Đại Kỷ Nguyên

Chữ quốc ngữ có đủ tốt cho người Việt?

Kính chào quý vị đến với Chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên.

Kính thưa quý vị, trong cuộc tọa đàm Hành trình sáng tạo chữ quốc ngữ – Câu chuyện về chữ viết của tiếng Việt diễn ra ngày 12-10 tại Thư viện Quốc gia – Hà Nội nhân dịp Triển lãm kỷ niệm 70 năm giải phóng thủ đô, một câu hỏi được đặt ra là: Chữ quốc ngữ có khiến người Việt bị đứt gãy về văn hóa?

Thay đổi chữ viết là thay đổi trí nhớ của một dân tộc?

TS Vũ Đức Liêm (Trường đại học Sư phạm Hà Nội) trong vai trò điều phối đã đặt câu hỏi này cho PGS.TS Trần Trọng Dương – nhà nghiên cứu văn hóa và Hán Nôm, TS Phạm Thị Kiều Ly – tác giả cuốn sách Hành trình sáng tạo chữ quốc ngữ. Tiến sĩ dẫn về sự đứt gãy văn hóa trong người Việt do thay đổi chữ viết: ngày nay người Việt ai không học chữ Hán Nôm khi vào đình chùa, vào các kho văn tự Hán Nôm không thể đọc được chữ của ông cha mình. 

Ông Trần Trọng Dương nói, rất khó để trả lời câu hỏi này bằng khẳng định hay phủ định, nhưng không thể phủ nhận rằng thay đổi chữ viết là thay đổi ngôn ngữ. Mà thay đổi một ngôn ngữ là thay đổi trí nhớ của một dân tộc. Những trí nhớ cũ bị lãng quên.

Bà Kiều Ly – tác giả cuốn sách Hành trình sáng tạo chữ quốc ngữ , cho rằng việc thay đổi chữ viết làm chúng ta đứt gãy với tổ tiên khi không đọc được văn bản cổ. Bà cho biết, ngay từ giai đoạn đầu thay đổi chữ viết, chính quyền thực dân cũng nhận ra điều này. Trong một báo cáo năm 1910, họ thừa nhận đã sai lầm khi xóa chữ Hán ở Nam Kỳ và xóa các lớp học luân lý cho trẻ con An Nam, lấy đó để rút kinh nghiệm cho Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Theo đó, Bắc Kỳ và Trung Kỳ quy định phải giữ 2-3 giờ dạy chữ Hán và luân lý cho trẻ con mỗi tuần. Đầu thế kỷ 20, ngành xuất bản vẫn duy trì những tập sách song song chữ Hán và chữ quốc ngữ.

Tại sao người Pháp thừa nhận sai lầm?

Sau cuộc tọa đàm này, nổi lên nhiều ý kiến, phần nhiều mọi người chỉ nhìn vào mặt thực dụng là dễ học của chữ quốc ngữ mà không lý giải trăn trở của những nhà giáo dục. Chữ quốc ngữ dễ học, nhưng nó giống như món mì ăn liền không thật tốt cho sức khỏe, ăn lâu sẽ sinh bệnh. Vì sao nói như vậy?

Trước thế kỷ 17, người Việt dùng chữ Hán Nôm. Chữ Nôm là văn tự ngữ tố được sử dụng để viết ngôn ngữ cổ Việt, có nguồn gốc từ chữ Hán cổ. Nếu chúng ta nhìn ra thế giới, sẽ thấy sự lựa chọn của tổ tiên là đúng đắn, bởi chữ Hán là công cụ hiệu quả để giao tiếp với thế giới. Theo Ethnologue, tiếng Trung và tất cả các biến thể của nó là ngôn ngữ phổ biến thứ hai trên thế giới với 1,31 tỷ người nói, tương đương khoảng 16% dân số thế giới, chỉ sau tiếng Anh với khoảng 1,35 tỷ người sử dụng, chiếm 17% dân số thế giới. Chữ quốc ngữ thì chỉ có người Việt hiện đại sử dụng.  

Giả sử chúng ta học chữ Hán Nôm thay vì chữ quốc ngữ, thì chúng ta có thể học một mà biết hai ngôn ngữ. 

Quý vị có thể cho rằng chữ quốc ngữ dùng bính âm latin sẽ dễ dàng học ngoại ngữ phương Tây? Sự thực có như vậy? Chúng ta học tiếng Anh từ cấp 1 hoặc cấp 2 lên cho đến hết đại học, ra trường có bao nhiêu người có thể sử dụng thành thục tiếng Anh? Chỉ là một tỉ lệ rất nhỏ. Bởi vì tiếng Anh và các ngôn ngữ gốc latin thuộc về một thể hệ ngôn ngữ khác biệt không có gì chung với tiếng Việt, số lượng từ và ngữ pháp đều phức tạp hơn rất nhiều. Nói rằng dùng chữ quốc ngữ sẽ dễ học ngoại ngữ, điều đó không có cơ sở. 

Trên đây mới chỉ nói về tính hữu dụng của chữ Hán so với chữ quốc ngữ, tiếp theo hãy nói về nội hàm của chữ Hán.

Chữ Hán Nôm chứa đựng nội hàm văn hóa bác đại tinh thâm

Nếu hỏi chữ gì có thể đánh tan quân xâm lược hùng mạnh, đó là chữ Hán. Không phải truyện cổ tích, mà là chính sử. Chúng ta hẳn đều biết bài thơ “Nam quốc sơn hà”. Theo quan điểm do các nhà nghiên cứu gần đây thống nhất, “Nam quốc sơn hà” là bài thơ chữ Hán xuất hiện đầu tiên dưới thời Lê Đại Hành, sau đó tiếp tục được Lý Thường Kiệt vận dụng.

Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, vào năm Thiên Phúc nguyên niên 981 hiệu vua Lê Đại Hành; Tống Thái Tổ sai Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng cất quân xâm lược nước Nam. Hai bên đối lũy cùng cầm cự với nhau ở sông Đồ Lỗ. Vua Lê Đại Hành mộng thấy hai anh vị Thần hiện lên trên sông vái mà nói rằng họ là Trương Hống, Trương Hát xưa theo Triệu Việt Vương; nay xin cùng nhà vua đánh giặc để cứu sinh linh. Vua Lê Đại Hành tỉnh dậy liền đốt hương khấn cầu Thần giúp. Đêm ấy thấy một người dẫn đoàn âm binh áo trắng và một người dẫn đoàn âm binh áo đỏ từ phía Bắc sông Như Nguyệt mà đến, cùng xông vào trại quân Tống mà đánh. Quân Tống kinh hoàng, Thần nhân tàng hình trên không, lớn tiếng ngâm rằng:

“Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư
Như hà Bắc Lỗ lai xâm lược
Bạch nhận phiên thành phá trúc dư.”

南國山河南帝居,
皇天已定在天書。
如何北虜來侵掠,
白刃翻成破竹餘。

Quân Tống nghe thấy, xéo đạp lên nhau chạy tan tác, đại bại mà về. Vua Lê Đại Hành trở về ăn mừng, truy phong cho hai vị thần nhân, một là Tinh Mẫn Đại Vương lập miếu thờ tại ngã ba sông Long Nhãn, hai là Khước Mẫn Đại vương lập miếu ở ngã ba sông Như Nguyệt.

Trong chiến tranh Tống–Việt lần thứ hai, năm 1076, Quách Quỳ, Triệu Tiết đem quân 9 tướng, hợp với Chiêm Thành, Chân Lạp tấn công Đại Việt. Hai bên giao tranh ở sông Như Nguyệt, một đêm quân sĩ chợt nghe trong đền Trương tướng quân có tiếng ngâm thơ rằng:

“Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên phân định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khán thủ bại hư.”

南國山河  

南國山河南帝居,
截然定分在天書。
如何逆虜來侵犯,
汝等行看取敗虛。

Sau này đúng như lời thơ, Lý Thường Kiệt đánh bại quân Tống xâm lược. Bài thơ Nam quốc sơn hà trở thành bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của người Việt. Vì sao Hán ngữ có sức mạnh lớn như vậy?

