Trừ gian diệt ác, bảo vệ chính nghĩa luôn là lý tưởng cao đẹp của những trang hảo hán trong thiên hạ. Thế nhưng đằng sau phút nhiệt huyết dâng tràn ấy, cái giá phải trả thì chỉ đấng anh hùng hào kiệt mới có thể gánh chịu. Lỗ Trí Thâm ba quyền đánh chết Trấn Quan Tây, dẫu bảo vệ được người vô tội, nhưng phải đối mặt lại chính là con đường phiêu bạt nơi góc biển chân trời.
Trên đoạn đường ấy, Lỗ Trí Thâm phải lang thang vô định, cứu người nhưng cũng lại đánh người. Ông là một hòa thượng nằm ngoài thanh quy giới luật, cũng là một hiệp khách không màng danh lợi. Bất luận ông nói gì, làm gì, lấy thân phận gì để đi lại giữa chốn nhân gian, thậm chí đôi khi chính bản thân ông cũng không hiểu thấu lòng mình, thì vẫn còn một điều bất biến: Ông vẫn luôn là vị hiệp khách vượt trên những thứ phàm tục, dũng cảm quên mình, ý chí vững vàng mà lòng rộng thênh thang.
Trong họa có phúc
Lỗ Trí Thâm tên thật là Lỗ Đạt, vốn làm chức Đề hạt ở Đông Kinh, là người lực lưỡng, mặt tròn tai lớn, mũi thẳng miệng vuông, hai bên mép có hàng râu xoăn xoăn, mình cao tám thước, vai rộng đầy ôm, cách ăn mặc ra dáng một bậc quan võ.
Một lần, nghe hai cha con Kim Thúy Liên kể chuyện bị tay ác bá Trấn Quan Tây Trịnh Đồ ép hại, buộc Thúy Liên phải bán thân để làm vợ lẽ của hắn, Lỗ Đạt liền nổi cơn thịnh nộ, quyết sẽ dạy cho Trịnh Đồ một bài học. Không ngờ quá mạnh tay khiến Trịnh Đồ vong mạng, Lỗ Đạt buộc phải bỏ trốn tha hương nơi xứ người, “đói không chọn cơm, rét không chọn áo, lạc không chọn đường, tình cảnh bấy giờ thật là nan bách”.
Lỗ Đạt là vị anh hùng trượng nghĩa, thường giúp kẻ yếu, trừng phạt kẻ ác, nhưng đối với quan phủ ông lại là hung thủ đang lẩn trốn. Dẫu người đời nhìn nhận như thế nào thì việc cấp thiết của ông vẫn là bảo toàn tính mạng. Ông từ Vị Châu một đường bỏ trốn, giống như con chim nhạn lạc bầy cô độc, như con cá vùng vẫy khỏi chiếc lưới bủa vây. Người của quan phủ cũng truy nã ông ráo riết, cuối cùng hai bên chạm mặt ở Nhạn Môn, Đại Châu. Lỗ Đạt vốn không biết chữ, nhờ dân chúng địa phương lớn tiếng đọc cáo thị truy nã, ông mới ý thức được hoàn cảnh nguy hiểm của mình.
Trên thế gian này quả có rất nhiều điều khó dự liệu, có thể ngày hôm nay bạn cứu nguy một người sa cơ lỡ bước, thì ngày mai họ lại chính là người sẽ giúp bạn vượt qua gian khó. Trong tình thế cấp bách ấy, đột nhiên một ông lão kéo Lỗ Đạt đến một nơi vắng vẻ. Thì ra đó chính là Kim lão nhân. Từ khi được Lỗ Đạt cứu giúp, cha con Kim Thuý Liên luôn canh cánh trong lòng chờ có ngày báo đáp. Kim tiểu thư khổ tận cam lai, may mắn đã gặp Triệu viên ngoại mà được nên duyên. Đến ngày hôm nay, khi Lỗ Đạt lâm nguy, Triệu viên ngoại lại giúp ông tìm nơi ẩn thân, đó chính là tự viện Văn Thù trên núi Ngũ Đài Sơn. Trí Chân trưởng lão giúp Lỗ Đạt xuống tóc quy y, rồi đọc câu kệ rằng:
“Linh Quang một điểm, giá trị ngàn vàng.
Phật Pháp rộng lớn, ban tên Trí Thâm”.
