Đại Kỷ Nguyên

Người xưa ứng xử với quà cáp như thế nào?

Cứ mỗi dịp Tết đến là truyền thông lại có nhiều bài báo viết về vấn nạn quà cáp trong dịp này, làm sao phân biệt được “quà Tết” và “quà hối lộ”. Sở dĩ nhiều người chọn Tết để tặng quà cáp bởi mục đích dễ dàng được che đậy bởi đây chỉ là tặng “quà Tết”.

Tệ nạn tham nhũng quà cáp thời kỳ nào cũng xuất hiện, nhưng nó có “tồn tại và phát triển” được hay không là tùy thuộc vào người lãnh đạo. Lịch sử đã chứng minh thời kỳ nào còn giữ được niềm tin vào văn hóa cổ truyền của dân tộc, quan lại chiểu theo đó mà hành xử thì nạn quà cáp hối lộ, tham nhũng không thể tồn tại.

Chúng ta cùng xem người xưa đối mặt với nạn quà cáp, tham nhũng như thế nào.

Thời toàn thịnh vua Lê Thánh Tông, Vũ Tự đối mặt quà biếu thế nào?

Thời Vua Lê Thánh Tông đất nước vào giai đoạn hưng thịnh nhờ có vua anh minh và thẳng tay trừng trị tham nhũng. Thời đấy vua nghe nói có một vị quan tên là Vũ Tự làm quan rất thanh liêm, nhà vua vốn không tin nên quyết định thử xem tin đồn có thật hay không.

Vua biết có một người vừa được Vũ Tự xử cho thắng kiện liền bí mật gửi cho người này một mâm lễ vật quý, nói đưa lễ vật này cho Vũ Tự để cảm ơn vì đã xử cho thắng kiện. Vào đêm khuya người này mang lễ vật tới.

Sau khi người này cảm ơn vì được xử thắng kiện, Vũ Tự hỏi:

– Anh có biết ta là ai? Việc xét xử là theo luật vua ban, anh cho ta là người thế nào mà dám làm chuyện phi pháp này?

– Bẩm thượng quan, tập tục là thế, đây là tấm lòng thành tri ân…

– Ta há phải theo tập tục quái gở này để chịu ô danh như những kẻ tham lam khác hay sao?

Nói xong, Vũ Tự sai gia nhân đuổi người này ra khỏi tư dinh.

Vua Lê Thánh Tông sau đó đã cho người tặng Vũ Tự chữ “liêm tiết” đính vào cổ áo triều phục vào bàn việc quốc sự.

Vua Lê Thánh Tông chủ trương không dùng kẻ nịnh bợ, chỉ trọng người ngay thẳng, vì thế những kẻ luồn cúi nịnh bợ không có chỗ nơi chốn quan trường.

Vua nói:  “Người quân tử là cội gốc để tiến lên trị bình, kẻ tiểu nhân là thềm bậc dẫn đến họa loạn. Ta và các ngươi đã thề với trời đất dùng người quân tử, bỏ kẻ tiểu nhân, ngày đêm chăm chăm không lơi. Các ngươi chớ có quên đấy!”

Nhà vua cũng ban hành bộ luật Hồng Đức, định rõ tội danh và hình phạt với các quan lại tham nhũng. Từ đó, đất nước không còn chỗ cho nạn quà cáp tham nhũng tồn tại nữa, đánh dấu một thời kỳ toàn thịnh trong lịch sử Việt Nam.

Công Nghi Hưu và Dương Chấn luận về quà biếu

Công Nghi Hưu làm tướng nước Lỗ, rất thích ăn cá. Một hôm, có người đem cá đến biếu. Ông lại không nhận. Người em ngạc nhiên hỏi, ông đáp:

– Người ta đem cá cho chắc có ý muốn cầu ta việc gì. Nếu ta nhận thì ta phải giúp việc cho người. Giúp việc cho người, lỡ trái phép nước thì đến mất quan. Mà mất quan, thì chẳng những không có cá biếu, đến cả cá mua cũng không có nữa. Không nhận cá chính ta muốn có cá ăn hoài vậy.

Như thế chính là thanh liêm. Nhưng theo lời nói trên mà xét thì lòng thanh liêm của Công Nghi Hưu không tuyệt đối, vì còn sự cân nhắc lợi hại, thiệt hơn. Chưa bằng Dương Chấn đời Hậu Hán.

Dương Chấn tiến cử Vương Mật ra làm quan. Sau đó Dương Chấn được bổ nhiệm làm Thái thú Đông Lai. Khi đi ngang qua đất Xương Ấp là nơi Vương Mật cai trị. Nhớ ơn đề bạt ngày xưa, Vương Mật xin đến yết kiến rồi đêm khuya đem vàng đến dâng Dương Chấn. Thế nhưng Dương Chấn từ chối và nói rằng:

– Trước kia biết ông là người khá, tôi mới tiến cử ông. Thế mà ông vẫn chưa rõ bụng, còn đem vàng cho tôi?

Vương Mật cố nài ép, thưa:

– Xin Ngài nhận cho. Đêm khuya không ai biết.

Dương Chấn đáp:

– Trời biết, đất biết, ông biết, tôi biết. Sao gọi rằng không ai biết?

Vương Mật nghe nói xấu hổ bưng vàng lui ra.

Tấm lòng liêm khiết của Dương Chấn thật sáng tỏ như mặt trời.

Bàn về của báu                

Ở nước Tống, có người nhặt được hòn ngọc, đem biếu quan Tư thành là Tử Hãn. Tử Hãn từ chối không nhận. Người biếu ngọc thưa rằng:

“Ngọc này tôi đã đem cho thợ ngọc xem qua, quả là một thứ ngọc rất quý báu, mới dám đem dâng quan lớn, xin quan lớn nhận cho tôi được vui lòng”.

