Thiên Địa mênh mang mà có Pháp lý rõ ràng, loài u linh mà đòi lên dương thế quản việc, tất không được phép.
Được mệnh danh là “Thiên cổ kỳ bút”, Truyền Kỳ Mạn Lục của Nguyễn Dữ (sống vào khoảng thế kỷ 16) ghi lại những câu chuyện bí ẩn hàm chứa các bài học đạo đức dựa trên giá trị phổ quát vẫn luôn đúng cho tới ngày nay. Đa phần người thời nay nói đó là tác phẩm văn học hư cấu, người có đức tin lại xem như lời nhắc nhở chân thật về đạo làm người. Trong dòng chảy mải miết và dữ dội của lịch sử, những gì còn lưu lại chẳng phải vô duyên vô cớ, phần nhiều đều có đạo lý ở trong đó.
Năm Bính Dần, vua Trần Phế Đế cùng Thủ tướng là Hồ Quý Ly đi săn, đêm nghỉ chân mở dạ tiệc bên bờ Bắc sông Đà. Có một con cáo đang đi gặp một con vượn già, cả hai đều đã thành tinh, chúng nói với nhau rằng cuộc đi săn này là nhằm vào chúng. Vượn già bèn bàn với cáo cùng đến gặp đoàn người đi săn, dùng lời mà ngăn cản họ.
Con cáo nói: “Những người theo nhà vua đi săn, phần nhiều là võ nhân, bụng không bác vật như Trương Hoa, mắt không cao kiến như Ôn Kiệu, vậy chắc không việc gì mà sợ”.
(Trương Hoa đời nhà Tấn, học nhiều biết rộng, viết nên cuốn sách Bác vật chí. Ôn Kiệu đời nhà Tấn đốt sừng tê để soi chỗ nước sâu, thấy thủy tộc kỳ dị đi xe cưỡi ngựa dưới nước, đêm đến chúng lên bảo với Ôn Kiệu rằng “chúng tôi với ông u minh khác nẻo, việc gì mà ông lại đi soi chúng tôi”. Ý nói Trương Hoa, Ôn Kiệu có thể nhìn thấy cõi u linh).
Nói rồi, vượn và cáo hóa làm hai người đàn ông, một người xưng họ Viên (vượn), một người họ Hồ (cáo) đến gặp đoàn đi săn. Đến nơi gửi lời tâu với vua rằng nay là lúc nên làm điều hiền đức, lo toan thu phục hiền tài để giúp đất nước bước vào cõi nhân thọ, chứ không nên làm việc tầm thường của kẻ đi săn bắn.
Vua lúc này đang say, sai Hồ Quý Ly mời hai người vào tiếp đãi, cũng nói săn bắn là phép tắc thời xưa, sao phải bỏ. Người đàn ông họ Hồ đem lý lẽ thuyết phục Quý Ly, Quý Lý giải thích rằng vua đi săn chuyến này nhằm tiêu trừ loài hồ tinh nghìn năm tuổi, ngăn chặn những việc xằng bậy của chúng.
Nghe vậy, họ Hồ (con cáo thành tinh) liền biện bác rằng hiện nay sài lang đầy đường chính là giặc Chế Bồng Nga ở phía Nam (vua Chiêm Thành), giặc Lý Anh ở Tây Bắc (người do vua Minh sai xuống Vân Nam đòi đường sang Chiêm Thành, bắt ta phải cung đón), giặc Ngô Bệ , Đường Lang (các băng đảng trong dân) vẫn còn tác oai tác quái. Sau đó liền đặt câu hỏi:
“… sao không giương cái cung thánh nhân, tuốt lưỡi gươm thiên tử, lấy nhân làm yên khấu, lấy nghĩa làm chèo lái, lấy hào kiệt làm nanh vuốt, lấy trung tín làm giáp trụ, cẩn thận lồng cũi để giá ngự những tướng khó trị, sửa chuốt cung tên để dọa nạt những nước bất phục, tóm bắt giặc giã, đóng cũi về, khiến cho gần xa quang sạch. Cớ sao bỏ những việc ấy không làm, lại đi lẩn quẩn ở công việc săn bắn dù được chim muông như núi, chúng tôi cũng lấy làm không phục”.
Quý Ly nghe vậy có vẻ xuôi, nhưng xong lại tức giận, vì thấy mình đã từng tranh luận thắng người Hoa, người Chiêm, chưa hề chịu khuất lý bao giờ, thế mà nay lại lúng túng với hai gã này. Bèn mắng hai người liệu có phải là yêu núi ma rừng chăng mà nói năng sắc nhọn như vậy.