Kho tàng văn hiến to lớn của người Việt được lưu lại cho đến trước thế kỷ 20 chủ yếu là Hán văn, một phần là Hán Nôm. Chữ Nôm là sáng tạo của người Việt xưa, từ ngôn ngữ dân gian dần dần trở nên phổ dụng, đến nay chữ Nôm ước tính chiếm khoảng 30% trong tiếng Việt, 70% là chữ Hán. Chữ Hán chứa đựng nội hàm bác đại tinh thâm của văn hóa Thần truyền, liên thông với thần linh thiên địa. Chữ quốc ngữ chỉ là bính âm, tương tự như bính âm pinyin dùng cho người mới học tiếng Trung. Đối với trẻ em đã nghe nói thành thạo, thì bính âm hoàn toàn không cần phải học.

Một đặc trưng của chữ Hán Nôm là vùng miền khác nhau có cách phát âm khác nhau, chữ quốc ngữ lại không theo vùng miền mà quy định cứng nhắc, vì vậy khiến nhiều người mắc lỗi chính tả. Chữ Hán Nôm, cùng một chữ có thể có nhiều bính âm, lại có những từ đồng âm nhưng không cùng một chữ, chữ quốc ngữ không cách nào thể hiện sự khác biệt này.

Chữ Hán chứa đựng nội hàm bác đại tinh thâm, nhưng chữ quốc ngữ thì không. Sau đây, chúng ta sẽ phân tích một số Hán tự để minh họa.

Khải thị của chữ Hán

Tất cả chữ Hán đều là một chỉnh thể viên mãn vô lậu dựa theo nguyên lý thái cực. Chỉnh thể này bao hàm tất cả nội hàm từ thiên địa vũ trụ, đạo lý đối nhân xử thế cho đến phương pháp tu luyện ngộ Đạo.

1. Nhận thức về thiên, địa, nhân

Trong tác phẩm “Dị truyền – Tự quái” có viết: “Trước có thiên địa, sau có vạn vật; có vạn vật sau có nam nữ”. Con người sống giữa trời và đất, vấn đề đầu tiên cần suy ngẫm đó là mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, cho đến việc nguồn gốc của sinh mệnh là gì và sẽ đi về đâu, v.v. Chữ Hán chứa đựng câu trả lời cho những vấn đề này, dưới đây là một số ví dụ:.

Chữ “Thiên” (天)

Kết cấu của chữ “Thiên” (天) là chữ “nhất” (一) và chữ “đại” (大) kết hợp lại với nhau. Trong “Thuyết văn giải tự” có giải thích: Thiên là đỉnh trên, là trí cao vô thượng. Chữ “Thiên” lấy nghĩa từ chữ nhất, chữ đại. Đứng trên kết cấu bề mặt của chữ có thể lập luận rằng: nhất đại 一大 (lớn nhất) chính là “Thiên”. Chữ “nhất” (一) cũng mang hàm nghĩa chỉ về Đạo, vậy nên có thể nói rằng: Đại Đạo ấy chính là “Thiên”. Đạo chính là pháp tắc và quy luật của vũ trụ, nội hàm của Đạo chính là Thiên ý. Đối với con người mà nói, thiên ý là điều không thể làm trái, thuận Đạo mà hành chính là thuận theo thiên ý.

Chữ “Địa” (地)

Kết cấu của chữ “địa” (地) có bộ “thổ” (土) kết hợp với chữ “dã” (也); “thổ” là thuộc tính của “đất” (地 – địa), còn “dã” (也) là trợ từ ngữ khí, cũng là muốn nói rằng bản chất của địa chính là “thổ”. Trong Hán tự cổ đại, “thiên địa” còn có hàm ý chỉ về thời không, “thiên” đại diện cho thời gian, “địa” đại diện cho không gian. Từ cảnh giới cao tầng mà nhìn, vạn vật chúng sinh và tất cả những gì tồn tại trong thế giới của chúng ta đều là thổ (đất), không khí là thổ, thân thể người là thổ cho đến ngũ hành “kim mộc thủy hỏa thổ” cũng đều là biểu hiện tột cùng của thổ. Trong cái nhìn của sinh mệnh cao tầng, con người đến mặt đất cũng bằng như đang bị vùi trong đất (khi chữ “thổ” [土] ghép với chữ “lí” [里 – nghĩa là bên trong] sẽ tạo thành chữ “mai” [埋] – có nghĩa là chôn, vùi, che lấp). Vậy nên mới nói rằng, con người thời thời khắc khắc đều bị “vùi” trong mê, cái gì cũng không biết, hoàn toàn bị mê lạc tại nơi đây.