Nghe câu kệ của Trí Chân trưởng lão, Lỗ Đạt thoát thai hoán cốt biến thành Lỗ Trí Thâm. Từ nay ông đã có nơi an thân, mai danh ẩn tích sống qua ngày.
Lỗ Đạt vốn là người thô lỗ, từ dáng vẻ bên ngoài cho đến tính cách đều không có chút phong thái nào của bậc hòa thượng chân tu. Ông lấy bốn biển làm nhà, tự do vùng vẫy, nên không cần suy nghĩ nhiều liền đồng ý quy y. Quyết định này xem ra rất qua loa, nhưng bởi ông nguyên là Thiên Cô Tinh hạ phàm, con đường tu hành này có lẽ cũng là do Trời Đất an bài. Trí Thâm lúc đó cũng không biết rõ tu hành là như thế nào, chỉ nghĩ đây là kế tạm thời ứng biến, vì vậy thường hay phá vỡ thanh quy, cũng không vứt bỏ hồng trần.
Lúc mới gia nhập Phật môn, Lỗ Trí Thâm giống như một đứa trẻ tự tung tự tác, thân mặc y phục tăng lữ, coi sóc Kim Kinh, nhưng bản thân lại không phù hợp với chúng tăng. Vừa bái kiến Trí Chân trưởng lão, Trí Thâm liền tự ý ngồi vào chiếc ghế đối diện. Sau khi được Triệu viên ngoại nhắc nhở, ông nói: “Nào tôi có hiểu thế nào ở đâu?” rồi chạy đến ngồi phía dưới Triệu viên ngoại. Lúc xuống tóc, Lỗ Đạt nhìn thấy đầu mình trọc lóc, duy còn mấy cái râu cong ngược ở mép, bèn nói: “Phải, để mấy cái râu này cho mỗ thì thú lắm” khiến tất cả mọi người đều muốn cười.
Những hành động và lời nói vô tư ấy đã thể hiện rõ ông là kẻ giang hồ thô lỗ, đâu có phong thái của người xuất gia? Khó trách những hòa thượng vừa nhìn thấy ông liền lắc đầu “không giống người xuất gia, mà giống kẻ hung ác“, nên đã cực lực bài xích Trí Thâm. Chỉ có Trí Chân trưởng lão ánh mắt tinh thông, biết rằng Trí Thâm là “trên ứng với Thiên Tinh mà có tấm lòng ngay thẳng, ngày sau ắt sẽ tu thành chính quả”.
Náo loạn chốn thanh quy
Không ngoài dự đoán của chúng tăng, hòa thượng mới nhập môn Lỗ Trí Thâm gây ra rất nhiều phiền phức cho Văn Thù tự viện. Lỗ Trí Thâm độc hưởng đặc quyền, không ngồi thiền, không niệm kinh, một mình đi lại, tự do tự tại, “chưa tối thì đã nằm, tiếng ngáy ầm ầm như sấm động”.
Trí Thâm lánh nạn trong núi chừng 4, 5 tháng trời, trong lòng thấy buồn chán tẻ nhạt bèn quyết định một mình xuống núi. Nửa đường, ông gặp một người gánh rượu khiến cơn nghiện bộc phát. Ông không còn nghĩ tới thanh quy giới luật, bèn cướp rượu uống đến say mèm, quần áo xộc xệch, sau đó loạng choạng trở về chùa.
Hòa thượng trong chùa thấy bộ dạng say khướt của ông, ai cũng cầm roi vác gậy ra ngăn cản. Lỗ Trí Thâm tính cũ không bỏ, khi say rượu càng không biết sợ hãi. Không đợi đồng môn ra tay, ông đã một chưởng lại một đấm khiến ai nấy đều sợ hãi chạy tháo thân không kịp. May nhờ có Trí Chân trưởng lão kịp thời xuất hiện, khuyên ông đi ngủ, đợi khi nào tỉnh rượu sẽ giáo huấn sau.
Ngày hôm sau, Trí Chân thể hiện sự từ bi của nhà Phật, dùng lời lẽ nhẹ nhàng khuyên bảo, Trí Thâm sau khi tỉnh rượu biết bản thân thất lễ, nên vội quỳ xuống chịu phạt. Quả nhiên Lỗ Trí Thâm nói chuyện và hành động đều cẩn thận, dè chừng, suốt 3 tháng trời không dám bước chân ra khỏi chùa nữa, chốn tự viện cuối cùng cũng hồi phục lại sự thanh tĩnh, thái bình.
