Thiếu nợ thì phải trả, chỉ là nhanh chậm mà thôi. Đó là điều không thể thay đổi được.
Vào thời nhà Tống, có một người thanh niên uống rượu say, trong lúc tranh giành tiền bạc với người khác đã giáng một đòn mạnh vào người đối phương, khiến người đó chết ngay tức khắc. Anh ta sợ tội nên bỏ trốn đến một nơi xa xôi. Sau này, anh sám hối tội lỗi mà xuất gia chuyên cần tu luyện, đại triệt đại ngộ, thấu tỏ tâm tính, trở thành một đại thiền sư, hơn nữa còn thăng tọa giảng Pháp, hàng trăm người theo học.
Năm ông hơn 70 tuổi, bỗng nhiên vào một buổi sáng sớm, sau khi tắm gội xong, ông liền thăng tọa nói với chúng đệ từ rằng: “Các con không cần nói hay làm gì, hãy xem lão tăng ta đây: ta cần phải kết thúc một vụ án của 40 năm trước!”
Đến giữa trưa, đột nhiên một binh sĩ xuất hiện ở thiền viện, kéo căng cung tên định bắn chết thiền sư. Lão thiền sư hướng về vị binh sĩ đó, hai tay hợp thập nói rằng: “Lão tăng ở đây đợi cậu đã rất lâu rồi!”
Vị binh sĩ cảm thấy kỳ lạ khó hiểu, lập tức bình tĩnh lại nói: “Tôi với lão hòa thượng đây vốn không hề quen biết, nhưng tại sao tôi vừa thấy mặt là muốn giết chết ông? Bản thân tôi cũng không hiểu được nguyên nhân tại sao”.
Lão thiền sư nói: “Thiếu nợ thì phải hoàn trả, đây cũng là lẽ công bằng, chỉ xin anh hãy mau chóng hạ thủ, không cần phải do dự gì cả!” Đồng thời quay lại nói với chúng đệ tử rằng: “Sau khi ta chết rồi, các con hãy mời vị cư sĩ này ở lại ăn cơm, ăn xong hãy tiễn anh ta về nhà. Nếu như các con nói nửa lời trách móc anh ta, thì là làm trái lẽ trời, đi ngược lại đạo của thầy, không phải là đệ tử của ta!”
Vị binh sĩ nghe những lời của thiền sư càng thêm nghi hoặc, nhất định muốn hỏi lão thiền sư cho rõ.
Lão thiền sư nói: “Bởi vì ông đã luân hồi đầu thai qua một đời rồi, nên ông mới quên hết mọi chuyện! Còn tôi vẫn ở tại nhân thế nên không quên”. Ông bèn đem chuyện đã xảy ra trước đây kể lại cho vị binh sĩ nghe. Vị binh sĩ vốn không biết chữ, bỗng nhiên lại lớn tiếng ngâm một bài thơ rằng:
Oan oan tương báo khi nào dứt,
Đời đời trói buộc há ngẫu nhiên?
Chi bằng cùng thầy đều hóa giải,
Ngày nay lập địa hướng Tây thiên!
Ngâm xong bài thơ, tay cầm cung tên, đứng mà vãng sanh (đứng mà chết, hồn thăng lên thiên đường).
Lão thiền sư bèn rời khỏi chỗ, xuống tóc, đặt pháp danh, thay đổi y phục cho anh ta, rồi đặt thi thể anh ta vào trong lăng mộ.
Sau đó, vị thiền sư ngồi xếp bằng, từ biệt mọi người rồi cũng tọa hóa (ngồi mà chết, hồn thăng lên thiên đường).
40 năm trước giết người, 40 năm sau hoàn trả nợ, tuy chuyện đòi nợ có muộn một chút, nhưng nguyên lý thiếu nợ thì phải hoàn trả là điều không thể thay đổi được! May mắn thay, hai vị này đều là người có đạo đức cao thượng, vậy nên mới có thể đối diện với nhau trên con đường oan gia, biến cuộc đối đầu gay cấn trở thành mối duyên lành! Vị binh sĩ này đã lấy cái chết để hóa giải ân oán với người đã thiếu mạng anh ta, nhờ vậy mà trở thành người tu hành, ngay tức khắc chứng ngộ đạo; còn sự chờ đợi của lão thiền sư sẵn sàng trả mạng cho chủ nợ đã giải khai oán kết đôi bên. Ngay sau đó, một người thì vãng sinh, một người thì tọa hóa: đây quả là một câu chuyện lạ có kết cục tốt đẹp, thiên cổ khó gặp!
Nếu như thiền sư không phải thật sự đắc đạo, hoặc người binh sĩ không có bản tính cao thượng, thì anh ta nhất định sẽ không chịu buông bỏ quyền của chủ nợ mà không đòi nợ. Vậy thì, đạo lý giết người cũng là tự giết mình đã rất rõ ràng rồi!
Ham Sơn đại sư triều Minh nói: “Niệm ngay khi khởi lên cần phải hiểu rõ, việc còn chưa đến thì chớ làm xằng. Nếu như có thể ngay khi ác niệm vừa khởi lên, liền một đao chặt đứt nó; thì gốc rễ của nghiệp lực ngay tức khắc đã bị tiêu trừ rồi; vọng niệm cũng không có chỗ để sản sinh. Vậy nên, mấu chốt của siêu phàm nhập thánh đều là ở đây”.
(Trích Tập phúc tiêu tai chi đạo)
Theo Trịnh Trọng chỉnh lý/ chanhkien.org
Xem thêm: