Đại Kỷ Nguyên

Đường Thái Tông Lý Thế Dân (19): Huyền Trang đi Tây Trúc thỉnh kinh

“Buổi sớm tuyết trắng xóa lên đường, dặm trường mờ mịt; Buổi chiều bãi hoang lương dừng lại, trời đất mông lung. Muôn dặm non sông, rẽ khói mây mà tiến bước: Trăm tầng nóng lạnh, đội mưa gió mà xông lên. Tấm lòng thành coi khinh vất vả, ước vọng lớn muốn thành tựu to, rong ruổi cõi Tây mười bốn năm ròng, đi khắp nước ngoài tìm cầu chính giáo…” (Đường Thái Tông viết về pháp sư Huyền Trang)

Huyền Trang đi Tây Trúc thỉnh kinh

Năm Trinh Quán thứ 19 (năm 645), sau khi Huyền Trang khởi hành về phía Tây đến Thiên Trúc thỉnh kinh trở về Đại Đường, Thái Tông đã ban cho Huyền Trang ở lại Hoằng Phúc tự tại Tây Kinh, tất cả kinh phí đều do triều đình cung cấp. Thái Tông cũng viết tặng lời tựa cho ‘Du Già Sư địa luận’, chính là ‘Đại Đường Tam Tạng thánh giáo tự’, thành tựu sự nghiệp dịch Kinh lớn lao cùng công danh thiên thu của Huyền Trang, đồng thời đặt định nền tảng tu luyện Phật gia trên mảnh đất Trung Thổ qua trăm ngàn năm từ thời đại nhà Đường đến nay. 

Huyền Trang, họ tục gia là Trần, tên Huy, người Lạc Châu (nay là Yển Sư Hà Nam), thế nhân gọi ông là ‘Đường Tam Tạng’ (Tam Tạng là chỉ Kinh Tạng, Luật Tạng và Luận Tạng của Phật giáo. Tên gọi Đường Tam Tạng là muốn ám chỉ ông rất tinh thông điển tịch của Phật giáo. Đây cũng chỉ là một loại tôn xưng không phải là tên riêng của Huyền Trang). Huyền Trang sinh vào năm Khai Hoàng thứ 16 (596) nhà Tùy, đến năm Trinh Quán thứ 3 (629), ông bắt đầu cuộc hành trình đi về phía Tây, kéo dài gần 17 năm và trải qua rất nhiều gian khổ.

Khi Huyền Trang trở về Trường An, ông đã nhận được sự chào đón long trọng từ Vua quan đến dân chúng. Vào tháng 2 năm Trinh Quán thứ 19 (năm 645), Huyền Trang đến Lạc Dương để diện kiến Thái Tông. Ông được Thái Tông rất khen ngợi và yêu mến, khuyên hoàn tục để theo nghiệp chính trị, tuy nhiên Huyền Trang đã cực lực khước từ. Vì vậy, Thái Tông yêu cầu ông viết ra những gì bản thân nhìn và nghe thấy trong chuyến hành trình về phía Tây. Với sự trợ giúp của đệ tử Biện Cơ, Huyền Trang đã hoàn thành cuốn “Đại Đường Tây Vực ký” trong một năm, cuốn sách đã không thể dùng giá trị để đo lường.

Một phần bức tranh ‘Huyền Trang phụ cấp đồ’ vẽ thời nhà Tống, hiện nằm trong Bảo tàng Quốc gia Tokyo. (Phạm vi công cộng)
Bản ‘Đại Đường Tây Vực ký’ được sao chép và hiệu đính vào thời Càn Long của nhà Thanh. (Phạm vi công cộng)

‘Đại Đường Tam Tạng thánh giáo tự’, Văn hoàng đế Thái Tông có thảo ra: 

“Từng nghe lưỡng nghi có hình tượng, hiển hiện che cho chúng sinh: bốn mùa không có hình lặng lẽ tạo nóng rét để nuôi dưỡng muôn vật. Vậy nên: nhìn trời ngắm đất, người bình thường cũng rõ được đầu mối: Sáng âm thấu dương, bậc hiền triết ít kẻ bắt thấu được tận cùng. Thế thì trời đất bao quát cả âm dương, dễ biết được là vì có hình tượng: Âm dương hoạt động trong trời đất, khó thấu tận cùng là vì vô hình thôi. Vậy mới biết hình tượng hiện rõ có chứng cớ, tuy ngu cũng không ngờ vực; Hình tượng lặn đi không nhìn thấy, kẻ trí cũng có khi mê.