Hai người cũng mạnh mồm nói lại:
“Ông là thủ tướng đáng lẽ nên tiến dẫn nhân vật để làm đồ dùng cho quốc gia, cớ sao lại ghen người hiền, ghét người tài, không giống như trong Kinh Thư đã nói: ‘Kẻ khác có tài, coi như ta có!’”.
Quý Ly bèn đổi nét mặt, xin lỗi và khuyên hai người hãy đem tài năng ra giúp đời, chứ đừng phí hoài nơi hang núi. Hai người từ chối, mỗi người đọc một bài thơ rồi từ biệt. Hồ Quý Ly ngầm cho người đi theo, đến lưng chừng núi thì thấy một người hóa thành cáo, một người hóa thành vượn, cùng biến mất vào rừng.
Trong phần lời bình Nguyễn Dữ phê rằng, Trời Đất sinh ra muôn loài, nhưng con người là anh linh của vạn vật, cớ sao trong cuộc nghị luận ở sông Đà, người lại chịu thua vật. Bởi Quý Ly tâm thuật không chính, cho nên giống yêu quái mới có thể đùa cợt. Nếu chính trực như Ngụy Nguyên Trung, tận trung như Trương Mậu Tiên thì chúng đã phải nghe giảng mà tâm phục khẩu phục, đâu còn dám tranh biện gì nữa.
(Ngụy Nguyên Trung là người thẳng thắn, được một con vượn tinh đến giúp đẩy bếp lò vì quý trọng phẩm chất, khí phách ông.
Trương Mậu Tiên hay còn gọi là Trương Hoa. Đời vua Huệ Đế nhà Tần, ở mả vua Yên Chiêu Vương có con hồ tinh già và một cây hoa biểu. Hồ tinh một hôm muốn biến thành người học trò, đến nghe Trương Hoa giảng sách, nhân hỏi cây hoa biểu. Cây hoa nói: “Ông Trương là người trí độ, khó che mắt được, đừng đi mà lại bị nhục, chẳng những hại anh mà lại lụy cả đến tôi nữa”. Hồ không nghe, vẫn đến yết Trương Hoa bàn luận văn chương sử sách, thông hiểu hết. Trương Hoa phải chịu mà than rằng: “Thiên hạ đâu lại có người tuổi trẻ thông minh như thế, nếu không là ma quỷ tất là hồ ly”. Thử huýt chó săn đuổi mà gã kia cũng không sợ, cuối cùng Hoa nghe lời khuyên đốt cây hoa biểu nghìn năm bên mộ Chiêu Vương soi, gã kia liền biến thành hồ ly, bị tóm rồi đem đi mổ giết.
Câu chuyện ý nói, loài yêu tinh có chút linh thông, có thể hiểu biết đạo lý, nhưng vẫn là loài yêu, không được phép can nhiễu cuộc sống con người, nếu có, thấy phải trừ bằng được. Trương Hoa dù thua lý, nhưng kiên trì tới cùng diệt trừ loài yêu quái, hợp lý của Đất Trời nên được giúp).
Từ cuộc tranh biện bên Đà Giang, có thể thấy con người dù có thua vì loài yêu thường linh thông hơn nên biết nhiều lý lẽ, nhưng con người vẫn phải giữ cái uy nghiêm và Pháp lý. U minh bất xâm dương thế, nên phải đuổi chúng về hoặc diệt trừ chúng tới cùng. Không phải thấy chúng có chút kỳ thuật mà hoảng sợ, thậm chí cúng vái xì xụp. Pháp lý của vũ trụ là bất khả xâm phạm, loài nào ra loài ấy, động vật lâu năm thành tinh không được tác oai tác quái trên dương thế.
Người trong tâm luôn ngay chính, hành động tiết tháo, khí chất thanh tao, thì có gặp cũng không kinh sợ vật khác loài.
Và một bài học ý nghĩa khác là, người có tâm đoan chính, suy nghĩ hành động đều dựa trên đạo lý bất biến của Thiên Địa, trung nghĩa chí nhân, thì sẽ luôn có đủ lý lẽ thuyết phục. Thắng thua không phải ở xảo ngôn, thiển lý, mà là ở đạo đức, phẩm hạnh. Có nhân đức thì trí huệ sẽ khai mở mà vượt trên thế tục tầm thường.
Các đoạn trích trong bài, từ bản Truyền Kỳ Mạn Lục của Nhà xuất bản Văn Nghệ, Hội Nghiên cứu giảng dạy văn học Tp.HCM, 1988.
Video: Bậc Thánh nhân cầu Tâm chứ không cầu Phật