Đại Kỷ Nguyên

Con ngựa sát chủ đã cứu Lưu Bị vào thời khắc sống còn như thế nào?

Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa có một con tuấn mã bất kham, bị gọi là “ngựa sát chủ”, ai đã từng cưỡi nó đều gặp chuyện chẳng lành. Chỉ riêng có Lưu Bị là không những không bị thương mà còn được ngựa kia cứu mạng. 

Tam Quốc Diễn Nghĩa là tác phẩm chứa đựng nhiều huyền cơ thâm ảo, rất nhiều nhân vật, rất nhiều sự tình đều là “bảy phần lịch sử, ba phần hư cấu”. Trong đó có một con ngựa tên là Đích Lô, ai cũng nghĩ đó là ngựa sát chủ, không mang lại may mắn, thậm chí có thể khiến chủ nhân vong mạng. Nhưng kỳ thực đó là một con ngựa thần, có thể phi nước đại, bay lên không trung, vào thời khắc quan trọng đã từng cứu nguy cho Lưu Bị.

“Con ngựa sát chủ” không ai dám cưỡi 

Đích Lô vốn là ngựa của Trương Vũ, một tướng dưới trướng Lưu Biểu, người trong dòng dõi hoàng tộc thời nhà Hán. Sau này, Trương Vũ phản bội lại Lưu Biểu. Lưu Bị thất bại trong trận giao chiến với Tào Tháo nên đành về đầu quân cho Lưu Biểu. Hai người cùng trong hoàng thất, nên Lưu Biểu vui lòng cho Lưu Bị nương nhờ. 

Lưu Bị từng nhìn thấy ngựa của Trương Vũ, cho rằng đây là một con tuấn mã, liền hết lời ca ngợi: “Con ngựa này chắc chắn là ngựa thiên lý”. Tướng của Lưu Bị lúc đó là Triệu Vân lập tức hiểu ngay ý của chủ nhân, liền lấy ngựa cho ông. Trong một lần ra ngoài thành, Lưu Biểu thấy Lưu Bị cưỡi một con tuấn mã rất đẹp nên hết lời khen ngợi. Lưu Bị thấy vậy liền tặng ngựa cho Lưu Biểu. Khi Lưu Biểu cưỡi ngựa trở về thành, có người nói với ông rằng: “Con ngựa này có quầng ngấn lệ dưới mắt, trên mặt lại có nhiều đốm trắng, ắt là có tướng sát chủ. Trương Vũ đã chết khi cưỡi ngựa này, vậy nên ngài không thể nhận nó”. Sau đó trong một lần uống rượu với Lưu Bị, Lưu Biểu đã tìm cách trả lại ngựa Đích Lô. 

Từ đó mỗi lần Lưu Bị cưỡi Đích Lô ra ngoài, ai nhìn thấy cũng khuyên ông nên đem ngựa cho người khác nhưng Lưu Bị đều bỏ ngoài tai. Ông trả lời rằng: “Mỗi người đều có số mệnh riêng, sao có thể đổ tội cho con ngựa được? Hơn nữa nếu đây là ngựa sát chủ thật mà ta lại đem cho người khác, vậy chẳng phải bất nghĩa lắm sao!”. 

Nhảy qua suối Đàn Khê cứu chủ, làm nên Thần tích

Cảnh phim “Tam quốc diễn nghĩa” (1994): Lưu Bị cảm kích sau khi được ngựa Đích Lô cứu mạng.

Lưu Bị ở Kinh Châu tuy được Lưu Biểu hết sức ân cần, trọng dụng nhưng lại không vừa mắt vợ Lưu Biểu là Sái Thị. Em Sái Thị là Sái Mạo thường coi ông như cái gai trong mắt phải trừ bỏ. Trong một lần dự tiệc, Sái Mạo và Trương Doãn cho phục sẵn đao phủ, ngầm mưu hại Lưu Bị. Lưu Bị đoán được ý đó, vờ ra ngoài vệ sinh, cưỡi ngựa Đích Lô bỏ chạy mất.

Trên đường tháo chạy, Lưu Bị lạc tới suối Đàn Khê. Trước mắt là con suối rất rộng, dòng nước cuộn trào khó có thể vượt qua, trong khi quân giặc đang bám sát phía sau. Trong tình thế tiến thoái lưỡng nan ấy, Lưu Bị chợt nhớ tới lời cảnh báo rằng Đích Lô có tướng sát chủ. Lúc ấy đã đến sát bờ suối, ông nghĩ: “Hôm nay chắc là ngày giỗ của ta rồi”. Đoạn lấy chân thúc vào sườn ngựa, lấy roi quất mạnh rồi hô lên: “Đích Lô, Đích Lô, hôm nay ngươi hại ta rồi!”. Đúng vào khoảnh khắc ấy, ngựa Đích Lô bất thần tung mình lao vút sang bờ suối bên kia, cứu Lưu Bị thoát nạn trong gang tấc. Đó cũng là kỳ tích chưa từng có, khiến Đích Lô nổi danh khắp thiên hạ, và câu chuyện cứu chủ cũng được lưu truyền rộng rãi trong dân gian.

Giống như trong truyện Tây Du Ký, cây gậy Như Ý của Tôn Ngộ Không thoạt nhìn thì thấy vừa to vừa nặng, cứ ngỡ như không có tác dụng gì, bị bỏ quên dưới đáy biển suốt bao nhiêu năm. Nhưng khi nằm trong tay Tôn Ngộ Không thì nó lại trở thành pháp bảo, giúp Hành giả trừ yêu diệt quái, lợi hại vô cùng. Người ta vẫn nói báu vật phải gặp đúng chủ mới phát huy tác dụng, bảo kiếm phải trao đúng tay người anh hùng. Chiến mã cũng vậy, ngựa thần cũng vậy, hay bất cứ báu vật nào cũng vậy, chủ nhân đích thực của chúng ắt phải là người có đức lớn – những con người phi thường. 

Quỳnh Chi
Theo Secretchina

Quý vị quan tâm có thể xem lại tập phim “Tam quốc diễn nghĩa” về ngựa Đích Lô cứu Lưu Bị tại đây.
Exit mobile version