Đại Kỷ Nguyên

Học người xưa cách rèn giũa tác phong

Đằng sau mỗi câu thành ngữ đều chứa đựng một câu chuyện, một giai thoại sâu sắc và ý nghĩa, là tinh hoa của văn hóa cổ đại. Chuyên mục Câu chuyện thành ngữ – Thời báo Đại Kỷ Nguyên xin gửi đến quý độc giả những câu thành ngữ đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống, như một sự nâng niu, giữ gìn và trân quý nét đẹp văn hóa truyền thống của người xưa.

Từ cổ chí kim, từ người cổ đại cho đến các nhà tâm lý và bác sĩ hiện đại, tất cả đều coi tư thế cơ thể hợp lý là chìa khóa để duy trì sức khỏe thể chất và sức mạnh tinh thần.

(Ảnh: Internet)

Theo y học cổ truyền, tư thế cơ thể không chỉ đóng một vai trò thể chất quan trọng mà còn phản ánh nội tâm bên trong của con người. Chẳng thế mà người xưa có câu thành ngữ: “Lập như tùng, tọa như chung, hành như phong, ngọa như cung”. Nghĩa là: Đứng (thẳng) như cây tùng, ngồi (vững) như cái chuông, đi (nhẹ) như gió, nằm (cong) như cánh cung.

Điều này cũng được đưa vào áp dụng trong nền giáo dục cổ đại. Trẻ em không chỉ được dạy kiến thức mà còn được rèn giũa kỷ luật, ở đâu cũng giữ gìn phép tắc, ngôn từ cử chỉ mọi lúc đều đĩnh đạc, chỉn chu.

(Ảnh: Internet)

Chúng ta có thể bắt gặp luận điểm tương tự trong sách “Lễ ký” và “Đệ tử quy”, hai cuốn cổ thư dù trải qua hàng nghìn năm lịch sử nhưng vẫn còn nguyên giá trị trong việc dạy bảo người ta tu dưỡng đạo đức, phẩm hạnh. Người xưa quan niệm việc rèn giũa tư thế, tác phong là trọng điểm trong tu dưỡng đạo đức, có tác dụng đề cao cả thể chất lẫn tinh thần.

1. Lập như tùng

Câu thành ngữ bắt đầu với tư thế đứng: lập như tùng (đứng như cây tùng). (Ảnh: Internet)

Đứng thẳng như cây tùng không chỉ đơn thuần nói đến dáng đứng ngay thẳng mà còn thể hiện nền tảng đạo đức của một người. Hai chân đứng vững, lưng ngay cổ thẳng là tư thế lý tưởng, không chỉ tốt cho các cơ quan nội tạng mà còn giúp cho vùng bụng gọn gàng, đồng thời cũng biểu thị cho sự tự tin, đĩnh đạc.

Tưởng Giới Thạch, nhà chỉ huy quân sự tài ba của Trung Quốc trong Thế chiến thứ 2, là người nổi tiếng với dáng đứng ngay thẳng và lề lối sinh hoạt siêng năng.

Những phẩm chất này đã góp phần không nhỏ vào thành công của ông trong công cuộc thống nhất đất nước khi Trung Quốc rơi vào giai đoạn đen tối nhất của lịch sử.

Y học cổ truyền cho rằng đứng gù lưng sẽ làm gia tăng áp lực không tốt lên dạ dày, ruột và xương sống; tư thế này cùng với tâm lý lo âu là một trong những biểu hiện của tình trạng khí huyết không thông.

Có rất nhiều bài tập cũng như những thói quen đơn giản mà bạn có thể thực hành thường xuyên để có được tư thế chuẩn. Bạn có thể bỏ ra 5 phút mỗi ngày tập đứng thẳng ở nguyên một chỗ, điều này có tác dụng rất tốt cho xương sống của bạn về lâu về dài. Hoặc khi có điện thoại, hãy thử đứng tựa lưng vào tường để tập dáng đứng thẳng tắp như cây tùng.

