Đại Kỷ Nguyên

Người có ngạo khí quá lớn thì dễ làm hỏng việc

Phàm là kẻ có tài thì ít nhiều đều mang trong mình ngạo khí. Tài càng cao, ngạo khí càng lớn. Nhưng ngạo khí cũng là nguồn gốc của kiêu căng, hợm mình, là mối họa diệt thân. Bao nhiêu anh hùng xưa nay chết cũng bởi một chữ “kiêu” ấy.

Danh họa Leonardo da Vinci từng nói như thế này, tôi cho rằng rất hay và đầy hình ảnh: “Kiến thức ít ỏi khiến người ta kiêu ngạo, kiến thức phong phú khiến người ta khiêm tốn. Do đó những bông lúa lép thường kiêu ngạo mà chĩa thẳng đầu lên trời, còn những bông lúa chắc hạt thường cúi đầu xuống đất”.

Quả vậy, người khiêm tốn thì mới rộng lượng, mới có thể biết cúi đầu và bao dung hết thảy. Ngược lại, kẻ cao ngạo thường chỉ muốn hơn người, không thể dung nhẫn, căn bản là không xem người khác ra gì.

Người xưa dạy, khiêm tốn là khởi nguồn của phúc báo, còn cao ngạo là khởi đầu của hậu họa diệt vong. Kẻ có ngạo khí quá lớn thì luôn đặt mình lên trước mọi người, không chịu phục ai, hành sự nhất nhất đều là không kiêng nể. Như thế hỏi không hỏng việc sao được? Quan Vũ, một dũng tướng thời Tam Quốc, tay cầm Thanh Long Yển Nguyệt đao, chân đạp hông ngựa Xích Thố tung hoành uy chấn thiên hạ, ngạo khí anh hùng quả là cao ngút tận trời xanh.

Hồi còn được giao cho trấn giữ Kinh Châu, Quan Vũ từng một mình cầm đao đến dự hội ở đất Giang Đông, về cơ bản không coi bọn quan văn tướng võ ở đó ra gì, thường gọi là “đàn chuột Giang Đông”. Cũng vì khinh miệt đối thủ, Quan Vũ chủ quan chẳng thèm đề phòng, rút hết quân trấn thủ ở Kinh Châu tiếp viện cho trận chiến Bắc phạt ở Tương Dương, Phàn Thành đang hồi gay cấn. Chẳng ngờ Giang Đông đánh úp (theo đúng cái cách mà đàn chuột hành sự), Quan Vũ biết tin thì đã chẳng còn nhà để trở về, phải chịu họa sát thân.

Quan Vũ trên màn ảnh. (Ảnh minh họa: youtube)

Quả thực, sự cao ngạo đôi khi chính là con dao hai lưỡi, đã khiến biết bao anh hùng phải khuỵu chân dừng bước, làm bao nhiêu kẻ sĩ phải chôn vùi thanh danh. Cho nên làm người là không thể không tu dưỡng đức khiêm tốn. Bậc Thánh hiền chân chính xưa nay đều thận trọng trong lời nói, dè dặt trong hành động, chẳng bao giờ vỗ ngực tự xưng mình là bậc Thánh hiền. Những người quân tử chân chính thành công đều là nhờ một chữ “khiêm”, không ngạo mạn mới có thể đi đến đích cuối cùng.

Hạng Vũ, mệnh danh là Chiến Thần thời Hán – Sở tranh hùng, có sức khỏe hơn người, bách chiến bách thắng, xưng bá một phương, đứng đầu các nước chư hầu. Hạng Vũ vừa là con cháu của danh môn vọng tộc (cháu nội đại tướng quân Hạng Yên nước Sở), lại vừa có mưu sĩ kiệt xuất nhất thời đại phò tá (Phạm Tăng – người được gọi là “túi khôn”), về lý mà nói thì còn phải sợ ai? Thế nên Hạng Vũ một thân đầy ngạo khí, coi các chư hầu khác chẳng khác nào dê chó, chỉ một cái búng tay là nát vụn ngay. Hạng Vũ càng coi Lưu Bang, đối thủ chính của mình chẳng ra gì sau mấy lần đánh cho họ Lưu chạy ngược chạy xuôi khắp Trung Nguyên.

Nhưng ngạo khí lớn khiến Hạng Vũ ngày càng kiêu căng, ỷ sức mạnh, bỏ ngoài tai lời can gián chính trực, cuối cùng Phạm Tăng cũng đành rời bỏ ông, thế lớn trong thiên hạ mất đi chỉ sau một đêm. Lưu Bang phản kích, Hàn Tín dùng mưu, Hạng Vũ từ chỗ chiếm thế thượng phong giờ phải không ngừng lùi mãi, lùi mãi, lùi cho đến khi bị mấy chục vạn quân Hán vây khốn ở thành Cai Hạ.

Trong giờ phút tử biệt sinh ly, cái ngạo khí của Hạng Vũ cũng chẳng còn. Ông uống thật nhiều rượu, nghe Ngu Cơ hát bài hát tiễn biệt trước khi quyên sinh, chí khí mười phần giờ không còn một, sau cùng đâm cổ tự vẫn khi đại nghiệp vẫn còn dở dang. Ôi, xưa nay kẻ ngạo khí quá cao đều có một kết cục bi thương biết mấy!

Hạng Vũ được đánh giá là danh tướng “thiên cổ vô nhị” nhưng có kết cục thật bi thương. (Ảnh minh họa: youtube.com)

Tự cao xét cho cùng chỉ là biểu hiện bên ngoài. Ngạo khí nhìn cho thấu cũng chỉ là thói ích kỷ mà thôi. Người mạnh mẽ không cần phải thể hiện rằng mình mạnh mẽ. Sự tự tin của người quân tử lại xuất phát từ một nội tâm cứng cỏi, bất động trong gian khó. Tuy bề ngoài rất ôn nhu, hòa dịu nhưng bên trong họ như đang nung nấu ý chí ngút trời.

Những kẻ tự cao tự đại hóa ra bên trong sâu thẳm chỉ là đáy vực hư không, chẳng có chút gì đáng gọi là anh hùng, ngược lại còn vô cùng yếu đuối. Vẻ tự phụ chẳng qua là vỏ bọc giấu đi sự tự ti. Cái ngạo khí xung thiên nhiều khi là để che lấp một tâm hồn yếu ớt.

Kiềm chế ngạo khí, khiêm cung, nhẫn nại, hóa ra mới là đạo làm người đích thực vậy!

Exit mobile version