album “Tranh Tường” của Đao Lang.

Tranh tường

Người ta kể rằng Mạnh Long Đàm người Giang Tây đã đến tham quan một ngôi chùa cùng với một vị cử nhân họ Chu. Ngôi chùa không có gì đặc biệt, ngoại trừ những bức bích họa trên tường của Phật điện thì thập phần tinh mỹ, các nhân vật trong tranh đều sống động như thật. Trên bức tường phía đông là một nhóm tiên nữ cầm hoa, trong đó có một thiếu nữ để tóc xõa, đang mỉm cười với một đóa hoa trên tay, đôi môi đỏ mọng he hé, như thể đang muốn nói gì.

Cử nhân họ Chu bỗng xuất thần, chàng đột nhiên cảm giác thân thể mình nhẹ nhàng bay bổng xuyên vào bức tường. Trước mắt bỗng hiện ra những điện đường lâu các trùng trùng điệp điệp, không giống như thế giới nhân gian. Một lão hòa thượng đang ngồi trên cao giảng kinh thuyết pháp, rất nhiều người vây quanh lắng nghe, chàng cũng lẫn vào trong đám đông. Tiên nữ rải hoa đột nhiên xuất hiện bên cạnh chàng, nâng y phục của chàng, anh chàng trong tâm hoan hỉ, bèn theo nàng tiên rời đi. Hai người nhanh chóng kết thành vợ chồng.

Lúc này, Mạnh Long Đàm đột nhiên phát hiện Chu cử nhân đã mất tích, nên kinh ngạc hỏi vị lão hòa thượng đang dẫn đường. Vị sư già mỉm cười, dùng ngón tay gõ nhẹ vào tường, hét lớn: “Chu thí chủ, sao người đi lâu như vậy vẫn chưa quay lại?” Lúc này, trên bức tranh tường xuất hiện chân dung của Chu cử nhân, quay tai sang một bên như thể đang lắng nghe điều gì đó, rồi từ trong bức tường đột nhiên bay xuống. Mạnh Long Đàm sửng sốt, hỏi mới biết anh chàng cử nhân đã tiến vào thế giới trong tranh.

Lúc này, nhìn lại tiên nữ trên bức tranh, chỉ thấy tóc nàng đã được búi cao, không còn mặc trang phục như thiếu nữ nữa. Cả hai người đều rất bối rối, nhưng họ chỉ có thể nói lời cáo từ.

Trong ca khúc, Đạo Lang đã hát: “Nàng trong tranh thảng thốt chờ đợi mà quên mất bản thân mình từ đâu mà đến, thời khắc này, nơi tôi đang đứng là thế giới dị thường bên ngoài ngoài bức tranh của nàng”. Câu này chính là để khắc họa trường cảnh đương thời một cách vô cùng hình tượng.

Câu chuyện luân hồi – Lưu cử nhân

Nhắc đến Liêu Trai, thì không thể không nhắc đến rất nhiều câu chuyện luân hồi trong đó. Trong album của Đao Lang có một ca khúc tên là “Hoa Quỷ”, kể về một mối tình duyên bất đắc. Đôi uyên ương đã luân hồi mấy kiếp mà vẫn không cách nào tương tụ, tiếng ca uyển chuyển thê lương của họ đã chạm đến trái tim của vô số người hâm mộ. Đây là câu chuyện nào của Liêu Trai?

Trên thực tế, câu chuyện này không hẳn do Bồ Tùng Linh viết, mà là do chính Đao Lang sáng tác. Tuy nhiên, những câu chuyện về luân hồi trong Liêu Trai cũng không thua kém gì. Hai câu chuyện nổi tiếng nhất trong số đó đều có tên là Tam sinh.

Nhân vật chính của câu chuyện đầu tiên là một cử nhân họ Lưu. Ông vốn là một sĩ đại phu, nhưng trong đời đã làm không ít việc trái đạo đức. Sau khi ông chết, Diêm Vương phạt ông kiếp sau làm ngựa. Trước khi đầu thai, Lưu đã lén đổ hết mê hồn thang, nên dù mang thân ngựa, nhưng tư duy vẫn là người, không muốn sống cuộc sống ngày nào cũng bị đánh đòn, nên đã tuyệt thực ba ngày rồi chết đói.

Sau khi trở lại địa ngục, Diêm Vương vô cùng tức giận khi nhìn thấy Lưu, nói rằng vì đã hữu ý trốn tránh, nên phạt đầu thai làm chó. Lần này chủ nhân của con chó đã nhận nó làm thú cưng, đối xử rất tốt với nó. Tuy nhiên, Lưu vẫn không nguyện ý làm động vật, nên đã cắn vào chân chủ nhân một cách tàn nhẫn, kết quả bị đánh chết bằng một chiếc gậy như nguyện.