Huống hồ đạo Phật lại chuộng hư không, vượt vào cõi u minh, giữ lấy tịch mịch, rộng giúp muôn loài, trị yên mười phương. Nâng uy tinh lên trên hết, nên thần lực không gì bằng. Lớn thì bao trùm cả vũ trụ; Nhỏ thì chứa đựng đến tóc tơ. Không diệt không sinh, trải nghìn kiếp mà vẫn trẻ: Như ẩn như hiện, chở trăm phúc vẫn mới nguyên. Đạo lớn diệu huyền, đi mãi không biết đâu là bờ bến: Dòng pháp trong lắng, bơi lặn lường sao được ngọn nguồn. Vậy nên những kẻ tầm thường, bo bo ngu xuẩn, cố giữ chấp trước, không hoặc không nghi làm sao được?

Thế rồi đại giáo hưng thịnh, gốc từ Tây phương bừng tỉnh mộng vượt sang triều đình Hán; khơi dòng từ bi chiếu rọi cõi Đông. Thời xưa, khi mới chia hình chia dấu, lời nói chưa chạy xa mà đã thành giáo hóa; Đương lúc thường hiện thường ẩn, dân dã ngưỡng đức mà noi theo. Kịp khi bóng tối lẩn theo chân lý, dời đổi qua các đời, ánh vàng bị che sắc, không soi được ánh sáng ba nghìn: Tượng đẹp mở tranh, chỉ rõ ràng ba mươi hai tướng đẹp. Thế rồi chân ngôn truyền rộng, vớt loài chim ở ba đường: Di huấn vang xa, dẫn sinh linh khắp mười cõi. Nhà Phật có kinh chia ra đại thừa và tiểu thừa, lại có pháp đó là thuật truyền-ngoa-là-chính.

Nhà sư của ta là pháp sư Huyền Trang, đứng đầu trong pháp môn, thuở nhỏ cẩn thận thông minh, sớm giác ngộ công quả tam không, lớn lên hợp với thánh thần, hành vi nào cũng gồm trong tứ nhẫn. Gió thông trăng nước chẳng sánh vẻ hào hoa: Ngọc sáng móc tiên khó so bề cốt cách. Cho nên đem cái trí vô lụy, suy nghiệm thần tinh từ chỗ chưa thành hình, vượt ra sáu cõi lục trần, thật nghìn đời không ai sánh. Lắng lòng nơi nội cảnh, thường thương chính pháp trễ tràng: Thành tâm chỗ cửa huyền, hay bực bội kinh văn sai suyển. Những muốn xét rõ điều lý, mở rộng đường kiến văn đời trước: Phân rõ chân ngụy, mở lối cho kẻ hậu học đời sau. Cho nên lòng mong sang nơi Tịnh Thổ, chu du tới ba cõi Tây Vực, xông pha lặn lội, chống gậy ra đi. Buổi sớm tuyết trắng xóa lên đường, dặm trường mờ mịt; Buổi chiều bãi hoang lương dừng lại, trời đất mông lung. Muôn dặm non sông, rẽ khói mây mà tiến bước: Trăm tầng nóng lạnh, đội mưa gió mà xông lên. Tấm lòng thành coi khinh vất vả, ước vọng lớn muốn thành tựu to, rong ruổi cõi Tây mười bốn năm ròng, đi khắp nước ngoài tìm cầu chính giáo. Vườn Lộc Uyển mến dạo xem hoa; Đỉnh Linh Thứu ngưỡng kỳ mộ lạ. Vâng lời chí ngôn của tiên thánh; Nhận sự chân giáo bậc thượng hiền, xem xét cửa diệu môn, nghiền ngẫm nơi áo nghiệp. Đạo tam thừa lục luật, rong ruổi nơi ruộng đồng; Kinh một tạng trăm hôm, chơi vơi nơi cửa biển. Vậy nên trải qua biết bao góc biển chân trời, cầu tìm được vô số kinh kệ.