Ăn thịt, uống rượu
Ai ngờ lại có một ngày thời tiết thay đổi, Lỗ Trí Thâm một mình ngồi buồn bã ở chốn tăng phòng, đem chuyện cũ ném lại phía sau, một lần nữa lại quyết định xuống núi.
Lần này, Trí Thâm đi thẳng xuống thị trấn dưới chân núi, lại một lần nữa rong chơi. Ông đi qua một tiệm rèn sắt, bản tính võ sĩ bị kích phát, bèn kêu thợ rèn đúc cho mình một thanh trượng nặng 62 cân và một cây đao, so với vũ khí người bình thường thì nặng hơn nhiều chục cân.
Sau đó Trí Thâm đến một quán rượu ở nơi vắng vẻ trong trấn. Lúc này thịt chó và rượu đối với ông đều là mỹ vị, phải tận tình thưởng thức. Một hòa thượng vừa ăn thịt vừa uống rượu khiến cho chủ tiệm kinh ngạc mãi không thôi.
Lần này trở về chùa, Lỗ Trí Thâm gây ra rắc rối càng lớn hơn. Ông ở giữa lưng chừng núi luyện quyền, vô ý đánh gãy trụ trong đình nghỉ mát. Lúc lên núi thấy cửa chùa khép chặt, Trí Thâm lại nhổ bật thanh rào chắn bằng gỗ, sau đó đánh đổ hai bức tượng Kim Cương trước cửa chùa, âm thanh ầm ấm chấn động cả đất trời.
Các hòa thượng trong chùa đều sợ hãi trước sức mạnh vô song ấy, lặng lẽ cài then, trốn biệt một góc. Lúc Lỗ Trí Thâm đi vào trong chùa, hàng trăm tăng nhân cầm côn gậy đứng bày trận, ông cũng không hề sợ hãi, thản nhiên bẻ gãy hai chân bàn rồi xông ra đánh đấm một hồi. Chỉ trong chớp mắt mà trong chùa đại loạn, nhiều người bị thương.
Biết Trí Thâm khó giữ thanh quy Phật môn, cưỡng ép ông ở lại trong chùa chỉ làm tăng thêm tội nghiệp. Đạo tràng Văn Thù Bồ Tát ở núi Ngũ Đài là nơi hương khói thanh tịnh đã mấy ngàn năm, nay không thể dung nhẫn một người như thế mãi được. Vì vậy Trí Chân trưởng lão an bài cho ông đến Đại Tướng Quốc Tự ở Biện Lương, Đông Kinh.
Lỗ Trí Thâm mặc dù hành sự thiếu thận trọng, nhưng đối với Trí Chân Trưởng Lão lại thật lòng tôn kính. Trước lúc tiễn biệt, Trí Chân trưởng lão tặng Trí Thâm bốn câu kệ, cũng chính là tiên đoán cả cuộc đời ông:
“Ngộ Lâm nhi khởi,
Ngộ Sơn nhi phú,
Ngộ Thủy nhi hưng,
Ngộ Giang nhi chỉ”.
“Ngộ Lâm nhi khởi” ý chỉ ông gặp được Lâm Xung, bắt đầu cuộc sống truyền kỳ sau này. “Ngộ Sơn nhi phú” ý chỉ ở trên núi Nhị Long ông trở thành Đại Đầu Lĩnh, gặp được các huynh đệ dũng cảm, cùng nhau nuôi chí lớn. “Ngộ thủy nhi hưng” ý chỉ Thủy Bạc Lương Sơn, bởi vì núi Nhị Long chỉ là một ngọn núi nhỏ, nên khi chuyển đến Thủy Bạc Lương Sơn mới chính thức thay trời hành đạo. “Ngộ Giang nhi chỉ” ý chỉ gặp Tống Giang, Lỗ Trí Thâm chấm dứt cuộc đời chém giết, thoát khỏi hồng trần.
Sau đó Lỗ Trí Thâm nhanh chóng lên đường, đến nơi tu hành thứ hai – Đại Tướng Quốc Tự.
Nhổ bật gốc dương liễu
Gấp rút lên đường, Lỗ Trí Thâm vẫn làm nhiều việc thiện, trừ kẻ xấu ác, giúp người yếu thế. Ví dụ như đại náo Đào Hoa Thôn, hỏa thiêu Ngõa Quán Tự. Những việc ông làm trông có vẻ tùy ý, nhưng thật ra đều xuất phát từ đạo nghĩa, thực hiện sứ mệnh bảo vệ công lý.