Nhưng Diêm Vương càng tức giận hơn, nói rằng Lưu hung tàn như vậy, phạt đầu thai làm rắn. Lần này Lưu mới quyết định không tàn hại sinh linh, làm một con rắn ăn chay, chỉ ăn trái cây và thực vật. Một năm sau, Lưu nghĩ ra một ý hay, trườn ra giữa đường cái rồi nằm đó, chẳng bao lâu sau bị một chiếc xe chạy ngang qua đè chết.

Lần này Diêm Vương cuối cùng cũng tha thứ cho Lưu, cho Lưu kiếp sau làm người, nên kiếp đó ông đã trở thành Lưu Công. Lưu Công rất thông tuệ, từ khi sinh ra đã có thể nói được, văn chương thư sử hễ đã đọc qua đều không quên, sau này dễ dàng thi trúng cử nhân.

Phật gia có một thuyết pháp, gọi là “Nhân thân nan đắc”. Hãy nhìn những cuộc đời trước sau năm kiếp của Lưu Công, quả thực là như vậy.

Câu chuyện thứ hai là oan oan tương báo trói chặt ba kiếp của hai người.

Câu chuyện luân hồi – Ân oán trói chặt ba kiếp

Giáp mỗ người Hồ Nam có thể nhớ được những sự tình của ba kiếp. Ông từng là một vị quan địa phương, làm giám khảo các kỳ thi của triều đình. Có một vị thí sinh tên Hưng Ư Đường uất ức đến chết vì bị Giáp mỗ đánh trượt bài thi. Khi đến âm gian, anh chàng đã liên hợp với các thí sinh chết sớm khác, đệ đơn kiện tập thể, nói rằng Giáp mỗ đã hại chết họ. Dưới áp lực, Diêm Vương kết án Giáp mỗ phải chịu nỗi đau bị mổ ngực moi tim. Mọi người giải được oán khí nên giải tán, nhưng ân oán giữa hai người từ đó hình thành.

Sau đó, Giáp mỗ chuyển sinh thành con trai của một gia đình bình thường, khi mới hai mươi tuổi bị nhầm là một tên thổ phỉ. Vị tướng quân đến tiễu phỉ chính là Hưng Ư Đường chuyển thế. Tướng quân vừa nhìn thấy, không thèm nghe lời phân bua của Giáp mỗ, đã chặt đầu anh chàng. Lần này đến lượt Giáp mỗ uất ức, cáo trạng lên Diêm Vương. Kết quả là Diêm Vương phán Giáp làm con chó lớn, còn Hưng Ư Đường làm con chó nhỏ. Khi hai người chuyển sinh thành chó, họ gặp nhau ở một khu chợ. Hận nhân tương kiến lập tức đỏ mắt, sau một phen cắn xé nhau điên cuồng, cả hai đều chết, và họ lại đến gặp Diêm vương.

Lần này, hai người càng tranh cãi nhau gay gắt hơn. Diêm Vương nói, khi nào oan oan tương báo, hãy để ta thay các ngươi hóa giải, liền cho Hành Ư Đường kiếp sau làm con rể của Giáp mỗ. Trong kiếp này, con rể cho rằng mình có tài, nên động tí là ức hiếp bố vợ, nhưng Giáp mỗ đều nhẫn nhịn được. Sau này con rể bất đắc chí, đã trung niên vẫn chưa thể thành đạt sự nghiệp, Giáp mỗ đi tứ xứ nhờ vả, cuối cùng giúp anh ta có được chút công danh. Từ đó về sau, ân oán giữa hai người cuối cùng cũng được hóa giải, hai người tương xử thân thiết như cha con kể từ đó.

Tam thế luân hồi của Bồ Tùng Linh

Hai câu chuyện này có thú vị không? Nhưng câu chuyện luân hồi ý vị nhất ở Liêu Trai là câu chuyện được viết trong lời tựa của “Liêu Trai chí dị”. Đây là câu chuyện luân hồi của chính Bồ Tùng Linh.

Ông kể rằng khi được sinh ra, cha ông đã mơ thấy một vị hòa thượng ốm yếu, mặc áo cà sa hở vai phải, bước vào phòng ngủ với một viên cao dược to bằng đồng xu đính trên ngực. Sau khi cha ông tỉnh dậy, ông từ từ đáp xuống. Sau này ông sinh ra với một vết bớt màu đen trên ngực, nằm đúng ở vị trí viên cao dược của vị hòa thượng trong giấc mơ của cha ông. Hòa thượng đó chẳng phải là tiền kiếp của Bồ Tùng Linh sao?

