Đại Kỷ Nguyên

Dũng sĩ hạng nhất theo quan niệm Nho gia của Khổng Tử

Đa số mọi người thường cho rằng người hành hiệp trượng nghĩa có thể lên núi bắt hổ, xuống nước bắt thuồng luồng, dũng mãnh trên chiến trường trước mưa tên rừng đạn mới xứng là dũng sĩ thật sự. Nhưng Khổng Tử lại không nghĩ như thế.

Trong các đệ tử của Khổng Tử, Tử Lộ là người có tính cách thô bạo, xem trọng sức mạnh. Gặp bất bình là sẵn sàng nổi cơn thịnh nộ, áp dụng vũ lực. Khổng Tử cho rằng Tử Lộ chưa hiểu thế nào là “dũng.”

Vậy Nho học quan niệm về “dũng” như thế nào? Theo cách nhìn của Khổng Tử thì “dũng” cũng có các cấp độ. Có cái dũng của ngư ông, tiều phu, liệt sĩ; cũng có cái dũng của “thánh nhân.” Cái dũng của “thánh nhân” là lý tưởng cao nhất của Nho gia.

Tử Lộ đánh hổ

Theo «Tử Lộ tập ngữ – Tạp sự» ghi lại: Một lần Khổng Tử đi dạo trên núi, Tử Lộ đi theo. Khổng Tử khát nước, Tử Lộ liền đi lấy nước. Khi đến bờ suối Tử Lộ gặp con hổ, Tử Lộ quần nhau với hổ và bẻ lấy được đuôi của con hổ. Tử Lộ quá đắc ý liền đeo cái đuôi con hổ trước ngực rồi trở ra gặp Khổng Tử. Tử Lộ hỏi: “Thưa thầy, dũng sĩ hạng nhất đánh hổ như thế nào?” Khổng Tử đáp: “Túm đầu hổ.“Dũng sĩ hạng trung đánh hổ như thế nào?” Khổng Tử đáp: “Túm tai hổ.” “Dũng sĩ hạng bét đánh hổ như thế nào?” Khổng Tử đáp: “Túm đuôi hổ.” Tử Lộ nghe thế thì vô cùng tức giận, nghĩ lại mình đánh nhau với hổ chút nữa thì bỏ mạng, vậy mà chỉ có thể là dũng sĩ hạng bét.

Tử Lộ chạy sang một bên, sau khi ném cái đuôi hổ đi liền bê cái khay đá lại gần Khổng Tử. Tử Lộ nghĩ Khổng Tử là người tiên tri tiên giác, biết bên suối có hổ mà vẫn kêu mình đi đến lấy nước, chẳng khác nào muốn hổ ăn thịt mình. Vì thế anh ta bưng cái khay đá lại định dùng nó giết Khổng Tử. Tử Lộ hỏi Khổng Tử: “Dũng sĩ hạng nhất giết người như thế nào?” Khổng Tử đáp: “Dùng ngòi bút.” Tử Lộ hỏi tiếp: “Dũng sĩ hạng trung giết người như thế nào?” Khổng Tử đáp: “Dùng lời nói.” Tử Lộ lại hỏi: “Dũng sĩ hạng bét giết người như thế nào?” Khổng tử trả lời: “Dùng khay đá.

Người xưa chia kẻ sĩ làm ba hạng, gồm Thượng, Trung, và Hạ. Khổng Tử cho rằng, dũng sĩ thượng đẳng giết người bằng ngòi bút, tức là “bút chiến”; dũng sĩ hạng trung giết người bằng lời nói, tức là “khẩu chiến”; chỉ có dũng sĩ hạng bét mới dùng vũ lực, và đây không phải cái dũng thực sự. Tuy Tử Lộ hung hăng nhưng cũng hiểu nếu giết Khổng Tử mình vẫn chỉ là loại người hạng bét, và Tử Lộ đành ném cái khay đá đi.

Khổng Tử quan niệm về “dũng”

Khổng Tử có tướng mạo trông giống Dương Hổ (nhà chính trị nước Lỗ – ND), vì thế từng có một dạo khi Khổng Tử đi qua Khuông thành, người thành Khuông tưởng lầm đã bao vây nhà khách định giết đi. Trong thời khắc nguy kịch nhưng Khổng Tử lại đàn ca vui vẻ. Tử Lộ không hiểu liền vặn hỏi. Khổng Tử nói: “Xuống nước không sợ giao long là cái dũng của ngư ông; lên núi không sợ hổ là cái dũng của thợ săn; dao bén kề trước không sợ chết là cái dũng của kẻ sĩ; hiểu nghèo có mệnh, hanh thông có thời, gặp nạn không hoảng là cái dũng của thánh nhân.

Thế nào gọi là “cái dũng của thánh nhân?” Ở đây Khổng Tử nói đến thái độ trong xử thế. Đó là người hiểu mệnh trời, lâm nguy không sợ, khốn khó không hoảng, giữ tâm thái điềm tĩnh trước nguy nan.

Tại sao “thánh nhân” không dựa vào vũ lực mà khiến người kiêng nể? Vì thánh nhân mang theo mình đạo trời. Nho gia cho rằng, ông trời chỉ giúp người có đức, vì thánh nhân là người có đức độ cao thượng nên sẽ được trời giúp. Cho nên có câu: “Khi trời phù hộ, may mắn luôn đến” (Tự thiên hựu chi, cát vô bất lợi).

Theo Secretchina
Tinh Vệ biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version