Chữ “Nhân” (人)

Kết cấu của chữ “nhân” (人) là một nét phẩy (丿) kết hợp với một nét mác ( 乀 ) , tượng trưng cho một âm, một dương. Theo lý luận của âm dương, thì tinh thần thuộc về dương, vật chất thuộc về âm; tinh thần và nhục thân kết hợp lại thì thành nhân – con người. Một âm một dương ở đây còn để chỉ người nam và người nữ, “cô âm bất sinh, độc dương bất trưởng”. Chữ “nhân” có hình tượng một người khom lưng, chỉ ra đạo lý làm người cần biết khiêm cung. Chữ “nhân” đồng âm với chữ “nhâm” (壬), trong học thuyết ngũ hành, nhâm là một trong mười thiên can, đại biểu cho nước trong biển lớn, nói ra bản chất của thân thể người chính là nước. Mà nước là “thủy”, “thủy” (水) lại đồng âm với “thùy” (谁) là “ai”, bởi thế con người không biết bản nguyên sinh mệnh của mình là ai. Hơn nữa, “thủy” (水) còn đồng âm với “thụy” (睡 – giấc ngủ), là nói con người chấp mê bất tỉnh. Mặc dù vậy, trong văn hóa truyền thống thì ba ngôi “Thiên – Địa – Nhân” được gọi là “tam tài”, thế nên trong trần gian, con người là tôn quý nhất, là anh linh của vạn vật.

Chữ “Khách” (客)

Chữ khách cấu thành từ bộ miên (宀) và bộ các (各). Trong tiếng Hán cổ, bộ “miên” (宀) là chỉ những chỗ ở có mái che, từ đó diễn nghĩa thành nhà, phòng ở, nhà nghỉ, v.v. Chữ “các” (各) có nghĩa là mỗi người. Nó nói lên rằng, mỗi người chúng ta bất luận là sinh sống ở nơi đâu cũng đều từ nơi khác đến, đều đang tha hương trên đất khách. Bởi vì từ nguyên lý thái cực mà xét, vạn vật trần gian, thân thể người đều được cấu thành từ ngũ hành, mà tự kỷ chân chính của chúng ta là nguyên thần, lại không nằm trong ngũ hành, chúng ta đến nơi ngũ hành này và làm khách ở nơi đây. Trong không gian của ngũ hành, thì “Ngũ hành” là chủ, tất cả sự vật đều phải chiểu theo quy luật vận động của ngũ hành. Chúng ta tuy rằng thân tại nơi đây nhưng chưa từng được làm chủ. Lại bởi vì khách phải thuận theo chủ, vậy nên Đạo gia mới giảng vô vi, giảng tùy kỳ tự nhiên. Lão tử có một câu nói: ta không dám làm chủ, chỉ là làm khách (Ngô bất cảm vi chủ nhi vi khách) (Trích “Lão tử” chương thứ 69), cũng là có ý đó.

2. Nhận thức về đại Đạo và sinh mệnh

Chữ “Đạo” (道)

Bổn nghĩa của “Đạo” (道) là chỉ con đường, trong nguyên lý Thái Cực, Đạo là pháp tắc, quy luật của vũ trụ, là căn bản tạo thành thời không vũ trụ và vạn vật chúng sinh. Tất cả tồn tại đều là thể hiện của Đạo, tất cả tư tưởng quan niệm của chúng sinh cũng đều là thể hiện của Đạo trong các cảnh giới và tầng thứ khác nhau. Kết cấu của chữ “Đạo” (道) gồm có hai bộ là bộ “thủ” (首) và bộ “sước” (辶) ghép lại. Hai chấm bên trên chữ “thủ” (首) là chỉ đôi mắt, chữ nhất (一) ở giữa đại biểu cho “nhất tâm nhất ý”; chữ “tự” (自) bên dưới là tự mình, chữ “sước” (辶) ở dưới cùng đại biểu cho sự tiến hành liền mạch, không ngừng nghỉ. Cũng là nói rằng, cần xác định rõ phương hướng, nhất tâm nhất ý tu dưỡng bản thân thì cuối cùng nhất định sẽ đắc Đạo.