Lỗ Trí Thâm một thân chính nghĩa, nên khi ông gây ra họa lớn, Trí Chân trưởng lão không những không trách phạt, mà còn suy nghĩ cho tiền đồ sau này của ông. Độc giả xem qua cũng cười lớn, cảm thấy Trí Thâm ngay thẳng, thật thà đến đáng yêu.
Trong Đại Tướng Quốc Tự, Lỗ Trí Thâm cũng phải hứng chịu sự lạnh nhạt của chúng tăng. Công việc của ông là coi sóc vườn rau, vừa là để đối phó với hai ba chục tên vô lại thường xuyên đến gây sự, cũng là để ông rời xa một chút, tránh cho chuyện cũ ở Văn Thù tự viện lặp lại ở Đại Tướng Quốc Tự.
Những tên vô lại nghe tin có hòa thượng mới đến vườn rau, bèn lập tức đến gây sự. Nhóm vô lại do Trương Tam, Lý Tứ dẫn đầu, giả vờ đứng bên hố phân hành lễ vái chào, dụng ý là dẫn dụ ông đến, rồi sau sẽ đẩy vào hố phân.
Lỗ Trí Thâm tâm tư nhanh nhẹn, gặp chuyện liền cảnh giác, nhưng vẫn không để lộ mà tiến về phía trước. Hai kẻ kia cho rằng ông trúng kế, dự định sẽ giữ chặt chân ông rồi ném vào hố phân. Nào ngờ Trí Thâm phát hiện ra ý đồ của chúng, hai chân giơ lên, đá Trương Tam và Lý Tứ vào hố phân, sau đó không ngừng thị uy khiến người ta khiếp đảm. Nhóm người này chứng kiến công phu của Lỗ Trí Thâm thì vô cùng bái phục, hơn nữa cũng bái phục cả trí tuệ của ông, hứa bỏ ác theo thiện, trái phải hầu hạ ông.
Ngày hôm sau, đám người này lại mang rượu thịt đến bái kiến. Lỗ Trí Thâm vốn là một người hào sảng, nhìn thấy đối phương có ý hối hận, cho nên cũng nguyện ý hóa thù thành bạn, cùng họ ăn uống vui vẻ. Vào lúc này lại nghe thấy tiếng quạ kêu không ngừng, làm ảnh hưởng đến thú vui uống rượu. Hóa ra trên cây dương liễu bên tường có tổ quạ mới làm, cho nên mỗi ngày đều nghe thấy tiếng ồn ào không dứt.
Dân làng vốn dĩ muốn mượn một chiếc thang leo lên cây lấy tổ chim xuống, ai ngờ Lỗ Trí Thâm đang trong cơn say “hăm hăm đi đến gốc cây, cởi phăng áo ra, tay phải hướng xuống nắm lấy gốc cây, tay trái hướng lên trên nắm lấy thân cây, rồi xoay lưng vặn một cái, cây dương liễu tươi tốt cứ như vậy bị nhổ lên”.
Mọi người nhìn thấy, nhất mực cho rằng ông là La Hán tái thế, có ngàn vạn sức mạnh, không ngừng quỳ lạy ông. Nhưng Lỗ Trí Thâm không hề để ý, còn hẹn dân chúng xem ông sử dụng vũ khí múa võ một màn.
Lỗ Trí Thâm nhổ bật gốc dương liễu không phải vì muốn khoe khoang, mà là nhất thời say rượu, đó chỉ là phản ứng tự nhiên muốn giúp dân làng lấy ổ chim xuống; nói muốn biểu diễn công phu là vì ông cho rằng nhổ cây dương liễu bất quá cũng chỉ là dùng sức chứ không phải võ công chân chính, mà võ công chân chính là cầm vũ khí kết hợp với võ thuật công phu.
Lỗ Trí Thâm dám nói dám làm, chẳng phải đã ứng nghiệm với lời nói của Trí Chân trưởng lão “Trên ứng với Thiên Tinh, có tấm lòng ngay thẳng, chính trực” đó sao? Cả cuộc đời ông luôn sống vì chính nghĩa, trừng trị kẻ gian tà, bảo vệ người cô thế, âu cũng là phong thái của một bậc chính nhân quân tử. Chẳng thế mà đến phút cuối đời, Trí Thâm đã “tu thành chính quả” đúng như lời tiên đoán vậy.
Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Thanh Bình biên dịch