Tử Hãn nói: “Ngươi cho ngọc là của báu, ta cho ‘tính không tham’ là của báu. Ngươi đem ngọc cho ta, nếu ta nhận, thì hai bên cùng mất của báu cả. Âu là ngươi cứ đem về. Ai giữ lấy của báu của người ấy, như thế của báu của hai người đều còn cả, thì chẳng là hơn ư”.

Người dân thời xưa cũng thể hiện sự liêm khiết

Trong lịch sử, không chỉ có quan mới thanh liêm mà cả người dân giữ được đức tính liêm khiết của mình.

Vua nước Sở là Chiêu Vương bị giặc đánh phải bỏ nước chạy, người bán thịt dê cũng chạy theo. Sau vua Chiêu Vương lấy lại được nước, bèn thưởng cho những kẻ tòng vong. Người bán thịt dê cũng ở trong nhóm được thưởng.

Ai nấy đều nhận, chỉ có người bán thịt dê từ chối, nói rằng:

– Trước nhà vua mất nước, tôi mất nghề bán thịt dê. Nay nhà vua lấy lại được nước, tôi được trở lại nghề bán thịt dê. Thế là tôi giữ được nghiệp cũ, đủ ăn rồi, còn đâu dám mong thưởng nữa.

Nhà vua cố ép. Người bán thịt dê thưa:

– Nhà Vua mất nước không phải là tội tôi, nên tôi không dám liều chết. Nhà Vua lấy lại nước không phải là công tôi, nên tôi không dám lãnh thưởng.

Nhà Vua bảo:

– Để rồi ta đến nhà của ngươi chơi vậy.

Người bán thịt dê đáp:

– Theo phép nước Sở, người nào có công to, được trọng thưởng thì Vua mới đến nhà. Nay tôi xét bản thân tôi, mưu trí không đủ giữ được nước, dũng cảm không đủ giết được giặc. Quân giặc vào nước, tôi lánh nạn, phải theo nhà Vua, chớ có phải cốt theo giúp nhà Vua đâu. Nay nhà Vua bỏ phép nước, đến chơi nhà tôi, e thiên hạ nghe thấy chê cười vậy.

Vua Chiêu Vương nghe nói quay lại bảo quan Tư Mã Tử Kỳ rằng:

– Người hàng thịt dê này tuy làm nghề vi tiện mà giãi bày nghĩa lý rất cao xa. Nhà ngươi làm thế nào mời ra nhận chức Tam Công cho ta.

Người hàng thịt dê nói:

– Tôi biết chức Tam Công quý hơn nghề bán thịt dê, bổng lộc nghìn vạn, giàu hơn tiền lãi bán thịt dê. Nhưng tôi đâu dám ham tước lộc mà để Vua mang tiếng là gia ơn không phải nghĩa. Tôi thực không dám nhận. Xin cho tôi về giữ lấy nghề bán thịt dê của tôi.

Nói đoạn lui ra ngay.

Mạc Đĩnh Chi làm gì khi đột nhiên xuất hiện số tiền lớn trong nhà?

Mạc Đĩnh Chi làm quan rất thanh liêm nên gia đình thường nghèo túng. Sau khi lo cho đám tang của mẹ, cuộc sống của ông vốn thanh bạch giờ càng đạm bạc hơn. Vua Trần Minh Tông biết chuyện, liền hỏi một viên quan tin cẩn:

– Ta muốn trích ít tiền trong kho cho ngươi đem đến biếu Mạc Đĩnh Chi. Làm thế có được không?

Viên quan tâu với vua :

– Thần biết rõ Mạc Đĩnh Chi. Nếu cho người đem tiền đến, ông ấy sẽ không nhận đâu.

– Vậy khanh có cách nào khác không?

– Muôn tâu Bệ hạ! Thần nghĩ chỉ có cách lén bỏ tiền vào nhà, ông ấy không biết phải trả cho ai thì mới nhận.

Nhà vua ưng thuận, sai người đang đêm bỏ một gói tiền vào nhà Mạc Đĩnh Chi. Sáng hôm sau thức dậy, Mạc Đĩnh Chi thấy gói tiền trong nhà, liền đem vào triều, trình lên vua Minh Tông:

– Tâu hoàng thượng. Đêm qua ai đã bỏ vào nhà thần gói tiền này. Thần ngờ rằng đó là tiền của một người muốn đút lót thần để nhờ vả việc gì đó. Vậy thần đem tới, xin Hoàng thượng cho nộp tiền này vào công quỹ.

Vua Minh Tông đáp :

– Khanh có khó nhọc giúp người ta mới cho. Cứ coi đó là tiền của mình cũng được chứ sao?

– Phàm của cải không do tay mình làm ra thì không được tơ hào đến, Mạc Đĩnh Chi khảng khái tâu.

Vua Trần Minh Tông rất cảm kích trước tấm lòng trung thực, liêm khiết, trọng nhân cách hơn tiền bạc của Mạc Đĩnh Chi. Vua đành giữ lại tiền rồi cho Mạc Đĩnh Chi lui.

Ngày xưa người làm quan thường hay treo chữ “Liêm” ở vị trí trang trọng trong nhà, đạo làm quan quý nhất là chữ “Liêm”. Ngày nay cứ dịp Tết đến là dịp để các quan nhận quà cáp biếu xén, chữ “Liêm” ngày nay đã bị đánh mất rồi.

Ngọn Hải Đăng sưu tầm

Xem thêm:

Exit mobile version