Đại Kỷ Nguyên

Con đường gian nan trở thành học sĩ Quốc Tử Giám của người thầy Hàn Dũ

Hàn Dũ (768-824), tự là Thoái Chi, là người vùng Hà Dương và là văn học gia tên tuổi. Ông từng làm quan dưới đời nhà Đường và cũng là người đề xướng cuộc “vận động cổ văn”, mở ra một văn phong mới có ảnh hưởng lớn đến văn chương sau này.

Tuổi thơ hiếu học

Cha mẹ mất sớm từ khi Hàn Dũ còn rất nhỏ, cậu bé Hàn Dũ được anh trai là Hàn Hội đang làm quan ở kinh thành nuôi dưỡng. Hàn Hội rất tốt với em, dạy em đọc sách và làm người lương thiện. Năm Hàn Dũ lên 10 tuổi, Hàn Hội bị biếm quan đến Thiều Châu nên đã đem cả gia đình theo. Từ kinh đô Trường An đến Thiều Châu lộ trình dài vài ngàn dặm. Trên đường đi, tuy tâm tình buồn bực nhưng Hàn Hội vẫn giảng giải cho em về những chuyện xưa. Trí nhớ của Hàn Dũ rất tốt, cậu đã ghi nhớ tất cả những lời giảng của anh.

Đến Thiều Châu không lâu, vì trong lòng buồn bực lại không quen với thủy thổ nơi đây nên Hàn Hội sinh bệnh rồi qua đời. Chị dâu Hàn Dũ là Trịnh thị được bằng hữu giúp đỡ đã đưa cả gia đình về quê cũ Hà Dương. Sau khi an táng Hàn Hội, Trịnh thị lo lắng nói với Hàn Dũ và các con: “Đời người ngắn ngủi, các con hãy cố gắng học tập, tuy không cần hiển hách trong nhất thời nhưng cũng không nên uổng phí một đời”.

Hàn Dũ (768-824), tự là Thoái Chi, là người vùng Hà Dương và là văn học gia tên tuổi. (Ảnh: wikipedia.org)

Hàn Dũ hiểu rằng đó là những lời chân tình của chị dâu, nên từ đó, mỗi khi gà vừa gáy sáng, cậu bé Hàn Dũ đã vào thư phòng và bắt đầu đọc sách. Họ Hàn đời nào cũng có người làm quan nên sách vở tích trữ rất nhiều. Hàn Dũ bắt đầu học từ các sách “Luận Ngữ”, “Mạnh Tử”. Khi gặp chỗ không hiểu cậu liền hỏi chị dâu, nhưng khi cậu học đến “Kinh thư” và “Kinh dịch” thì chị dâu không đủ sức giải thích, Hàn Dũ đành phải tìm tới những người có học để xin thỉnh giáo. Cứ như vậy, cậu tuần tự đọc các sách “Lão Tử”, “Trang Tử” và các tản văn đời Tiên Tần.

Một hôm chị dâu nói với Hàn Dũ: “Này em, em đã lớn rồi, hãy đến Lạc Dương mà cầu học, nơi ấy học giả rất nhiều có thể mở rộng hiểu biết cho em”.

Vượt khó thành tài

Ngày hôm sau, Hàn Dũ và một thư đồng lên đường đến Lạc Dương. Sau khi đi đến nơi, Hàn Dũ đi thăm hết thân bằng cố hữu của nhà họ Hàn, họ thấy cậu bé hiểu biết lễ giáo và cũng có đôi chút học vấn nên đều mời cậu đến ở tạm nhà. Hàn Dũ cảm tạ hảo ý của họ, nhưng vẫn tự tìm một gian nhà tranh để cư trú và bắt đầu cuộc sống của một học trò nghèo khó.

Cậu bé Hàn Dũ mặc áo vải gai mỗi ngày ăn hai bữa cơm đạm bạc, còn bao nhiêu thời gian đều chú tâm đọc sách, có lúc cậu học đến canh ba nửa đêm mới ngủ.

Có một lần, Hàn Dũ và các bạn đàm luận văn chương, cậu nói: “Đọc sách cũng như nếm rượu, văn chương hay đọc là thấy sung sướng liền, còn loại văn chương xấu đọc thật xấu hổ”.

Bạn bè cùng hỏi: “Theo ý cậu ai là người viết văn hay?”.

Hàn Dũ trả lời: “Nói về thời Tiên Tần, đương nhiên có Mạnh Tử, Trang Chu. Còn thời lưỡng Hán, Đổng Trọng Thư là người đệ nhất, sau đó là Giả Nghị, Dương Hùng. Văn chương của họ hình thức tự do, ngôn ngữ động lòng người, ý nghĩa hàm súc”.

Sau này Hàn Dũ trở thành một đại văn học gia tích cực hướng dẫn mọi người học tập tản văn đời Tiên Tần và lưỡng Hán, phản đối lối biền thể trói buộc, trở thành một lãnh tụ trong cuộc “vận động cổ văn”.

Hàn Dũ mặc áo vải gai mỗi ngày ăn hai bữa cơm đạm bạc, chú tâm đọc sách. (Ảnh minh họa shijitongjian.com)

Con đường gian nan trở thành học sĩ Quốc Tử Giám

Sau một thời gian ở Lạc Dương, Hàn Dũ lên kinh đô Trường An tìm thầy, liền đó ông tham dự khoa thi, rồi đậu tiến sĩ và làm một chức quan giám sát ngự sử. Chức quan ấy tuy không lớn nhưng có quyền “đàn hặc” (tra xét tội trạng) các quan viên trong triều.

Một năm nọ ở vùng Quang Trung xảy ra trận hạn lớn, rất đông dân nghèo buộc phải lìa bỏ gia hương để kéo về kinh đô Trường An. Họ mặc không đủ ấm đi khắp nơi xin ăn, không ít người đã chết đói ngoài đường. Vì cần nghiên cứu kỹ tình trạng hạn hán, Hàn Dũ phải đã ăn như một nông dân nghèo để đi tìm hiểu.

Ngoài thành Trường An tình cảnh thật thê thảm, ruộng đất hoang tàn, cây cỏ chỉ còn lại những cành khô, trong thôn vắng bóng khói bếp, mười nhà hết chín đã bỏ đi nơi khác kiếm ăn, người ở lại đành hái cây cỏ ăn qua ngày.

Hàn Dũ hiểu ra, vì phải nạp thuế cao, có nhà phải tháo nhà ra đun bếp, còn có nhà vì không nuôi nổi con nên đành phải thả chúng trôi sông. Ông nghĩ bụng: “Tình hình quá nghiêm trọng, sự sống của muôn dân bi thảm như vậy nhưng bọn quan lại vẫn cứ lừa dối Hoàng thượng. Ta phải cho Hoàng thượng biết sự thật”. Ngay đó ông lập tức viết bản tấu miêu tả sự đói khổ của dân chúng vùng Quang Trung, thỉnh cầu Hoàng thượng miễn tô thuế cho nhân dân.

Hành động ấy của Hàn Dũ làm phật ý đám quan lại có chức có quyền, đặc biệt là Lý Thực đang được Hoàng đế tín nhiệm. Lý Thực tâu rằng Hàn Dũ thổi phồng tình hình tai họa, nếu như y theo lời Hàn Dũ thì tất cả các nơi khác cũng xin giảm tô thuế, triều đình làm sao có đủ tiền chi dụng. Đường Đức Tông nổi giận, lập tức hạ chiếu giáng chức Hàn Dũ xuống làm huyện lệnh ở Dương Sơn Liên Châu.

Sau khi Đường Đức Tông qua đời, hoàng đế mới lên ngôi, Hàn Dũ lại được gọi về kinh đô Trường An làm học sĩ ở Quốc Tử Giám (tương đương với chức giáo sư đại học thời nay). Học thức của Hàn Dũ uyên bác, giảng dạy sinh động nên được các môn sinh yêu thích và kính phục.

Chân Tâm

Exit mobile version