Đại Kỷ Nguyên

Hành thiện tích đức, ông Trời tự có an bài

Đời người chỉ như một giấc chiêm bao, dốc toàn sức lực vì công danh sự nghiệp. Nhưng thời gian trôi nhanh, đến khi quay đầu nhìn lại mới thấy mọi thứ đều chỉ là hư vô, một khi nhắm mắt thì cái gì cũng không cầm theo được.

Trong hồi thứ 11 tiểu thuyết “Tây Du Ký” có viết một bài thơ: 

Ngày tháng trăm năm tựa bóng câu
Đời người, bọt nước khác gì đâu
Sớm còn thắm đỏ đôi gò má
Chiều đã bạc phơ nửa mái đầu
Giấc điệp tàn rồi, đời ảo cả
Cuốc kêu da diết hãy quay đầu
Xưa nay làm phúc đều tăng thọ
Ở thiện Trời thương lọ phải cầu

Từ xưa tới nay, dân gian vẫn luôn lưu truyền lời nhắc nhở về hành thiện tích đức có thể nhận thiện báo và phúc thọ. Đây đều là món quà ông trời ban cho cho những người lương thiện, cho dù không cầu trời cao ban phúc, trời cao vẫn vì họ mà cho đi.

Có rất nhiều câu chuyện cổ kể về người hành thiện mà không mong cầu, liền được ông trời an bài một cuộc sống bình an, chuyện dữ hóa chuyện lành.

Đốt nhà cứu người, đem phúc báo cho con cháu

Thời kỳ khai quốc triều nhà Minh, Trung Hoa, có một vị quân sư tên Lưu Bá Ôn, thuở nhỏ đã thông minh hơn người, hiếu học, trí nhớ giỏi. Những quyển kinh thư dù có khó học đến mấy, ông chỉ cần đọc hai lần là thuộc lòng, thậm chí còn có thể diễn giải hàm nghĩa quyển kinh thư theo hiểu biết của mình.

Một hôm, có một vị danh sĩ, tên Trịnh Phục Sơ, ghé thăm Lưu gia, gặp mặt cha Lưu Bá Ôn liền cất tiếng: “Tổ tiên ngài làm nhiều việc thiện, tích nhiều phúc báo, đứa trẻ này lại xuất chúng như thế, sau này ắt có thể làm rạng rỡ tổ tiên Lưu gia”.

Ảnh vẽ Lưu Bá Ôn trong “Vãn tiếu đường họa truyện” của Thượng Quan Chu đời Thanh.

Trịnh Phục Sơ nói Lưu gia tích nhiều đức, là nói về câu chuyện tằng tổ phụ (ông cố) của Lưu Bá Ôn, gọi là Lưu Hào, đã đốt nhà cứu người. Lưu Hào từng làm việc ở Hàn Lâm Viện, sau khi Nam Tống diệt vong, ông vì tránh loạn binh nên đã quay trở về quê hương. Lúc bây giờ, có nhiều nghĩa sĩ một lòng trung thành với Nam Tống, không muốn nhìn triều đình diệt vong nên đã tự tập hợp thành đội quân chống nhà Nguyên.

Đồng hương của Lưu Hào là Lâm Dung, cũng tự chiêu binh mãi mã nhưng thất bại nên bị quân Nguyên truy đuổi. Triều đình nhà Nguyên để bình định họa loạn ở địa phương, đã phái người xuống lục soát, tra hỏi những ai có quan hệ với Lâm Dung.

Lưu Hào là nhân sĩ, cũng là phú hào trong vùng, vì vậy các quan sai rất hay qua nhà Lưu Hào nhờ tá túc. Một hôm, có một quan sai sau khi thẩm vấn, ghi chép lại những người có quan hệ với Lâm Dung định trở về thì trời đã tối, bèn qua Lưu gia xin nghỉ lại một đêm.

Khi đang tiệc rượu với nhau, vô tình Lưu Hào biết được mục đích đến đây lần này của quan sai, liền cảm thấy vô cùng khiếp sợ, chủ mưu chỉ có mấy người nhưng lại làm liên lụy đến nhiều dân chúng vô tội khác. Không đành lòng nhìn trăm họ lầm than, ông suy nghĩ một hồi, cuối cùng nghĩ ra một biện pháp. Lưu Hào sai người mang đến mấy bình rượu ngon, chuốc say quan sai, sau đó một mồi lửa liền thiêu rụi phòng mình, đồng thời sai người khênh quan sai ra ngoài.

Quan sai sau khi tỉnh dậy, liền nghe tin đêm qua Lưu gia bị cháy, danh sách những người tạo phản của ông cũng bị thiêu thành tro. Quan sai tự thấy là lỗi của mình đã uống say, đuổi lý, nên không dám trách tội ai, mà đành dựa vào trí nhớ mà tạo ra một bảng danh sách khác, trong đó chỉ có tên mấy vị chủ mưu.

Việc Lưu Hào không ngại đốt nhà mình để cứu nhiều người đã trở thành câu chuyện được tán tụng không thôi. Danh sĩ Trịnh Phục Sơ nói, chính là chuyện này, Lưu gia phúc trạch thâm hậu do hành thiện không kể công.

Hậu nhân sau này là Lưu Bá Ôn, đã phò tá Chu Nguyên Chương trở thành quân chủ thiên hạ, mở ra một triều đại phát triển rực rỡ mới, trở thành khai quốc công thần nhà Minh, quả thật làm rạng danh gia tộc.