Không lâu sau khi Bồ Tùng Linh qua đời, tại Kim gia trang, nơi cách Bồ gia trang một trăm dặm, thương nhân Sơn Tây Từ Kính Hiên hạnh phúc vì sinh được quý tử, đặt tên con là Từ Côn. Một năm sau, có một vị thư sinh trẻ tuổi đến Kim gia trang trú mưa, đúng lúc đứa trẻ đang khóc, nhìn thấy thư sinh thì bỗng cười toe toét. Thư sinh hỏi ở đây là đâu, Từ Kính Hiên nói đây là Kim gia trang. Thư sinh đột nhiên bật khóc, nói đứa trẻ này chính là thầy giáo Bồ Tùng Linh của mình chuyển thế. Sau khi thầy lâm chung có lưu lại một câu: “Hồng trần tái đáo thị Kim hương”, ý tứ là kiếp sau chuyển sinh sẽ đến nhà họ Kim. Thư sinh đã tìm kiếm khắp nơi mà không tìm thấy, ai ngờ lại tình cờ gặp nhau ở đây.

Từ Kính Hiên kể về giấc mơ của mình trước khi đứa trẻ chào đời. Trong giấc mơ, ông nhìn thấy một Nho sinh lớn tuổi bên dòng suối có hàng dương liễu phất phơ trong gió, chỉ thấy lão Nho sinh tay cầm chiếc quạt đan bằng lá cây bồ quỳ, mỉm cười mà không nói một lời. Đột nhiên có một giọng nói vang lên bên tai ông, nói rằng đây là con trai của ngài. Thư sinh nói, lão Nho sinh cầm chiếc quạt bồ quỳ, đó chẳng phải là họ Bồ sao? Bồ Tùng Linh hiệu Liễu Tuyền, chẳng phải là chỉ hàng liễu bên dòng suối sao?

Và Từ Côn, chuyển sinh của Bồ Tùng Linh trong kiếp đó, cũng tự thân chứng kiến ​​​​một câu chuyện luân hồi kỳ diệu, câu chuyện này cũng được viết trong lời tựa của một cuốn sách. Cuốn sách này là “Liễu nhai ngoại biên” do Từ Côn viết khi trưởng thành, có hơn 300 câu chuyện tương tự như Liêu Trai, được gọi là phần tiếp theo của Liêu Trai.

Một trong hai văn sĩ viết lời tựa là Lý Kim Chi, học trò của Bồ Tùng Linh, và người còn lại là Vương Hữu Lượng, một thi nhân nổi tiếng thời kỳ Càn Long.

Trong lời tựa, họ viết rằng Từ Côn từ nhỏ đã thông minh lanh lợi, sẵn có tài tình. Tuy nhiên, cũng giống như Bồ Tùng Linh, sự nghiệp sĩ đồ của ông không hề thuận lợi, tài năng cả đời của ông đều dùng cho việc viết truyện.

Và cuộc hôn nhân của ông cũng đầy màu sắc ly kỳ. Người vợ đầu tiên của ông là Lưu Lục Nương, người huyện Tương Phần, Sơn Tây. Đáng tiếc, sau khi kết hôn không lâu, Lưu Lục Nương lâm bệnh qua đời, trước khi lâm chung, nàng nói với mẹ chồng: “Xin hãy chôn cất xương cốt của con thật tốt, kiếp sau con sẽ lại đến nhà mẹ”.

Sau đó, Từ Côn trở về quê hương Lâm Phần, tập trung viết truyện. Hí khúc “Truyền thuyết Vũ Hoa Đài” do ông viết đã trở thành kịch bản lưu hành nhất đương thời, được mọi người vô cùng yêu thích.

Vào ngày hôm đó, trên một sân khấu ở huyện Lâm Phần, vở “Truyền thuyết Vũ Hoa Đài” đang được biểu diễn náo nhiệt. Mẹ của Lưu Lục Nương chợt phát hiện một cô nương đặc biệt quen thuộc trong số khán chúng, mạnh dạn tiến lên hỏi, mới biết cô nương đó chính là hậu kiếp của Lưu Lục Nương. Cô nương vẫn còn nhớ được kiếp trước của mình, kiếp này cô tên là Lý Yểu, chỉ mới mười bốn tuổi.

Với sự giúp đỡ của mẹ Lưu, Lý Yểu đã kết hôn với Từ Côn một lần nữa, và tình cảm giữa hai người vẫn rất nồng ấm. Nhưng Lý Yểu lại nói: “Thiếp nhớ rõ khi từ âm gian chuyển thế đến dương gian, trong tay áo của thiếp có hơn hai mươi thẻ trúc, trong đó có chín thẻ mai hợp hoan trúc. Thiếp e là nhân duyên của thiếp và Từ lang chỉ có chín năm thôi”. Sau này Lý Yểu quả nhiên chết vì bệnh ở tuổi hai mươi tư, làm vợ của Từ Côn vừa tròn chín năm. Từ Côn bi thống mãi không thôi. Vì để tưởng nhớ người vợ hiền cả hai kiếp đều chung tình với mình, Từ Côn đã đặc biệt viết một kịch bản có tên là “Hợp hoan trúc truyền kỳ”.

Đôi khi, những câu chuyện trong đời thực còn hay hơn tiểu thuyết. Bạn có cảm thấy như vậy không?

Theo Epoch Times
Hương Thảo biên dịch

Exit mobile version