2. Tọa như chung

Tư thế đúng là tư thế duy trì được sự cân bằng và trọng tâm của cơ thể. Một tư thế quá thoải mái, chẳng hạn như buông thõng người, ngồi ngả ngốn, dựa lưng vào ghế… đồng nghĩa với việc không giữ được trọng tâm và làm cơ thể trở nên trì trệ.

Dáng ngồi “toạ như chung” của người xưa. (Ảnh: Internet)

Người Trung Quốc cổ đại không dùng ghế có chân cho đến tận thế kỷ 12, thay vào đó họ ngồi khoanh chân hoặc quỳ trên thảm. Các học trò của Khổng Tử khi đàm luận hoặc nghe thầy thuyết giảng đều ngồi dưới đất mà hướng lên trên để thể hiện sự cung kính với bậc bề trên.

Toàn chân thất tử ngồi khoanh chân nghe thầy – Vương Trùng Dương chân nhân giảng Đạo. (Ảnh: Internet)

Theo y học cổ truyền, quỳ bằng hai chân giúp kích thích các dây chằng quanh đầu gối và có tác dụng phòng tránh viêm khớp. Thêm vào đó, quỳ gối còn giúp cho lưng thẳng, lưu thông khí huyết, hỗ trợ cho các chức năng của dạ dày, lá lách và gan.

Các học trò của Khổng Tử quỳ nghe thầy giảng. (Ảnh: Internet)

Sẽ không thực tế nếu bây giờ chúng ta bỏ hết ghế đi và ngồi đất. Nhưng bạn vẫn có thể tập cho mình tư thế ngồi đúng đắn bằng cách ngồi ở mé ngoài của chiếc ghế và luôn nhắc nhở bản thân duy trì cơ thể cân bằng và giữ cho lưng thẳng.

Ngồi chỉnh tề như đại hồng chung (chiếc chuông lớn) là một hình ảnh so sánh khá hợp lý cả trên phương diện thể chất lẫn tinh thần. Trong các tôn giáo truyền thống thường có hình thức ngồi xếp bằng thiền định, người tu tập phải duy trì một tư thế ngay thẳng và tiến nhập vào trạng thái tâm trí tĩnh lặng.

(Ảnh: Falundafa Vietnam)

Ngồi thiền có thể đạt đến trạng thái toàn thân dễ chịu nhưng tâm trí phải định lại vững chắc, giống như chiếc chuông, tuy trống rỗng bên trong nhưng lại tràn đầy sức mạnh.

3. Hành như phong

Có nghĩa là khi di chuyển, bước đi phải dứt khoát, có lực nhưng vẫn nhẹ nhàng, không gây ra tiếng động lớn.

(Ảnh: Internet)

Đạo gia giảng rằng khi một người hoàn toàn dứt bỏ được những dính mắc trong đời sống thì người ấy có khả năng khai mở toàn bộ các kinh mạch và có thể đi lại nhẹ nhàng, lướt nhanh như gió vậy.

4. Ngọa như cung

Người xưa thậm chí còn đặt ra quy tắc khi đi ngủ. Khổng Tử dạy rằng nằm ngửa là tư thế của tử thi. Tư thế lý tưởng của con người là nằm cong như cánh cung để các khớp xương được thư giãn. Nằm nghiêng một bên khi ngủ cũng quan trọng như việc duy trì tư thế ngay thẳng trong ngày.

(Ảnh: Internet)

Theo y học cổ truyền, nằm nghiêng khi ngủ có tác dụng lưu thông khí huyết, trong khi đó tư thế nằm sấp hoặc nằm ngửa khiến cho khí huyết bị ngăn trở.

Ngày xưa, người ta thường trải một tấm chiếu trên mặt đất để ngủ hoặc chọn nơi có bề mặt cứng làm chỗ ngủ. Vào mùa đông khắc nghiệt, những viên gạch được nung nóng trong ngày, sau đó xếp thành một chiếc giường ngủ tuy cứng nhưng rất ấm áp.

Theo The Epoch Times

Minh Nữ biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version