Đại Kỷ Nguyên

Khi cần buông tay đừng cố kiên trì, khi cần trân trọng đừng buông thả

Trong cuộc sống, mỗi người dù ở độ tuổi nào, hoàn cảnh sống như thế nào, trải qua kinh nghiệm như thế nào, đều phải đối mặt với rất nhiều phiền phức và khó khăn.

Trên thực tế phần lớn những phiền phức đó không phải là do những nguyên nhân đến từ bên ngoài, mà là do tâm trạng và thái độ của chúng ta trước những lựa chọn ảnh hưởng đến cuộc sống của chính mình.

Trên thế giới này, không có thuốc chữa bách bệnh và công thức cho hạnh phúc, nhưng nếu làm được ba điểm này, ít nhất chúng ta có thể sống cởi mở và thản nhiên hơn.

Lựa chọn đầu tiên: Từ bỏ

Có câu rằng con người đa phần nửa trước cuộc đời đều không ngừng làm phép cộng, nhưng nửa sau cuộc đời không ngừng làm phép trừ.

Có lẽ khi còn trẻ, chúng ta đã gánh quá nặng và chịu áp lực quá lớn, đến cuối cùng chúng ta vẫn phải chịu rất nhiều ấm ức, chịu nhiều thiệt thòi, đi qua rất nhiều con đường quanh co.

Nhưng sau muôn vàn thử thách, chúng ta đã có thêm hiểu biết, có thêm kinh nghiệm, gia tăng trí tuệ, đồng thời lúc này cũng đã học được cách đạt được hòa giải với những thứ mình đã không thể buông bỏ được.

Học cách từ bỏ một vài người, gặp gỡ nhau là do duyên phận, nhiều lúc vô duyên mà trùng phùng, chi bằng học cách vẫy tay chào từ biệt, hơn nữa từ bỏ người khác đôi khi cũng là khoan dung với chính bản thân mình.

Học cách từ bỏ một vài thứ, tất cả mọi thứ đã qua không thể quay trở lại được nữa. Cho dù nó quan trọng hay không quan trọng, đều không thể thay đổi được hiện tại. Nếu đã như vậy chi bằng học cách lãng quên quá khứ, nhẹ nhàng tiến về phía trước.

Học cách từ bỏ một đoạn đường, nếu đã không có đường ra, nếu vẫn còn lựa chọn khác, con đường khác, không nhất thiết phải cố thủ đi vào một đường cụt với tấm lòng bi thương. Cũng không nhất thiết phải đứng mãi tại con đường cũ, biết đâu khi rẽ sang hướng khác, hoặc đi đường vòng, bạn đột nhiên lại cảm thấy ánh sáng.

Khi học được cách buông bỏ như thế nào, ta cũng học được cách bắt đầu lại như thế nào. Khi học được cách thư thái, ta cũng học được cách làm thế nào để cuộc sống trở nên nhẹ nhàng và giản đơn hơn.

Ảnh minh họa: Sohu.

Lựa chọn thứ 2: Lãng quên

Đời người sẽ phải trải qua rất nhiều hỉ nộ ai lạc, có thứ sẽ trở thành những hồi ức đẹp trong tim, cũng có điều sẽ trở thành vết sẹo và niềm đau.

Nếu chúng ta giữ tất cả những người, những chuyện khiến ta đau khổ lưu lại trong tâm trí thì cuối cùng sẽ rơi vào bờ vực sụp đổ và tuyệt vọng vì quá sức.

Học cách quên đi những người làm bạn tổn thương, bất kể là vô tình hay hữu ý, qua rồi thì cho qua đi, không cần phải giữ lại trong lòng cũng không cần phải ghi thù nhớ hận.

Học cách quên đi lòng tốt mà bạn đã dành cho người khác, khi bạn quên đi cảm giác cho đi này, không trách móc hoàn trả hay không hoàn trả, trong lòng sẽ cân bằng nhiều hơn.