Chữ “Sư” (師)

Chữ “Sư” (師) gồm có chữ “nhất” (一) và chữ “soái” (帥). “Nhất” (一) là chỉ về Đạo,  “soái” (帥) chỉ người thống lĩnh, chỉ huy. Bởi vậy chính thể của chữ “sư” (師) nghĩa là người Đạo soái làm sư phụ. Cũng là nói rằng, phàm là người làm thầy thì đầu tiên phải là người truyền Đạo, hiểu Đạo, đắc Đạo. Là học trò, thì tôn sư chính là tôn Đạo, trọng Đạo mới là chân chính tôn sư.

Chữ “Thần” (神)

Kết cấu của chữ “Thần” (神) là chữ “thị” (示 ) thêm vào chữ “thân” (申). “Thị” (示) vừa mang nghĩa chỉ đạo, vừa mang nghĩa triển hiện. Chữ “thân” (申) nghĩa là vươn dài rộng ra, cũng có thể hiểu là diễn hóa hay sáng tạo. Thần là bậc diễn hóa sáng tạo vạn vật, sự tồn tại và sinh cơ bừng bừng của thiên địa vạn vật chính là triển hiện của Thần lực vô biên. Sống thuận theo tự nhiên, trân trọng và hàm ơn thiên địa vạn vật, đó cũng là cách thể hiện sự kính ngưỡng đối với Thần.

Chữ “Phật” (佛)

Kết cấu của chữ “Phật” là một chữ nhân đứng (亻) bên cạnh một chữ “phất” (弗 – trừ bỏ). Từ kết cấu của chữ “Phật” mà nói thì “phất nhân” (弗人), trừ bỏ con người  là thành Phật. Trừ bỏ con người ở đây bao gồm cả nhân và nhục thể. Cao tăng đắc đạo vì sao để lại xá lợi tử hay nhục thân bất hoại mà người thường không có? Là vì thân thể của họ đã không còn là nhục thể người thường nữa, mà đã là vật chất của không gian khác.

Chữ “Tính” (性)

Kết cấu của chữ “tính” (性) là chữ “tâm đứng” (忄) cộng với chữ “sinh” (生). Tâm là  tinh thần, “sinh” là sinh mệnh. Vì vậy, “tính” là chỉ đặc trưng tinh thần của sinh mệnh. “Trung Đường” có câu nói: thiên mệnh chi vị tính – “tính” là đặc tính sinh mệnh sơ khai và nguyên thủy nhất mà Trời ban cho con người. “Tính” cũng được gọi là bản tính, chân tính hay thiên tính. Giới tính nam nữ trong luân hồi không liên quan tới bản tính tiên thiên, mà được an bài theo duyên nợ. Bản tính là có Phật tính, con người trở nên không tốt là bởi vì tư tâm đã làm mê mờ bản tính. Quá trình ngộ Đạo đắc Đạo là quá trình không ngừng loại bỏ tư tâm, tìm về chân tính.

3. Nhận thức về cầu học và ngộ đạo

Chiểu theo lý luận của Đạo gia, con người đến với thế gian không phải để làm người mà là để phản bổn quy chân. Cầu học ngộ đạo như thế nào, trong Hán tự đều có đáp án.

Chữ Trí (智)

Kết cấu của chữ Trí (智) gồm có chữ Tri (知) ở bên trên và chữ Nhật (日) ở bên dưới; Xuất phát từ kết cấu của Hán tự này, thì “Nhật Tri” (日知)  có hàm nghĩa là mỗi ngày đều cần thu thập tri thức, minh bạch đạo lý, kiên trì không buông lơi thì ắt thành bậc Trí giả.

Chữ Huệ (慧)

Hàm nghĩa của Huệ (慧) là thông minh, có tài trí. Đây là một chữ hình thanh kiêm hội ý, kết cấu gồm chữ Tuệ (彗) và chữ Tâm (心), Tuệ là cái chổi dùng để quét dọn rác rưởi bụi bặm, Tâm là chỉ nhân tâm, chỉ các chủng dục vọng chấp trước. Con người không có trí huệ là bởi vì tâm bị bụi trần che mờ, cần thời thời khắc khắc “quét dọn”. Vậy nên chữ này nói rằng, trí huệ của con người đến từ việc không ngừng thanh trừ các chủng nhân tâm của chính mình. Lão tử có câu rằng: Vị học nhật ích, vị Đạo nhật tổn. “Tổn thất” của người cầu Đạo là nhân tâm, từ đó mà sản sinh trí huệ chân chính. Chữ Huệ (慧) và Hội (會) là hai chữ Hán đồng âm, ý vị rằng nếu thường xuyên quét dọn thì nhất định sẽ có lĩnh hội, thu hoạch.