Tổng cộng được ba mươi nhăm bộ kinh Đại Thừa cốt yếu, gồm năm nghìn linh bốn mươi tám quyển, để dịch ra truyền bá khắp Trung Hoa, tuyên dương đức nghiệp. Dẫn mây lành từ Tây Vực, tưới mưa pháp khắp Cõi Đông. Thánh giáo khuyết nay lại tròn; Dân đen tội mà được phúc. Dập lửa đỏ nơi nhà cháy, cùng thoát đường mê; Soi sáng tối nơi nước vàng, cùng sang cõi Phật. Thế mới biết ác vì nghiệt đọa, thiện do duyên thăng. Đầu mối của sự đọa hay thăng, hoàn toàn do con người cả. Ví như cây quế mọc nơi núi cao, mưa móc thấm mới nở hoa thơm; Hoa sen chồi lên từ sóng xanh, bụi bậm không thể bám vào lá. Đâu có phải tính hoa sen tự trong sạch và chất cây quế tự thẳng ngay đâu, mà là do được mọc ở chỗ cao nên vật nhỏ không làm lụy đến; được sinh ở chỗ sạch, nên loài đục chẳng giây vào. Kìa đến cả loài cây có vô tri còn biết nuôi thiện mà thành thiện, huống hồ loài người có tri thức, lại không biết nương theo phúc mà cầu phúc ư? Mong rằng kinh này sáng soi mãi như hai vầng nhật nguyệt; Phúc lớn lan xa trường tồn mãi cùng đất trời!”

(Tham khảo: Bản dịch của Như Sơn, Mai Xuân Hải, Phương Oanh – Tây du ký hồi 100)

Bức vẽ Huyền Trang đi thỉnh kinh trong bích họa Đôn Hoàng. (Phạm vi công cộng)

Với sự ủng hộ của Hoàng đế Thái Tông, Phật giáo đã được phát triển lớn mạnh trong thời Trinh Quán.

Sách thời nhà Đường viết về ‘Phật’ 

