Đại Kỷ Nguyên

Người làm việc thiện, chịu thiệt nhiều bao nhiêu phúc báo lớn bấy nhiêu

Lịch sử mấy nghìn năm đã lưu lại rất nhiều câu chuyện Nhân Quả, làm tấm gương cảnh tỉnh con người. Người làm việc thiện dẫu trước mắt có thiệt thòi, gian khổ, nhưng Trời cao luôn dành những điều tốt đẹp chờ đón họ.

Văn hoá truyền thống mấy nghìn năm của các dân tộc Á Đông đều tin vào quy luật “Thiện có thiện báo, ác có ác báo”. Người Việt Nam cũng có câu “Ở hiền gặp lành”, “Gieo gió gặt bão”. Có thể điều lành dữ không xảy đến ngay lập tức, nhưng nhất định một lúc nào đó khi cơ duyên chín muồi, chúng ta sẽ thọ nhận đầy đủ quả báo do nhân thiện ác của mình đã gieo.

Lịch sử mấy nghìn năm đã lưu lại rất nhiều câu chuyện Nhân Quả, làm tấm gương cảnh tỉnh con người. Người làm việc thiện dẫu trước mắt có thiệt thòi, gian khổ, nhưng Trời cao luôn dành những điều tốt đẹp chờ đón họ.

Làm quan thương dân, thọ mệnh kéo dài

Triều đại nhà Tần có một vị quan tên là Lâm Hạo, người tỉnh Phúc Kiến. Lần nọ, ông phụng mệnh hoàng đế đến tỉnh Thiểm Tây để xem xét công trình nạo vét lòng sông. Lâm Hạo tận mắt chứng kiến mấy vạn dân phu ngày đêm bị cưỡng bức nạo vét; vì làm việc quá sức, một số dân phu phải bỏ mạng tại công trường, còn số người bị thương thì nhiều không kể xiết.

Tần Thuỷ Hoàng nổi tiếng là một vị hoàng đế hà khắc, nhưng Lâm Hạo không hề sợ hãi. Vì quan tâm đến những người dân lành, ông đã dũng cảm lên kinh đô để tường trình với hy vọng hoàng đế có thể cho phép các dân phu thay phiên nhau nghỉ ngơi và mời thầy thuốc đến chữa trị bệnh tật cho họ. Song Tần Thuỷ Hoàng không những không phê chuẩn mà còn định xử trị Lâm Hạo.

Lâm Hạo tuy đau lòng nhưng cũng đành phải bó tay ngồi nhìn dân chịu khổ. Vì thế, ông sinh ra phiền muộn, lâu ngày thành bệnh rồi chết.

Sau khi chết, hồn ông được đưa đến âm phủ. Diêm Vương bảo ông rằng: “Nhờ sự cầu xin cứu mạng cho hàng vạn dân phu của ngươi nên ta cho ngươi được thọ thêm 50 tuổi”.

Nói xong liền ra lệnh bọn tiểu quỷ dẫn hồn ông trở lại dương thế. Lâm Hạo nhờ vậy mà được sống lại. Sau đó, ông xin từ quan, về quê sống ẩn dật cho đến lúc mất.

Lâm Hạo thương lo cho dân, việc dù khó khăn nguy hiểm đến đâu ông cũng cố gắng làm cho được, khiến quỷ Thần cũng phải kính phục. Dù việc tốt của ông không thành, nhưng thiện niệm to lớn ấy đã làm cảm động Trời xanh, nên ông được tăng thêm tuổi thọ.

(Ảnh minh họa: youtube.com)

Khoan dung với người, thăng quan tiến chức

Vào thời nhà Minh, có vị đại thần tên là Hạ Nguyên Cát. Một hôm, ông thấy một viên quan do bất cẩn làm mực bắn vào tờ Thánh chỉ của hoàng đế. Hạ Nguyên Cát biết anh ta quá sợ tội nên có thể tự sát, liền vội an ủi: “Anh đừng quá sợ hãi, tôi sẽ nghĩ cách giúp anh”.

Hôm sau, Hạ Nguyên Cát vào triều tâu rằng: “Muôn tâu Thánh thượng, hạ thần sơ ý đã làm bẩn Thánh chỉ, tội thần thật đáng chết”.

Hoàng thượng cười và nói: “Vậy ta phạt khanh chép lại một lần”.

Về sau, Hoàng thượng biết được sự tình, khen ông là người biết thông cảm, tha thứ cho thuộc hạ. Không bao lâu, Hạ Nguyên Cát lại được thăng làm Hữu thừa tướng. Thật là có lòng tốt cứu người ắt được phúc báo.