Học cách quên đi những sự việc không mấy vui vẻ, những người và việc không quan trọng, những sự việc phát sinh nhưng không đáng kể, giữ lại trong tim lâu rất dễ nhen nhóm, bốc cháy, sau này khiến cho bản thân cảm thấy buồn phiền. Càng so đo, tính toán, càng làm cho bản thân cảm thấy mệt mỏi.

Trong cuộc đời này, những thứ đáng để chúng ta ghi nhớ, thật ra còn rất nhiều.

Có lẽ chúng ta không thể nào quyết định được chúng ta sẽ gặp phải những chuyện gì trong cuộc đời, nhưng chúng ta có thể quyết định được ai và chuyện gì đáng để quên đi. Có như thế cuộc sống mới trở nên tự tại.

Lựa chọn thứ 3: Trân trọng

Đôi khi ta cố gắng khôi phục lại những gì mình đã mất và cố hết sức mình để giành được những gì ta chưa có, nhưng ta không hề biết trong quá trình đó, bản thân mình đã mất đi rất nhiều thứ quan trọng.

Vì thế nhiều người sẽ bị cuốn vào sự hối hận đến vô tận và không thể thoát ra được. Trên thực tế, học cách trân trọng cũng là học cách tạo ra hạnh phúc.

Hãy học cách trân trọng hiện tại. Khi đến giờ làm việc, đừng lười biếng, chùn bước và chần chừ, chỉ khi sống tốt từng khoảnh khắc ở hiện tại, bạn mới có một tương lai tốt đẹp.

Học cách trân trọng những người trước mắt. Dành nhiều hơn những sự quan tâm và thấu hiểu cho những người ở bên cạnh bạn, đừng dành cho họ những gì tệ nhất, xấu nhất trong tính khí của bạn. Cũng đừng đợi đến khi mất đi rất nhiều rồi mới tìm cách cứu vớt và bù đắp.

Hãy học cách trân trọng cuộc đời, bởi bạn vĩnh viễn không biết được ngày mai và những sự việc bất ngờ, không biết được cái gì sẽ đến. Sống mỗi ngày trên cuộc đời đều nên biết cảm ơn. Cho dù là ở bất cứ thời điểm nào cũng luôn quan tâm đến sức khỏe của bản thân, đừng để những suy nghĩ tiêu cực chiếm lấy bạn.

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Nếu một người học được cách trân trọng tất cả mọi thứ, thì sẽ giảm bớt được lòng tham, giảm bớt được những sự tiếc nuối, khi đó, cuộc sống tự nhiên sẽ không còn mệt mỏi nữa.

Nhiều điều bất hạnh mà chúng ta phải đối mặt có lẽ xuất phát từ việc chúng ta thường lưỡng lự từ bỏ hay cố gắng kiên trì. Ta trở nên không quyết đoán và rơi vào tình huống khó xử, vì vậy sẽ cảm thấy bối rối và hoang mang.

Khi để tâm ghi nhớ những điều không đáng ghi nhớ và quên đi những điều không nên quên thì liệu đó có phải là một bi kịch không? Khi có, không biết trân trọng, mất đi lại hối hận, tiếc nuối khôn nguôi, phải vậy không? 

Trên thực tế, con đường đời đầy những khúc quanh và chông gai. Khi phải đối mặt với nhiều lựa chọn, ta phải học cách lựa chọn, phán đoán và cân nhắc.

Không ai có thể đứng bên cạnh giúp bạn ghi nhớ tất cả mọi việc, cũng không ai nhắc nhở, giúp bạn đưa ra những lựa chọn đúng trong cuộc đời.

Nói tóm lại, khi cần buông tay đừng cố kiên trì, khi cần khi nhớ đừng cố so bì, khi cần trân trọng đừng buông thả.

Sống một cuộc sống tự do hơn, bình tĩnh hơn và đơn giản hơn, như thế cuộc đời sẽ trở nên tốt đẹp, rõ ràng và minh bạch hơn. Làm được ba điều này có lẽ là ta đã trưởng thành rồi.

Ngọc Linh
Theo Soulbay

Video: Ý nghĩa của cuộc sống không phải ở chỗ nhìn thấu mà chính là trải nghiệm

Exit mobile version