Chữ Ngộ (悟)

Bổn nghĩa của chữ Ngộ có nghĩa là minh bạch, thức tỉnh. Kết cấu của chữ Ngộ là một chữ Tâm đứng (忄) thêm vào một chữ Ngô (吾), Tâm đại biểu cho nhân tâm, chỉ vấn đề tâm tính, Ngô là chỉ bản thân mình. Chữ Ngộ chỉ ra, khi gặp phải sự việc gì đầu tiên cần phải tìm vấn đề tâm tính của bản thân, bởi vì bất kỳ phiền phức gì, về bản chất đều là có quan hệ với tâm tính của tự thân, muốn thoát ra thì nhất định cần phải tìm nguyên nhân từ tâm tính của chính mình, từ đó mới minh bạch.

Chữ Đức (德)

Kết cấu của chữ Đức là gồm một chữ Xích (彳) và 4 chữ Thập (十), Mục (目), Nhất (一), Tâm (心) ghép lại với nhau. Bộ xích là chỉ những bước chân đi chậm rãi, ý nghĩa là nếu muốn có “đức” thì phải tích đức mỗi ngày. Thập Mục (10 mắt) là chỉ mọi người, Nhất Tâm là chỉ sự nhất trí. Trong Thuyết văn giải tự nhìn nhận rằng, chữ Đức (德) có nghĩa là bên ngoài thì đắc được lòng người, bên trong thì đắc tâm nguyện của chính mình. Có câu: dĩ Đức phục nhân (thu phục lòng người bằng đức độ). Đồng thời, chữ Đức (德) còn đồng âm với chữ Đắc (得), nghĩa là có Đức mới có phúc, vô Đức thì vô phúc, có bao nhiêu Đức thì có bấy nhiêu phúc phận, bởi thế cổ nhân có câu: “Thiên hạ duy hữu đức giả cư chi”.

Trên đây là lược giải một số Hán tự tham khảo loạt bài: “Đạo của chữ Hán” trên chanhkien.net. Mỗi chữ Hán cũng có nhiều tầng nội hàm thâm thúy, vừa học chữ vừa học đạo làm người. Quả là mở mang trí tuệ phải không? Nhìn sang những nước láng giềng như Nhật Bản, Đài Loan, những nước vẫn sử dụng Hán tự truyền thống, họ không chỉ giữ gìn tinh hoa cổ truyền như bảo bối, mà còn là cường quốc trong hội nhập và phát triển, trình độ dân trí rất cao. Điều đó phải chăng có liên quan đến ý nghĩa tâm linh của chữ Hán?

Tất nhiên, việc phổ cập chữ quốc ngữ là sự lựa chọn trong những năm tháng khó khăn của lịch sử, khi điều kiện vật chất thiếu thốn không đáp ứng được yêu cầu cấp bách của xóa mù chữ. Nhưng ngày nay điều kiện đã cải thiện rất nhiều, việc đưa chữ tượng hình Hán Nôm vào chương trình học sẽ mang đến rất nhiều lợi ích, đặc biệt là trau dồi nền tảng văn hóa truyền thống. Bài viết này chỉ mong đóng góp một góc nhìn khách quan và chân thực hơn để quý vị đánh giá lợi hại của chữ Hán Nôm. Nếu làm được như người Pháp, duy trì 2-3 giờ dạy chữ Hán và luân lý cho trẻ em mỗi tuần, ngành xuất bản duy trì những tập sách song song chữ Hán Nôm và chữ quốc ngữ, thì đó chính là một cuộc cách mạng trong giáo dục. Tìm về ký tự truyền thống là tìm lại trí nhớ của dân tộc, tìm về tâm linh và bản ngã của chính mình.

Chương trình của chúng tôi hôm nay xin được khép lại tại đây. MC cảm ơn quý vị đã chú ý theo dõi, xin kính chào và hẹn gặp lại quý vị trong những chương trình lần sau.

Exit mobile version