Làm một người chủ, một người có quyền, nếu thường xuyên quan tâm giúp đỡ những kẻ thuộc hạ, khoan dung và tha thứ cho những lỗi lầm của họ thì vị ấy tất sẽ được mọi người kính mến, dầu có gặp việc xấu cũng sẽ được hoá giải trở nên an lành.

Trả lại trâm vàng, cứu được hai người

Vào đời nhà Minh, có một thư sinh người ở Tô Châu tên là La Luân. Một hôm, anh ta cưỡi ngựa và dẫn theo một tiểu đồng cùng lên Nam Kinh dự thi. Trên đường đi, tiểu đồng cười nói rằng: “Hôm qua thật là gặp may, con đã nhặt được chiếc trâm vàng ở trong rãnh nước trước nhà người kia”.

Sau khi La Luân hỏi rõ sự việc, lập tức lấy chiếc trâm vàng cưỡi ngựa quay trở lại để trả cho người bị mất. Khi đến nơi thì trời đã tối, từ ngoài đã nghe trong nhà có tiếng nhiều người khóc lóc. Người đầy tớ gái vừa khóc vừa nói: “Con không có lấy chiếc trâm vàng đó”. Cô ta muốn nhảy xuống giếng tự tử để chứng minh sự trong sạch của mình. Bà chủ cũng khóc lóc mà bảo: “Tôi không có dính líu trong vụ mất cắp này”. Rồi bà cũng đòi treo cổ tự tử để chứng minh mình vô tội. Sau đó, La Luân nghe tiếng đánh đập, chửi rủa của một người đàn ông nên liền lớn tiếng kêu cửa.

Người đàn ông ấy liền mở cửa bước ra. La Luân kể rõ cho ông ta nghe việc tiểu đồng của mình bắt được chiếc trâm trong rãnh nước. Người chủ bấy giờ mới vỡ lẽ mọi chuyện và ăn năn nói rằng: “Cám ơn công tử đã kịp thời quay lại, nhờ vậy mà tính mạng của vợ tôi và đứa hầu gái mới được bảo toàn”.

Hoá ra chiếc trâm bị rơi vào bồn rửa rồi theo dòng nước chảy đến bờ rãnh và tiểu đồng nhân đó lượm được. Do đó mới tạo ra sự nghi ngờ và hiểu lầm.

Sau đó, La Luân tiếp tục đến Nam Kinh dự thi, cuối cùng đã đậu trạng nguyên. La Luân không tham của cải, tấm lòng lương thiện, nhờ trả lại trâm vàng mà cứu được hai mạng người, vậy nên phúc báo rất lớn.

(Ảnh minh họa: youtube.com)

Người nhẫn nhục sẽ được trường thọ

Huyện Chuẩn An tỉnh Giang Tô có một người họ Cường tên Phú. Ông là người hiền từ nhân hậu, đối đãi với mọi người rất ư độ lượng khoan dung.

Năm nọ, vào đêm giao thừa, bỗng ngoài cửa có một người lớn tiếng chửi mắng ông. Gia nhân thấy vậy rất tức giận, toan mở cửa ra đánh, nhưng ông ngăn lại và dạy rằng: “Do mừng năm mới, anh ta quá chén nên không tự chủ được bản thân. Vì vậy anh ta chửi mắng người khác là chuyện bình thường, các ngươi không nên tranh cãi làm gì”.

Mặc dầu nghe theo lời dạy của chủ nhưng gia nhân vẫn thấy tức giận và bất bình.

Ngay đêm hôm đó, ông Cường Phú nằm mộng thấy một vị Thần đến trước mặt mình khen rằng: “Giao thừa là đêm quan trọng mà ngươi nhẫn được việc người khác khó có thể nhẫn. Vì thế trên Trời rất tán dương, đặc biệt ban thêm phúc thọ cho ngươi”.

Về sau, ông Cường Phú hưởng tuổi thọ rất cao, con cháu cũng được giàu có.

***

Kinh Dịch có viết: “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh”, nghĩa là nhà tích thiện ắt có nhiều niềm vui. Dẫu trong thời đại nào, tích đức hành thiện cũng mang lại những điều tốt lành cho bản thân, gia đình và xã hội. Tiếc rằng ngày nay, số người hiểu và tin Nhân Quả quá ít, nên đạo đức xã hội xuống dốc, con không hiếu thảo cha mẹ, anh em tranh giành tài sản, hàng xóm kiện tụng nhau, tham ô hối lộ tràn lan… Nếu ai cũng thành kính tin vào Nhân Quả, thì gia phong thuần phác, thiên hạ thái bình.

Khiêm Từ

(Tổng hợp và biên soạn)

Exit mobile version