‘Tùy thư’ triều đại nhà Đường có ghi: “Kinh Phật được Phật Thích Ca Mâu Ni, thái tử con của vua Tịnh Phạn của nước Ca Tỳ La Vệ ở Thiên Trúc Tây Vực, thuyết giảng. Thích Ca Mâu Ni sinh ngày 8 tháng 4 năm Chu Trang Vương thứ 9. Ngài sinh ra từ bên phải mẹ của Ngài, tướng mạo kỳ lạ, có 32 tướng và 82 điều lành. Từ bỏ ngai vàng, xuất gia học đạo, cần cù tinh tiến, giác ngộ hết thảy các loại trí, mà đạt quả vị Phật, gọi là Phật Đà, cũng gọi là Phù Đồ, đều là danh xưng đã lâu, dịch sang Hoa Ngữ có nghĩa là tịnh giác. Trong thuyết nói, thân người tuy có sinh tử khác biệt, nhưng tinh thần lại tồn tại bất diệt. Trước đắc thân người, sau học và hành theo kinh sách thì sẽ đắc được rất nhiều thân rồi. Tu tập tích lũy nhiều ngày sẽ giúp cho tinh thần thanh tịnh, vậy là đã đắc được Đạo của Phật rồi. Trời đất bên ngoài, từ cao đến thấp, đều có trời đấy, cũng có biên duyên, nhưng đều tồn tại thành và bại. Một thành một bại, làm nên một kiếp. Trời đất này đã tồn tại vô lượng kiếp. Mỗi kiếp đều có chư Phật đắc đạo, xuất thế gian giáo hóa chúng sinh trong các thời kỳ khác nhau. Nay trong kiếp nạn này, cần có Thiên Phật. Từ thuở sơ khai tới khi Thích Ca đến đã có 7 vị Phật rồi. Tương lai sẽ có Phật Di Lặc xuất thế, cần có ‘kinh tam hội’, khai mở giảng pháp cứu độ chúng sinh. Ngài đi thành con đường riêng, có 4 cấp quả vị. Một là Tu Đà Hoàn, hai là Tư Đà Hàm, ba là A Na Hàm, bốn là A La Hán. Đạt đến quả vị A La Hán là có thể xuất nhập sinh tử, đi và đến ẩn hiện mà không bị trói buộc. Người đạt từ quả vị La Hán trở lên đến Bồ Tát đã có Phật tính thâm sâu, cứ thế mà thành đạo. Mỗi vị Phật diệt độ, dựa vào pháp tướng truyền, có chính, tượng, mạt, 3 loại khác biệt. Về tuổi tác cũng không giống nhau. Thời mạt pháp cuối cùng, chúng sinh ngu dốt, không phục Phật giáo, mà nghiệp hành chuyển sang phía ác, thọ mệnh ngắn dần, trải qua mấy trăm ngàn năm, thậm chí còn sớm sinh chiều chết. Sau đó mới xuất hiện tai ương lũ lụt, đại hỏa, gió lớn, hết thảy đều để diệt trừ, mà nếu thay đổi sang thiết lập tạo ra con người, trở về thuần phác, gọi là tiểu kiếp. Mỗi một tiểu kiếp đều sẽ có một vị Phật xuất thế. 

“Thuở ban sơ, ở Thiên Trúc có nhiều người ngoại đạo, cùng nhau làm thủy, hỏa, độc, long, thiên biến vạn hóa. Thích Ca Mâu Ni là tu khổ hạnh nên bị gọi là tà đạo, họ hợp lại xua đuổi, để làm loạn tâm của ngài, nhưng không làm nổi. Khi thành tựu quả vị Phật, tất cả những người này đều bội phục và tới làm đệ tử của Ngài. Người làm đệ tử, nam gọi là tang môn, dịch theo lời nói nghĩa là tĩnh tâm, khi viết gọi là Tăng, dịch nghĩa theo lời nói tức là hành khất. 

“Khi còn tại thế, Thích Ca Mâu Ni giáo hóa chúng sinh suốt 49 năm, ngay cả thiên long người quỷ cũng đến nghe pháp, số lượng đệ tử đắc đạo lên đến hàng trăm ngàn vạn ức. Về sau, vào ngày 15 tháng 2, giữa đồi cây Sa La trong thành Kushina, Ngài nhập niết bàn. Niết bàn cũng gọi là nê hoàn, dịch theo ngôn từ thì là diệt độ, cũng thường nói là nhạc ngã tịnh. Thời đầu khi Thích Ca Mâu Ni thuyết pháp, dựa vào bản tánh, ý thức, cội rễ và nghiệp lực của mỗi người khác nhau, nên mới có câu nói Đại thừa và Tiểu thừa. Sau khi nhập niết bàn, đệ tử Đại Ca Diếp cùng A Nan, nhớ lại mà viết xuống làm thành văn tự, tạo thành 12 bộ. Sau mấy trăm năm, có La Hán, Bồ Tát lần lượt cho thêm luận vào, tán thán ý nghĩa. Nhưng theo như lời Phật thuyết giảng, sau khi ta diệt độ, 500 năm là thời chính pháp, thời tượng pháp 1000 năm, 3000 năm là đến thời mạt pháp, nghĩa là như thế” (Phần 30 cuốn 35 ‘Tùy Thư’).

(Còn tiếp…)

Theo Epoch Times
San San biên dịch

Exit mobile version