Dốc hết tiền tích cóp chục năm cứu vợ hàng xóm

Cũng trong thời Minh, có một người tên Trương Tú, nhà rất nghèo, lại không có con. Vì để tiết kiệm tiền, hàng ngày Trương Tú chi tiêu vô cùng dè sẻn, có bao nhiêu liền đút hết vào bình, gần chục năm sau, cái bình đã đầy.

Hàng xóm bên cạnh có ba người con trai, người cha phạm tội, bị bắt đi lưu đày, vì vậy hắn định đem vợ bán đi. Trương Tú tấm lòng thiện lương, lo lắng cho ba đứa nhỏ bên đó, cha thì bị lưu đày, mẹ lại bị bán đi, vậy ba đứa bé sẽ phải sống lang thang, rày đây mai đó. Vì vậy, Trương Tú liền đem số tiền tích cóp khổ cực 10 năm đi chuộc người vợ hàng xóm. Nhưng chỗ tiền vẫn không đủ, may mắn thay, vợ anh là người vô cùng hiền hậu, thấu tình đạt lý, thấy tiền chưa đủ, liền đưa anh chiếc trâm cài tóc, đem đi bán lấy thêm tiền bù vào.

Đêm hôm đó, Trương Tú nằm mơ thấy một vị thần bước tới gần, tay ôm một đứa trẻ xinh xắn đưa cho vợ chồng hai người. Không lâu sau, vợ anh liền mang thai, sinh hạ một bé trai, gọi là Quốc Ngạn. Đứa bé này sau khi lớn lên, vô cùng có tiền đồ, khí phách, làm quan tới tận chức Hình bộ thượng thư. Hai đứa cháu của Trương Tú cũng thông minh, tài giỏi, đường làm quan cũng rộng rãi vô cùng.

Trương gia hai vợ chồng đều là người có tấm lòng thiện lương, đối đãi con nhà người khác như con mình, sau liền được ông trời an bài sinh hạ quý tử, con đàn cháu đống, quan vận thênh thang.

Ảnh minh họa: Yidianzixun.

Nhờ bị ngã khỏi thuyền mà giữ được mạng sống

Câu chuyện xảy ra vào thời Ung Chính, triều Thanh. Liên quan tới những ghi chép về nhân vật Kỷ Hiểu Lam nổi tiếng, có một câu chuyện thế này. Khi chỉ mới mười tuổi, Kỷ Hiểu Lam có lần cùng tổ mẫu đi du ngoạn, ghé chân dừng tại một quán bên đường. Từ cửa sổ quán, Kỷ Hiểu Lam nhìn thấy một chiếc thuyền đang đậu mép sông, có rất nhiều người, già trẻ nam nữ đang lục đục bước lên thuyền. Khi thuyền chuẩn bị nhổ neo, có một người huơ chân múa tay, làm một ông lão ngã xuống sông mà bỏ lỡ chuyến đò.

Ông lão bần thần giây lát, thấy cả người bị ướt sũng, lại không hiểu tại sao tự nhiên bị rơi xuống sông, leo lên rồi bắt đầu tức giận la mắng. Chợt có những cơn sóng to đổ ập đến, kéo theo một chiếc thuyền chở lương thực đang xuôi mái, phóng rất nhanh trên mặt sông, tiến thẳng về phía con thuyền nhỏ vừa khởi hành.

Con thuyền nhỏ sau khi bị va chạm đã thủng một miếng lớn, toàn bộ hành khách trên thuyền đều rơi xuống nước, không ai may mắn thoát được. Người duy nhất thoát khỏi chính là ông lão bị rơi xuống nước lúc đầu. Sau khi chứng kiến, hiểu ra tình hình, ông lão vừa khiếp sợ lại vừa vui mừng, hai tay chắp lại cảm tạ Thần Phật.

Có người hỏi chuyện ông lão, hỏi ông muốn đi đâu, ông lão đáp, hôm qua nghe nói một người họ hàng định đem con gái nuôi từ nhỏ đi đổi lấy 20 lượng bạc để cô đi làm thiếp người ta, hôm nay sẽ đến quan làm giấy tờ. Vì vậy ông lão liền vội vàng thế chấp mấy mẫu ruộng cằn, đổi được đủ 20 lượng, hôm nay qua đó đem cô bé kia chuộc về. Ông hoàn toàn không nghĩ tới hôm nay sẽ gặp chuyện này.

Nghe xong câu chuyện, mọi người xung quanh vô cùng bất ngờ, họ đều nói: “Vì ông làm việc tốt, nên Phật bảo hộ, một đòn đẩy ông xuống sông kia chính là để cứu ông thoát khỏi hiểm cảnh đó”. Sau đó liền bận bịu giúp ông tìm một cái đò chở ông qua sông.

Những câu chuyện “hành thiện tích đức, đắc phúc báo” trong lịch sử không ít, có rất nhiều nhiều những tấm gương làm người tốt không cầu gì mà lại được an bài cho chuyện tốt.

Ngày nay, con người bị những dục vọng danh, lợi, quyền thế khiến cho mê mờ mất, nhiều vấn đề đạo đức xuất hiện, khiến họ ngày càng mất niềm tin lẫn nhau cũng như với cuộc sống. Hi vọng những câu chuyện trên sẽ giúp chúng ta có thêm niềm tin, rằng “Người đang làm, Trời đang nhìn”, đừng vì một chút vất vả trong cuộc sống mà buông bỏ phẩm hạnh của mình. 

Trâm Anh
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung

Exit mobile version